Mô hình tăng trưởng hiện nay bị vướng vào những khái niệm bất di bất dịch mang tính giáo điều trong khi người nghèo vẫn ngày càng nghèo hơn, bất công trong xã hội ngày càng lan tràn. Những lối nói tưởng đâu là đúng theo định hướng hóa ra lại là rào cản thực hiện chính sách phát triển trong công bằng.
Người ta thường phân tích nền kinh tế Việt Nam theo các tiêu chí như lạm phát, tăng trưởng GDP, tỷ giá, cán cân thương mại… nhưng lại bỏ quên một yếu tố then chốt: phát triển kinh tế để làm gì? Hay nói cách khác, định hướng cho các chiến lược phát triển kinh tế nhắm đến đối tượng nào, có đạt được như mong muốn không?
Nếu mục đích của mọi chính sách là nhằm tạo một môi trường phát triển sao cho giới lao động như công nhân, nông dân, người nghèo được hưởng lợi nhiều nhất để xây dựng một xã hội công bằng thì rõ ràng chính sách chưa thành công.
Một công cụ quan trọng nhất để Nhà nước điều tiết thu nhập quốc dân hướng đến các chương trình xã hội là các doanh nghiệp nhà nước. Nhưng các doanh nghiệp nhà nước hiện đang bị chìm đắm trong đống nợ nần lớn, lo bản thân còn chưa xong, nói gì đến phục vụ các chính sách điều tiết của Nhà nước. Doanh nghiệp nhà nước hiện là khu vực ít tạo ra việc làm nhất, so với khu vực tư nhân hay đầu tư nước ngoài, chỗ làm nếu có cũng dành cho con cái các quan chức hay cán bộ trong ngành. Hiếm thấy các lời rao tuyển dụng nhân sự vào các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Nông dân, lẽ ra là đối tượng các chính sách phát triển bền vững phải hướng tới, lại không sở hữu phương tiện sản xuất quan trọng nhất của họ là đất đai, lại luôn luôn đối diện nguy cơ bị thu hồi đất. Một khi không nắm được đất đai, số phận người nông dân dễ bị đẩy vào chỗ bế tắc khi đất bị thu hồi cho các dự án phát triển khác mà họ không được dự phần. Nông dân cũng là giới chịu thiệt thòi nhất khi sản phẩm làm ra bị các doanh nghiệp “thu mua” ép giá; tiếng nói của họ trong các hiệp hội nghề nghiệp hầu như vắng bóng.
Ngược lại, hai cột trụ để giúp đánh giá mức độ phát triển bình đẳng của một xã hội là giáo dục và y tế thì đối với người nghèo hiện đang là gánh nặng không dễ mang. Chi phí cho giáo dục và y tế chiếm một tỷ trọng lớn trong chi tiêu của người nghèo đã đành; mức độ hưởng thụ từ các chính sách an sinh xã hội hay bảo hiểm y tế của người có thu nhập cao cũng cao hơn so với người nghèo. Những thành tích xóa đói giảm nghèo từng được báo cáo rầm rộ những năm trước nay đã bị triệt tiêu khi hố ngăn cách giàu nghèo ngày càng lớn, nguy cơ tái nghèo hiển hiện rõ với hàng triệu người dân ở những vùng khó khăn.
Những biểu hiện dễ thấy nhất minh chứng cho nhận định rằng tình hình kinh tế đang bất lợi cho người nghèo là khá nhiều, ví dụ mức tăng chỉ số giá tiêu dùng. Trong khi chỉ số giá tiêu dùng tháng 1-2013 của cả nước tăng 1,25% so với tháng trước thì chỉ số này ở TPHCM chỉ tăng 0,44% và ở Hà Nội tăng 0,95%. Nói cách khác, giá cả ở các tỉnh thành trên cả nước tăng cao hơn nhiều so với hai thành phố lớn nhất. Giá cả liên quan đến dịch vụ y tế, giáo dục cũng tăng mạnh nhất, lại đè nặng lên khả năng chi tiêu của người nghèo.
Trong khi đó, lãi suất cao đang gây khó khăn cho toàn nền kinh tế nhưng nhìn từ góc độ người gởi tiền thì nó vẫn có lợi hơn nhiều cho người có tiền so với người không có tiền, phải trông chờ vào đồng lương còm cỏi. Bởi thế mới có chuyện người nghèo thất nghiệp sẽ đối diện với cú sốc lớn, gia đình bị xáo trộn còn người có tiền, kinh doanh khó khăn thì lại bỏ tiền vào ngân hàng, lãnh lãi để đi du lịch, nghỉ ngơi…
Trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng “cần thừa nhận mô hình tăng trưởng hiện nay là mô hình không hữu hiệu, là mô hình dẫn đất nước tới sự bất ổn vĩ mô”. Ý của bà là những bất cập của nền kinh tế hiện nay là do chúng ta đang dựa vào mô hình tăng trưởng sai, như bơm tín dụng ồ ạt. Nhưng nhận định này cũng có thể áp dụng để lý giải vì sao người nghèo đang ngày càng nghèo đi, khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn hơn và lớp người dễ bị tổn thương khi có các cú sốc kinh tế ngày càng đông thêm.
Mô hình tăng trưởng hiện nay bị vướng vào những khái niệm bất di bất dịch như nói đến doanh nghiệp nhà nước là nói đến vai trò chủ đạo, nói đến đất đai là nói đến chuyện sở hữu toàn dân, hết rót tín dụng giá rẻ cho doanh nghiệp đến tìm cách giải cứu… một thời là giải cứu chứng khoán nay giải cứu địa ốc, là ưu tiên tìm cách xóa nợ xấu cho doanh nghiệp nhà nước và giới chủ ngân hàng. Cách nói tưởng đâu là đúng theo định hướng hóa ra lại là rào cản thực hiện chính sách phát triển trong công bằng.
Tái cấu trúc nền kinh tế có nghĩa là tìm mô hình tăng trưởng mới, phải bắt đầu bằng câu hỏi, liệu các chính sách đang xây dựng đó có phục vụ cho việc tạo lập một “xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” hay không? Các con số tăng trưởng GDP chẳng có ý nghĩa gì nhiều một khi sinh viên ra trường tìm được việc làm không phải do năng lực bản thân mà do “tiềm lực kinh tế” của gia đình chạy chọt chỗ làm; người nghèo gánh chịu hậu quả ô nhiễm môi trường nhiều hơn người có của; người cô thế thua thiệt kẻ kết nhóm thành các nhóm lợi ích rất lợi hại.
Theo blog Nguyễn Vạn Phú
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét