Pages

Thứ Ba, 23 tháng 4, 2013

'Sự cùng quẫn của tờ báo Đảng'



Hội đồng giám mục Việt Nam
Hội đồng Giám mục VN đã gửi bản góp ý Hiến pháp cho chính quyền ngày 01/3/2013
Văn bản của Hội Đồng Giám mục Việt Nam nhận định và góp ý vào bản Hiến pháp gửi tới Quốc hội được cho là đã làm 'rung chuyển' nhiều thành phần trong xã hội.
Tiếng nói này của BấmHội đồng có vẻ không chỉ tác động tới cộng đồng Công giáo Việt Nam, mà có thể còn ảnh hưởng ngay cả với những công dân quan tâm đến tình hình đất nước, lo lắng cho tiền đồ dân tộc và trong chừng mực nào đó đã tạo ra sự hân hoan, phấn khởi ở một bộ phận người dân.


Có vẻ những sự kiện trên đã làm cho nhà cầm quyền Hà Nội lúng túng và phản ứng của nhiều quan chức tỏ ra 'giấu đầu hở đuôi, tiền hậu bất nhất' đã bị dư luận xã hội phản ứng kịch liệt để khẳng định quyền của mình – quyền của những 'Con Người'.
Trước đó, bản Kiến nghị của 72 nhân sĩ, trí thức và quần chúng cũng đã gây nên một tiếng vang lớn báo hiệu dân tộc Việt Nam đã có 'những dấu hiệu chuyển mình - cơn chuyển mình vật vã, đau đớn để vượt qua sự sợ hãi vốn tạo thành thói quen của cả xã hội, thành phản xạ của mỗi công dân VN.
Lý do của sự 'lúng túng và hoảng hốt' này có vẻ dễ hiểu và trước đây, đã có nhiều đợt kêu gọi góp ý cho các văn bản của Đảng và Nhà nước rồi những màn tuyên truyền với các lập luận như ở Việt Nam: “Dân chủ gấp triệu lần dân chủ tư sản” theo cựu Thủ tướng Phạm Văn Đồng, hay “gấp vạn lần dân chủ tư sản,” theo lời của Phó Chủ tịch nước, bà Nguyễn Thị Doan.
Thế nhưng, có vẻ đa số người dân chẳng mấy ai quan tâm vì họ thừa biết mục đích của những tuyên truyền ấy là gì trong khi các đợt góp ý, lấy ý kiến nhân dân đều “hoàn toàn thắng lợi rực rỡ” và việc tuyên truyền về chúng trở nên rầm rộ.
Có vẻ tưởng rằng mọi chuyện cũng sẽ xuôi chèo mát mái như mọi lần trước, nên Chính quyền và Đảng có vẻ tăng tốc việc tổ chức “lấy ý kiến nhân dân sửa đổi Hiến Pháp”.

'Lương tâm và đòn bẩn'

"Chính vì thế, đánh vào khối này còn khó hơn 'đục khối bê-tông', càng đánh trực diện vào nó, càng khơi động tinh thần đoàn kết, hiệp thông"
Blogger JB Nguyễn Hữu Vinh
Nhưng thời thế đã khác. Trước những tiếng nói hợp lòng dân, vì đất nước, dân tộc, nhà cầm quyền đã không thể đàng hoàng tranh luận, công khai phổ biến nên đã dùng những chiêu 'rất… bẩn'.
Trước hết, là kéo dài thời gian góp ý đến cuối tháng 9/2013 thay vì kết thúc trong tháng Ba. Một trong những mục đích của việc kéo dài thời gian, là sau khi chi 'hàng đống tiền dân' từ ngân sách, nhà nước sẽ thu được một số lượng chữ ký áp đảo và coi như “đó là nguyện vọng nhân dân”.
Bằng chứng là chỉ sau mấy tháng, nhà nước đã tuyên bố có cả chục triệu ý kiến góp ý. Lẽ dĩ nhiên là “đa số tuyệt đối” sẽ phải đồng ý với nhà nước. Chỉ riêng tỉnh Bình Dương, đã có gần 45 triệu chữ ký. Một con số không có thể có gì hài hước hơn khi mà ngay trước đó, báo chí nhà nước đã khẳng định nông dân chẳng quan tâm gì đến trò này – và trò này đã bi 'vạch mặt.'
Ngoài ra, hệ thống tuyên truyền, truyền thông nhà nước còn 'lôi đám nhân sĩ, trí thức' ra 'đánh hội đồng' trước công luận nhưng lại không dám đưa ra cho người dân xem họ, những trí thức, nhân sỹ, đã thực sự nói gì? Ngón nghề này xưa nay vẫn được dùng có hiệu quả khi tạo lên cơn lên đồng tập thể theo ý muốn của nhà nước. Song giờ đây bài thuốc này xem ra 'mất linh', trong khi nhân dân vẫn 'khi thì âm ỉ, khi thì sôi sục, công khai' nói lên nguyện vọng của mình.
Riêng với văn bản của Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGMVN), nhà cầm quyền thừa hiểu rằng: tiếng nói của Hội đồng này là tiếng nói, tâm tư của 8 triệu giáo dân, chiếm tới khoảng 1/10 dân số cả nước.
Họ cũng thừa biết xưa nay, giáo dân Công giáo luôn đồng lòng, nhất trí với Hội đồng Giám mục một cách hầu như là tuyệt đối trong những vấn đề cơ bản đối với vận mệnh giáo hội và đất nước, vì con người. Do vậy, tiếng nói của Hội đồng luôn được sự ủng hộ to lớn.
Chính vì thế, đánh vào khối này còn khó hơn 'đục khối bê-tông', càng đánh trực diện vào nó, càng khơi động tinh thần đoàn kết, hiệp thông. Điều đó đã được thử thách suốt mấy chục năm nay dưới chế độ Cộng sản nói riêng và suốt mấy trăm năm, qua nhiều thời kỳ lịch sử khốc liệt với giáo hội Công giáo. Do vậy, họ dùng nhiều chiêu trò khác tinh vi hơn nhưng cũng được cho là 'bẩn thỉu' hơn.

'Dựng chuyện và bịa đặt'

"Nếu nhà nước không thích Bát Nhã, lập tức có các “ông sư, phật tử” nơi khác được điều đến thi tài trấn áp buộc họ phải rời nơi cứ trú"
Bắt đầu là bài dựng chuyện và bịa đặt, con bài này đã được sử dụng nhiều trong các vụ việc liên quan đến các tôn giáo cũng như những 'thế lực thù địch' của nhà nước.
Nếu như có một Hòa Thượng Thích Quảng Độ không được nhà nước ưa thích, thì lập tức có một vị Hòa thượng Thích Thanh Tứ lên diễn đàn Quốc hội 'mạt sát' được truyền hình cho cả nước xem. Nếu nhà nước không thích Bát Nhã, lập tức có các “ông sư, phật tử” nơi khác được điều đến thi tài trấn áp buộc họ phải rời nơi cứ trú.
Nếu nhà nước muốn các phật tử vâng lời đảng, giữ nguyên nội dung điều 4 của Hiến pháp 1992, duy trì sự cai trị của Đảng CSVN và kiên quyết xóa bỏ quyền tư hữu đất đai của người dân, lập tức có các nhà sư như Thượng Tọa Thích Đức Thiện và Thích Thanh Dũng lên truyền hình tuyên truyền hộ về công lao của Đảng và rằng “xác định quyền tư hữu đất đai là trái với tinh thần từ bi của Đức Phật và bác ái của Chúa Giêsu”.
Trong tay của Đảng, dường như có thể có đủ mọi quân bài và mọi thành phần nhằm thực hiện đầy đủ “sự lãnh đạo sáng suốt và tuyệt đối”.
Thế nhưng, với Công giáo, vở kịch này có vẻ không dễ dàng diễn ra bởi khối thống nhất hiệp thông mạnh mẽ của Giáo hội. Vì thế Đài truyền hình dùng cách dựng ra một “Linh mục ở Bắc Ninh”. Màn kịch này nhanh chóng bị giáo dân 'bóc mẽ', sự bịa đặt bị phê phán là 'trắng trợn nhớp nháp' này đã bị 'vạch trần' trước muôn dân và dư luận quốc tế.
Tiếp đến là một phóng sự về vùng Công giáo Nam Định với Góp ý Dự thảo Hiến pháp. Một linh mục được đưa lên màn hình, thế nhưng những điều nhà đài muốn nói thì lại không có, màn gán ghép sượng sùng đã bị lật tẩy nhanh chóng sau đó.
Và tiếp đến là Báo Nhân Dân đăng “trang trọng” bài viết được cho là của một giáo dân “Nhiều điều chưa sáng trong một bản góp ý”. Bài viết được giới thiệu là trích lại từ website 'Sách hiếm', đây là trang web cùng với 'Giao điểm', được cho là luôn được nhà nước 'ưu ái' trích dẫn, đăng lại các bài viết.
Người ta mệnh danh Phật giáo để 'điên cuồng xuyên tạc' và 'chống phá Công giáo.' Việc 'đánh phá Công giáo' ở những trang này có thể coi là sự bất chấp sự thật, bất chấp lý lẽ, bất chấp luân thường đạo lý, miễn đúng như định hướng mà Đảng CSVN đã đưa ra.
Người ta có vẻ không cần quan tâm đến những gì Đức Phật đã dạy, những nguồn gốc sự đau khổ của con người Việt Nam, miễn là làm 'vừa lòng ông chủ' và cơn 'hận thù mù quáng' của họ.

'Mạo danh và đâm lưng'

"Thực ra, để 'dựng ra' một chức sắc công giáo, thì Đảng vẫn có thể dễ dàng làm được, do đó việc tạo ra một ai đó gọi là 'giáo dân' không phải là điều khó khăn"
Nếu ai đó quan tâm xem những trang website như ' BấmGiao điểm', ' BấmSách hiếm' là của ai, có thể tìm thấy một 'văn bản yêu cầu' Tổng cục Hải Quan Việt Nam 'hỗ trợ' một Việt Kiều đưa 420 quyển tạp chí 'Giao Điểm' được in trong nước đưa ra nước ngoài để 'phục vụ tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước ta'.
Chỉ cần như vậy cũng đã giúp thể hiện rõ 'Giao điểm', 'Sách hiếm' cũng như tờ Nhân Dân là ai và thiết nghĩ ai đó có lẽ khỏi cần 'nhọc công' bày đặt những điều được cho là 'các trò trích dẫn'. Thông thường, khi nhà nước có vấn đề nào đó với giáo hội Công giáo, người ta có thể quan sát thấy nhà nước liền sử dụng những người thuộc nhóm 'Giao điểm' như các ông Trần Chung Ngọc, Nguyễn Mạnh Quang, bị cáo buộc là 'mang danh Phật Giáo để đâm lưng Công giáo'.
Năm 2008, các vị này được cho là đã 'ra tay thi thố lắm trò'. Thế nhưng, như cái kim trong bọc có ngày thò ra, nhân dân đã tỏ ra là 'cũng có mắt', thậm chí còn là 'những con mắt tinh tường' không dễ bị 'lòe bịp.' Còn nhớ đã có một bài viết được báo Nhân Dân đăng và một số báo khác đăng lại, nói rằng là của “một công dân theo Thiên chúa giáo” và được đăng với sự đồng ý của tác giả.
Đọc qua bài viết được cho là 'ngây ngô' này, thiết nghĩ không phải mất thời giờ để bàn về chuyện liệu những người như tác giả bài viết này có trình độ về lý luận hoặc hiểu biết ra sao. Đơn cử, tác giả của bài báo được tờ báo Nhân Dân của Đảng trân trọng, viết những câu như: “Tôi không biết chủ nghĩa Mác – Lê-nin là chủ nghĩa vô thần”.
“Hiện tại, Việt Nam là quốc gia tiến bộ về vấn đề nhân quyền – quyền con người nên nếu nhận định “trói buộc” nên bị “kìm hãm” là không thực và quá thiên kiến hay cố ý gán ghép”. Hoặc: “Dân trí ta còn thấp nên khó lòng đòi hỏi thực hiện tối đa các quyền dân chủ…” hay “Trên thực tế tôi nhận thấy 'tam quyền phân lập' kiểu Việt Nam chúng ta trong hiện tại là phù hợp với tâm cảnh người Việt Nam”…
Thậm chí, vẫn theo tác giả này, thì: “Theo tôi được biết chủ nghĩa Mác-lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ tư tưởng quản lý xã hội và đảng cầm quyền chỉ lấy tư tưởng quản lý xã hội chứ không “đóng khung” tư tưởng của người dân.”
Thiết nghĩ và e rằng, đọc những câu chữ ấy, thì đến trẻ con cũng không khỏi phải 'bật cười' về nhận thức cũng như trình độ của tác giả trên tờ báo Đảng. Thế nhưng, điều cần lưu ý là tác giả đã được Báo Nhân Dân đề cao chỉ vì là “một công dân theo Thiên chúa giáo” đã nói theo 'đúng ý Đảng', bằng những lập luận có thể được xem là vẫn thường thấy trên Nhân Dân và Quân đội Nhân dân.

'Giáo dân hay giáo gian?'

"Khi sự tự trọng của một cơ quan truyền thông quốc gia còn không coi là có giá trị nào để việc bịa đặt, thêu dệt trở thành đặc tính riêng của họ, thì vài ba nhân vật, dăm bảy phóng sự được cho là 'bịa đặt thêm' chẳng có gì là quan trọng"
Thực ra, để 'dựng ra' một chức sắc công giáo, thì Đảng vẫn có thể dễ dàng làm được, do đó việc tạo ra một ai đó gọi là 'giáo dân' không phải là điều khó khăn.
Khi sự tự trọng của một cơ quan truyền thông quốc gia còn không coi là có giá trị nào để việc bịa đặt, thêu dệt trở thành đặc tính riêng của họ, thì vài ba nhân vật, dăm bảy phóng sự được cho là 'bịa đặt thêm' chẳng có gì là quan trọng.
Điều này đã được thực hiện quá nhiều trong thực tế khi người ta quan sát thấy có những sự kiện bộ đội được huy động gỡ bỏ đai hiệu của họ để đóng vai giáo dân, rồi chính quyền bị 'bắt quả tang' sử dụng văn bản nhà nước 'nhét vào mồm linh mục' nói rằng một văn bản nào đó là văn bản 'tự nguyện hiến đất nhà thờ' cho chính phủ…
Có thể gọi là đủ các chiêu thức. Chúng ta còn nhớ hồi năm 2008, trong biến cố ở 40 phố Nhà Chung, Tòa Tổng Giám mục Hà Nội đã yêu cầu chính quyền làm rõ việc giới chức 'chiếm, cướp, tịch thu hay mượn' của Nhà thờ để dẫn tới việc cơ sở tôn giáo này khi đó sắp bị 'bán, phá phách và làm biến dạng' để phục vụ điều được cáo buộc là 'bán và chia chác'.
Khi đó, Báo chí Việt Nam đang 'im tịt' bỗng dưng đồng loạt đăng bài viết được ghi là của tác giả “Phùng Nhân Quốc - Một giáo dân Hà Nội”.
Khi bị chất vấn liệu tác giả bài báo có phải là một 'giáo dân Phùng Nhân Quốc' có thực hay chỉ là 'một Giáo gian hạng xịn', một dạng được cộng đồng giáo dân nghi vấn là 'cái lưỡi nói theo ý chủ mà thôi, thì y như rằng sau đó, nhiều nguồn tin đã cho hay đây là bài của ông Hồng Vinh, Phó trưởng ban Văn Hóa tư tưởng Trung ương.
Nếu cáo buộc này là đúng thì quả là chính quyền còn 'tài hơn Tề thiên đại thánh' khi bố trí để một Phó ban quan trọng như thế của Đảng biến thành một giáo dân hay là 'giáo gian."

'Vạch mặt nhiều lần'

"Đơn giản nhất là trong đất nước VN này, hẳn không ai không biết rằng chưa có một giáo dân nào dám hỗn xược xưng “tôi” trước một linh mục chứ chưa nói đến với Giám mục hoặc Hội đồng Giám mục"
Có lẽ chính vì bị vạch mặt quá nhiều lần, lần này báo Nhân Dân tưởng vớ bở khi có một người có tên tuổi và địa chỉ đưa ra cho có vẻ có sự thật. Đó là ông Nguyễn Trọng Nghĩa, ngụ tại số 37, đường Ðiện Biên Phủ, xã Mỹ Trà, Thành phố Cao Lãnh, tỉnh Ðồng Tháp, được giới thiệu là giáo dân giáo xứ Cao Lãnh.
Đọc qua bài viết của ông Nghĩa, quả thật chúng tôi buộc phải nghi ngờ về sức khỏe tâm thần của ông, bởi ở bài viết hàm chứa đầy đủ điều được cho là 'sự hỗn xược và ngu dốt' nếu đúng đó là một giáo dân.
Đơn giản nhất là trong đất nước Việt Nam này, hẳn không ai không biết (ngoại trừ những người cộng sản vô thần) rằng chưa có một giáo dân nào dám hỗn xược xưng “tôi” trước một linh mục chứ chưa nói đến với Giám mục hoặc Hội đồng Giám mục Việt Nam. Điều đó không chỉ là quy định, mà là sự tôn kính tối thiểu cần có đã thấm vào máu của mỗi giáo dân. Tiếc rằng có vẻ báo Nhân Dân đã không thể hiểu được điều hiển nhiên này.
Ở Giáo hội Công giáo không có quan niệm hỗn mang kiểu “đồng chí cha, đồng chí con, đồng chí vợ, đồng chí chồng”. Bức thư phần đầu xưng “Tôi”, phần sau xưng “Con” như một sự 'hoang tưởng' của một người có đầu óc không bình thường đã buộc chúng tôi tìm hiểu về nhân vật này.
Và một số giáo dân Giáo xứ Cao Lãnh do linh mục Marcel Trần Văn Tốt, chánh xứ, Linh mục Phêrô Trần Trung Chỉnh làm phó xứ, cho chúng tôi biết như sau:
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa tại địa chỉ này năm nay 32 tuổi có một vợ và một con. Ông mới học xong Phổ thông Trung học thì làm Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh của xã Mỹ Trà. Được một thời gian, do vi phạm khuyết điểm, nên ông buộc phải ra khỏi chức vụ đó. Ông được cho là đã 'bỏ đạo' đã hơn chục năm nay, hoàn toàn không liên hệ với nhà thờ, với giáo xứ và các việc thuộc Giáo hội Công giáo.
Người dân địa phương cho biết ông có hiện tượng đầu óc bị 'man mát', hay không bình thường về thần kinh, sức khỏe tâm thần. Gặp gỡ linh mục Chánh xứ, ông nội của ông Nghĩa đã than phiền về sự mâu thuẫn giữa ông Nghĩa với ông nội và cha mẹ ruột, người ông nội cũng cho hay đã không gặp gỡ và tỏ ra lo lắng cho ông Nghĩa về mặt nhân cách và đạo đức.
Thế có vẻ là đã quá rõ. Một người không còn giữ các lề luật Giáo hội, không tham gia, không còn liên hệ với giáo hội đã chục năm nay, bỗng nhiên được Báo Nhân Dân gọi là “Công dân theo Thiên Chúa giáo”? Chắc Báo Nhân Dân thừa biết rằng một tôn giáo cũng như bất cứ một tổ chức nào, khi anh đã không còn liên hệ, không tuân phục những nguyên tắc, quy định, nghĩa là anh đã đứng ra ngoài tổ chức đó.

'Không còn hiệp thông'

"Trong Giáo hội Công giáo, khi anh đã không còn hiệp thông với Giáo hội, nghĩa là anh đã tự đứng ra ngoài hàng ngũ công giáo. Chân lý đơn giản như vậy thôi"
Ở Giáo hội Công giáo không giống như tổ chức của Đảng Cộng sản vốn luôn tự cho là 'trong sạch, vững mạnh, liêm khiết và đạo đức' và rằng các đảng viên cộng sản là 'bộ phận tiên phong' hay nói cách khác 'là tinh hoa dân tộc,' điều mà chính Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã phải đặt dấu hỏi khi nói “một bộ phận không nhỏ” hay là có sự tồn tại của “cả một bầy sâu” trong Đảng.
Ở đây, trong Giáo hội Công giáo, khi anh đã không còn hiệp thông với Giáo hội, nghĩa là anh đã tự đứng ra ngoài hàng ngũ công giáo. Chân lý đơn giản như vậy thôi.
Nó cũng tương tự như khó có ai có thể nói ông Hoàng Văn Hoan còn là đảng viên Cộng sản Việt Nam sau khi ông đã đào thoát sang Trung Quốc, dù ông Hoan đã từng là Ủy viên Bộ Chính trị.
Một người cả chục năm nay không liên hệ, hiệp thông với giáo hội, không tham gia các nghi lễ tôn giáo, các bí tích, thế mà ông ta vẫn viết: “con nhắc nhở các Ngài Giám mục và hàng giáo sĩ chúng ta luôn đọc “kinh sáng soi” trước khi làm việc gì! Con đọc kinh sáng soi nhiều lần trong ngày và trong 7 ngày để viết thư này,” một điều thiết nghĩ không còn gì có thể 'hài hước hơn.'
Cuối cùng, vẫn biết rằng chẳng ai dư thời gian để đi đọc hoặc trả lời những lời lẽ này của người được cho là mắc chứng 'hoang tưởng' hay 'bị bệnh tâm thần', nhưng việc tờ báo Đảng, tiếng nói của Ban chấp hành Trung ương Đảng CSVN, lại lấy những thứ này như là chiếc 'phao cứu sinh' thì điều được cho là 'sự quẫn bách' đã đến mức tận cùng.
Và quan trọng hơn, nó có thể ít nhiều thể hiện sự cùng quẫn, hoảng loạn và lúng túng từ đầu não của một bộ phận đáng kể hay toàn thể ê-kíp lãnh đạo chóp bu Việt Nam trong tình hình hiện nay.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng và lối hành văn của tác giả, một blogger và nhà báo tự do theo Công giáo, đang sinh sống tại Hà Nội.

Không có nhận xét nào: