Viết nhân đọc bài “Doanh nghiệp BĐS Hà Nội gửi thư ngỏ chất vấn TS Alan Phan” và bài “Nên để thị trường bất động sản rơi tự do”.
1. Hệ thống kinh tế hoạt động thế nào?
Hệ thống kinh tế là một hệ thống to lớn và phức tạp, để có thể mô tả chính xác nó hoạt động thế nào sẽ rất dài. Miêu tả dài là không cần thiết, có thể làm mệt đọc giả. Tôi xin lấy một sự so sánh để bạn đọc có thể nhanh chóng hình dung về sự hoạt động của hệ thống kinh tế. Tất nhiên là so sánh nào cũng khập khiễng.
Chúng ta hãy quan sát một đứa bé mới sinh. Nó nặng tầm 2-4kg, có đầy đủ các bộ phận mắt, mũi, miệng, chân, tay, tim, phổi,… Tất nhiên là mỗi thứ một xíu cân đối vừa vặn với cơ thể. Theo thời gian đứa bé sẽ phát triển thành chàng trai lực lưỡng 60-70kg với hai chân to, tay khỏe, đầu to,… và cũng cân đối.
Giá nhà đất hiện nay đang chững lại, thanh khỏan thấp, giao dịch trầm lắng. |
Điều gì sẽ xảy ra nếu trong quá trình phát triển, các bộ phận không lớn cùng nhau một cách cân đối? Ví dụ một đứa trẻ mới 5 tuổi mà có cái chân to như chàng trai 20, dù cái chân đó có hình dáng hoàn thiện như người 20 tuổi? Rõ ràng đây là hiện tượng bất thường, có thể gọi là khối u. Em bé không có nhu cầu và cũng không thể sử dụng được cái chân “tốt” như vậy. Cần phải cắt bỏ hoặc nếu có phép thuật thì phải thu nhỏ nó lại để em bé có thể sống, đi lại bình thường. Nhờ bình thường mới phát triển các bộ phận còn lại, nếu di trì khối u thì em bé đó sẽ suy kiệt và biến dạng.
Trong nền kinh tế quốc gia cũng vậy. Có rất nhiều bộ phận, ngành nghề cấu thành: chính trị gia (có thể xem như não), ngân hàng (có thể xem như tim), bất động sản, viễn thông (dây thần kinh),… Chúng cần phải phát triển hài hòa với nhau thì nền kinh tế mới vận hành tốt. Nếu ngành BĐS phình to trong khi các ngành còn lại chưa có gì, đó là khối u. Rõ ràng 5-10 năm nữa người VN cần nhiều hơn số nhà, số căn hộ hiện có nhưng nay so với các ngành khác nó đã “lớn” quá mức. Nó là khối u đang hút hết dinh dưỡng các bộ phận khác.
2. Tại sao có khủng hoảng?
Trong cơ thể em bé, không một ai có thể dùng ý chí để quyết định là cái nào nên lớn trước, cái nào nên lớn sau. Quá trình phát triển là hoàn toàn tự động, nó tuân theo các qui luật tự nhiên về sinh học, hóa lý. Ngày nay khoa học giúp ta hiểu một phần cơ chế điều hòa sự phát triển là hóc môn. Khi một bộ phận cần lớn nó sẽ tiết ra hocmon để hấp thụ dinh dưỡng, lớn đủ mức thì lượng hocmon sẽ giảm dần. Ví dụ khi đủ tuổi sinh sản thì hocmon sẽ kích thích cơ quan sinh sản phát triển.
Nền kinh tế cũng vậy. Để có thể hoạt động tốt, nó cần vận hành đúng qui luật. Ngày nay chúng ta biết qui luật chi phối nền kinh tế là cơ chế thị trường. Trong nền kinh tế thị trường, các chủ thể kinh tế hoạt động, giao tiếp với nhau qua hệ thống giá. Động lực để các thành phần kinh tế hoạt động là lợi nhuận. Lợi nhuận ngoài là động lực, nó còn là tín hiệu cho sự phát triển. Một ngành nào đó sức sản xuất còn nhỏ mà nhu cầu lớn thì sẽ có lợi nhuận cao, nguồn vốn xã hội sẽ đổ về để phát triển, khi bão hòa thì lợi nhuận giảm, ngành sẽ ít phát triển. Vậy giá cả và lợi nhuận là cơ chế và tín hiệu cho nền kinh tế thị trường hoạt động. (Đây là nền kinh tế hoạt dộng đúng qui luật thị trường, còn các kiểu kinh tế ba rọi hay nhân tạo tôi không bàn).
Trong cơ thể, nếu tín hiệu kiểm soát sinh trưởng nhiễu loạn thì sẽ làm cho cơ thể bị khối u đâu đó hoặc trở thành người khổng lồ.
Tương tự như vậy, nếu tín hiệu giá cả và lợi nhuận bị nhiễu loạn, bóp méo, hoặc sai lầm thì tất yếu sẽ làm cho một số ngành nghề sẽ phát triển vượt mức, gây mất cân đối dẫn đến khủng hoảng. Tất cả các khủng hoảng đều xuất phát từ sự mất cân đối trong nền kinh tế thị trường mà ra.
Trong thời gian qua, ta vận hành nền kinh tế ba rọi nên tín hiệu giá cả, lợi nhuận bị méo mó, kèm theo nạn ỷ thế làm liều nên khủng hoảng nghiêm trọng là tất yếu.
3. Nguyên tắc sòng phẳng của thị trường:
Thị trường là một sân chơi của tất cả các ngành kinh tế (tất nhiên là chơi trong khuôn khổ luật pháp): nông nghiệp, bất động sản, thủy sản, viễn thông, ngân hàng,… với nguyên tắc là lời ăn lỗ chịu. Động lực hoạt động kinh tế là lợi nhuận, có lợi nhuận là có tiền, có tiền thì có thể…. mua tiên, do vậy lỗ thì phải chấp nhận. Không biết nếu trong nền kinh tế mà có nguyên tắc lời mình ăn, lỗ người khác chịu thì sẽ thế nào?
4. Cú tát là cần thiết:
Một đứa con mà bố mẹ bao bọc, che chở thì nó không bao giờ khôn lớn, nó có xu hướng ỷ lại và càn quấy.
Không gì bảo đảm rằng hôm nay chính phủ trợ giúp cho BĐS chỉ là lần duy nhất. Trong tương lai các ngành khác cũng thế thì làm sao? Lại giúp hay bỏ mặc?
Nếu có lỗi lầm, chúng ta phải trả giá thì mới học được bài học và tiến bộ. Lời chúng ta ăn, lỗ người khác chịu không chỉ là vấn đề bài học mà còn là vấn đề công bằng và đạo đức. Khi chúng ta lời 10 lần, nhà xe đề huề, cả ngày café, vui chơi ca hát,… trong khi dân đen nai lưng kiếm bạc cắt ra trả cho chỗ trú thân, ta có xót xa cho họ không?
Một cú tát cho ngành bất động sản là cần thiết. Có bị đánh đau lần sau mới cẩn thận và chừa cái thói liều lĩnh, cẩu thả. Cuộc sống như vậy mới an toàn.
5. Con dại cái mang
Nói như mục sư Martin Luther King “chúng ta dệt nhau trong một tấm vải số phận” nên sẽ liên đới. Một người có quyền quyết định cuộc sống của mình nhưng nếu người đó tự tử thì xã hội không thể làm ngơ, còn nếu người đó có ý định tự tử bằng bom thì xã hội càng phải lo cho anh ta.
Tương tự như vậy cho ngành BĐS, nếu để đúng lời ăn lỗ chịu thì phải phá sản. Điều này cũng sẽ tạo ra hiệu ứng như quả bom trên. Nó có thể kéo theo nhiều hệ lụy. Do vậy chính phủ phải có trách nhiệm trong vụ này. Con dại thì cái mang.
Giữa vấn nạn “ỷ thế làm liều” và nỗi khổ “con dại cái mang” nên xử lý thế nào cho ổn thỏa?
Trần Văn Thạnh
(Dân luận)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét