Pages

Thứ Năm, 14 tháng 2, 2013

Benedict XVI mở cửa cho những cải tổ của Giáo hội Công giáo La Mã


Trần Bình Nam.


 
Hôm Thứ Hai 12/2/2013 đức Giáo Hoàng Benedict XVI tuyên bố từ chức, tạo xúc động mạnh mẽ đối với hơn 1 tỉ 200 triệu tín đồ Công giáo và gây bàng hoàng cho toàn thể thế giới. Việc Giáo Hoàng của Giáo hội La Mã từ chức là một hiện tượng rất hiếm. Trong 10 thế kỷ qua chỉ xẩy ra 3 lần. Lần thứ nhất năm 1045 với đức Giáo Hoàng Benedict IX. Lần thứ nhì năm 1294 với Đức Giáo Hoàng CelestineV. Và lần cuối, năm 1415 cách đây 598 năm đức Giáo Hoàng Gregory XII từ chức.
Hôm Thứ Hai, trong một buổi lễ phong thánh tại Vatican đức Giáo Hoàng tuyên bố từ chức bằng tiếng La tinh. Trong đó ngài nói: “Sau khi đối diện với Chúa và chất vấn lương tâm mình, tôi biết rằng do tuổi già sức yếu tôi không còn đủ sức làm tròn nhiệm vụ chăn dắt con chiên.” Và ngài tiếp:
„Với tất cả sự tự do, hôm nay tôi tuyên bố rời chức vụ Bộ trưởng Hội đồng Giám mục thành Rome, chức vụ kế thừa Thánh Peter do Hội đồng Hồng Y ủy thác cho tôi ngày 19 tháng 4 năm 2005.”
 
Ngày 28/2/2013 ngài sẽ chính thức rời chức vụ. Và ngài sẽ sống tại Vatican cho đến khi qua đời. Theo điều lệ của Giáo hội, Hội đồng Hồng Y gồm các Hồng Y dưới 80 tuổi sẽ bầu tân Giáo Hoàng trong số các Hồng Y trong thời hạn 20 ngày. Hội đồng Hồng Y hiện gồm có 117 vị.
 
Trong gần 600 năm qua các vị Giáo Hoàng đều giữ nhiệm vụ cho đến khi qua đời như một thông lệ bất thành văn. Khi tuổi cao đức Giáo Hoàng được các phụ tá phụ giúp công việc Giáo hội nên lấy lý do sức khỏe để từ chức không có tính thuyết phục đối với tín đồ. Tuy nhiên thông lệ này đôi khi làm cho vị Giáo Hoàng già yếu vì tuổi tác thiếu sự bén nhạy trong công tác lãnh đạo và là nguyên nhân tạo ra sự tranh chấp quyền hành trong Giáo hội.
 
Trong suốt 8 năm lãnh đạo Giáo hội đức Giáo Hoàng Benedict XVI đã rất chật vật duy trì giáo điều của tôn giáo trong một môi trường “dân sự” phóng khoáng đòi hỏi nhiều tự do. Khó khăn hơn cả là cơn khủng hoảng có tính thời đại do việc tiết lộ ở khắp nơi trên thế giới một số chủ chăn của Giáo hội đa số thuộc hàng linh mục vi phạm tình dục đối với trẻ em. Vài vị lãnh đạo cao cấp hàng giám mục, tổng giám mục thì bị dính líu vào việc che dấu tội lỗi của cấp dưới để bảo vệ Giáo hội. Ngoài ra ngài phải gánh vác giải quyết việc tranh chấp quyền lực của các phụ tá thân cận và gần đây việc Vatican bị tố cáo tham nhũng.
 
Trong một bài bình luận ngày 12/2 nhan đề: “Thời đại sau đức Giáo Hoàng Benedict XVI” (After Benedict XVI) tờ báo lớn nhất miền Tây Hoa Kỳ Los Angles Times viết:
 
“Trong gần 8 năm ở chức vụ, đức Giáo Hoàng Benedict XVI chứng tỏ là một vị Giáo Hoàng bảo thủ, bảo vệ một cách nghiêm túc giáo điều của Công giáo. Vì vậy quyết định từ chức của ngài là một hành động cách mạng ra ngoài khuôn khổ của một vị Giáo Hoàng bảo thủ gần 600 năm nay.
Việc đức Giáo Hoàng tuyên bố rời chức vụ ở tuổi 85 vì ngài cảm thấy trí tuệ và sức khỏe suy giảm cho thấy ngài đã nhìn vào vấn đề sức khỏe con người và công việc một cách thẳng thắn đáng cảm phục.
Nhưng thực tế thì sao? Thành phần bảo thủ trong Giáo hội không khỏi tự hỏi sự hiện diện của ngài bên cạnh vị tân Giáo Hoàng có làm cho chức vụ giáo hoàng trở nên kém thiêng liêng và huyền bí không. Đối với thành phần Công giáo phóng khoáng thì không thành vấn đề. Thành phần này cho rằng các vị giám mục thành Rome trong đó có đức Giáo Hoàng cũng như các vị giám mục khác trên thế giới khi không kham nổi nhiệm vụ thì nên từ chức.
 
Đức Giám mục Joseph Ratzinger được xem là một nhà lãnh đạo tôn giáo phóng khoáng khi ngài bắt đầu tham dự công tác lãnh đạo Giáo hội như một chuyên viên thần học. Nhưng sau Cộng Đồng II Vatican (10/1962 – 12/1965) mà ngài tham dự như một cố vấn thần học ngài tỏ ra không thoải mái khi Giáo hội tỏ ra quá mềm dẻo để thích ứng với lối sống văn minh. Trở thành Giáo Hoàng, ngài cảnh giác các nhà thần học phóng khoáng đừng đi quá xa, ngài khuyến khích việc dùng tiếng Latin trong các buổi lễ , và trả lại phép thông công cho các giám mục bị rút phép vì không chịu thi hành các quyết định của Cộng đồng Vatican II. Đức Giáo Hoàng không ngần ngại làm mất lòng giáo hội Anh giáo bằng cách chấp nhận cho các khuynh hướng bảo thủ của Anh giáo (Anh giáo phóng khoáng nên thành phần Anh giáo bảo thủ gần gũi với Vatican hơn) gia nhập gia đình Công giáo. Chính vì muốn bảo vệ uy quyền của Giáo hội mà đức Giáo Hoàng đã không mạnh tay trừng phạt các giới chức Giáo hội vi phạm tình dục đối với trẻ em.
 
Để dung hòa quan điểm cứng rắn của mình, đức Giáo Hoàng cũng có những nỗ lực đem Giáo hội đến gần quần chúng. Qua nhiều thông điệp ngài nhấn mạnh đến “tình thương và hy vọng”. Năm 2010 đức Giáo Hoàng đẩy mạnh công tác chấn chỉnh sự truyền giáo trong tinh thần ít khắc khe tại các các nước ngài cho là cần thiết (New Evangelization), và một cách kín đáo bày tỏ sự không đồng ý với khuynh hướng cho rằng Kinh Thánh là khuôn vàng thước ngọc tuyệt đối của niềm tin và sự hành đạo (fundamentalism). Ngài nói niềm tin (faith) phù hợp với khoa học chứ không tuyệt đối huyền bí.
 
Tuy nhiên, nói chung đức Giáo Hoàng nghiêng về khuynh hướng tôn trọng các niềm tin ngàn xưa truyền lại chứ không ngả về tinh thần cởi mở gần gũi với con người của Chúa Thánh Thần.
 
Không ai chờ đợi Hội đồng các Hồng Y sẽ bầu một vị Giáo Hoàng cởi mở đến độ xem sự phá thai là không trái đạo lý, chấp thuận cho hôn nhân đồng tính luyến ái hay cho phép phụ nữ thọ phong linh mục. Nhưng có thể Hội đồng Hồng Y sẽ bầu một vị Giáo Hoàng tuy đặt trọng vào các nguyên tắc căn bản của đức tin, nhưng ít bảo thủ và chăm lo mục vụ hơn và chấp thuận sự tản quyền của Giáo hội.
 
Hội Đồng Hồng Y cũng có thể – và nên – bầu một vị Giáo Hoàng từng có thành tích bảo vệ trẻ em bị lạm dụng tình dục. Trước và sau khi được bầu làm Giáo Hoàng, đức Giáo Hoàng Benedict XVI đã không đủ nhạy cảm đối với vấn đề lạm dụng tình dục trẻ em của cấp dưới, và đã không mạnh tay chận đứng khuynh hướng che dấu để bảo vệ Giáo hội.”
 
Bước vào thế kỷ 21, thế giới đang đối diện với nhiều vấn đề đe dọa “tính bản thiện” của con người. Và quyết định từ chức, một quyết định độc đáo ngàn năm một thuở của đức Giáo Hoàng Benedict XVI có thể sẽ tạo cơ hội cho Giáo hội La Mã, một Giáo hội đầy uy tín và quyền lực đóng góp vào một giải pháp chung tốt lành cho nhân loại.
 
©Trần Bình Nam
Feb . 13, 2013
binhnam@sbcglobal.net
www.tranbinhnam.com

Không có nhận xét nào: