Pages

Thứ Tư, 14 tháng 11, 2012

Lý luận kiểu cái ách


Tạ Duy Anh – Boxitvn
Lâu rồi tôi không đọc báo chính thống mà dân mạng gọi là báo lề phải. Lý do đơn giản là người ta không thể cứ ăn mãi một món, lại là những món chẳng có gì đặc sắc và đều biết trước khi ngồi xuống mâm. Vì thế khi một hôm, qua các trang mạng lề trái (lại theo cách gọi của dân mạng) tôi vô tình đọc được bài của ông Nguyễn Đức Bình, nhà lý luận số một của chính thể ta, thì tôi bỗng toát mồ hôi nhưng người cứ ớn lạnh, gai gạo nổi toàn thân… đúng như triệu chứng của người bị ngộ độc! Hay là mình đang gặp lại ác mộng của hơn bốn chục năm về trước?

Tôi sẽ giải thích ngay vì sao lại có cái cảm giác ấy. Chả là hồi đó tôi độ 12 tuổi, bắt đầu có những “quan sát chính trị” – như lời cha tôi là “tổng bí thư xã” khoe với bạn chiến đấu của ông. Do nhận ra ở đứa con trai còi cọc cái khả năng quan trọng ấy mà ông nuôi ý định đào tạo tôi thành nhà chính trị ngay từ thuở bé. Với ông chính trị là nghề đáng làm nhất, bởi đơn giản nó biến mọi nghề khác thành tay sai cho nó nếu một khi nó đủ mạnh. Học lớp ba bổ túc như ông mà còn hiểu Mác, Lênin, Mao… làm tới Bí thư xã, dưới ai không biết chứ ở trên 15.000 dân (số dân xã cấp I, tức là xã lớn lúc ấy) là điều không phải bàn cãi. Bàn cãi ông tống vào nhà giam của thôn tức khắc và ông đã làm thế vài lần với chính cả người bà con của mình, khi anh ta hay chị ta dám nói bóng gió về những thứ mà họ không bằng lòng, dám xa xôi xỏ xiên một trong những ông lãnh tụ nào đó có ảnh treo kín cả một bức tường nhà tôi.
Vì có ý hướng tôi theo nghiệp chính trị, tức là làm lãnh đạo, mà ngày ngày ông tranh thủ giảng giải cho tôi về lý thuyết Mác-Lênin. Những kiến thức này ông học từ những lớp bồi dưỡng lý luận ngắn ngày, khi thì mở ở tỉnh, khi thì mở ở huyện, giảng viên cũng phần lớn tốt nghiệp lớp 3, lớp 4; hoặc ông nghe lỏm được mỗi khi ngồi chầu rìa mấy bậc đàn anh khi lên huyện, lên tỉnh báo cáo thành tích. Số còn lại ông bê nguyên xi từ cuốn sách duy nhất ông đọc, có tên là Chủ nghĩa xét lại hiện đại Nam Tư-Tito, của một tác giả Trung Quốc, trong đó có chỗ ông tác giả người Tàu gọi Tito là con chó của chủ nghĩa tư bản. Sau này, khi bắt đầu phải học môn chính trị, điều tôi lấy làm kinh ngạc là từ những lời giảng của thầy dạy chính trị lớp 10 (lớp cuối cấp III hồi ấy), đến những lời giảng của thầy dạy chính trị cho lớp trung cấp, rồi lớp đại học tại chức mà tôi bỏ dở, sau này là Trường Viết Văn… vẫn không hơn gì về mặt “kiến thức chính trị” so với những lời bố tôi nhét vào đầu tôi từ tấm bé. Nó vẫn nội dung ấy, những thuật ngữ ấy, những quan niệm ấy, những luận điểm ấy, những khẩu hiệu ấy, những lời tiên đoán hồ đồ ấy và người giảng thì cũng bằng những cung bậc tình cảm ấy… thậm chí họ giống nhau cả từ cách mở miệng, uốn lưỡi, nhấn nhá những từ quan trọng, thì thầm xuống giọng khi nhắc tới tên những lãnh tụ, mặt rạng rỡ khi nói về tương lai của nhân loại lúc mà thế giới đã vào giai đoạn đại đồng, hằn học, chế nhạo khi nói về luận điệu xã hội dân chủ, nhân quyền mà bọn tư bản bám vào để chống lại quan điểm chuyên chính vô sản của những người cộng sản. Và từ bố tôi cho tới những ông, bà “thợ nói” kia có thêm điểm chung là nói không biết mệt, không biết chán và không biết ngượng, bọt mép đều vón cục hai bên (sau này tôi thấy họ còn có điểm chung nữa là đều khổ cực, bị xa lánh và vỡ mộng lúc cuối đời, như một thứ quả báo nhãn tiền!).
Những bài giảng nhanh nhách và vô bổ ấy, kéo dài suốt hàng chục năm với mỗi đời người của thế hệ chúng tôi (với những người theo học cao cấp chính trị thì thời gian còn dài hơn), thực sự trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng của một thời tuổi trẻ. Trên thực tế, những năm tháng u buồn ấy, hình ảnh minh hoạ sống động của cái lý thuyết ấy, với chúng tôi chính là một cơn ác mộng dài dằng dặc về sự đói khát, nỗi sợ hãi, sự lừa dối. Nó khiến không ai trong chúng tôi dám nói công khai điều mình nghĩ trong đầu, dám sống như mình muốn…
Chẳng hạn những nội dung như thế này thì từ bốn mươi năm trước tôi đã nghe từ miệng bố mình:
“Lịch sử thế giới không gì khác là lịch sử ra đời, phát triển, rồi suy vong của các hình thái kinh tế – xã hội, là lịch sử thay thế lẫn nhau hợp quy luật giữa các hình thái kinh tế – xã hội từ thấp lên cao”.
“Rõ ràng, cái vỏ tư nhân tư bản chủ nghĩa đã quá chật chội so với nội dung sức sản xuất đồ sộ mà nó chứa đựng; thậm chí quá chật chội cả với hình thức sở hữu tư bản độc quyền tư nhân. Chính chủ nghĩa tư bản  một cách khách quan – đang tự phủ định mình và đang “làm việc” chuẩn bị cho tương lai chủ nghĩa xã hội”.
“Đó là mâu thuẫn ngay giữa các nước tư bản chủ nghĩa, giữa các tập đoàn tư bản với nhau. Đó là mâu thuẫn giữa tăng trưởng của cải với phân phối không công bằng dẫn tới phân cực giàu nghèo ngày càng tăng giữa các quốc gia và trong mỗi nước, giữa trung tâm với ngoại vi, giữa phương Bắc với phương Nam, phân cực giàu nghèo ngày càng tăng ngay trong lòng các nước tư bản phát triển. Đó là mâu thuẫn giữa tăng trưởng kinh tế với tình trạng xuống cấp của văn hóa, đạo đức xã hội”.
“Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh từ năm 1930 đến nay và mãi từ nay về sau là chủ thuyết cách mạng nhất quán của Việt Nam, dứt khoát không thay đổi và không ai có thể thay đổi”.
Những gì vừa dẫn từ bài viết của Nhà lý luận số một của chế độ – ông Nguyễn Đức Bình – thực ra đều được ông chép ra – với chút ít xào xáo lại – từ chỗ nọ chỗ kia trong những cuốn sách [sơ giản] của Mác, Lênin, Ăng-ghen, vài người khác và của chính ông Bình. Chẳng hạn như đoạn sau đây là lấy từTuyên ngôn của đảng cộng sản được cắt dán qua loa và kém hay hơn rất nhiều so với những lời của Mác, Ăng-ghen.
“Với nền đại công nghiệp, nó đã tạo ra thị trường thế giới thay cho tình trạng biệt lập trước đó của các địa phương và các dân tộc vốn trong nền kinh tế tự cung tự cấp. Do xâm chiếm thuộc địa, bóp nặn thị trường thế giới, chủ nghĩa tư bản đã làm cho sản xuất và tiêu dùng của tất cả các nước mang tính thế giới. Chính chủ nghĩa tư bản đã có công làm cho lịch sử biến thành lịch sử thế giới” (Nguyễn Đức Bình”.
Để có sự đối chứng, tôi xin chép nguyên văn một đoạn trong Tuyên ngôn của đảng cộng sản:
“Do bóp nặn thị trường thế giới, giai cấp tư sản đã làm cho sản xuất và tiêu dùng trong tất cả các nước mang tính chất thế giới. Mặc cho bọn phản động đau buồn, nó đã làm cho công nghiệp mất cơ sở dân tộc. Những ngành công nghiệp dân tộc đã bị tiêu diệt và đang ngày càng bị tiêu diệt. Những ngành công nghiệp dân tộc bị thay thế bởi những ngành công nghiệp mới, tức là những ngành công nghiệp mà việc thu nhập chúng trở thành một vấn đề sống còn đối với tất cả các dân tộc văn minh, những ngành công nghiệp không dùng những nguyên liệu bản xứ mà dùng những nguyên liệu đưa từ những miền xa xôi nhất trên trái đất đến và sản phẩm làm ra không những được tiêu thụ ngay trong xứ mà còn được tiêu thụ ở tất cả các nơi trên trái đất nữa. Thay cho những nhu cầu cũ được thoả mãn bằng những sản phẩm trong nước, thì nảy sinh ra những nhu cầu mới, đòi hỏi được thoả mãn bằng những sản phẩm đưa từ những miền và xứ xa xôi nhất về. Thay cho tình trạng cô lập trước kia của các địa phương và các dân tộc vẫn tự cung tự cấp, ta thấy phát triển những quan hệ phổ biến, sự phụ thuộc phổ biến giữa các dân tộc. Mà sản xuất vật chất đã như thế thì sản xuất tinh thần cũng không kém như thế. Những thành quả của hoạt động tinh thần của một dân tộc trở thành tài sản chung của tất cả các dân tộc. Tính chất đơn phương và phiến diện dân tộc ngày càng không thể tồn tại được nữa; và từ những nền văn học dân tộc và địa phương, muôn hình muôn vẻ, đang nảy nở ra một nền văn học toàn thế giới”
Nhưng tôi không có thời gian và hứng thú để nói về thói quen làm việc theo kiểu rất Việt Nam ấy của các lý thuyết gia chính trị nước nhà. Họ có muốn nói khác đi, có muốn đưa sự sáng tạo của mình bằng vài chủ ý riêng cũng không được, kể cả phát hiện ra ai đó dịch sai tài liệu nước ngoài du nhập vào cũng không được phép dịch lại, khi mà ý dịch sai đó đã thấm nhuần vào quần chúng và “trở thành sức mạnh vật chất”? Kẻ nào làm thế sẽ bị coi là xét lại, một trọng tội, có thể khiến tàn đời. Trong bài viết này, tôi chỉ muốn nói lên tâm trạng của mình trước những gì tôi đọc được từ bài của ông Nguyễn Đức Bình.
Khi Liên Xô và Đông Âu sụp đổ – phần lớn vì vấn đề đạo đức [và quản lý kinh tế xã hội quá yếu kém] –, khi Trung Quốc chuyển sang chế độ tư bản (trước đó nữa là khi chính quyền của các đồng chí cộng sản Pôn-pốt, học trò cưng nhất của Mao, hàng cháu của Staline ăn ghém 2 triệu dân Campuchia chỉ trong vòng chưa đầy 4 năm, tốc độ nhanh hơn cả các bậc thầy xét về tỉ lệ dân số – bị tiêu diệt mà Việt Nam chúng ta góp công lớn)… người ta có lẽ tin rằng chỉ còn Chủ nghĩa xã hội thực sự ở Bắc Triều Tiên – địa ngục trần gian cuối cùng của nhân loại và một phần nào Cu-ba (Nói phần nào Cu-ba vì đất nước này đang thay đổi, sẽ vụt một cái quá độ lên chủ nghĩa tư bản dân chủ nay mai).
Thôi thì cũng đáng để mặc niệm cho cái mô hình ấy một phút vì công bằng mà nói thì nó đã tạo ra sự thay đổi lớn cho thế giới, ít nhất cũng khiến Chủ nghĩa Tư bản bớt dã man hơn, phải chủ động điều chỉnh nhanh hơn để được như ngày nay. Những người sáng tạo ra nó, về cơ bản là những nhà nhân đạo chủ nghĩa – xứng đáng được nhân loại ghi nhớ theo một cách thức nào đó. Nhưng đó là chuyện khác không bàn ở đây. Nhờ cú huých từ những sự kiện động trời ấy của nhân loại như đã kể trên kia, nhờ sự thức tỉnh đầy lương tri của một số lãnh đạo Cộng sản có đầu có thực tế và tinh thần dân tộc mà nước Việt Nam quyết tâm Đổi Mới, thực chất là từ bỏ mô hình kinh tế cũng như một phần những giáo điều chính trị cũ kỹ. Và cho dù những bước đi còn rất chập chững, đầy cảnh giác thì, nhờ nội lực dân tộc vốn rất mạnh nhưng bị nén xuống quá lâu bởi sự lạc hậu của cơ chế nay được tự do bật dậy với khát khao làm giàu, cũng đã tạo ra những tiến bộ vượt bậc về kinh tế (điều này không cần bàn cãi). Ngoài ra, có thể nói Đổi Mới ở Việt Nam là quá trình gia nhập dần dần vào con đường chung của nhân loại, con đường không nước nào muốn được công nhận văn minh lại có thể bỏ qua (mà trước đó chúng ta vẫn kiên định từ chối) như chấp nhận thị trường, chấp nhận quy luật giá trị, từ bỏ kinh tế kế hoạch, chấp nhận nhiều dạng sở hữu cùng hàng loạt luật lệ nhân bản khác ở những mức độ khác nhau. Quá trình này có lúc nhanh, lúc chậm, lúc lưỡng lự, do dự, dậm chân tại chỗ… nhưng cho đến nay nó chưa cho thấy dấu hiệu nào sẽ quay lại thời kỳ mông muội trước Đổi Mới.
Theo cùng với nó là việc từng bước giải chính trị hoá đời sống. Tức là đời sống được thể hiện nhiều mặt tự nhiên, hài hoà như nó vốn có, chứ không còn bị đóng vào cái khung chính trị và bị điều khiển như trước. Nhờ thế mà chúng tôi cũng thoát cái nạn ngày ngày, tháng tháng phải nghe ra rả những điều khiến mụ mị đầu óc. Bộ môn chính trị vẫn là bộ môn bắt buộc trong chương trình đào tạo đại học, nhưng cả thầy lẫn trò đều hiểu ngầm nó là thứ học làm phép, học chẳng để làm gì, bởi trước sau nó cũng bị gạt ra lề và để đến cái ngày ấy thì cần có một thời kỳ quá độ. Ai cũng hiểu như vậy, không thể tước bỏ ngay lập tức sự sỹ diện chính trị. Ngay cả đứa trẻ con thì cũng hiểu rằng, không có bất cứ lý do và động cơ nào đòi xã hội quay trở lại thời kỳ “làm chủ tập thể, kinh tế quốc doanh”, mọi của cải lại sung công, lại quốc hữu hoá để nó có vẻ mặt xã hội chủ nghĩa như trước kia, ngoại trừ cả dân tộc đồng lòng tự sát.
Không ai, không lực lượng nào làm nổi điều đó nữa, nhất là khi đã có bài học kinh hoàng từ Campuchia, từ Liên Xô, Đông Âu và tấm gương nhãn tiền Bắc Triều Tiên còn lù lù ra đó. Trong khi khắp nơi ở Đông Âu dân chúng kéo đổ tượng Lenine, ném cả dép vào mặt ông (như mới đây tại Mông Cổ), trong khi ở chính quê hương ông trên mọi con đường ngõ phố phần lớn mọi người, kể cả những người không chấp nhận thể chế chính trị hiện hành, đều tìm cách tẩy sạch bất cứ thứ gì gợi nhớ đến thời Xô-viết, thì ở ta thỉnh thoảng đọc báo, nghe đài, vẫn thấy cụm từ “sức sống mãnh liệt chưa từng có của tư tưởng Lenine”. Nghe còn hơn nghe chuyện cười. Nhưng hoá ra vẫn còn có những chuyện đáng cười hơn, đến cấp hài, chẳng hạn như lý luận kiểu cái ách sau đây của ông Nguyễn Đức Bình:
“Bởi vì, nếu thời đại hiện nay không còn là thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới nữa, thì đất nước Việt Nam chúng ta, Đảng Cộng sản Việt Nam từ nay sẽ đi theo con đường nào?”
Đúng là, cứ theo giả thiết trên, không có cái ách thì con vật tên là trâu không thể đi lại, ăn uống, ngủ nghê, sinh đẻ! Có đáng cười phá lên không? Chả lẽ cứ phải có yếu tố thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội, thì dân tộc Việt Nam mới có lý do để phát triển hay sao? Vậy mấy ngàn năm qua ông bà ta theo con đường nào mà đất nước thuộc loại hùng mạnh nhất nhì khu vực? Tại sao lại đặt cho đất nước cái điều kiện oái oăm ấy, theo kiểu mua dây buộc mình, mà ở đây là cái ách mang tên thời đại do vài người chủ quan tưởng tượng ra? Những nước khác xung quanh họ đâu cần tớiThời đại quá độ kia mà vẫn tiến ầm ầm, không những dân họ giàu, nước họ mạnh mà họ lại rất ít kẻ thù.
Ông Nguyễn Đức Bình không phải lo đất nước của chúng ta sẽ không có con đường nào để đi (ông lo cho đảng của ông thì có thể hiểu được). Bởi vì thưa ông Nguyễn Đức Bình, chúng ta chỉ việc đi theo con đường khôn ngoan mà nhân loại đang đi, đó là con đường tiến tới một xã hội dân chủ. Mọi cái đích đều phải đến đó, ngoại trừ người ta không thích sống cho ra sống. Ngoài con đường này ra, có lẽ lại phải chờ Mác tái thế để chỉ tiếp, sau 5 hình thái xã hội, thì hình thái thứ 6 là gì? Bởi theo học thuyết mà ông tôn thờ, thì nhất định phải có hình thái xã hội sau chủ nghĩa cộng sản, như chính quy luật ông nhắc bạn đọc nhớ lại: “Lịch sử thế giới không gì khác là lịch sử ra đời, phát triển, rồi suy vong của các hình thái kinh tế – xã hội, là lịch sử thay thế lẫn nhau hợp quy luật giữa các hình thái kinh tế – xã hội từ thấp lên cao”.
Bố tôi cũng thuộc thế hệ ông Nguyễn Đức Bình nhưng sự cuồng tín của ông thì khủng khiếp hơn bất cứ kẻ cuồng tín nào. Tôi có thể khẳng định bố tôi yêu lý tưởng cộng sản hơn ông Nguyễn Đức Bình nhiều lần, ít ra thì cũng vô vụ lợi hơn. Bằng chứng là ông đã hiến nhà cửa cho tập thể, bắt chúng tôi sống trong ngôi nhà ông nội tôi định xây làm chuồng trâu, y như cái hang, ban ngày tối như ban đêm, suốt cả thời thơ bé. Ông sẵn sàng hy sinh nốt con cái nếu được tổ chức yêu cầu. Bố tôi không chỉ nói ra miệng điều đó, rằng đảng là quan trọng, chủ nghĩa cộng sản là quan trọng chứ mạng sống của vài người thân là cái gì, gia đình, dòng họ càng chả là cái gì! Bố tôi tuyệt đối tin vào lý tưởng, thông qua những gì ông nghe người khác nói. Họ bảo sao ông cũng tin. Chúng tôi được ông truyền cho niềm tin rằng, đến năm 1980 chủ nghĩa xã hội sẽ hoàn thành ở miền Bắc. Đơn giản vì một lãnh tụ của Đảng, thế hệ đàn anh của bố tôi và ông Nguyễn Đức Bình, đã nói chắc hơn đinh đóng cột như vậy, rằng sau 3 năm khôi phục kinh tế và sau ba kế hoạch 5 năm, là miền Bắc hoàn thành việc xây dựng chủ nghĩa xã hội! Đố ai dám nghi ngờ! Nhẩm tính nhanh thì cái thời điểm đó là năm 1980, đúng vào thời điểm ông Kim Ngọc phá rào, chấp nhận chết oan ức để hàng vạn người dân đồng bào ông không chết đói, còn với ngôn ngữ ác khẩu của bố tôi thì “năm đó đúng vào năm đến cái quần đùi cũng đ. có để mặc”.
Nhưng bố tôi khác ông Nguyễn Đức Bình là ông không được học những lớp chính trị quy mô – có lẽ vì thế mà ông sớm tiệm cận chân lý hơn chăng – nên còn có thêm điều khác thứ hai của bố tôi so với ông Nguyễn Đức Bình, khi vào những ngày cuối đời, bố tôi ngộ ra rằng, ông đã sai và muốn xin lỗi những người vì tin ông mà khổ. Những người đó nhiều lắm cũng chỉ đến con số vài trăm hoặc vài ngàn.
Tôi tin rằng, bằng lời sám hối muộn ấy, ở thế giới bên kia ông đã được tha thứ.
Thế còn ông Nguyễn Đức Bình, bao giờ thì ông mới ngộ như bố tôi. Đọc những điều ông viết cho thấy không nên mong chờ ở ông điều ấy. Nhưng tôi vẫn muốn nhắc ông bây giờ không còn là thời: “Ta vì ta ba chục triệu người / Cũng vì ba ngàn triệu trên đời” như Tố Hữu viết cách đây nửa thế kỷ.Bây giờ là thời mỗi dân tộc cần có một sự lựa chọn uyển chuyển và thông minh để trở nên giàu có, văn minh và bảo toàn cương vực cũng như nòi giống mình. Không ai lo giúp chúng ta điều đó đâu. Cũng không ai khiến chúng ta phải chiến đấu với mục tiêu giải phóng cho họ, khi mà chính họ đang sung sướng, hạnh phúc, tự do hơn chúng ta cả trăm lần. Người dân Việt Nam phải có nghĩa vụ bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa, bảo vệ lãnh thổ ông bà từ ngàn đời để lại – là điều không phải bàn cãi, chứ không thể bắt họ phải bảo vệ bức tường Bec-lin chẳng liên quan gì đến họ. Càng không thể đóng ách lên cả dân tộc rồi cứ bắt họ mang theo mà không biết sẽ đi đâu. Các nước xung quanh chúng ta, với điểm xuất phát còn thua kém chúng ta, vậy mà giờ đây họ luôn cách chúng ta hàng chục năm, thậm chí hàng vài chục năm.
Chủ nghĩa Tư bản giờ đây so với nửa thế kỷ trước là cả một trời một vực về mặt tử tế. Họ là ai không quan trọng, mà quan trọng hơn là những gì thuộc về thành tựu lớn nhất của nhân loại, cả trong lĩnh vực khoa tự nhiên lẫn khoa học nhân văn đều xuất phát từ họ. Theo cái biểu đồ đó thì bao giờ chúng nómới diệt vong như tiên đoán mà ông Nguyễn Đức Bình tin theo? Hãy nghĩ cách bằng họ, hoặc kém thì cũng kém ít thôi, chứ đừng mơ hão đưa thế giới đến đại đồng. Nguy hiểm hơn lại còn bắt hàng triệu người cũng phải mơ theo mình. Giờ đây là lúc đất nước cần lương tri, lòng trung thực, sự can đảm chứ không cần những pha biểu diễn lập trường vô bổ. Đôi khi tôi tự hỏi, ông Nguyễn Đức Bình thiếu thực tế hay tự bịt mọi cánh cửa mở ra thế giới? Bởi chỉ cần ông nhấn chuột một cái thôi ông cũng có đủ thông tin cần thiết để thấy mấy nước Đông Âu đang sống và phát triển thế nào sau khi họ từ bỏ chủ nghĩa xã hội, thoát khỏi cái ách ý thức hệ.
Người viết bài này ghi nhận ở ông Nguyễn Đức Bình hai điều. Thứ nhất là ông đã không còn coi Lão Tử là kẻ hư vô (và phản động) khi trích dẫn: “Biện chứng “vật cực tắc phản” (Lão Tử) tất sẽ đưa chủ nghĩa tư bản đến chỗ diệt vong, đến chỗ được thay thế bằng chế độ xã hội mới tiến bộ, văn minh hơn”. Điều đó cho thấy những bậc thầy toàn năng, không bao giờ sai, bất khả xét lại của ông đã không còn đủ cho ông.
Thứ hai, ông chỉ giúp cho những ai chưa đọc Lenine, Staline thấy rõ điều phát hiện rất chính xác sau đây, chính xác bởi “đã là nước phát triển” thì chẳng ai dại dột quay lại bắt đầu quá trình tiến tới “cái đích” làm nước kém phát triển vĩnh viễn:
“So với các nước phát triển, ở các nước kém phát triển cách mạng xã hội chủ nghĩa bắt đầu có thể tương đối dễ, nhưng để đưa đến đích cuối cùng, trọn vẹn chủ nghĩa xã hội, thì khó khăn hơn rất nhiều”.
Nhân đây, người viết bài này cũng muốn hỏi ông hai câu:
Một là: ông căn cứ vào đâu khi kết luận:
Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh từ năm 1930 đến nay và mãi từ nay về sau là chủ thuyết cách mạng nhất quán của Việt Nam, dứt khoát không thay đổi và không ai có thể thay đổi.
Và hai là:
“Chuyển đổi” sang con đường tư bản chủ nghĩa chăng? Đã có “kiến nghị” như thế. Tuy nhiên, nhân dân không thể đồng tình.
Tại sao ông biết Mãi từ nay về sau và Nhân dân không thể đồng tình?
Đoán mò cũng không nên nói lấy được như vậy. Bởi vì có ai hỏi nhân dân đâu mà biết họ không thể đồng tình? Có cho họ nói thật đâu mà biết họ nghĩ gì? Những gì xảy ra ngay trước mắt mà còn không đoán được, nữa là mãi về sau? Tốt nhất là chỉ nên một mình mình mang lấy thứ mà không ai muốn, ấy là đạo của người tử tế vậy.
Cũng may cho ông Nguyễn Đức Bình, ngày nay những người trẻ tuổi mới là những người sẽ quyết định tương lai của họ. Và nếu như thế là dân tộc ta còn có phúc. Tôi tin rằng họ sẽ rộng lòng tha thứ cho lỗi lầm của cha anh, điều mà chính cha anh của họ, vì những tín điều nguỵ tạo ngăn trở không thể làm được. Đọc xong bài của ông, quả thật có độ vài giây tôi cứ ngỡ mọi chuyện lại quay về như cách nay mấy chục năm từ lúc nào mà mình không biết. Nhưng tôi chỉ giật mình theo bản năng thôi, một phần xuất phát từ nỗi lo cho con cháu mình, phần khác là phản ứng thuần tuý thói quen do hoàn cảnh tạo nên, chứ tôi biết rất rõ, bằng một lý trí hoàn toàn sáng suốt, rằng những điều ông Nguyễn Đức Bình nói, và cả chính ông, ĐÃ VĨNH VIẾN THUỘC VỀ QUÁ KHỨ.
Hà Nội ngày 8 tháng 11-2012
T.D.A.
(Rút từ cuốn Nghĩ mãi không ra)
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Không có nhận xét nào: