Quân đội phải là của nhân dân! Không thể là của bất cứ ‘nhóm lợi ích’ nào
Như Hà (Danlambao) - Đọc bài “Không thể chấp nhận quan điểm quốc gia hóa quân đội” trên báo mạng QDND của tác giả có cái tên Nguyễn Tiến Bình mang tới hàm trung tướng, thiết nghĩ ông NTB đại diện cho đảng trong quân đội, tất nhiên phải viết bài để bênh vực cho đảng là điều đương nhiên.
Mở đầu bài viết, ông Bình lại nhai lại cái luận điệu cũ rích, lấy các “thế lực thù địch” ra để làm cái đối thủ huyễn tưởng cho ông tha hồ đấu võ mồm. Cụ thể vào Google gõ “Quốc gia hóa quân đội” không thấy bài viết hay trang web của các “thế lực thù địch” đòi “quốc gia hóa quân đội” nào, ngoài bài viết của ông ta được lặp đi lặp lại, thì chỉ thấy có Người Việt Online, đăng và bình luận bài của ông mà thôi.
Còn một số “kẻ cơ hội” như ông nói thì không biết nhưng kẻ này nó cơ hội cái gì? Theo từ điển tiếng Việt thì: Người lợi dụng hoàn cảnh, điều kiện sự việc sắp và đang xảy ra để trục lợi cho mình, thì người ta gọi đó là “kẻ cơ hội”.
Nếu chiếu theo từ điển thì có lẽ “kẻ cơ hội” chính là ông chứ không ai khác, vì ông biết rằng miếng mồi ngon như vậy thì ta cứ tận hưởng, tội gì mà chọc khuấy nó lên, mà mất hết cả lộc (ông không ngu dốt, dại dột như cái ông Nguyên soái Sa-pô-xni-cốp đâu, ai đời miếng ăn trong miệng tự nhiên lại trở cờ ọe ra cho thiên hạ). Vì vậy ông phải viết bài, nhằm giữ gìn bổng lộc cho ông và phe nhóm lợi ích của ông, bất chấp tiền đồ của dân tộc, tổ quốc ra sao.
Xét thấy sự độc hại của bài viết có ảnh hưởng rất lớn, đến tư tưởng của những quân nhân đang phục vụ trong quân đội, tôi xin thay mặt các “thế lực thù địch” để phản biện lại quan điểm về đề tài quốc gia hóa quân đội của ông.
Trung tướng, PGS, TS Nguyễn Tiến Bình,
nguyên Chính ủy Học viện quốc phòng. (Ảnh: Báo QDND).
nguyên Chính ủy Học viện quốc phòng. (Ảnh: Báo QDND).
Sư khác biệt giữa quân đội phong kiến, độc tài và quân đội dân chủ
Trong lịch sử quân sự thì quân đội, không những là công cụ bạo lực của giai cấp thống trị, của nhà nước phong kiến, nhằm phục vụ cho chiến tranh mà còn là công cụ duy nhất để đàn áp nhân dân. (Khi nhắc đến vấn đề này ông NTB đã cố tình cắt xén đi phần đuôi của câu chữ giai cấp…, nhà nước… mà không dám nhắc đến… thống trị và… phong kiến! Thật là bỉ ổi).
Quan niệm xã hội khi đó cho rằng, mọi của cải vật chất, cho tới con người đều của thiên tử, do con trời sở hữu, thì đương nhiên quân đội, cũng không thể do thế lực nào khác nắm giữ, ngoài giai cấp thống trị ra.
Nhưng kể từ khi chế độ dân chủ ra đời, mở đầu là nền dân chủ Mỹ (1776) đến nay, nhân sinh quan của thế giới đã thay đổi, tư tưởng và quan niệm của mọi người đã thay đổi. Rằng tất cả của cải, vật chất cho đến con người ở mọi quốc gia không phải của bất kỳ ông vua, nhà nước phong kiến, giai cấp thống trị, hay đảng phái nào nữa mà tất cả đều thuộc về nhân dân của các quốc gia đó và đương nhiên quân đội là công cụ chiến tranh, về bản chất đã hoàn toàn thay đổi theo thể chế cầm quyền, từ phục vụ giai cấp thống trị, nhà nước phong kiến, chuyển sang phục vụ quốc gia, phục vụ nhân dân. Vì suy cho cùng quân đội do nhân dân nuôi nấng (đóng thuế), từ nhân dân mà ra (con em đi bộ đội).
Vì vậy quân đội sẽ chỉ phục vụ, phục tùng người nuôi mình, người sinh ra mình, chứ không một kẻ nào, một nhóm lợi ích nào, một thế lực nào có thể tiếm quyền, mạo danh tước đoạt quyền lực của nhân dân, nhằm chiếm đoạt quân đội của nhân dân được. (Đến đây xin hỏi NTB, đảng của ông có nuôi và sinh ra quân đội hay không mà ông đòi quân đội phục vụ, phục tùng đảng CSVN của ông).
Quyền lực của nhân dân có quyền quyết định giao phó quân đội cho ai! Ai là người có quyền thay mặt nhân dân, để ra quyết định điều động quân đội phục vụ vào công việc gì!!! Đều phải thông qua hiến pháp, thông qua luật do nhân dân biểu quyết đồng ý. Đó về mặt nguyên tắc bất di bất dịch, đồng thời đó cũng là chân lý có tính tất yếu.
Điểm lại quá trình hình thành và sử dụng quân đội ở các quốc gia trên thế giới ngày nay, chúng ta thấy sự hình thành và cơ cấu quản lý và sử dụng quân đội, tuy mỗi quốc gia có khác tùy theo từng điều kiện, hoàn cảnh, phong tục tập quán và nền văn hóa để đề ra cơ cấu quản lý quân đội do bộ phận nào, nhà nước hay chính phủ nắm giữ sao cho phù hợp.
Nhà nước, chính phủ của mỗi quốc gia cũng có tính đặc thù riêng, ví dụ như Thái Lan. Tuy quốc gia này theo thể chế dân chủ lập hiến, nhưng vẫn giữ truyền thống phong kiến để lại. Hoàng gia vẫn là biểu tượng, là linh hồn cho quốc gia. Hay nói một cách khác, hoàng gia vẫn là người chăn dắt tư tưởng, đại diện về mặt lễ nghi quốc gia cho dân chúng.
Hoàng gia không tham gia chính trị, trung lập, phi đảng phái vì vậy hoàng gia được nhân dân giao quyền quản lý quân đội với hai nhiệm vụ chính là tham chiến, giữ gìn lợi ích và lãnh thổ quốc gia. Nhiệm vụ thứ hai sẵn sàng can thiệp, thành lập chính phủ quân sự lâm thời nhằm ổn định tinhg hình, khi nội tình đất nước bị khủng hoàng chính trị.
Nhưng cho dù Hoàng gia hay bất cứ cơ quan nào của chính phủ quản lý quân đội, đều phải thông qua nguyên tắc “Luật hóa quân đội” qui định quyền hạn và nhiêm vụ của quân đội trong khuôn khổ luật pháp, cũng như phải luật hóa về thanh tra, cảnh sát, tòa án… Những nghành đòi hỏi phải phi đảng phái, phải tuân thủ pháp luật, chứ không thể nằm ngoài luật pháp, trở thành công cụ và phục vụ cho bất cứ nhóm lợi ích nào.
Thực tế đã chứng minh, ngày nay đa số các nước có chế độ dân chủ, cho dù theo thể chế nào, dân chủ đại nghị hay dân chủ lập hiến đều phải tuân theo nguyên tắc quốc gia hóa quân đội, luật hóa quân đội, quân đội trung lập và phi đảng phái.
Nói về quân đội là nói về một nghề chuyên môn có tính đặc thù, được trang bị công cụ phương tiện như vũ khí, khí tài, nhăm thể hiện sức mạnh vũ lực, nhằm phục vụ cho chiến tranh, đàn áp… Nên rất dễ bị các thế lực cầm quyền (bao giờ cũng gắn liền với lợi ích nhóm) lợi dụng thao túng, sử dụng quân đội để mưu lợi cho “lợi ích nhóm” của mình.
Đảng phái là tập hợp của một nhóm ít hay nhiều người trong cộng đồng, có cùng lợi ích chung, chứ đảng phái không thể là tất cả và đại diện cho lợi ích cộng đồng được. Vì vậy bao giờ nó cung có lợi ích riêng của nó mà người ta gọi là lợi ích nhóm
Những nhóm có cùng lợi ích với đa số trong cộng đồng, được mọi người tín nhiệm giao phó quyền điều hành chính phủ thông qua lá phiếu. Nhưng cho dù “nhóm lợi ích” đó có được nhân dân tín nhiệm bao nhiêu, cũng không được vượt quá quyền hạn do luật qui định, để độc quyền nắm giữ và điều động quân đội.
Nhưng trên thế giới, cũng có những nhóm lợi ích, lợi dụng quyền lực do mình tự dựng nên nhà nước độc tài, đảng trị, nắm quyền cai trị nhân dân. Tự cho mình cái quyền nắm trong tay hai công cụ quan trọng là quân đội và công an để trấn áp nhân dân, bóc lột mồ hôi công sức, thậm chí xương máu của nhân dân nhằm mưu lợi cho riêng nhóm của mình.
Như trong đại chiến II, đảng quốc xã đã biến quân đội thành của riêng mình (Nhưng dù sao mục tiêu của đảng quốc xã vẫn vì dân tộc Đức). Cùng với thời kỳ này, nước Nga Xô Viết, đã biến quân đội (hồng quân) thành công cụ của đảng Bonsêvích. Sau thế chiến II, là toàn bộ các nước CS đã biến quân đội thành công cụ của riêng họ, nhằm phục vụ lợi ích giai cấp không phải của công nhân như họ lừa bịp, mà chính là đảng CS, một thế lực mới của giai cấp thống trị.
Quân đội nhân dân VN hay quân đội cộng sản VN
Đảng CSVN là một minh chứng rõ rệt nhất. Gần 70 năm, sau khi dùng bạo lực giành chính quyền. Họ đã dùng quân đội, một phần máu thịt của nhân dân, để phục vụ cho các cuộc chiến tranh có tính “ý thức hệ” một cách phi nghĩa, chứ không phải vì độc lập tự do, vì ấm no hạnh phúc của nhân dân (Thực trạng hiên nay đã chỉ rõ).
Từ cuộc chiến với người Pháp có phải là “giải phóng dân tộc” như người ta thường rêu rao hay không? Xin thưa! Chẳng cần có cuộc chiến tốn xương máu nào mà Ấn Độ, Mã Lai, Phi Luật Tân hay An Gie Ri, Ma Rooc… Những năm 60 của thế kỷ trước cũng giành được độc lập rồi thưa ông NTB.
Đảng CSVN đã dùng công sức xương máu, công sức của nhân dân, dùng vũ khí của TQ và bản thân quân đội cũng do TQ đào tạo huấn luyện. Công lao duy nhất của đảng là ngồi trên bàn cờ cầm quân, thí tốt, đằng sau có sự giật dây, mách nước của hai ông anh TQ và Nga Xô mà thôi, có gì đâu mà đáng tự hào, phong cho nhau những danh hiệu anh hùng, những chiến công chấn động địa cầu… Trân Điện Biên Phủ là do người Pháp quá kém, chứ thiên tài quân sự gì đâu. Ngạn ngữ có câu “Những kẻ hèn thường hay tâng bốc nhau” thật là chí lý!
Rồi như kẻ đang say máu, nhưng bậc tiền bối của ông Bình đã sử dụng quân đội vào bữa tiệc máu huynh đệ tương tàn mà lịch sử sau này sẽ đau xót ghi lại cho muôn đời sau. Họ định che lấp lịch sử bằng cách dựng lên kẻ thù đế quốc Mỹ, hung hăng hiếu chiến nhất mọi thời đại. Nhưng thực tế thời đại đã chứng minh “nói vậy mà không phải vậy”. Nòi nào giống nấy, trong suốt bài viết của NTB, ông ta như một Robos, bị nhồi so về chính trị, về chủ nghĩa CS đến độ u mê, tôi không tìm thấy câu chữ nào có tính nhân bản, về sự phi nghĩa của chiến tranh, mà chỉ sặc mùi hiếu chiến, trắng trợn vu khống, đổi trắng thay đen, lý luận quanh co, thô thiển ấu trĩ. Trong con mắt ông ta, quân đội thật sự là thứ công cụ, nhằm phục vụ và bảo vệ cho lợi ích của đảng CSVN mà thôi.
Với những lập luận nêu trên, tôi cho rằng quân đội cần phải có tư duy và quan điểm chính trị. Tư tưởng chính trị duy nhất mà mọi quân nhân trong quân đội phải ý thức được và thấm nhuần. Đó là phục vụ tổ quốc. Vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh. Dùng sức mạnh của quân đội được nhân dân trang bị, sẵn sàng bảo vệ tổ quốc trước họa xâm lăng và trừng trị bất cứ thế lực nào, nhóm lợi ích nào, phản bội và xâm phạm đến lợi ích của nhân dân lao động
Lời kết
Ngày nay, khi không còn thế lực đế quốc, thực dân làm mục tiêu để lừa mị nhân dân. Nhằm bảo vệ cho cái đảng trị tham nhũng, đã thối nát mục ruỗng tận xương cốt, những kẻ đang tâm phản bội lại nhân dân (Suốt bài viết tôi thấy không một lần nào NTB nhắc đến từ “QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN”). Họ vẫn vô tư dùng cái nhãn mác NHÂN DÂN để lừa dối lợi dụng chính nhân dân. Chỉ vì lợi ích thấp hèn của bản thân, mà họ cam tâm bán rẻ linh hồn, bán rẻ lợi ích của dân tộc, bán rẻ cả lợi ích của tương lai chính con cháu họ. Một đoạn tâm tình của ông Lê Kiên Thành (con trai ông Lê Duẩn) trong lần trả lời PV báo VietNamNet, làm tôi nhớ mãi, xin trích ra đây để dành cho đoạn kết của bài viết này. Mong rằng họ là những người Việt Nam sẽ đọc để suy ngẫm:
PV: Ông có đang bi quan?
Lê Kiến Thành: Tôi nhìn vào quỹ thời gian của tôi và hiểu rằng, tôi không còn nhiều cơ hội để hy vọng nữa, không còn nhiều thời gian để chờ đợi nữa, nói là cơ hội cuối cùng, hy vọng cuối cùng, tuy hơi quá, nhưng có lẽ chỉ là như vậy. Tôi xin chia sẻ một điều rất cá nhân này, từ khi tôi có cháu nội, thì cái khao khát làm được một cái gì đó bỗng nhiên bùng lên.
Trước đó tôi nghĩ là đời mình thôi thế cũng xong, đời con mình như thế cũng xong, nhưng khi tôi có cháu nội, tôi bỗng cảm thấy cuộc sống thật mong manh. Tôi băn khoăn mãi với cái ý nghĩ cuộc sống của cháu nội tôi sau này sẽ thế nào, tôi có thể hình dung ra cuộc sống của con trai tôi và chấp nhận nó một phần, nhưng không thể hình dung ra điều gì sẽ đến với cuộc sống của cháu nội tôi.
Việt Nam ta có một câu rất hay: “Thương người như thể thương thân” – chừng nào anh biết thương người khác như thương chính bản thân mình, chừng nào anh biết làm điều tốt cho người khác như chính bản thân mình, thì sức mạnh sinh tồn sẽ trở nên rất mạnh mẽ. Đến cái tuổi này, khi nhìn thấy một sinh linh bé nhỏ như cháu nội tôi chào đời, cần sự bao bọc, che chở của tôi, cái bản năng khao khát được làm cái điều thiện cho những đứa trẻ giống như cháu tôi, cho một thế hệ giống như thế hệ cháu tôi, bỗng nhiên trỗi dậy. Trước đây tôi đi ra ngoài đường, gặp người ta bế một em bé đi ăn xin, tôi vô cùng xót xa, nhưng bây giờ nếu ra ngoài đường, cũng gặp một cảnh tương tự, tôi thấy không thể chịu nổi và chỉ ao ước có thể làm được điều gì đó, có thể có sự thay đổi nào đó….
PV: Nhưng Phật đã dạy: “Kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình” – vượt qua chính mình dường như chưa bao giờ là một chuyện dễ dàng?
LKT: Vượt qua chính mình – với ý nghĩa cá nhân, là một cuộc chiến khó khăn với từng cá nhân, nhưng vượt qua chính mình – với ý nghĩa một tập thể, thì đó sẽ là một cuộc chiến thực sự, một cuộc chiến dữ dội….(hết trích)
Hà Nội, ngày 30/12/2012
Như Hà
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét