Pages

Thứ Năm, 7 tháng 2, 2013

VĂN HÓA VÀ GIÁO DỤC


Lý Đại Nguyên.


                                                         
 
Toàn thể nhân loại đang nỗ lực hướng dẫn, dìu dắt nhau tiến lên, bước sang Thời Đại Nhân Chủ Nhân Văn Toàn Cầu. Do đó thế giới đòi hỏi tất cả các Quốc Gia phải có một Nền Giáo Dục Toàn Triển,Toàn Diện, Toàn Cầu, rộng mở, đáp ứng với nhu cầu thời đại đang ra sức loại bỏ ý niệm hận thù, tham vọng khống chế, hành vi bạo ác, bạo lực, bạo động, thay thế vào đó bằng những sinh hoạt có Văn Hóa Tính hòa ái, hiểu biết, bao dung và giúp nhau cùng thăng hóa khắp mặt cuộc sống của nhân sinh và vạn hữu. Văn Hóa Tính luôn luôn có nhiệm vụ Bảo Lưu tất cả những công trình tim óc, và các sản phẩm trí tuệ do con người sáng tạo và tạo tác ra, để đóng góp trong kho tàng văn hóa các dân tộc và nhân loại, tạo ra một Cuộc Sống Người Văn Minh. Rồi từ đó các thế hệ sau hướng dẫn nhau, học hỏi nhau, thâu thái, dung hóa, triển hóa, nhằm thăng hóa Nền Văn Hóa Chung, làm cho cuộc sống con người từ tình cảm, suy tư tới hành xử, và các sản phẩm con người sáng tạo và tạo tác ra, tất cả dần dần chứng đạt được đúng hướng Chân Thiện Mỹ, luôn luôn Thăng Hóa. Đó là tiêu chuẩn từ ngàn xưa, tới ngàn sau của Văn Hóa Nhân Loại. Đây chính là Nội Dung của Nền Giáo Dục Nhân Chủ Nhân Văn, Toàn Triển, Toàn Diện, Toàn Cầu vậy.
 
Có lập căn đúng như thế, các bậc thầy ở Học Đường mới hội đủ căn bản, điều kiện để hướng dẫn - chứ không áp đặt, nhồi sọ - nhằm giúp cho giới trẻ tự triển khai Thân Tâm, Tài Đức, Tri Thức và Khả Năng Chuyên Môn của mỗi người, để trở thành những Con Người tự tìm hiểu về mình, hiểu biết về giá trị tự do là phải có tinh thần tự chủ và trách nhiệm, hiểu biết mọi mối tương quan giữa Người với Người trong thực tại xã hội của từng quốc gia, cả về quá khứ lịch sử, lẫn thực tại cuộc sống toàn diện từ Gia Đình, Quốc Gia, Quốc Tế, các Tôn Giáo, các nền Đạo Học, các ngành Khoa Học, để có đủ tự tin, tự làm chủ mình, để hoàn thiện khả năng và giá trị Nhân Chủ - Tự Do, Tự Chủ, Sáng Tạo - thấy rõ được trách nhiệm và sứ mạng của mình là phải cùng đóng góp tâm tình, tài trí, tạo tác, công sức của mình với tha nhân vào việc thăng hóa xã hội, thăng hóa lịch sử, thăng hóa vạn hữu.
Như thế, mới thể hiện được giá trị của nền Giáo Dục Toàn Triển Toàn Diện là Học, Hỏi, Hiểu, Hành khắp mặt Tâm Dục, Thể Dục, Đức Dục, Tri Dục, và Chuyên Môn đúng với hướng vươn lên không cùng của Văn Hóa Tính. Chính vì mục đích của hệ thống Giáo Dục là thể hiện nền Văn Hóa Nhân Chủ Toàn Triển Toàn Diện Toàn Cầu, nên việc nuôi dậy giới trẻ cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Học Đường, Gia Đình, Cộng Đồng, Quốc Gia, và Quốc Tế. Mỗi đơn vị đó đều phải hoàn tất sứ mệnh và trách nhiệm của mình, trong sự nghiệp giáo dục các thế hệ nối tiếp, làm cho Con Người, Cuộc Sống, Thế Giới ngày một tốt, đẹp, sáng, mới thêm mãi trong Dòng Sinh Mệnh Văn Hoá, trong Cuộc Sống Xã Hội và trong Lịch Sử Thăng Hóa của các Dân Tộc, giữa ngôi  nhà chung của Nhân Loại.
 
GIÁO DỤC TÂM LINH
 
Sự trực nhận của các bậc chân sư đại giác khi công bố rằng: “Ta là tất cả, tất cả là Ta” thì thật là một điều không mấy dễ hiểu đối với nhận thức của con người bình thường. Nhưng đây lại là những điều ngày càng đúng với những khám phá của nền khoa học hiện đại. Đi tới tận cùng của sự khám phá các hiện tượng Vật Chất thì chúng chẳng vô hồn, ù lỳ, bất biến, duy vật chút nào cả. Chúng vốn là những hiện tượng tập hợp xoắn kết của Nguồn Năng Lực Siêu Thể Vô Sắc, Vô Biên, Vô Hạn, vĩnh chuyển, hằng hóa, thăng hoá. Sự xoắn kết của nguồn năng lực vô hình, động lực dũng mãnh, linh năng vi diệu này đã hình thành ra các hiện tượng Khối Vật Thể Hữu Sắc, Hữu Hình, Hữu Biên, Hữu Hạn. Vật thể cực vi là Nguyên Tử, bao gồm các dòng năng lực: Âm điện tử - electron. Dương điện tử - proton. Trung hoà tử - neutron. Chuyển động xoắn tít vào trung tâm nội tại, tạo ra nhóm vi diệu Neutrino, Antineutrino và Hyperon.

Mỗi nguyên tử chia ra làm 2 phần, các đơn vị Electron xoay chuyển chung quanh Nhân Nguyên Tử với tốc độ khủng khiếp lên tới 297,000 cây số trên dưới 1 giây, gần bằng tốc độ của ánh sáng 300,000 cây số 1 giây. Nhân Nguyên Tử gồm các năng lực Proton, Neutron, Neutrino, Antineutrino, Hyperon chuyển động dũng mãnh cực nhanh liên tục theo luật tự nhiên là Bổ Sung, Phân Hóa, Điều Hợp với nhau, để vừa hoàn chỉnh tự thân, vừa tự phân hóa ra làm nhiều nguyên tử mới, tạo thành khối lượng Vật Chất. Vậy, Vật Chất Hữu Hình, Hữu Tính, Hữu Dụng cũng chỉ là Nguồn Năng Lực Siêu Thể Vô Sắc vĩnh chuyển, hằng hóa, thăng hóa mà thành, trụ, hoại, không. Trụ là Vật Thể Hữu Hình. Hoại trở về Siêu Thể Vô Hình, đễ vĩnh viễn tồn tại, trợ duyên, cũng như trực tiếp đóng góp trở lại cho các hiện tượng Vạn Hữu, ngày một Thăng Hóa không cùng. Nhưng nếu nguồn năng lực ngưng chuyển động thì đơn vị Vật Chất lập tức biến mất thành Không. Đúng với vũ trụ quan Nhà Phật: “Sắc, Sắc, Không, Không”. “Chân Không Diệu Hữu”.

Con Người là kết tinh vi diệu của Nguồn Tâm Linh Siêu Thể Vô Hạn phát triển trong Một Thân Thể Hữu Sinh Hữu Hạn, nên vốn có sức mạnh Tư Tưởng với khả năng vươn tới vô hạn, nội tại trong Mỗi Người. Do dó vấn đề Giáo Dục Tâm Linh để khai triển Trí Tuệ làm cho Tư Tưởng rộng mở vô biên, mới phải đặt ra. Lẽ cố nhiên với những trẻ thơ tâm linh trinh trắng, việc đặt nét chấm phá về tâm linh quan trọng nhất là ở đầu đời, công việc đó thuộc về Mẹ Cha. Nhưng cha mẹ thường đặt niềm tin vào Tôn Giáo mình theo, hay một nền Đạo Học nào mà mình tin tưởng, hoặc do quán tính Văn Hóa truyền thống của Dân Tộc mình, để khai mở tâm linh cho con cái ở bước đầu. Bởi vậy chính các Giáo Lý Tôn Giáo, các Tu Sĩ Tôn Giáo; các Luận Thuyết Đạo Học, các Trí Giả Đạo Học; các Truyền Thuyết Dân Tộc, các Trí Thức Dân Tộc là những người mặc nhiên nắm giữ phần Giáo Dục Tâm Linh của Con Người, thông qua mẹ cha của con trẻ, và trở thành linh hướng cho mỗi tín đồ trọn đời.
Nhưng suốt thời đại Mặc Thức Nhân Nhiên, qua thời kỳ Ý Thức Nhân Loại, thường thường các Tôn Giáo đều tuyệt đối tin tưởng vào sự an bài của các đấng Thần Linh; các nền Đạo Học vẫn còn tuyệt đối tin vào thuyết Định Mệnh; các Dân Tộc còn trong chế độ Phong Kiến, tin nhận Nhà Vua là Con Trời quyết định tất cả. Chính vì vậy mà Tư Tưởng Con Người bị đóng khung trong chiếc vỏ cứng, không tự tin vào mình, chưa tự làm chủ được tư tưởng mình, chưa tin vào phương pháp tự khai mở tâm linh của mình, dù trên Hai Ngàn Năm nay, từng có các học thuyết hướng tâm, cũng như Đạo Phật đã đề nghị phương pháp tự tu, tự chứng, để mỗi người tự khai mở tâm linh trí tuệ từ tâm của mình, nhằm quán đạt được Nguồn Gốc Tâm Linh mình, nhưng chưa được phổ cập rộng khắp . Vì thế, tất cả các tu sĩ tôn giáo, các nhà tư tưởng thời đó, chưa làm tròn sứ mệnh hướng dẫn tâm linh, nên chỉ còn là những nhà rao truyền Đạo Đức Luân Lý Xã Hội mà thôi.
 
Thế rồi, cũng đến lúc, nhân loại đã phát hiện ra mình có nhu cầu tự do tư tưởng, tự do lên tiếng, tự do sinh hoạt, cũng đã nhận chân được ‘muốn có tự do thì phải được tự chủ’, nhất là việc lựa chọn và kiểm soát chế độ và luật lệ mà mình tạo ra, để mình được sống tự do có luật pháp bảo vệ. Do đó Ý Thức Dân Chủ Trọng Pháp xuất hiện, tạo thành các cuộc Cách Mạng Dân Chủ Tự Do. Kinh nghiệm dậy rằng: “Các nước dù lớn, hay nhỏ, mà thực thi chế độ Dân Chủ Trọng Pháp, đều trở thành giầu mạnh và được nể trọng”. Nên người dân ở tất cả các nước trên thế giới ngày nay, đều mong muốn thực hiện công cuộc Dân Chủ Hoá Toàn Cầu. Từ đấy, nhân loại mới bước hẳn vào Thời Đại Nhận Thức Nhân Chủ Nhân Văn Toàn Triển Toàn Cầu, mà Nền Giáo Dục Toàn Triển Toàn Diện sẽ tạo ra cho các thế hệ nối tiếp những bước đi vững vàng  ở Thời Đại Mới.
 
GIÁO DỤC THỂ LỰC
 
Khi đã nhận chân được chính Nguồn Năng Lực Siêu Thể Vô Sắc đã xoắn kết tạo thành các Nguồn Năng Lực Điện Tử  trong đơn vị gốc của Vật Chất là Nguyên Tử. Rồi các Nguyên Tử theo nguyên lý tự nhiên vĩnh chuyển, hằng hóa, thăng hóa để Bổ Sung, Phân Hóa, Điều Hợp với nhau, tăng trưởng không ngừng, tạo thành Vạn Hữu, nhỏ vi ti là các Nguyên Tử, lớn vĩ đại là các Thiên Hà, với Vạn Hữu muôn hình, vạn trạng, muôn màu, muôn vẻ, mà tất cả đều có chung một Nguồn Nội Lực là Năng Lực Siêu Thể hiện hoá, diễn hóa, thăng hoá liên tục, khiến cho Vật Thể sinh ra các thể loại với tính chất và năng lực khác nhau. Ở dạng Vật Chất chỉ là Nguồn Điện Tử, ở dạng Sinh Vật là Nguồn Sinh Năng, ở dạng Nhân Loại là Nguồn Tâm Năng, nhưng không thể thiếu các Nguồn Điện Tử vật chất, các Nguồn Sinh Năng sinh vật, và các Nguồn Năng Lực vi diệu khác hiện có trong Vũ Trụ, làm thành cơ thể  sống động hoàn chỉnh nơi Con Người.
 
Tâm Năng là nguồn tinh lực chi phối chỉ huy toàn bộ cơ thể, lẫn sự rung cảm, suy tư, hành xử của Con Người. Bởi thế khi tình cảm vui vẻ, suy tư trong sáng, hành xử chân chính, con người sảng khoái tươi vui, cởi mở, với ý chí hướng thượng, sẵn sàng giúp đỡ tha nhân và phục vụ đại nghiã, thì cuộc sống chắc chắn thoải mái, nhất định sẽ ảnh hưởng lớn lao tới nguồn sinh lực trong cơ thể sống động khỏe mạnh nơi mỗi người. Chính vì vậy, mà Thân Thể Con Người đúng là Nguồn Nhiên Liệu để thắp sáng Ngọn Đèn Trí Tuệ  trong Tâm mỗi người, và Tâm Linh lại là nguồn sống mạnh khỏe của Thân Thể.  “Tinh Thần Minh Mẫn trong một Thân Thể Cường Tráng” là thế. Do đó vấn đề Giáo Dục Thể Lực không thể thiếu trong Nền Giáo Dục Toàn Triển Toàn Diện được.
 
Từ trước tới giờ khi nói về Thể Dục, người ta thường chỉ luyện tập các môn thể thao về gân bắp và sức dẻo dai. Đến nay các Đại Học Hoakỳ và một số đại học trên thế giới, đã có chương trình dậy Yoga - Thể Thiền. Như thế là bước đầu dẫn tới lãnh vực Tâm Thiền - Zen, sẽ được đưa vào chương trình giảng dậy, tu tập tại Học Đường chắc không còn xa. Nhằm làm giảm chứng trầm cảm và loạn tâm thần của giới trẻ say mê điện toán, để tự phong bế tình tự, tâm tư, ý thức, nhận thức của mình lại. Đó cũng là phương pháp làm giảm bớt căng thẳng nơi giới chuyên môn. Đồng thời giúp Con Người vượt thắng được những khắc nghiệt, phức tạp, trở lực trong cuộc sống. Tất nhiên những môn Thể Thiền, nhất là Tâm Thiền chưa thể áp dụng cho những trẻ nhỏ, mà chính là nhằm hướng dẫn cho Mẹ Cha và Thầy Cô, để họ có cuộc sống nội tâm an nhiên, tự tại, phong phú và niềm tin vào những khái niệm về các môn học quan trọng này. Từ đó chính Mẹ Cha và Thầy Cô sẽ dùng Thân Giáo để làm gương cho các em, qua việc cha mẹ và những người thân sống dưới một mái nhà cư xử với nhau, cũng như việc tập thở, tập uống, tập ăn, tập ngủ, tập nghỉ, tập chơi… hướng tới các môn thể thiền và tâm thiền, khiến cho con trẻ có được nếp sống điều độ, hồn nhiên, lành mạnh, khỏe khoắn.
 
Rõ ràng là Nguồn Tâm Năng không những quyết định các sinh hoạt Tinh Thần của Con Người cả về các mặt Rung Cảm – Suy Tư – Hành Xử, mà quan trọng hơn hết là chi phối nguồn sinh lực và tất cả các bộ phận trong Cơ Thể Con Người. Vì lãnh vực Tâm Năng nơi Con Người là kết tinh cao độ của cuộc thăng hoá kỳ vĩ nơi Nguồn Năng Lực Siêu Thể trong Vũ Trụ, đã trường kỳ thể hiện trong sự diễn hóa, thăng hoá ở các hiện tượng Vạn Hữu. Chính vì thế, mà Nguồn Năng Lực Siêu Thể nơi Con Người đã trở thành Nguồn Tâm Năng có Linh Năng, Tính Năng, Cảm Năng, Thức Năng, Tưởng Năng, Giác Năng. Có thể gọi đó là Nguồn Siêu Thức làm nền cho Tâm Thức mỗi người. Khi tổ tiên loài người ở mặt đất này đã đủ điều kiện, cảm biết được công việc thay thế Luật Tự Nhiên, người Nam + Nữ giao phối với nhau, tạo ra Nòi Giống Người thì lập tức hình thành “bản đồ DNA - Chủng Tử” để ghi dấu ấn Nguồn Di Thức của dòng dõi huyết hệ vào Tâm Thức của Con Cháu đời đời.  Siêu Thức Vũ Trụ và Di Thức Huyết Thống trở thành nhất thể của Tâm Thức Mỗi Người, để thường xuyên rung ứng tiếp thu thêm các Nguồn Năng Lực Linh Diệu của Vũ Trụ. Đến lúc ra khỏi bụng mẹ là lúc Con Người từ từ tiếp thu Nguồn Thế Thức, qua việc học tập, bồi dưỡng kiến thức, và trải nghiệm trong cuộc sống xã hội, và thiên nhiên.
 
Chính vì vậy, mà việc Giáo Dục Thể Lực cả về mặt tinh thần lẫn vật chất, phải áp dụng chương trình Thai Giáo, ngay khi vợ chồng quyết định sinh con, nhằm tạo điều kiện và môi trường cho Thai Nhi tiếp thu những nguồn năng lực anh hoa của Vũ Trụ và  tinh nhuệ của Dòng Giống. Nội Tâm mỗi người đều kết tinh của 3 nguồn: Siêu Thức, Di Thức, Thế Thức trở thành Tâm Thức bao gồm các công năng là Mặc Thức, Ý Thức, Nhận Thức, để có được khả năng Suy Tư, Tư Tưởng và Giác Ngộ. Như trên đã đề cập, chính Cơ Thể của Con Người là Ngưồn Nhiên Liệu để thắp sáng Ngọn Đèn Trí Tuệ. Thế nên việc Giáo Dục Tâm Linh, và Giáo Dục Thể Lực, tuy hai mà là một, nhằm giúp Con Người dùng phương pháp Thể Thiền để làm cho Thân Thể phát triển, điều hòa, sung mãn, đủ sức thực hiện phương pháp Tâm Thiền: “Tập trung ý chí và tư tưởng, vận hành hơi thở và nội lực của thân - tâm, theo quy trình ‘quán - định’, để vui vẻ buông bỏ tất cả”. khiến Lực Trí Tuệ khai mở làm bừng nở Đức Từ Bi, trở thành bậc Nhân Chủ chính giác, phục vụ Tha Nhân, làm trong sáng, tốt lành, vui đẹp và luôn luôn tươi mới cho cuộc sống văn hóa và thực tại của nhân loại.
 
GIÁO DỤC ĐỨC TÍNH
 
Việc Giáo Dục Đức Tính, khởi đi từ tình yêu thương và cuộc sống của Mẹ Cha, ngay lúc Thai Nhi vừa hình thành. Khi đó, chính là lúc Tinh Lực Siêu Thức hợp nhất với Huyết Thống Di Thức, thành Nội Lực Tâm Thức của Thai Nhi, nên sự giao hòa Tâm Tính, Linh Thức, Tình Cảm, và sự yêu thương trân quý giữa Cha Mẹ với sự yêu Con, cũng như việc dưỡng mẫu, dưỡng thai, trở thành môi trường thiêng liêng tuyệt hảo, tiếp giúp cho Tâm Hồn con mình, trở thành một Con Người có căn cơ đức hạnh, thông minh, giầu tình người. Lúc con trẻ ra đời là lúc tiếp nhận Nguồn Thế Thức ở người chung quanh. Từ cảm tình, lời nói, thái độ, cử chỉ, cách sống…của những người sống trong Gia Đình và các người lân cận, đúng là bài học ban đầu của trẻ sơ sinh, sống và tiếp thu bằng Bản Năng Mặc Thức. Vì vậy, mà mọi người phải triệt để áp dụng Phương Pháp Thân Giáo, dùng bản thân mỗi người làm bài học đầu đời cho con trẻ.
 
Phương Pháp Thân Giáo còn cần áp dụng triệt để với bậc Thầy Cô ở các lớp Mầm Non và Mẫu Giáo. Nhưng cha mẹ cũng không được quyền khoán trắng cho Nhà Trường, mà Gia Đình với Nhà Trường phải phối hợp khắng khít với nhau để nuôi dậy con trẻ. Thầy Cô ở các lớp mầm non, mẫu giáo, nhà trường thường sử dụng các Cô để có tâm tính, tình cảm của Người Mẹ dễ gần và thương yêu các trò nhỏ của mình, bằng tình yêu người mẹ hiền đối các con cái mình. Họ có đủ kiên nhẫn, chăm sóc, chỉ dậy từ: cách thở, ăn, nói, ngủ, nghỉ, đi, đứng, nằm, ngồi, học tập, vui đùa, giao tiếp với bạn học, nhất là không để cho khuynh hướng bạo lực và hành vi bạo động, có cơ hội xuất hiện trong cuộc sống vừa chơi, vừa học với bạn bè, có sự chăm sóc của Thầy Cô. Biết kính mến Thầy Cô, quý trọng Gia Đình, tôn trọng Người Lớn, trắc ẩn với những Người Thiếu May Mắn, thương yêu bạn học, có tinh thần bao dung tha thứ lỗi lầm người khác, thành thật nhận lỗi và biết vui vẻ xin lỗi của mình. Ở tuổi này, cha mẹ chớ bắt ép con cái mình làm những việc mình muốn, mà chúng không thích. Nhưng nếu đó là điều ích lợi và cần thiết cho chúng, thì nên hội ý với Cô Giáo của chúng, để họ tế nhị, kiên nhẫn thuyết phục chúng, chắc sẽ thành công. Nên nhớ, Cô Giáo ở các lớp Mầm Non và Mẫu Giáo chính là vị “Nữ Thần” của chúng đấy.
 
GIÁO DỤC TRI THỨC
 
Hệ thống giáo dục ở các nước tiên tiến hiện nay rất phong phú, đa dạng; Ngay ở Hoakỳ, chính phủ Liên Bang không trực tiếp chi phối Hệ Thống Giáo Dục của Quốc Gia, mà do các chính phủ Tiểu Bang hoàn toàn quản lý: Có trách nhiệm phân phối, ấn định Ngân Sách, Chương Trình, và mọi Sinh Hoạt của hệ thống Học Đường. Bởi vậy, chương trình giáo dục hoàn toàn phụ thuộc vào đặc tính của mỗi Tiểu Bang về văn hóa địa phương, nhu cầu đào tạo, nhu cầu công việc, kể cả tính cách Đa Văn Hóa, Đa Tôn Giáo và những yếu tố liên quan tới địa hình, thời tiết của mỗi Bang. Mặc dù vậy vẫn có một số điểm chung về cách tổ chức và quy định lớp lang, trình độ học vấn. Đây đúng là nền Giáo Dục của Chế Độ Tự Do Dân Chủ, không để cho Nhà Nước trở thành Độc Tài Toàn Trị.
 
Ở mỗi địa phương, mỗi trường có quyền phân cấp từ Tiểu Học lên Trung Học đệ I cấp, tới Trung Học đệ II cấp , dài, ngắn khác nhau. Nhưng chỉ hạn định trong vòng 12 năm. Sau đó học sinh tiếp theo học Đại Học Chính Quy 4 năm. Ngoài ra còn có Cao Đẳng Cộng Đồng 2 năm. Học hết 2 năm, đủ điểm, có thể ghi danh vào Đại Học Chính Quy 4 năm. Còn không tiếp tục nữa, thì có thể vào trường Cao Đẳng Huấn Nghiệp 2 năm để học nghề.  Sau 4 năm tối nghiệp Đại Học Chính Quy, nếu sinh viên theo các ngành như Y, Dược, Luật, Thần Học…thì học tiếp ra Bác Sĩ, Dược Sĩ, Luật Gia…Còn những sinh viên đủ điểm quy định, được vào chương trình Cao Học Khoa Học 2 năm, nếu luận án tốt nghiệp đủ điểm quy định sẽ tiếp tục chương trình Tiến Sĩ và phải trình luận án có tính sáng tạo. Với các Sinh Viên không đủ điểm thì sẽ theo chương trình Cao Học Ứng Dụng.
 
Tới tuổi vào Tiểu Học, chương trình Giáo Dục Tri Thức, chữ nghĩa, kiến thức, tuy là chính, nhưng thầy cô, cha mẹ vẫn phải quan tâm giúp các em hướng vào Tâm Linh, rèn luyện Đức Tính, siêng tập Thể Lực, chơi các môn thể thao thích hợp với mỗi em. Tùy vào năng khiếu văn nghệ mỗi em, Thầy Cô và Cha Mẹ khuyến khích các em luyện tập các môn nghệ thuật, mà họ có sở trường. Ở bậc Tiểu Học và Trung Học, nhà nước và địa phương đã có một chính sách chung về chương trình và ngân sách. Dân chúng mỗi địa phương, bầu ra Hội Đồng Học Khu để đôn đốc, giám sát các sinh hoạt của Học Đường. Tức là 4 bên: Nhà Trường, Gia Đình, Nhà Nước và Cộng Đồng Địa Phương đều phải tận tâm góp sức vào việc bảo vệ, dậy dỗ, xây dựng nên những Con Người Toàn Triển Toàn Diện cho tương lai đất nước.
 
Ở bậc Trung Học có tính cách Phổ Thông, nên một lớp phải có nhiều Giáo Sư, Thầy Trò không còn gắn bó nhiều như ở các lớp Mầm Non, Mẫu Giáo, Tiểu Học nữa. Tuy các Giáo Sư vẫn không thể quên phương pháp Thân Giáo, cộng với Ngôn Giáo và Tâm Giáo cần phải có, thể hiện qua cung cách, tài năng, đức độ của mình để thuyết phục, chinh phục, khuyến khích, thúc đẩy, gợi ý cho học sinh ham vui học - hỏi, hỏi, hiểu, hành - để bắt tay vào việc Thí Nghiệm, Thực Nghiệm, Kiểm Nghiệm. Tạo điều kiện, cơ hội cho Học Sinh nêu ra tất cả những khó khăn, vướng mắc trong bài học, trở ngại trong việc thâu thái. Cũng như phát biểu ý kiến trước Thầy, Bạn, và các chương trình Dã Ngoại, quan sát thực tế xã hội, cơ xưởng, thiên nhiên, tham gia sinh hoạt xã hội cộng đồng… Chương trình Trung Học đa dạng, nhưng chỉ là khái quát, để học sinh mở rộng kiến thức, giúp cho họ tự tìm ra môn học chính cho mình, khi chọn lựa các ngành trên Đại Học, không một ai, - kể cả cha mẹ - không một thế lực nào, được quyền ép buộc học sinh phải lựa chọn những môn học, mà họ không thích hợp. Các Đại Học danh tiếng ở đất nước phát triển, hầu hết đều có quy chế Tự Trị Đại Học, với chương trình Rộng Mở, sẵn sàng khai phá và mở thêm các phân khoa mới, đáp ứng với nhu cầu và sự phát triển của thực tế. Nhà Nước có chương trình trợ giúp cho sinh viên nghèo và cho tất cả sinh viên được vay tiền học. Nhà Nước, các Sáng Hội, các Công Ty và Tư Nhân còn có những chương trình cấp học bổng cho các sinh viên ưu tú.
 
Chương trình Giáo Dục ở các nước Dân Chủ ngày nay, đều đã có chung một hướng là, xây dựng thành những Con Người tự do, tự chủ, sáng tạo, có đủ sức khỏe, tinh thần, thể chất, nhận thức sáng suốt, tài đức cao rộng, khả năng sáng tạo, trước khi là chuyên gia, bác học để phù hợp và đóng góp với cuộc sống thực tế, hoà ái, phát trỉển, trong xã hội nhân văn, tự do, công bằng, trọng pháp. Bởi thế ngoài các môn như toán và khoa học, các bài vở khai mở tri thức và chuyên khoa, thì nền Giáo Dục Nhân Chủ Nhân Văn, Toàn Triển, Toàn Diện, Toàn Cầu, cần phải chuyên chở các nội dung có văn hóa tính của Dân Tộc, Nhân Loại, với giá trị tự chủ, trách nhiệm tự do, đức tính công bằng và tinh thần trọng pháp, để Người Người sống yên vui, Nhà Nhà hạnh phúc giữa thế giới văn minh của Thời Đại Nhân Chủ Nhân Văn Toàn Triển Toàn Diện Toàn Cầu này.
 
© LÝ ĐẠI NGUYÊN -
 Little Sàigòn ngày 01/01/2013 -
 Mùa Xuân Quý Tỵ

Không có nhận xét nào: