Pages

Thứ Tư, 3 tháng 4, 2013

Cuộc tháo chạy ‘vô tiền khoáng hậu’ của đại gia chứng khoán


Icon_TTCK_0a8f
Chưa bao giờ thị trường chứng khoán (TTCK) lại trở nên “rối như tơ vò” khi lần lượt những đại gia nằm trong “top” đầu bất ngờ… “bỏ cuộc chơi”. Chưa có lời giải thích chính đáng cho những cuộc tháo chạy bất thường này, nhưng dư luận bắt đầu hoài nghi về giá trị thực của cái danh… “đại gia chứng khoán”.
“Đến – đi” trong… khoảnh khắc
Giới truyền thông trong nước bắt đầu ồn ào bởi cách bỏ chứng khoán của ông Nguyễn Xuân Thụy (hay vẫn được gọi là bầu Thụy), “nhanh và gọn” như cách ông đến với nó. Chuyện càng trở nên lạ khi chứng khoán Vincom trước đó không hề có tai tiếng gì trên thị trường, chỉ đơn giản là hội đồng Quản trị của Vincom (nay đổi tên thành Vingroup) muốn thu hẹp hoạt động trong lĩnh vực tài chính – chứng khoán và muốn hướng trọng tâm vào lĩnh vực bất động sản.

Còn nhớ đầu tháng 3/2011, 8 cổ đông lớn của VincomSC cùng Vincom đã thoái toàn bộ 30 triệu cổ phiếu VIX. Lúc này giới đầu tư mới ngã ngửa khi chủ mới của VIX chính là đại gia tỉnh Ninh Bình ông Nguyễn Xuân Thụy. Lúc bấy giờ, bầu Thụy mới được biết đến với cách chi tiền không tiếc tay cho siêu xe và bóng đá. Với cách chơi ngông khi thuê dàn người mẫu và ca sĩ đến cổ vũ trên sân Thống Nhất, đại gia trẻ sinh năm 1976 đất Ninh Bình khiến giới truyền thông tốn không ít giấy mực. Lĩnh vực đầu tư của bầu Thụy cũng rất dàn trải, ông có 11 công ty như Xuân Thành Land, Bảo hiểm Xuân Thành, Taxi Xuân Thành, Xi măng Thạnh Mỹ, cảng nước sâu, khoáng sản, thủy điện…
Chưa dừng lại, tại thời điểm các đại gia chứng khoán đang vật lộn với khó khăn, bầu Thụy không ngần ngại phát biểu trước báo giới rằng: “Ai khó chứ tôi có khó đâu”, ám chỉ việc kinh doanh chứng khoán đối với đại gia đất Ninh Bình này cũng sẽ suôn sẻ như các mảng đầu tư khác. Thế nhưng, đến với chứng khoán Xuân Thành chưa đầy hai năm, ngày 12/3/2013, bầu Thụy công bố bán sạch cổ phiếu VIX đang nắm giữ, tương đương 24,45 triệu cổ phiếu, chiếm 81,5% vốn của công ty. Với thị giá hiện tại của VIX quanh 8.000 đồng/cổ phiếu, bầu Thụy sẽ thu về khoảng 200 tỷ đồng.
Thị trường chứng khoán đang chờ ngày khởi sắc trở lại.
Cú sốc bầu Thụy tạo ra chưa lắng thì giới chứng khoán lại tiếp nhận thêm một tin động trời, một đại gia “khét tiếng” khác trên TTCK là Đoàn Đức Vịnh tuyên bố giải tán công ty Chứng khoán Âu Việt (tên giao dịch trên sàn AVS). Hơn 10 năm theo nghề chứng khoán, 7 năm gắn bó với Chứng khoán Âu Việt, vị Chủ tịch AVS chỉ còn biết thốt lên khi phải nói lời chia tay, bỏ dở cuộc chơi: “Chứng khoán đã cho tôi nhiều bạn bè, tăng thêm hiểu biết về kinh tế vĩ mô, cho tôi biết đắng cay là gì, thua trận là gì, cũng cho tôi biết cảm giác lời lãi, được – mất ra sao, tóm lại thì vẫn có lợi nhuận, nhưng nó quá vất vả so với công sức mình bỏ ra”.
Công ty Chứng khoán Âu Việt được thành lập từ năm 2007 với vốn điều lệ 360 tỷ đồng. Theo giới thiệu ở website công ty, Âu Việt từng mong muốn trở thành một trong những công ty hàng đầu trên thị trường tài chính Việt Nam, với dịch vụ xuất sắc nhất trong lĩnh vực tái cấu trúc công ty, mua bán sáp nhập doanh nghiệp. Cổ phiếu AVS chính thức giao dịch tại sàn Hà Nội từ ngày 22/4/2010, giá bình quân 14.500 đồng. Thời điểm đó, Chứng khoán Âu Việt là công ty kinh doanh chứng khoán thứ 10 tham gia niêm yết, tổng khối lượng đạt 36 triệu cổ phiếu. Năm 2011, công ty đã lỗ gần 41 tỷ đồng nhưng vẫn còn 156,6 tỷ đồng tiền mặt gửi ngân hàng. Sang quý III/2012, công ty lỗ tiếp 20,34 tỷ đồng, lũy kế lợi nhuận 9 tháng cũng âm 9,27 tỷ đồng.
Trước đó, hồi đầu năm 2011, giới đầu tư chứng khoán đã chứng kiến cuộc rút lui đột ngột của Chứng khoán Kim Long (KLS) – một công ty có mặt từ lâu trên thị trường và đang làm ăn ổn. Trong tờ trình đại hội cổ đông, KLS cho biết, công ty nhận thức được những thách thức trong hoạt động kinh doanh chứng khoán và cần thiết thay đổi ngành nghề kinh doanh để nắm bắt những cơ hội phát triển trong tương lai. Rất nhiều chuyên gia chứng khoán khi đó đặt hoài nghi về sự ra đi khó hiểu này, nhưng quyết định đã được đưa ra, không ai có thể cản.
Cuối năm 2012, TTCK lại đón một “con sóng” khác mang tên Đặng Thành Tâm, vị đại gia này thẳng thừng tuyên bố ký bán 22 triệu cổ phiếu SQC (cổ phần tại công ty cổ phần Khoáng sản Sài Gòn – Quy Nhơn) trị giá tới gần 1.400 tỷ đồng (trong khi SQC đang có lợi nhuận tăng lên khá mạnh). Lúc này giới đầu tư hình dung về một khả năng thoái vốn vì khan hiếm tiền mặt, cũng có ý kiến thiên về việc chốt lời để tìm cơ hội khác… Nhưng nó vẫn khiến giới đầu tư còn nhiều thắc mắc.
Tiền chảy về đâu?
Sau cuộc “thoát vốn” hàng loạt của các đại gia trên TTCK, câu hỏi được đặt ra là nguồn tiền này sẽ chảy về đâu khi tất cả đều có chung điệp khúc “thua lỗ và thiếu vốn”. Có ý kiến cho rằng, lượng vốn sau khi rút ra khỏi TTCK sẽ chảy vào ngân hàng bởi sự hấp dẫn của lãi suất. Theo quan điểm này, mặc dù lãi suất hiện nay có xu hướng giảm nhẹ nhưng vẫn còn cao so với mức lợi nhuận thu được từ đầu tư chứng khoán hay bất động sản. Tuy nhiên, rút ra khỏi TTCK và chảy vào ngân hàng hay không vẫn chưa có biểu hiện rõ ràng. Ngoài ra, lượng tiền này liệu có đủ lớn để tác động lên hệ thống ngân hàng?
Trao đổi với PV, ông Bùi Ngọc Sơn, trưởng Phòng Kinh tế thế giới (viện Kinh tế và Chính trị thế giới) nhận định: “Do triển vọng về kinh tế không có trung hạn và dài hạn, những rủi ro của nền kinh tế cứ luẩn quẩn quanh chúng ta rất nhiều. Trong khi TTCK bản chất vẫn là nhìn về kỳ vọng, thị trường này phải đi trước ít nhất 1 đến 2 năm, trong khi nhìn về tương lai những năm tới, thậm chí là năm sáu năm sau vẫn chưa thấy điều gì là triển vọng. Thế nên chẳng ai đi bỏ tiền vào thị trường này. Trong khi, các công ty làm ăn thua lỗ, lợi nhuận không có để chia trác. Điều này lý giải vì sao có câu chuyện các nhà đầu tư lớn, hay được gọi là đại gia rút lui. Với các nhà đầu tư nước ngoài cũng như vậy, họ sẵn sàng rút ra để đầu tư ở những nền kinh tế khác triển vọng hơn”.
Mặt khác, theo ông Sơn, do trước đây quản lý kém nên TTCK phát triển không lành mạnh, đến nay cơ quan quản lý ra tay xử lý chỉnh đốn lại thị trường thì các nhà đầu cơ không lành mạnh lo sợ, nghĩ cách rút lui để đảm bảo an toàn trên nhiều khía cạnh. Nhiều tài khoản trước đây được lập ra để làm loạn cũng nhanh chóng được triệt thoái, nên không khó để nhận thấy những dấu hiệu khác lạ đang diễn ra trên TTCK hiện nay”.
Vị chuyên gia có nhiều năm nghiên cứu các nền kinh tế lớn thế giới này còn đưa ra quan điểm: “Nếu nhìn nhận thực sự thì những hành động rút lui hay triệt tiêu những cái không lạnh mạnh trên thị trường hiện nay cho thấy những chính sách siết chặt quản lý của Nhà nước đang có hiệu quả, khiến những nhà đầu tư không lành mạnh cảm thấy bất an, lo sợ. Trước đây chúng ta không sàng lọc để tình trạng này lộng hành, nhiều người nhìn nhận TTCK như một trò lừa bịp, chẳng hề tuân theo một trật tự hay quy luật nào cả, nay trấn chỉnh lại là tốt”.
Trả lời cho câu hỏi, tiền có đổ vào ngân hàng? TS. Nguyễn Đại Lai, nguyên phó vụ trưởng Vụ Chiến lược phát triển ngân hàng (NHNN) cho biết: Với thanh khoản hiện nay, muốn rút một lượng tiền lớn ra khỏi thị trường cũng không hề dễ dàng. Việc rút tiền chỉ có thể diễn ra ở một nhóm cá nhân hay tổ chức nào đó chứ không thể diễn ra trên toàn thị trường. Các ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước, công ty chứng khoán bán cổ phiếu và thu lại tiền mặt thì đồng nghĩa với việc một đối tượng nào đó phải bỏ tiền mặt ra để mua cổ phiếu.
Do vậy, thực tế lượng tiền trên toàn bộ thị trường là không đổi mà chỉ chuyển từ nơi này sang nơi khác. Có thể thấy số tiền rút ra từ thị trường chứng khoán trong thời gian qua nếu gửi vào ngân hàng chỉ đóng góp một phần rất nhỏ trong tổng tín dụng của nền kinh tế.
Trần Quyết – Văn Chương

Không có nhận xét nào: