Pages

Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2013

Dân mặc đồ trắng, đòi ngân hàng trả lại sổ đỏ

Mặc đồ trắng như đồ tang chi chít chữ, một nhóm người tụ tập trước cửa hội sở ngân hàng Đông Nam Á (SeaBank) trên phố Láng Hạ (Hà Nội) yêu cầu nhà băng trả lại tài sản thế chấp.

Sáng nay, người đi đường hiếu kỳ vì có một nhóm người mặc áo viết biểu ngữ tụ tập trước trụ sở ngân hàng Đông Nam Á (SeaBank) tại 22 Láng Hạ yêu cầu đơn vị này trả tài sản thế chấp. Những người này đã qua công ty thép Hương Thịnh (tại Bắc Giang) thế chấp sổ đỏ tại SeaBank để vay vốn song hơn một năm vẫn chưa nhận được tiền. Hiện tại, chưa nhận được tiền vay, song sổ đỏ của những hộ dân này vẫn còn nằm trong ngân hàng mà chưa đòi về được.

Chị Đỗ Thị Phương ở Hòa Lạc (Hà Nội) cho biết, chị ký hợp đồng giữa người dân, công ty Hương Thịnh và ngân hàng Đông Nam Á, có tài sản thế chấp là sổ đỏ, song đến nay, tiền vay chưa nhận được mà sổ còn nằm trong ngân hàng. Chị Phương khẳng định ký vay với ngân hàng từ ngày 19/6/2012 và được Hương Thịnh cho biết có thể thông qua công ty này để được SeaBank cho vay tiền, nhưng đến nay chưa nhận được.


Người dân mặc "áo tang" đứng ở trước cửa hội sở ngân hàng Đông Nam Á để đòi lại tài sản thế chấp.

Anh Mai Xuân Long (ở Hải Phòng) cũng kể, được nhân viên ngân hàng đến tận nhà tư vấn sau 15 ngày sẽ bán hàng để trả tiền về cho người dân. Sau đó, hơn một năm mà anh vẫn chưa nhận được tiền của ngân hàng. Sổ đỏ đã dùng để thế chấp, anh và nhiều người khác nhiều lần đến đòi mà không được, nhiều cuộc gặp với SeaBank và công ty Hương Thịnh diễn ra song vẫn chưa có kết quả. Anh Long có 2 nhà ở, một sổ đỏ đang thế chấp tại ngân hàng khác có giá trị 2 tỷ song vẫn rút về để thế chấp, vay tiền ở SeaBank. “Công ty Hương Thịnh cho biết có thể vay 4 tỷ từ SeaBank, nên tôi đã vay lãi ngày 2 tỷ để lấy tiền rút sổ đỏ từ ngân hàng kia về đưa sang thế chấp cho SeaBank, nhưng không nhận được tiền”, anh Long cho biết.

Không chỉ hai trường hợp nói trên, theo lời anh Long, có khoảng 30 người khác cũng rơi vào tình huống này khi bị lừa. Thực chất, những trường hợp nói trên đi “ké” hồ sơ Hương Thịnh để vay tiền SeaBank. Hiện nay, khúc mắc lớn nhất của họ là đòi được tài sản thế chấp (cho ngân hàng) vì không nhận được tiền vay.

Trả lời về sự việc này, đại diện ngân hàng Đông Nam Á cho biết, tháng 6/2012, ban lãnh đạo công ty Hương Thịnh và một số người tự nhận là cổ đông mới góp vốn vào công ty đến phòng giao dịch Trần Duy Hưng của SeaBank để vay vốn kinh doanh. Ngoài thế chấp sổ đỏ, các chủ tài sản này cũng ký văn bản cam kết hiểu rõ tình hình tài chính và hoạt động của công ty tại thời điểm đó, tự nguyện dùng tài sản để bảo lãnh cho công ty vay vốn tại SeaBank. Đại diện ngân hàng cũng cho biết, những người này cam kết không vay ké, hiểu nghĩa vụ của việc thế chấp tài sản, chấp nhận hợp tác vô điều kiện trong trường hợp phải bán tài sản để trả nợ thay.

Phía SeaBank cho rằng, sự việc tụ tập trước cửa hội sở của những người nói trên diễn ra khi công ty Hương Thịnh gặp khó khăn, có thể mất khả năng chi trả nên mục đích của những người này là yêu cầu giải chấp tài sản đảm bảo. Nguyên nhân chính là các chủ tài sản chưa được Hương Thịnh chuyển cho số tiền vay ké, sợ bị xử lý tài sản thế chấp.

Phương án xử lý SeaBank đưa ra là các chủ tài sản phối hợp với ngân hàng yêu cầu Hương Thịnh trả nợ hoặc bổ sung tài sản thay thế, và quan điểm của ngân hàng này là các chủ tài sản cũng có lỗi khi để sự việc xảy ra như hiện nay. Nếu không đồng ý, ngân hàng này sẵn sàng chấp nhận khách gửi đơn lên các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đồng thời bày tỏ thông điệp phản đối hành vi tụ tập.

Đến nay, phía Hương Thịnh với đại diện là Giám đốc Chu Văn Lương vẫn chưa có phản hồi gì về thông tin nói trên. Số vốn đơn vị này vay tại SeaBank đã lên tới vài chục tỷ, những người vay ké cũng mất khoảng hơn chục tỷ đồng do thế chấp sổ đỏ cho ngân hàng mà không nhận được giải ngân.

Bình luận về sự kiện nói trên, một cán bộ tín dụng làm việc tại ngân hàng ở Hà Nội chia sẻ, đó là hệ quả tất yếu của giai đoạn ngân hàng dè dặt cấp tín dụng trong năm 2012. Khi đó, muốn vay vốn ngân hàng, ngoài tài sản thế chấp, người dân phải hoàn tất nhiều công đoạn hồ sơ. Do đó, có khả năng công ty thép nói trên đã lợi dụng kẽ hở đó để chiếm dụng vốn mà không cần có tài sản thế chấp, đi kèm với sự biến chất của một bộ phận cán bộ tín dụng.

Trao đổi với phóng viên, luật sư Trịnh Cẩm Bình - công ty luật Biển Đông - cho biết, trường hợp nói trên, giả định hợp đồng tín dụng có thể hiện sự móc nối giữa công ty Hương Thịnh và SeaBank dù có vô hiệu đi chăng nữa thì hợp đồng thế chấp vẫn có hiệu lực. Điểm mấu chốt là người dân có sổ đỏ đang thế chấp tại ngân hàng phải chứng minh được “sự móc nối” (nếu có) giữa cán bộ ngân hàng với công ty Hương Thịnh trong việc họ dùng sổ đỏ bảo lãnh để vay vốn từ ngân hàng. Do đó, việc cần làm của những người sở hữu sổ đỏ nói trên, theo luật sư Bình, là cần chứng minh được sai phạm của Hương Thịnh cũng như sự “móc ngoặc” với cán bộ ngân hàng (nếu có) lên cơ quan công an, nếu cơ quan công an xác định không đủ căn cứ thì gửi tiếp tố cáo lên tòa án. Còn ở trường hợp này, xét theo hợp đồng, mọi điều khoản thế chấp bảo lãnh đều khá bất lợi cho người dân vì không chứng minh được là đi “vay ké” của công ty Hương Thịnh.

© Lan Anh

Theo Infonet

Không có nhận xét nào: