Pages

Thứ Ba, 26 tháng 3, 2013

Nổ súng vào dân hay tội phạm?



congan.com-305.jpg
Thực tập bắn súng, ảnh minh họa.
Photo courtesy of congan.com
Mỗi công an cũng nhận thức được thực tế rằng việc sử dụng các biện pháp cưỡng chế, bao gồm cả vũ khí, là sự cho phép đặc biệt trong các tình huống khẩn cấp. Các biện pháp và điều kiện theo đó họ có thể được sử dụng vũ khí đúng Pháp lệnh 16/2011/UBTVQH12. Tất cả các nhân viên cảnh sát phục vụ công chúng đều biết rằng công việc của công an, cảnh sát nhiệm vụ nhiều hơn quyền hạn.  Theo Pháp lệnh 16/2011/UBTVQH12, thì:  ”Khi thi hành nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự có tổ chức, việc nổ súng tuân theo mệnh lệnh của người có thẩm quyền. Khi thi hành nhiệm vụ độc lập, việc nổ súng tuân theo các nguyên tắc sau đây:

a) Phải căn cứ vào từng tình huống, tính chất, mức độ hành vi nguy hiểm của đối tượng để quyết định việc nổ súng;
b) Chỉ nổ súng khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi của đối tượng và sau khi đã cảnh báo mà đối tượng không tuân theo. Nếu việc nổ súng không kịp thời sẽ đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe cho bản thân hoặc người khác hoặc có thể gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác thì được nổ súng ngay;
c) Không nổ súng vào đối tượng khi biết rõ người đó là phụ nữ, người tàn tật, trẻ em, trừ trường hợp những người này sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác;
d) Trong mọi trường hợp nổ súng, người sử dụng súng cần hạn chế thiệt hại do việc nổ súng gây ra.
3. Các trường hợp nổ súng gồm:
a) Đối tượng đang sử dụng vũ lực, vũ khí, vật liệu nổ trực tiếp đe dọa đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác;
b) Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc đe dọa sự an toàn của công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, mục tiêu quan trọng được bảo vệ theo quy định của pháp luật;
c) Đối tượng đang thực hiện hành vi cướp súng của người thi hành công vụ;
d) Đối tượng đang sử dụng vũ khí gây rối trật tự công cộng có thể gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng;
d) Đối tượng đang đánh tháo người bị giam, người bị dẫn giải do phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, tái phạm nguy hiểm; người bị giam, giữ, bị dẫn giải, bị áp giải do phạm tội đặc biệt nghiêm trọng đang chạy trốn hoặc chống lại;
e) Được phép bắn vào phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện giao thông đường thủy nội địa để dừng phương tiện đó trong các trường hợp sau, trừ phương tiện giao thông của các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế:
Đối tượng điều khiển phương tiện đó tấn công hoặc đe doạ trực tiếp đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác;
Khi biết rõ phương tiện đó do đối tượng phạm tội điều khiển cố tình chạy trốn, trừ trường hợp trên phương tiện có chở khách hoặc có con tin;
Khi biết rõ trên phương tiện cố tình chạy trốn có đối tượng phạm tội hoặc vũ khí, vật liệu nổ trái phép, tài liệu phản động, bí mật nhà nước, ma túy số lượng lớn, tài sản đặc biệt quý hiếm, bảo vật quốc gia, trừ trường hợp trên phương tiện có chở khách hoặc có con tin;
g) Động vật đang đe dọa đến tính mạng và sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác”.
Tuy nhiên, trong Pháp lệnh, Điều 4 ghi rằng, “Người được giao sử dụng súng không phải chịu trách nhiệm về thiệt hại khi việc nổ súng đã tuân thủ quy định tại Điều này và các quy định khác có liên quan của pháp luật“.
Về vấn đề sử dụng vũ khí, trừ nước Mỹ có những thể lệ rất khắt khe, do dân chúng được quyền sử dụng súng để tự vệ, các nước nói chung áp dụng tương đối giống nhau. Tuy nhiên, sử dụng vũ khí phải được thực hiện làm sao mang lại tác hại một cách ít nhất cho người chống lại người thi hành công vụ.
“Hiện nay, trước khi nổ súng ngay vào đối tượng thì người thi hành công vụ phải bắn chỉ thiên trước, nhưng nhiều khi lại bị đối tượng bắn hoặc tấn công trước nên người thi hành công vụ sẽ không bảo vệ được mình và bảo vệ được người khác… Do vậy, việc cho phép người thi hành công vụ được nổ súng là cần thiết”, đại tá Hưng nêu quan điểm trên báo điện tử Chính phủ.
Trên tờ Tuổi trẻ, ông Trương Tất Bạt, Trưởng phòng tuyên truyền – xây dựng lực lượng (Cục Kiểm lâm) cho biết, “lực lượng kiểm lâm mỏng, công cụ hỗ trợ hạn chế trong khi phải thi hành công vụ nơi hẻo lánh, trong rừng. Trong khi đó, lâm tặc thì đông, rất manh động, táo tợn, ngang nhiên chống đối, thách thức và đánh trả kiểm lâm rất quyết liệt. Đã có những trường hợp kiểm lâm nổ súng nhưng sau đó lại bị xử lý hình sự, nên tâm lý chung là kiểm lâm viên ngại dùng công cụ hỗ trợ. Và chính vì những nguyên nhân này nên lâm tặc ngày càng lộng hành”.
Trả lời vấn đề này, trên Giáo dục Việt Nam, đại tá Trần Vi Dân khẳng định không phải mọi trường hợp chống người thi hành công vụ đều được nổ súng. Chỉ trong những trường hợp rất đặc biệt, không còn cách nào khác để bảo vệ tính mạng của mình thì người thi hành công vụ mới được phép nổ súng. Nếu như hành vi chống người thi hành công vụ chỉ dừng ở lời nói, hành vi chửi bới, không có nguy cơ gây thương tích thì chắc chắn là không được nổ súng”.
Trao đổi với Tiền phong, đại tá Trần Thế Quân cũng nhấn mạnh: “Chỉ có những hành động chống đối gây nguy hại cho tính mạng của người thi hành công vụ mới được phép sử dụng súng. Đó là loại tội phạm nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng như tổ chức buôn bán ma túy, điều khiển phương tiện lao thẳng vào xe, thậm chí dùng súng bắn người thi hành công vụ… Lúc đó, lực lượng thi hành công vụ phải dùng súng bắn vào phương tiện hoặc vào đối tượng chống người thi hành công vụ để phòng vệ một cách tương xứng như quy định trong Bộ Luật Hình sự”.

Những quan điểm trái chiều


bansung-250.jpg
Công an thực hành bắn súng

Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch Đoàn Luật sư TP.HCM chia sẻ: “Tôi hoàn toàn ủng hộ đề xuất này của Bộ công an”.
Theo luật sư Trạch, “đây là một quan điểm tiến bộ bởi quyền lực Nhà nước đặt lên vai người thi hành công vụ. Người thi hành công vụ là người thực thi quyền lực Nhà nước để đảm bảo duy trì trật tự xã hội. Thế nhưng trên thực tế thì họ chưa được trao quyền đầy đủ, tương xứng với trách nhiệm của mình. Sở dĩ thời gian gần đây xuất hiện ngày càng nhiều những vụ việc chống người thi hành công vụ là do lực lượng trên bị hạn chế về quyền quá nhiều. Nhiều đối tượng chống người thi hành công vụ hành động rất manh động, quyết liệt, nguy hiểm… nhưng người thi hành công vụ không dám nổ súng vì họ rất sợ vi phạm pháp luật”.
Trong khi đó, luật sư Trần Công Ly Tao, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM lại kịch liệt phản đối đề xuất trên.
“Nếu dành cho người thi hành công vụ quyền nổ súng vào người chống người thi hành công vụ sẽ rất nguy hiểm, có thể dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, đe dọa tính mạng, sức khỏe người dân. Trên thực tế, công an hay đội ngũ người thi hành công vụ cũng là con người, một bộ phận không nhỏ trong số họ có tuổi đời còn rất trẻ nên có thể nhận thức chủ quan, duy ý chí, dễ lạm quyền để chứng tỏ mình là người được Nhà nước giao quyền, nắm quyền lực Nhà nước. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp xảy ra việc chống người thi hành công vụ là do người thi hành công vụ hành xử thái quá, thiếu chuyên nghiệp”.
Luật sư Ly Tao lo ngại các tình huống thường diễn ra rất nhanh, nếu người thi hành công vụ nổ súng, sau đó lấy gì để chứng minh rằng họ đã làm đúng, ngược lại lấy gì để chứng minh người chống người thi hành công vụ đã sai tới mức lực lượng chức năng phải nổ súng?
LS Nguyễn Văn Tú, giám đốc Công ty luật TNHH Fanci: “Dự thảo Nghị định như vậy sẽ tạo lên tình trạng lợi dụng và lạm quyền xảy ra thậm chí có thể đưa xã hội ta thêm phần không bình yên và nguy hiểm”.
Ông Dương Thanh Biểu (cựu Phó Viện trưởng Viện KSND Tối cao) trao đổi với Tiền Phong:
“Tôi cho rằng, việc xác định hành vi chống người thi hành công vụ “gây ra hậu quả nghiêm trọng về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người thi hành công vụ hoặc của người khác hoặc có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng” là rất phức tạp. Để xác định được vấn đề trên đòi hỏi người được nổ súng phải có năng lực hiểu biết pháp luật và có năng lực thực tiễn.
Tôi ví dụ, lúc đầu anh nhận thức cho rằng, hành vi chống người thi hành công vụ sẽ gây hậu quả nghiêm trọng nên nổ súng làm người đó bị thương hoặc chết, nhưng sau đó xem xét lại thì hành vi của người chống người thi hành công vụ không phải là nghiêm trọng.
Như vậy, trong trường hợp này, người nổ súng đã vượt quá phòng vệ chính đáng theo quy định tại Điều 15 Bộ luật Hình sự. Nếu nổ súng gây chết người có thể bị xử lý theo Điều 96 BLHS, nếu bị thương có thể bị xử lý theo điều 106 BLHS.
Nói tóm lại, nếu cho phép nổ súng trực tiếp vào người chống cán bộ thi hành công vụ không chỉ xâm phạm đến quyền công dân mà còn sẽ dẫn đến nhiều rủi ro cho người sử dụng vũ khí. Do vậy, tôi cho rằng cơ quan đề xuất văn bản này cần nghiên cứu kỹ lưỡng thận trọng, có tham khảo các cơ quan liên quan và nhất là các kênh thông tin đại chúng”.
Theo số liệu thống kê của Bộ Công an, từ năm 2002 đến tháng 6/2012, cả nước đã xảy ra hơn 8.500 vụ chống người thi hành công vụ, với hơn 13.700 đối tượng vi phạm”. “Đặc biệt 90% số vụ chống người thi hành công vụ là chống lại lực lượng công an, chủ yếu trong lĩnh vực đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng, đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm phạm trật tự an toàn xã hội, tội phạm ma túy và giải quyết các vụ việc về an ninh trật tự ở cơ sở”.
Tuy nhiên, Bộ Công an đã không đưa ra con số các chiến sỹ bị thương, chết do bị các đối tượng kháng cự. Trong khi đó, tình trạng công an bạo hành tại mọi miền ở Việt Nam được ghi nhận ở mức độ đáng báo động, làm gia tăng mối quan ngại sâu sắc rằng những vụ việc bạo hành lạm quyền lan rộng và có tính hệ thống” – theo ông Robertson, Phó Giám đốc phụ trách châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền.
“Trong một số vụ việc, nạn nhân tử vong do bị đánh trong khi đang bị công an hoặc dân phòng giam giữ. Một số trường hợp khác, nạn nhân chết ở chỗ đông người do công an sử dụng bạo lực được ghi nhận là quá mức cần thiết”.
“Nhiều cái chết như thế đã gây nên những cuộc biểu tình phản đối của dân chúng khắp Việt Nam trong năm vừa qua. Những ca tử vong trong khi bị công an giam giữ hoặc chết dưới tay của công an được ghi nhận ở nhiều tỉnh thành, từ khu vực miền núi phía Bắc như Bắc Giang và Thái Nguyên, đến các thành phố lớn như Hà Nội và Đà Nẵng, tới Quảng Nam ở ven biển miền Trung, hay Gia Lai ở vùng cao nguyên hẻo lánh, cho tới các tỉnh Hậu Giang và Bình Phước ở miền Nam”.
“Nạn công an hành hung, tra tấn, đánh chết dân đã lên tới mức báo động với hàng chục người thiệt mạng ngay tại đồn công an trong vài năm qua. Nhiều lỗi vi phạm nhỏ như không đội mũ bảo hiểm nhưng rốt cuộc đã phải trả giá bằng cả mạng sống dưới bàn tay của công an, lực lượng có nhiệm vụ bảo vệ sự bình yên cho xã hội và tính mạng người dân. Những nghịch lý đang diễn ra đã khiến nhiều người mất niềm tin và sợ hãi trước lực lượng công quyền này” – Ông Robertson viết.
Thực tế, người dân lo ngại việc lạm quyền của công an trở nên phổ biến. Công an, trong mắt dân chúng, là những kẻ ngông nghênh, không coi ai ra gì, luật pháp được tùy tiện áp dụng theo cảm tính của họ . Với pháp lệnh sử dụng vũ khí và nổ súng như hiện tại, họ còn đánh dân đến chết, huống hồ được nới lỏng quyền hạn, chỉ cần một phát súng là xong, hậu xét thì sự đã rồi.
Thiếu tướng Trần Văn Vệ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý Hành chính về TTXH – Bộ Công an cho biết, “Pháp lệnh 16 mới chỉ quy định một số trường hợp mang tính chất chung, chưa đáp ứng được hết những tình huống dẫn đến nổ súng”?!
“Nếu người thi hành công vụ cố tình vi phạm thì dù có quy định chặt chẽ đến mấy cũng vẫn xảy ra việc lạm quyền”. “Việc nổ súng bắn người đâu có dễ, từng có cán bộ thi hành án bắn trượt do quá run… nên không lo việc xảy ra lạm quyền” – Thật không có sự mỉa mai nào hơn. Nếu không run thì đảm bảo dân chết chắc.
Đại tá Trần Thế Quân, Vụ phó Vụ Pháp chế, Bộ Công an giải thích, đây không phải quy định mới, cũng không phải “mở rộng quyền sử dụng vũ khí” cho lực lượng thi hành công vụ. Ông cũng khẳng định “các trường hợp nổ súng được quy định trong Pháp lệnh 16 còn rộng và mang tính bao quát, chưa cụ thể để có thể áp dụng được ngay”!
Không thể hiểu nổi ông Vệ và ông Quân! Pháp lệnh 16 tồn tại từ 30/6/2011, quy định khá cụ thể, rõ ràng các trường hợp cần nổ súng, hay là các ông muốn nổ súng trong bất cứ trường hợp nào “chống người thi hành công vụ” đáp ứng cho nhu cầu đàn áp hiện nay?
Trong dự thảo có nêu sự hỗ trợ của quân đội nhân dân, cũng trái với quy định chức năng của quân đội. Chức năng chính của quân đội nhân dân là chống kẻ thù xâm lược chứ không phải tham gia giải quyết trật tự an ninh. Hay là nhà cầm quyền sắp tới sẽ đưa quân đội hỗ trợ công an?
Bất luận vì lý do nào, Pháp lệnh 16 đã nêu đủ và không cần gì phải thay đổi nữa. Nếu thực sự công an không giảm sự lạm quyền, để hình ảnh xấu trong nhân dân, thì mọi sự thay đổi chỉ mang lại những hậu quả tệ hại mà thôi. Viên đạn nổ vào dân vô tội vạ sẽ là viên đạn bay theo hướng ngược lại.
Lê Diễn Đức – RFA

Không có nhận xét nào: