Pages

Thứ Năm, 7 tháng 2, 2013

KỲ VỌNG GÌ Ở NĂM 2013?


Lê Đăng Doanh, theo Petrotimes
Nếu như năm 2011 được đánh giá là năm khó khăn nhất từ khi bắt đầu đổi mới đến nay, thì năm 2012 lại là năm thử thách và sàng lọc còn khắc nghiệt hơn nữa đối với các doanh nghiệp (DN) Việt Nam. Gần 50.000 DN đóng cửa, ngừng sản xuất hoặc tuyên bố phá sản trong năm 2012 cộng với số 50.000 DN đã rời bỏ thị trường của năm 2011, con số này tự nó đã nói lên biết bao nỗi niềm của doanh nhân.

Năm 2012: Thử thách khắc nghiệt
 Không chỉ DN công nghiệp, dịch vụ bị ảnh hưởng, trong năm 2012, nhiều DN nuôi trồng thủy sản ở đồng bằng sông Cửu Long cũng lâm vào tình trạng khó khăn chưa từng có. Số DN còn hoạt động đều chạy với khoảng 30 – 40% công suất, chỉ có số ít DN có thị phần, có năng lực cạnh tranh còn có thể hoạt động với khoảng 70% công suất. Hàng tồn kho vẫn ở mức khá cao, trong những tháng cuối năm, tỷ lệ tồn kho một số sản phẩm đã giảm đi, chủ yếu do các DN đã ngừng sản xuất trong khi sức mua chưa có dấu hiệu phục hồi.
 Kinh tế tăng trưởng chỉ ở mức 5,1%, là mức tăng trưởng thấp nhất từ năm 2000 đến nay, lạm phát giảm rõ rệt từ 18,89% năm 2011 xuống còn khoảng 7,5% trong năm 2012, tỷ giá VND với USD tương đối ổn định, dự trữ ngoại tệ tăng lên và đạt khoảng 2,5 tháng nhập khẩu, lãi suất huy động đã giảm đáng kể. Tổng đầu tư toàn xã hội giảm xuống chỉ còn 29,5%, không đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra là 33,5% do đầu tư của Chính phủ, tư nhân và đầu tư nước ngoài đều giảm sút.
 Trong khi kinh tế thế giới đang rơi vào suy giảm, tác động tiêu cực đến nhiều mặt của nền kinh tế nước nhà thì chúng ta cũng đã nỗ lực để đạt được một số thành tựu đáng ghi nhận. Xuất khẩu tăng khá cao, có thể đạt 114 tỷ USD, tăng 18,2%, trong khi nhập khẩu chỉ tăng 6,8%, đạt 114 tỷ USD.
 Phần lớn tăng trưởng xuất khẩu do các DN đầu tư nước ngoài đóng góp với tốc độ tăng trưởng khoảng 35% (như Samsung Electronics có thể xuất 11 tỷ USD trong năm 2012 so với mức 6 tỷ USD năm 2011), trong khi DN trong nước chỉ tăng 4,4% do chi phí tăng cao, chưa tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và chưa có thị phần ổn định. Tuy vậy, giá trị gia tăng của các sản phẩm này ở Việt Nam rất thấp, chỉ khoảng 10 – 12%, nếu trừ đi các chi phí logistics trên đất Việt Nam, giá trị gia tăng có lẽ chỉ còn không quá 2%.
 Mặc dầu đã có một số cải thiện bước đầu về kinh tế vĩ mô, kinh tế Việt Nam vẫn đang ở trong tình trạng trọng bệnh với nhiều căn bệnh khác nhau, tác động xấu đến môi trường kinh doanh của DN. Đó là nợ xấu đang cản trở dòng lưu thông của đồng vốn, hệ thống ngân hàng có nhiều yếu kém, tập đoàn (TĐ), tổng công ty (TCT) nhà nước nợ nần như núi, đầu tư công kém hiệu quả, nợ công tăng nhanh và đã đạt 129 tỷ USD, đạt 109% GDP, vượt xa ngưỡng an toàn trong khi nguồn thu ngân sách giảm, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế liên tục giảm sút trong 2 năm, từ hạng 59 (2010) tụt xuống hạng 75 (2012)…
 Nợ xấu là cản trở lớn nhất đối với hoạt động của nền kinh tế, làm cho mức tăng tín dụng chỉ đạt khoảng 5% trong khi số dư tiền gửi tăng 14,2% và cả ngân hàng lẫn DN đều có nhu cầu giao dịch và lãi suất huy động đã được yêu cầu giảm đáng kể. Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra những tỷ lệ nợ xấu khác nhau, khi là 10%, khi là 8,6%, trong khi Fitch công bố 13% . Một số nhà kinh tế độc lập còn đi đến những con số cao hơn.
 Hơn thế nữa, nợ xấu ở đâu, bao nhiêu là nợ xấu trong khu vực bất động sản, bao nhiêu trong lĩnh vực ngân hàng, bao nhiêu trong DN nhà nước, trong thủy sản… cho đến nay chưa được xác định và công bố rõ. Nợ của các TĐ, TCT nhà nước lên đến 1.292.400 tỷ đồng, tăng 18,9% so với năm 2010. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bình quân năm 2011 là 1,77 lần. Xét từng TĐ, TCT, có 30 TĐ, TCT tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần, trong đó có 8 TĐ, TCT trên 10 lần. Dư nợ bất động sản lên đến trên 1 triệu tỷ đồng, khoảng 57% tổng số nợ của hệ thống ngân hàng, trong đó tỷ lệ nợ xấu lên đến 12%.
 Năm 2013: khôi phục niềm tin của doanh nhân
 Trong năm 2012, Chính phủ đã có quá nhiều thay đổi trong chính sách đối với lãi suất, tín dụng, vàng, giá đất, thuế và phí… nâng cao chi phí đầu vào khiến cho nhiều DN đã bị suy kiệt trong cơn bão lạm phát từ 2008 đến nay không còn khả năng cầm cự. Niềm tin của DN trong nước và DN đầu tư nước ngoài bị giảm sút mạnh.
 Năm 2012 cũng cho nhiều bài học cảnh tỉnh và là một cuộc sàng lọc khắc nghiệt đối với các DN nước ta. Rất nhiều DN đã chủ động tự lột xác, tự thực hiện phẫu thuật như thoái vốn trong những lĩnh vực không thể cạnh tranh, tập trung vào những lĩnh vực cốt lõi. Những DN đã tạm thời dừng sản xuất hay phá sản đang rút ra bài học cho giai đoạn vừa qua vẫn mong đợi cơ hội để “tái xuất giang hồ”, bắt đầu một giai đoạn kinh doanh mới với quyết tâm và bản lĩnh mới.
 Tuy vậy, tất cả dự báo kinh tế cho năm 2013 đều dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới tiếp tục suy giảm, khu vực đồng euro sẽ rơi vào tăng trưởng 0% hay suy thoái như dự báo mới nhất của Tổ chức OECD. Trong khi đó, các cam kết hội nhập đang tạo ra những cơ hội và thách thức mới. Thông qua các Hiệp định Thương mại tự do với Nhật Bản, Hàn Quốc, hàng hóa Việt Nam đã tìm được những thị trường mới, thể hiện rõ trong tốc độ tăng trưởng xuất khẩu rất cao vào hai thị trường này.
 Mặt khác, thực hiện Hiệp định Thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc, đến năm 2015, hơn 90% sản phẩm công nghiệp của Trung Quốc sẽ có thuế suất từ 0 – 5%, đe dọa thị phần của các DN Việt Nam. Việt Nam đang đàm phán gia nhập Hiệp định Hợp tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU. Tại cuộc họp Thượng đỉnh ASEAN tháng 11/2012, 10 nước ASEAN và 6 nước đối tác là Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Úc và New Zealand đã chính thức khởi động việc đàm phán hình thành Liên minh Kinh tế Khu vực RCEP (Regional Comprehensive Economic Partnership), mở ra một viễn cảnh hội nhập mới.
 Năm 2013 đối với kinh tế Việt Nam sẽ là năm tái cấu trúc toàn bộ nền kinh tế, kể cả khu vực kinh tế tư nhân. Trước những sai sót và yếu kém, lãnh đạo Đảng và Chính phủ đã nhận lỗi trước dân. Hy vọng năm 2013 sẽ là năm của những hành động thiết thực, có hiệu quả, tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, giải quyết một bước nợ xấu và yếu kém của hệ thống ngân hàng, tái cấu trúc DN nhà nước, bước đầu làm tan băng bất động sản… tạo điều kiện tốt hơn cho DN.
 Bên cạnh ba trọng tâm tái cấu trúc đã được xác định, DN tha thiết mong đợi có cải cách mạnh mẽ bộ máy nhà nước, giảm bớt tham nhũng, ngăn chặn lợi ích nhóm và tư duy nhiệm kỳ. Nếu không có tiến bộ trên lĩnh vực này sẽ khó khôi phục được niềm tin của doanh nhân.

Không có nhận xét nào: