“TRONG CÔNG VIỆC, TỐT BẢY PHẦN THÌ SAI SÓT CŨNG LÊN TỚI BA PHẦN. ÔNG THANH ĐÃ ĐI LÊN TỪ NHỮNG THỬ THÁCH BAN ĐẦU NHƯ THẾ. TRƯỚC MẮT ĐÚNG LÀ CÓ QUÁ NHIỀU THỬ THÁCH NHƯNG TÔI CÓ NIỀM TIN, CON NGƯỜI NHƯ ÔNG THANH SẼ KHÔNG CHỊU BÓ TAY”…
Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão trao đổi thẳng thắn nhiều vấn đề về Ban Chỉ đạo TƯ về Phòng chống tham nhũng (PCTN), Ban Nội chính TƯ sau phiên họp đầu tiên của cơ quan này ngày 4/2 vừa qua.
Việc Ban Chỉ đạo TƯ về PCTN họp phiên đầu tiên, ra mắt tổ chức, nhân sự, giới thiệu cơ quan thường trực là Ban Nội chính TƯ thu hút nhiều sự quan tâm, chờ đợi của dư luận. Hẳn ông cũng quan tâm nhiều đến sự kiện này?
Tôi rất hoan nghênh, vui mừng và chờ đợi. Tôi vui mừng trước quyết định này và hiểu rằng việc này thể hiện quyết tâm rất cao của TƯ Đảng ta, đứng đầu là đồng chí Nguyễn Phú Trọng trong cuộc đấu tranh với tham nhũng.
Là người công tác lâu năm ở Quốc hội, tôi quan tâm đến cơ sở pháp lý của tổ chức này và đã dành nhiều thời gian nghiên cứu. Ở kỳ họp Quốc hội vừa qua, các đại biểu thảo luận rất sôi nổi về 3 phương án tổ chức bộ máy. Đây quả thật là việc khó nên tạm chấp nhận phương án hiện tại (phương án 3) với lập luận: Ban chỉ đạo là cơ quan của Đảng, không phải là cơ quan nhà nước nên luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCTN không quy định về việc thành lập, tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và quy chế hoạt động của cơ quan này. Việc thành lập, tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo TƯ về PCTN sẽ do Đảng quy định. Đồng thời, công tác chỉ đạo phòng, chống tham nhũng của cơ quan này sẽ được thực hiện thông qua các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng.
Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão: "Việc làm đầu tiên, các thành viên Ban Chỉ đạo cần kê khai tài sản, thu nhập của mình".
Dù được chọn, được đa số các đại biểu chấp nhận, thông qua nhưng cũng vẫn còn nhiều ý kiến cho rằng, phương án không quy định về Ban Chỉ đạo TƯ về PCTN trong luật, cơ quan này sẽ khó “danh chính ngôn thuận” trong hoạt động về sau, nhất là khi “xử” những vụ tham nhũng cụ thể?
Theo tôi, đúng là phương án này sẽ làm cho hoạt động của Ban chỉ đạo gặp khó khăn vì thiếu cơ sở pháp lý để điều chỉnh mối quan hệ công tác với cơ quan, đơn vị trong bộ máy nhà nước.
Riêng tôi đồng tình với phương án 1 (quy định rõ trong Luật PCTN việc Ban Chỉ đạo trực thuộc Bộ Chính trị, do Tổng Bí thư đứng đầu). Tuy nhiên UB Tư pháp của Quốc hội khi đó lại phân tích rằng, nếu trong Luật quy định về Ban Chỉ đạo như phương án này là không phù hợp với tiền lệ quy định của hệ thống pháp luật hiện hành. Cụ thể là văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội không thể quy định tổ chức, hoạt động, chức năng của cơ quan Đảng.
Đây chính là vấn đề cần bàn ngay bởi vì việc này còn liên quan đến việc sửa đổi Hiến pháp hiện nay. Tôi chỉ đưa ra lập luận rất đơn giản, Điều 4 Hiến pháp xác lập sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và toàn thể xã hội thì tại sao trong Luật phòng chống tham nhũng lại không đưa vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư đứng đầu?
Vấn đề nguyên lý có thể tiếp tục được đề cập. Việc Ban Chỉ đạo theo mô hình mới chính thức đi vào hoạt động với phiên họp thứ nhất diễn ra đầu tuần này, ngay trước khi kỳ nghỉ Tết bắt đầu đã trở thành một điểm nhấn thời sự những ngày cuối năm với nhiều kỳ vọng, chờ đợi như ông đã chia sẻ. Phát biểu tại phiên họp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt vấn đề, mỗi thành viên, mỗi cán bộ làm việc trong lĩnh vực này phải hết sức gương mẫu, liêm, dũng, chính, trực, tức là phải trong sạch, dũng cảm, ngay thẳng, công tâm, trung thực. Bản thân mỗi thành viên của Ban và cả gia đình, vợ, con, phải giữ gìn sự trong sạch, rồi mới chống tham nhũng được, nếu không nói chẳng ai nghe, tay đã nhúng chàm thì không thể làm gì khác được. Ông có thể nói gì về những yêu cầu đặt ra với các thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng?
Phát biểu của Tổng Bí thư rất hay, nhưng cơ chế nào để thực hiện được ý kiến chỉ đạo đó mới là quan trọng. Nói thực lòng, trong cơ chế hiện nay có nhiều khe kẽ, có nhiều lỗ hổng để những người có chức có quyền được hưởng bổng lộc, ấy là chưa nói tới tham nhũng.
Tôi kiến nghị, việc cần làm đầu tiên là các thành viên Ban chỉ đạo kê khai tài sản và được xác minh chính xác của các cơ quan có thẩm quyền. Hàng năm (nếu làm được theo chu kỳ 6 tháng thì càng tốt), mỗi thành viên trong Ban Chỉ đạo cần được báo cáo về sự mẫu mực của mình, trong đó làm rõ số tài sản tăng thêm. Sau nữa, mỗi thành viên phải giải trình về những dư luận tham nhũng đối với bản thân (nếu có) và có kết luận của Ban chỉ đạo.
Những thông tin này được công bố trên báo chí để nhân dân hiểu, giám sát, để có niềm tin với Ban chỉ đạo.
Theo yêu cầu, 16 thành viên Ban Chỉ đạo phải là 16 tấm gương về giữ gìn đạo đức lối sống, không bị cám dỗ bởi bất cứ lợi ích nào, không ngại bất cứ lực cản không trong sáng nào, phải cam kết với nhau, mỗi thành viên Ban Chỉ đạo phải là một tấm gương về liêm sáng, trung thực, công tâm, khách quan. Phải làm thế nào để những yêu cầu này khả thi, thưa ông?
Yêu cầu này chỉ khả thi khi thực hiện được các giải pháp mà tôi vừa kiến nghị ở trên. Trong mỗi người chúng ta có ánh sáng và bóng tối, có ban ngày và có ban đêm. Không ai có thể chủ quan được. Ba vấn đề đặt ra là: Tự rèn luyện, không tạo ra môi trường cho tiêu cực và kiểm kê, kiểm soát.
Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh, cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo là Ban Nội chính Trung ương, do Bộ Chính trị thành lập, trực thuộc Bộ Chính trị, Ban Bí thư, có vị thế, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn rất quan trọng, không chỉ có chống mà cả phòng. Mô hình này sẽ tạo ra khác biệt gì so với mô hình Ban Chỉ đạo thuộc Chính phủ vừa qua, thưa ông?
Mô hình này khác với mô hình Ban chỉ đạo trước đây, hạn chế tối đa tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Tôi có niềm tin vào sự mới mẻ và tràn đầy sinh khí của cơ quan này. Tất nhiên gánh nặng đè lên vai của họ rất lớn. Toàn Đảng toàn dân đứng bên, động viên: “Hãy cố lên, hãy cố lên, các bạn không đơn độc đâu!”.
Nhiều người đã nêu quan điểm lo lắng về việc Ban Nội chính có thể trở thành một “quyền lực mới” mà nếu thiếu công cụ kiểm soát sẽ lại nảy sinh nhiều vấn đề, tương tự mô hình cơ quan trước đây. Vậy cơ chế kiểm soát ngược lại hoạt động của Ban Nội chính cần được chuẩn bị như thế nào?
Thứ nhất, cần nói rõ, mô hình trước đây và mô hình hiện nay khác nhau rất xa, trước hết là khác nhau về bản chất. Thứ hai, việc Ban Nội chính có thể trở thành một “quyền lực mới” hay không thì cần trao đổi cho rõ. Tôi thấy khả năng này là có nhưng không nhiều.
Về cơ chế kiểm soát ngược lại đối với cơ quan này tôi đã kiến nghị như trên.
Về nhân sự mới của Ban Nội chính, ông Nguyễn Bá Thanh đã khá thành công ở Đà Nẵng và được nhiều người mến mộ, tin tưởng. Nhưng công việc của ông Thanh sẽ hoàn toàn khác với công việc ở Đà Nẵng và nhiều người dự đoán, nhiều thử thách đang chờ đợi ông Thanh ở phía trước. Ông có thể nói gì về điều này?
Tôi có những hiểu biết ít nhiều về ông Nguyễn Bá Thanh. Tôi đánh giá cao tấm lòng nhiệt thành, tâm huyết với cuộc sống của nhân dân và với công việc cách mạng của ông Thanh. Vừa qua ông Thanh đã thành công ở Đà Nẵng bởi tầm nhìn, tinh thần quyết liệt và được sự thương yêu đùm bọc của nhân dân, đặc biệt là các bậc lão thành cách mạng. Tôi hiểu rằng, trong công việc thì tốt bảy phần, còn sai sót cũng lên tới ba phần.
Có lần tôi được nghe câu chuyện, lúc đầu có việc nhiều bậc lão thành cách mạng ở Đà Nẵng không hài lòng, bức xúc với ông Thanh. Nhưng sau khi tìm hiểu kỹ, nghĩ đi nghĩ lại, các bác rút ra nhận xét: “Thanh là con liệt sỹ, lớn lên trong lò lửa cách mạng, được Đảng dìu dắt và trưởng thành như ngày hôm nay. Nơi chín suối, chắc rằng ba của Thanh cũng mát mặt lắm. Động cơ của Thanh là tốt, hết lòng lo cho dân, nhưng phương pháp chưa ổn thì yêu cầu phải sửa”.
Đấy là thực tế. Ngợi ca quá mức thì dễ làm cho người ta chủ quan. Còn khắt khe, xét nét quá mức cũng dễ làm cho người ta thui chột, mất lửa, không dám làm gì nữa! Nguyễn Bá Thanh đã đi lên từ những thử thách ban đầu và sống trong lòng người dân là thế.
Trước mắt đúng là có qúa nhiều thử thách với ông Thanh, nhưng tôi có niềm tin, con người như ông Thanh thì không chịu bó tay đâu. Tất nhiên, sự nghiệp cách mạng là của quần chúng, sự nghiệp chống tham nhũng của chúng ta là thiêng liêng lắm. Đó là sự tồn vong của cả Đảng này, của cả chế độ này. Nhân dân ta đã quả cảm vượt qua những thử thách khắc nghiệt nhất để Đại thắng Mùa xuân và thống nhất giang sơn thì nhân dân ta cũng quyết tâm chiến thắng kẻ thù nội xâm.
Xin cảm ơn những chia sẻ tâm huyết của ông!
(Dân trí)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét