Pages

Chủ Nhật, 23 tháng 12, 2012

Đặng Hùng Võ – lấy nhục làm vinh!?


Minh Diện
dang hung voMột khuôn mặt ngắn, vuông chằn chặn, giống y hệt mặt Phật Di Lặc, cái  trán hói tận sau gáy, hai vệt lông mày bện thừng, cái miệng cười hết cỡ giữa đám râu rậm rạp, một thân hình thấp bé dị dạng trong  bộ đồ jean, hai tay khua khoắng đồng điệu với cái miệng cười tươi, Đặng Hùng Võ giống một thương gia buôn chuyến, một thuyết trình viên hài hước hơn một chính khách đạo mạo, hoặc giả vờ đạo mạo!
Ấy thế mà Đặng Hùng Võ chẳng những đã làm chính khách, mà còn tỏa sáng  suốt 5 năm ở cương vị thứ trưởng Bộ tài nguyên môi trường,  được bộ trưởng Mai Liêm Trực cực kỳ quý mến, và  sau đó lại được ê-kíp mới sử dụng làm cố vấn cao cấp.

Nhắc đến Đặng Hùng Võ, người ta nhớ  đến  bộ Luật đất đai 2003, mà ông là trưởng nhóm biên soạn, hoàn thành chỉ trong vòng mấy tháng, và ông được gọi là “ Võ đất” từ đó, cũng như Trần Xuân Giá là  “cha đẻ” Luật Doanh nghiệp.
Hình ảnh Đặng Hùng Võ thường xuất hiện trên tivi đã quá quen thuộc với gương mặt tươi rói,  cười tít mắt, nói năng lưu loát , toát lên sự sung mãn thể chất và tinh thần , mà như ông tự nhận “cái tâm của tôi trong nên lúc nào cũng cảm thấy sảng khoái”.
Nhưng bây giờ nụ cười ấy hình như đã tắt trên môi Đặng Hùng Võ, mặt ông xuất hiện nhiều nếp nhăn sâu, không hồng hào tươi tốt mà héo đi như cây thiếu nước.
Người ta nói: tướng tại tâm! Điều gì khiến tướng cách “Võ đất” suy sụp như vậy?
Nhớ lại ngày 8-11-2012, Đặng Hùng Võ được Bộ tài nguyên môi trường “cho mượn cái văn phòng cũ” để gặp  đại diện của bà con Văn Giang. Tại đây với một thái độ cởi mở, thành thật, Đặng Hùng Võ thừa nhận mình đã sai khi thay mặt Bộ tài nguyên mội trường ký hai tờ trình số 14/TTr-BTNMT và số 99/TTr-BTNMT gửi Thủ tướng chính phủ, là nguyên nhân dẫn đến việc Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký quyết định thu hồi đất trái luật, không được sự đồng thuận của dân, dẫn đến cuộc cưỡng chế lửa khói gậy gộc căng thẳng như một cuộc chiến tranh.
Ngày hôm  đó, Đặng Hùng Võ nói : “Tôi thừa nhận thẩm quyền ký thu hồi đất trong vụ này không đúng, hay hiểu cách khác là, đã làm sai thẩm quyền, làm thất thoát cho bà con là lỗi tại tôi!”
Lần đầu tiên một chính khách của Việt Nam cỡ thứ trưởng công khai  nhân lỗi trước dân, cũng là lần đầu tiên một người đã nghỉ hưu quay lại nơi mình từng làm việc để trả lời, và nhận trách nhiệm việc mình đã làm trong quá khứ.
Cách hành xử của giáo sư Đặng Hùng Võ trái với truyền thống công bộc nước ta từ xưa đến giờ: Khi về hưu, thậm chí chuyển công tác chỗ khác, vỗ đít đứng dậy khỏi cái ghế đã ngồi là rũ bỏ hết trách nhiệm, nói cách khác, “hạ cánh an toàn!”. Tám năm trước có một trường hợp không rũ bỏ được, là thứ trường Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Quang Hà liên quan đến vụ án Lã Kim Oanh, nhưng đó là một ngoại lệ.
Cách hành xử của Đặng Hùng Võ đã đẩy ông vào thế kẹt giữa “hai làn đạn”: Dân Văn Giang truy đến cùng để yêu cầu khắc phục cái sai do ông gây ra, trả lại đất cho họ, các quan chức Bộ tài nguyên môi trường nói riêng, giới quan chức nói chung, bực tức vì ông Võ đã tạo ra một tiền lệ làm khó cho họ. Hình như “làn đạn” bên công quyền dữ dội hơn “làn đạn” bên dân đen.
Giữa hai làn đạn ấy, Đặng Hùng Võ ứng biến ra sao?
Trong lá thư mới đây gửi  bà con Văn Giang, ông Võ viết: “Tôi nhận mình sai dễ dàng như thế, vì lúc đó chưa ý thức được rằng từ cái sai của mình có thể dẫn đến cái sai của việc Thủ tướng chính phủ thực hiện thẩm quyền của Chính phủ trong suốt 10 năm, từ 15-10-1993 đến 30-6-2004,  là vấn đề rất lớn”.
Bây giờ lại lòi ra  cái sai “thực hiện thẩm quyền của Chính phủ kéo dài suốt 10 năm”, nghĩa là vi hiến suốt 10 năm?  Đặng tiên sinh không nói rõ, mà tỏ  ra vô cùng ân hận, sợ hãi vì trót mắc sai lầm nhận lỗi trước dân, nên dắt díu đến  chuyện đó.
Đăng Hùng Võ nói rằng, hôm đó cô con gái cưng Kha Du của ông phải nhập viện vì sốt, và ông cũng sốt rất cao nên “tôi rơi vào trạng thái bất ổn định ,không còn tỉnh táo”  mới dẫn đến việc nhận cái sai  ấy.
Bây giờ “tỉnh táo” lại rồi, Đặng Hùng Võ thấy mình nhận sai khi ký hai tờ trình và nhận lỗi trước dân là quá vội vàng hấp tấp!? Bây giờ theo ông, hai tờ trình ấy không quan trọng bằng  tờ trình của Uỷ ban nhân dân tỉnh Hưng Yên gửi lên Thủ tướng, vì Thủ tướng căn cứ vào đó để ký quyết định thu hồi đất, chứ không phải do tờ trình của Bộ tài nguyên môi trường!?
Chao ôi, vậy ông giải thích sao đây khi chính ông thừa nhận “Tờ trình của Bộ tài nguyên môi trường căn cứ vào kết quả thẩm tra xem xét tờ trình của tỉnh”, có đúng với pháp luật chưa? có đúng quy hoạch không? có tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội hay không?  Ông đã kiểm tra chưa, kiểm tra như thế nào trước khi nhúng bụt ký tờ trình Thủ tướng? Thử hỏi, nếu ông không thay mặt Bộ tài nguyên môi trường ký tờ trình thì phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có ký quyết định thu hồi đất không? Bộ tài nguyên môi trường vừa là “thủ kho” vừa lả người bảo vệ kho tài nguyên đất đai, mà vung tay ký bừa như ông , rồi bây giờ lại đánh bùn sang ao khuấy loãng trách nhiệm?
Hôm trước Đặng Hùng Võ nói, có văn bản của Thủ tướng yêu cầu phải làm nhanh thủ tục thu hồi đất đổi công trình, nay, ông Võ lại nói với bà con Văn Giang :“Việc bà con đòi văn bản chỉ đạo của Thủ tướng về việc thu hồi đất là không thể, vì chỉ đạo của Thủ tướng, của Bộ trưởng không phải lúc nào cũng bằng văn bản, văn bản chỉ cho những người ngoài hệ thống hành chính phải thực hiện”. Người ta nói “miệng quan trôn trẻ” quả không sai ở trường hợp này, Võ tiên sinh ạ!
Sau khi cố tẩy xóa dấu vết cuộc đối thoại ngày 8-11-2012 với đại diện dân Văn Giang, Đặng Hùng Võ tỏ ra mệt mỏi, và khuyên bà con : “Tôi thực sự cảm thấy mệt mỏi về việc cứ mãi tranh cãi đúng sai theo cách thức gặp gỡ thế này. Cả tôi và các bác đều phải tiết kiệm  tiền bạc, và thời gian, sức khỏe để làm những việc thực sự hiệu quả cho mình và mang lại lợi ích cho đất nước, đều không muốn mình bị lợi dụng vào việc gây tác động xấu tới an ninh xã hội!”
Ô hay, sao lại có kẻ xấu len lỏi vào đây để lợi dụng gây tác động xấu đến an ninh xã hội nhỉ? Chẳng những lợi dụng dân, mà lợi dụng cả một giáo sư tiến sỹ tài năng và bản lĩnh, nguyên thứ trưởng? Người dân Văn Giang mất đất, mất kế sinh nhai vì ông, nên họ nắm áo ông đòi, không ai xui họ cả. Vì người mất đất, kẻ hưởng lợi mà gây nên cảnh chia rẽ, thậm chí đánh đấm nhau, ảnh hưởng xấu an ninh xã hội, không có thế lực thù địch nào tự nhiên nhảy vào lợi dụng cả. Ở bất cứ quốc gia và chính thể nào cũng tồn tại  sự đối lập và cả những phe phái mâu thuấn đối kháng, đó chính là chất xúc tác để chính phủ điều hành đất nước tốt hơn, dân chủ hơn.
Đọc lá thư của giáo sư Đăng Hùng Võ tôi cảm thấy đáng thương và đáng buồn cho nhân cách và bản lĩnh của một người từng được coi là trí thức hàng đầu của Việt Nam. Một người tự khoe rằng : “Các tổ chức quốc tế  đánh giá cao cái tài và cái tâm của tôi, viết gì cũng sâu sắc, nói gì cũng thành tâm, làm gì cũng trách nhiêm!”
Một người viết gì cũng sâu sắc, nói gì cũng thành tâm, làm gì cũng trách nhiệm, mà mười năm trước ký công văn cho Cao Minh Huệ, giám đốc Sở Tài nguyên môi trường tỉnh Bình Dương, bán gần một ngàn héc-ta đất của nhà nước chia nhau mấy trăm tỷ đồng, đã phải ngồi trước cơ quan điều tra để trả lời vềcái gọi là “cú bắt tay bạc tỷ”? Một người như vậy mà ký một lúc hai tờ trình sai quấy gây bấn loạn lòng dân, đã nhận sai rồi giờ lại đổ vấy cho người khác?  Cũng con người ấy  hèn nhát đến mức kéo cả đứa con bé bỏng của mình vào cuộc  để lí giải cho cái gọi là “vì không tỉnh táo nên nhận lỗi vội vàng”?
Một con người như vậy nhẽ ra không nên tồn tại ở Đăng Hùng Võ, vì ông là người học hành tử tế,và có ý thức rất rõ rệt về hành vi của mình. Hãy nghe ông nói: “Có thể một chữ ký của mình, một người nào đó đòi được đất, nhưng khiến cho một cán bộ bị kỷ luật. Bất cứ hành vi nào của người quản lý phải ý thức được là nó tác động đến người khác rất nhiều!”
Hành vi của Đặng Hùng Võ đã, đang tác động lên hàng ngàn bà con nông dân Văn Giang, làm ảnh hưởng đến chính sách về nông nghiêp, nông thôn, đến an ninh chính trị và xã hội, làm mất niềm tin vào đảng và chính phủ. Ông phải ngẩng đầu lên đối mặt với nó, nhìn thẳng vào sự thật để giải quyết, đừng làm con kỳ đà rúc đầu vào cát !
Con người ta không ai có thể tránh được khuyết điểm, sai lầm thậm chí tội lỗi trong suốt cuộc đời của mình. Một chính khách dù tài ba lỗi lạc như nguyên Tổng thống Mỹ Rudoven, như lãnh tụ Ấn Độ,  M. Gandi cũng mắc rất nhiều sai lầm, vì đó cũng là những con người. Nhân dân tha thứ cho họ, lịch sừ vẫn tôn vinh họ. Nhưng nếu như họ chối bỏ trách nhiệm, không trung thực và quay quắt theo kiểu “lựa lửa trên đầu mà đồi sắc phù sa!” kiếm chỗ yên thân thì không chỉ khi sống mà lúc chết họ vẫn bị phỉ nhổ.
Là một thảo dân, xin mượn ý tứ câu nói của cụ Nguyễn Công Trứ, tôi khuyên giáo sư Đặng Hùng Võ, nếu đúng như ông đã nói rằng ông làm quan không thấy vinh, thì bây giờ ông hãy gượng đứng dậy làm một người dân không thấy nhục. Vinh và nhục dù là hai phạm trù đối kháng nhưng nó luôn tồn tại trong mỗi chúng ta ông ạ!
M.D.

Không có nhận xét nào: