Pages

Thứ Tư, 12 tháng 12, 2012

Quốc hội cần một cây búa!

buaCó tới 3 phát biểu nhắc đến chuyện “cây búa” trong phiên khai mạc phiên họp  Ủy ban thường vụ Quốc hội thứ 13 sáng qua.
Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn là người đầu tiên nói đến việc “Cần một cái búa để gõ” khi ông phát biểu về chất lượng phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 4, QH khóa XIII: “Nhiều câu hỏi (của các vị ĐBQH) các Bộ trưởng không trả lời được. Sau khi nghe trả lời xong càng bực thêm”- Phó Chủ tịch QH nhận xét. Ông đề nghị “Các Bộ trưởng vòng vo, nêu thành tích, hay trả lời quá dài thì phải cắt thôi”. Và đó là bối cảnh cho câu chuyện cây búa với ý nghĩa như một công cụ duy trì kỷ luật nghị trường. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng xen ngang “Các nước họ tặng nhiều búa, mang về đây nhiều lắm rồi”. Ông Sơn liền đó khẳng định “Gõ”, “Phải gõ chứ sao không”. 30 phút sau đó, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nói đến chuyện cây búa: “Chẳng lẽ tư bản thì cần búa còn xã hội chủ nghĩa thì không?”.

Là người thường xuyên điều hành những phiên thảo luận KTXH, bà dùng chữ “Rất hay”: “Quốc hội nước ngoài dùng búa để gõ với những người nói dài. Trật tự ngay. Nên chăng dùng búa quyền lực để nhắc nhở các ĐB”.
Thực ra, QH đã có một “cây búa”, đó là nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn, cử tri vẫn gọi là nghị quyết về việc thực hiện lời hứa. Nói như Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu: Nghị quyết chất vấn rõ ràng từng việc một đối với từng bộ trưởng, trưởng ngành. Cái gì làm có mức độ; Cái gì phải tạo chuyển biến với những mốc thời gian cụ thể. Và cái gì cần phải làm dứt điểm”. Phó Chủ tịch QH cho rằng: “Đây là căn cứ cụ thể để QH và cử tri giám sát lời hứa các vị bộ trưởng”. Kỳ họp vừa rồi, QH đã có tới 7 nghị quyết, 7 “cây búa”, một kỷ lục thực sự. Có “búa” rồi,  gõ hay không lại là chuyện khác. Nói như Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng: (Những gì đã) thành nghị quyết là đã trở thành vấn đề của toàn dân, càng cần nghiêm túc thực hiện. Bởi nghị quyết có mà không thực hiện không khéo thành “đánh trống bỏ dùi” và người dân, cử tri sẽ đánh giá “QH nói lắm mà không làm được gì”.
Nhưng cây búa dường như không chỉ dành để duy trì “kỷ luật” với các vị Bộ trưởng “vòng vo, nêu thành tích”, các vị trưởng ngành “nói nhưng không làm”. Báo cáo của Trưởng Ban công tác đại biểu Trần Thị Nương cho thấy mỗi tuần có bình quân hơn 220 lượt ĐBQH vắng mặt. Vắng nhiều nhất là đoàn Hà Nội và TP HCM. Phổ biến là sự vắng mặt của các vị Bộ trưởng. “Chúng tôi theo dõi có buổi trong 33 vị vắng có 18 Ủy viên trung ương, chủ yếu là các bộ trưởng”- bà Nương nói. Ấy là chưa kể tới tình trạng vắng một nửa, tức là sáng họp Quốc hội, chiều về cơ quan. Đỉnh điểm của sự xúc phạm của người được bầu với người cầm phiếu là việc có ĐBQH thậm chí xin nghỉ phần lớn thời gian của kỳ họp Quốc hội để ra nước ngoài dự lễ tốt nghiệp đại học cho con. Bà Nương đề nghị QH “Không giải quyết việc các đại biểu đi công tác nước ngoài trong kỳ họp”. Có lẽ, để duy trì trách nhiệm và sự tôn trọng tối thiểu đối với cử tri, các vị ĐBQH cũng cần có một cây búa, cây búa cho riêng mình.

Không có nhận xét nào: