Pages

Thứ Hai, 1 tháng 4, 2013

Nếu “nhân danh công lý”, không thể kết tội “nhà họ Đoàn”


91509aed-d56a-4905-a6b9-cc951e0671551
Minh Thọ
 Tòa án Nhân dân TP Hải Phòng đã ra Quyết định số 407/HSST-QĐ, ngày 18/3/2013, về việc đưa vụ án Giết người, Chống người thi hành công vụ đối các bị can trong vụ “Đoàn Văn Vươn”, ra xét xử sơ thẩm từ ngày 2 đến 5/4/2013.
 Các bị can Đoàn Văn Vươn (49 tuổi), Đoàn Văn Sịnh (55 tuổi), Đoàn Văn Quý (46 tuổi) và Đoàn Văn Vệ (38 tuổi) bị truy tố về tội Giết người tại Điểm d, Khoản 1, Điều 93 BLHS. Hai bị can Phạm Thị Báu (30 tuổi) và Nguyễn Thị Thương (42 tuổi) bị truy tố về tội Chống người thi hành công vụ tại Điểm a, Điểm d, Khoản 2, điều 257 BLHS. Dù cho không phải người nghiên cứu chuyên sâu về pháp luật hình sự, nhưng tôi cũng muốn đưa ra một số ý kiến pháp lý liên quan đến vụ án “Đoàn Văn Vươn”.

 NÊN CHỌN BÀO CHỮA THEO HƯỚNG NÀO?
 Theo tôi, việc chọn hướng bào chữa theo hướng nào để có lợi cho các bị can thì cần phải nghiên cứu các điều luật hình sự và các văn bản dưới luật hướng dẫn về các tội “giáp ranh” với tội Giết người mà Cáo trạng của Viện kiểm sát Nhân dân TP.Hải Phòng (VKSND TPHP) đã truy tố.
 Vậy, người bào chữa có nên chấp nhận tội danh mà VKSND TPHP truy tố? Nếu câu trả lời là CÓ, thì phải tìm những tình tiết bào chữa theo hướng giảm nhẹ hình phạt. Nếu câu trả lời là KHÔNG, thì phải tìm các căn cứ pháp lý và lập luận thuyết phục để chứng minh các bị cáo không phạm tội.
 Nhưng, nếu chọn hướng bào chữa các bị can không phạm tội thì sẽ gặp vô vàn trở ngại, bởi các cơ quan công quyền Hải Phòng hoàn toàn không dễ “đầu hàng”. Hãy nghe những phát ngôn của các vị lãnh đạo bộ máy nhà nước ở Hải Phòng thì sẽ rõ: ông Phó chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Đỗ Trung Thoại: “Nhân dân bất bình nên phá nhà của ông Vươn chứ lực lượng cưỡng chế không san phẳng” – TTO). Giám đốc Công an Hải Phòng – Đại tá Đỗ Hữu Ca đã ca ngợi: “… Tôi nghĩ là rất hay, có thể viết thành sách” (trích VOV.VN).
 Vậy thì nên chọn cách bào chữa theo hướng nào khả dĩ và có lợi nhất cho các bị can? Trước khi quyết định chọn hướng bào chữa, tôi xin nêu những điều khoản qui định về một số tội danh có thể áp dụng để bào chữa cho anh em nhà họ Đoàn để so sánh “thiệt – hơn”:
- Điều 18 Phạm tội chưa đạt;
- Điều 95. Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh;
- Điều 15. Phòng vệ chính đáng:
1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác, mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.
Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.
 Sau khi cân nhắc các điều luật, tôi chọn hướng bào chữa cho anh em nhà họ Đoàn theo Điều 15.Phòng vệ chính đáng, vì các lẽ sau:
 Thứ nhất, Điều 18 Phạm tội chưa đạt: có nhẹ nhàng hơn tội Giết người mà VKSND HP truy tố, nhưng nếu áp dụng Điều này đã đồng nghĩa với sự thừa nhận anh em gia đình họ Đoàn phạm tội. Điều nguy hiểm hơn là vô tình “hợp pháp hóa” cuộc cưỡng chế trái pháp luật của cơ quan công quyền của huyện Tiên Lãng – Hải Phòng, đồng thời cũng là sự thừa nhận lực lượng cưỡng chế thực thi công vụ đúng pháp luật.
 Thứ hai, Điều 95. Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh: theo tôi, các luật sư hoàn toàn có cơ sở chứng minh anh em nhà họ Đoàn bị kích động mạnh về tinh thần liên tục trong suốt một thời gian dài, bởi các hành vi trái pháp luật của các cơ quan công quyền địa phương đối với gia đình họ Đoàn. Nhưng chỉ nên chọn hướng này khi anh em nhà họ Đoàn gây ra cái chết cho người “thi hành công vụ”.
 KHÔNG CÓ CƠ SỞ TRUY TỐ TỘI GIẾT NGƯỜI
 Theo nội dung Cáo trạng số 10/CT-P1A ngày 04/01/2013 của VKSND TPHP (trang 3, đoạn cuối), chính đoạn ghi: “khi đến sát hàng rào thứ nhất cách nhà Quý khoảng 40m, Quý đã kích nổ mìn làm bình ga tung lên nhưng không phát nổ và rơi xuống đầm nên không làm ai bị thương” và “… khi lực lượng cưỡng chế vẫn cố tình tiến sát hàng rào thứ hai cách nhà ông Quý 18m, thì anh em nhà ông Vươn ở trong nhà đã dùng súng đạn hoa cải để bắn vào lực lượng cưỡng chế…”, đã chứng minh việc anh em nhà họ Đoàn hoàn toàn không có ý định giết người. Thực chất thì anh em nhà họ Đoàn chỉ muốn phát đi “thông điệp cảnh cáo” đối với lực lượng cưỡng chế đang vi phạm pháp luật, nhằm bảo vệ tài sản của già đình mình khi bị lực lượng cưỡng chế mang danh “Công quyền” đang xâm hại mà thôi.
 Về súng bắn đạn hoa cải, theo qui định tại Điều 5 Pháp lệnh số: 16/2011/UBTVQH12 về quản lý, sử dụng vũ khi, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thì súng bắn đạn hoa cải của các bị can sử dụng không được liệt kê trong danh mục bị cấm. Điều đó chứng tỏ súng bắn đạn hoa cải là loại súng săn, súng tự chế chỉ gây sát thương khi khoảng cách giữa người bắn và “mục tiêu” đủ gần, chứ không phải loại vũ khí nguy hiểm có độ sát thương cao như vũ khí quân dụng. Chính vì thế mà 6 người bị trúng đạn nhưng không ai bị chết, chỉ bị thương nhẹ. Ngoài ra, chúng ta cũng phải liên hệ với thực tế về tình hình an ninh trật tự xã hội hiện nay: bọn cướp ngang nhiên hoành hành bất chấp tính mạng của người dân như trong thời gian qua tại nhiều địa phương, đặc biệt là Sài Gòn, Hải Phòng, Hà Nội… Và, gia đình họ Đoàn đầu tư một khu đầm nuôi trồng thủy sản rộng và trị giá hàng tỉ đồng như vậy, dù chúng ta không khuyến khích, nhưng việc họ trang bị cho mình một loại vũ khí thô sơ để đề phòng khi bất chắc, cũng không phải là điều khó hiểu.
 Rõ ràng, các cơ quan tiến hành tố tụng Hải Phòng đã không làm rõ được động cơ và mục đích giết người của anh em nhà họ Đoàn một cách thuyết phục; các chứng cứ buộc tội trong hồ sơ không thể hiện anh em nhà họ Đoàn có bàn bạc với nhau là họ sẽ giết người, giết ai trong lực lượng chỉ đạo và thực thi việc cưỡng chế? Việc cáo trạng của VKSND HP cho rằng, đã có đủ cơ sở xác định các bị can Vươn, Quý, Sịnh, Vệ, Thoại và Thái có hành vi đồng phạm giết người là hoàn toàn chủ quan và áp đặt.
Theo quan điểm của Ths. Luật học Đinh Văn Quế – nguyên Chánh tòa Hình sự TANDTC – thể hiện tại cuốn Bình luận khoa học Bộ luật Hình sự (phần Các tội phạm – tập 1): Giết người theo điểm d khoản 1 Điều 93 Bộ luật Hình sự là nạn nhân bị giết phải là người thi hành nhiệm vụ đúng pháp luật, nếu trái với pháp luật mà bị giết thì người có hành vi giết người không phải là “giết người đang thi hành công vụ”.
 Hơn nữa, cần tham khảo thêm tại điểm b, khoản 1, Chương 2 Nghị quyết 04/HĐTP ngày 29/11/1986 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, hướng dẫn áp dụng một số qui định trong phần Các tội phạm của BLHS, có hướng dẫn một số tình tiết định khung hình phạt nhẹ như sau:
 Điểm b, khoản 1, Chương 2 Nghị quyết 04/HĐTP, có đoạn giải thích: Tình trạng tinh thần bị kích động mạnh là tình trạng người phạm tội không hoàn toàn tự chủ, tự kiềm chế được hành vi phạm tội của mình. Nói chung, sự kích động mạnh đó phải là tức thời do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân gây nên sự phản ứng dẫn tới hành vi giết người. Nhưng cá biệt có trường hợp do hành vi trái pháp luật của nạn nhân có tính chất đè nén, áp bức tương đối nặng nề, lặp đi lặp lại, sự kích động đó đã âm ỷ, kéo dài, đến thời điểm nào đó hành vi trái pháp luật của nạn nhân lại tiếp diễn làm cho người bị kích động không tự kiềm chế được; nếu tách riêng sự kích động mới này thì không coi là kích động mạnh, nhưng nếu xét cả quá trình phát triển của sự việc, thì lại được coi là mạnh hoặc rất mạnh… Nếu hành vi trái pháp luật đó trực tiếp xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc lợi ích hợp pháp của người phạm tội hoặc người thân thích của người phạm tội hoặc của xã hội, đã cấu thành tội phạm, thì hành vi chống trả lại gây chết người có thể được xem xét là trường hợp phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.
 NẾU “NHÂN DANH CÔNG LÝ”, TAND HẢI PHÒNG CHỈ CÓ THỂ TUYÊN ANH EM NHÀ HỌ ĐOÀN “PHÒNG VỆ CHÍNH ĐÁNG”!
 Tôi xin nêu một ví dụ thực tế, trên Phapluatvn.vn, có đăng bài: “Cả xã làm đơn xin giảm án cho học trò nghèo lỡ tay thành sát thủ”, đó là em Nguyễn Quang Hưng (SN 1994, ở cụm 3, xã Xuân Phú, huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội) bị VKSND TP Hà Nội truy tố “Tội giết người” theo khoản 1, Điều 93 BLHS hiện hành, phạm tội thuộc trường hợp có tính chất côn đồ, có khung hình phạt tới 12- 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình, nhưng sau đó lại chuyển tội danh “Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng”, theo điều 96 BLHS.
 Câu chuyện xảy ra vào buổi tối liên hoan trước ngày nhập trường Đại học, nhóm của Hưng có ba người đang vui vẻ trò chuyện, thì một nhóm thanh niên gồm 11 người ở cùng xã đi ngang qua, rọi đèn pin điện thoại vào mặt cô gái trong nhóm của Hưng và có hành vi sàm sỡ.
Thấy vậy, Hưng cùng cô bạn gái đứng dậy đạp xe về nhà. Đi được khoảng 100 mét, đôi bạn bị nhóm thanh niên đuổi theo và đạp đổ xe. Hưng bị khoảng 4-5 thanh niên truy đuổi dồn vào ngõ cụt và đánh Hưng rất dã man. Hưng hoảng sợ nên đã lấy con dao gọt hoa quả dùng để gọt bưởi liên hoan (trước khi vứt xe bỏ chạy, Hưng đã kịp cầm theo) đưa ra phía trước tự vệ. Trong lúc xô xát, một thanh niên tên Hoàng Văn Thân (tức Quân, SN 1991) đã lao vào và bị con dao Hưng cầm trên tay đâm một nhát trúng tim khiến tử vong trên đường đi cấp cứu.
 Vụ án trên là hậu quả chết người đã xảy ra. Tuy nhiên, tôi không có ý định nêu vụ án trên nhằm so sánh với vụ án “Đoàn Văn Vươn”, mà chỉ muốn nói, tự vệ là bản năng sinh tồn hết sức tự nhiên của con người. Giả sử, nếu như Hưng không có con dao trong tay để tự vệ, thì liệu tính mạng của Hưng có được đảm bảo?
 Trở lại vụ “Đoàn Văn Vươn”: gia đình nhà họ Đoàn đã bị chính quyền huyện Tiên Lãng gây ức chế về tinh thần trong một thời gian dài. Đỉnh điểm là ngày 5/01/2012, trong khi cơ quan công quyền huyện Tiên Lãng – Hải Phòng thực hiện cưỡng chế trái pháp luật đối với gia đình mình, anh em nhà họ Đoàn đã dùng súng bắn đạn hoa cải chống trả, nên ông Khanh ra lệnh tạm dừng cưỡng chế. Khoảng 14h cùng ngày, ông Bùi Thế Nghĩa – bí thư huyện Tiên Lãng – nói với ông Nguyễn Văn Khanh, nguyên Phó chủ tịch huyện Tiên Lãng: Nhân đà này ta phá luôn cái nhà hai tầng đấy đi và thu nốt cả 21ha (không có quyết định cưỡng chế) bàn giao cho xã luôn.
 Ngày 10/02/2012, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã đưa ra kết luận về vụ cưỡng chế, trong đó khẳng định:
“Các Quyết định số 460/QĐ-UBND ngày 23/4/2008, Quyết định số 461/QĐ-UBND ngày 07/4/2009 của Uỷ ban nhân dân huyện Tiên Lãng thu hồi đất của ông Đoàn Văn Vươn với lý do hết thời hạn sử dụng là không đúng với quy định của Luật Đất đai 2003 và Nghị Định 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai năm 2003″.
“Do quyết định thu hồi đất không đúng với quy định của pháp luật đất đai nên Quyết định cưỡng chế thu hồi đất cũng không đúng pháp luật. Mặt khác, việc tổ chức cưỡng chế thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng cũng có nhiều thiếu sót, sai phạm”.
 Chính sự bất công, thiếu trách nhiệm và không giải quyết thấu tình đạt lý và chỉ đạo cưỡng chế trái pháp luật của các cơ quan công quyền Tiên Lãng – Hải Phòng, đối với các khiếu kiện trong suốt thời gian dài của gia đình ông Vươn đã như giọt nước làm tràn ly – cái ly đã và đang chất chứa sự uất ức, phẫn nộ đến tột đỉnh. Và, cái gì đến thì nó phải đến: một “tác phẩm mới – Bước đường cùng” – nhưng không phải tác phẩm văn học của của Nguyễn Công Hoan viết về sự bất công, áp bức từ thời phong kiến xa xưa, mà là “Bước đường cùng” của anh em nhà họ Đoàn viết ngay trong thời đại văn minh mà Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật. Và dĩ nhiên, một Nhà nước của Dân, do Dân và vì Dân như Nhà nước CHXHCN Việt Nam ta thì chúng ta không thể chấp nhận sự tồn tại những kẻ dã tâm như tên “Nghị Lại” trong “Bước đường cùng” của Nguyễn Công Hoan.
 Như vậy, việc cưỡng chế trái pháp luật đối với gia đình họ Đoàn của chính quyền Tiên lãng – Hải Phòng là không thể chối cãi. Bản kết luận của Thủ tướng và cáo trạng VKSND TP. HP đã truy tố bị can Lê Văn Hiền, nguyên Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng về hành vi Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Các bị can: Nguyễn Văn Khanh (52 tuổi), nguyên Phó chủ tịch huyện Tiên Lãng, Phạm Xuân Hoa (58 tuổi), Trưởng phòng TN&MT huyện, Lê Thanh Liêm (50 tuổi), nguyên Chủ tịch UBND xã Vinh Quang và Phạm Đăng Hoan (53 tuổi), nguyên Bí thư Đảng ủy xã, đều bị truy tố về Tội hủy hoại tài sản, là một minh chứng hùng hồn.
 Có quan điểm cho rằng, lực lượng cưỡng chế dù có thực hiện một quyết định cưỡng chế trái pháp luật thì vẫn được coi là “Thi hành công vụ” và người kí ban hành quyết định cưỡng chế sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nên mọi hành vi chống đối như đã diễn ra của anh em nhà họ Đoàn đều phải bị xử lý hình sự. Nhưng trên thực tế, căn nhà 02 tầng bị san phẳng không có trong quyết định cưỡng chế trái pháp luật của UBND huyện Tiên Lãng, thì bất luật thế nào cũng không thể gọi là “thi hành công vụ”được. Và, nếu một quyết định cưỡng chế trái pháp luật mà vẫn được coi là “Thi hành công vụ”, thì đó là điều vô cùng tệ hại và nguy hiểm. Bởi lẽ, không ai dám chắc rằng, những kẻ vì lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân của mình sẽ dừng tay trong việc cưỡng chế trái pháp luật, mà sự thực có thể gọi là “ăn cướp”, xâm phạm lợi ích hợp pháp của người dân lương thiện.
 Vì thế, nếu Nhân danh Công lý”, TAND TP. Hải Phòng chỉ có thể tuyên : Hành vi chống trả lực lượng cưỡng chế của những người trong gia đình họ Đoàn là hành vi PHÒNG VỆ CHÍNH ĐÁNG.
 Vì, nếu như những người như em Hưng và anh em nhà họ Đoàn mà bị xét xử về “Tội giết người”, thì lời tuyên án mà những vị Thẩm phán – chủ tọa phiên tòa – cho rằng mình đang Nhân danh Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam dùng luật pháp trừng trị “cái ác” này lại vô tình “nuôi dưỡng” cái ác khác!
 M. T.
 Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Không có nhận xét nào: