BienDong.Net: Jane Perlez là phóng viên ngoại giao của văn phòng tờ The New York Times tại Bắc Kinh chuyên đưa tin về Trung Quốc và chính sách đối ngoại của nước này, đặc biệt là về quan hệ Mỹ - Trung và tác động của nó đối với Châu Á.
Trước đó, năm 2009 bà đã được giải Pulitzer trao cho nhóm phóng viên của NYT đưa tin về cuộc chiến chống Taliban và al Qaeda cùng mối quan hệ sóng gió giữa Mỹ và Pakistan.
Trong chuyên mục của mình gửi về báo NYT liên quan hội nghị Shangri - La vừa họp ở Singapore, bà Jane Perlez cho biết nhiều nhà ngoại giao của các nước đồng minh của Mỹ ở Châu Á đã bày tỏ sự lo ngại liên quan tới tấm bản đồ mới về Biển Đông mà Sinomaps Press, cơ quan ấn loát bản đồ của Trung Quốc vừa phát hành một tuần trước đó.
Theo Jane Perlez, Bắc Kinh từ lâu đã yêu sách chủ quyền đối với các đảo nằm trong đường 9 đoạn được vẽ ra từ vài thập kỉ trước trên bản đồ Biển Đông, một tuyến vận tải hàng hóa quan trọng nơi Trung Quốc đang ngày càng tỏ ra quyết đoán.
Đường lưỡi bò, bao chiếm khoảng 80% diện tích Biển Đông, được Trung Quốc vẽ ra lần đầu tiên vào năm 1947 trước khi phe Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch bỏ chạy sang Đài Loan sau khi bị Mao Trạch Đông đánh bại.
Tuy đường ranh giới trên biển này không được một nước nào khác trên thế giới công nhận, song Trung Quốc vẫn coi đó là cơ sở để đòi chủ quyền đối với các đảo trong khu vực như bãi ngầm Scarborough mà họ đã chiếm đoạt thực sự từ tay Philippines hồi năm ngoái.
Bà Jane Perlez cũng nhắc lại rằng trong báo cáo gửi quốc hội hồi tháng 5 vừa qua, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ nói rằng đường 9 đoạn mà Trung Quốc vẽ ra bao quanh các đảo là không phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982.
Trong bài viết trên New York Times, phóng viên Jane Perlez còn nhắc lại lời các nhà ngoại giao Châu Á đã nhìn thấy tấm bản đồ này cho rằng đây là một bước đi mới của Trung Quốc, và nó xác định đường 9 đoạn như là ranh giới quốc gia của nước này. Một nhà ngoại giao Châu Á yêu cầu không nêu tên do tính chất tế nhị của vấn đề cho biết tấm bản đồ mới đã in xong hồi cuối năm 2012, nhưng việc công bố đã được hoãn lại để chờ sự phê duyệt chính thức của lãnh đạo cấp cao.
Bài báo cũng trích lời ông Ngô Sĩ Tồn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Hải của Trung Quốc, nói rằng bản đồ mới không có mục đích chứng tỏ ranh giới quốc gia, mà chỉ thể hiện những đường cơ sở mới xung quanh những hòn đảo mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư đang có tranh chấp với Nhật Bản ở Biển Hoa Đông.
Ông Ngô nói thêm rằng các đường đứt đoạn bao quanh các đảo (trên Biển Đông) được vẽ ra theo luật của Trung Quốc (nhưng không phù hợp với Công ước LHQ về luật biển – theo nhận định trong báo cáo của Lầu Năm Góc).
Các nhà quan sát cho rằng việc in bản đồ mới với đường lưỡi bò, sau khi đã cho in đường này trong hộ chiếu hồi năm ngoái, là một bước tiến khác nữa trong mưu toan của Trung Quốc nhằm độc chiếm Biển Đông.
Trong bài viết đăng hôm mồng 4 tháng 6 trên trang mạng Forbes.com, ông Trương Gia Đôn (Gordon Chang), một nhà phân tích tình hình Trung Quốc, nhận xét rằng đây là âm mưu chiếm đoạt lãnh thổ lớn nhất kể từ Thế chiến thứ hai.
Tác giả cuốn “Sự Sụp Đổ Sắp Diễn Ra Của Trung Quốc” (The Coming Collapse of China) nói: “… Bản đồ mới của Bắc Kinh loại bỏ bất kỳ sự mơ hồ nào về việc chuyển đổi những đường đứt khúc này thành một đường ranh giới quốc gia. Tất cả những hòn đảo và những vùng biển bên trong lằn ranh, vì thế, là thuộc về Trung Quốc, ít nhất là theo quan điểm của Trung Quốc”.
Ông Trương Gia Đôn cho rằng tuy yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với vùng biển bên trong đường lưỡi bò không nhất thiết có nghĩa là họ sẽ ngăn cấm hoạt động thương mại quốc tế ở Biển Đông, nhưng đó sẽ là bước kế tiếp.
Ông nói thêm rằng vì Trung Quốc có quan điểm cực kỳ rộng rãi về quyền quản lý lưu thông ven biển, nên chắc chắn là họ sẽ đưa ra một định nghĩa hạn hẹp về khái niệm “quyền qua lại vô hại” (innocent passage) và sẽ đòi hỏi tàu thuyền đi vào vùng biển này phải xin phép trước và sẽ có đòi hỏi tương tự đối với các máy bay bay ngang qua.
Trong phát biểu trên báo Thanh Niên mới đây, Tiến sĩ Chu Hồi, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam nói rằng “Trung Quốc đang thực thi các gói kịch bản trong ý đồ độc chiếm Biển Đông để đạt ‘giấc mơ Trung Quốc’ mà hậu nhiệm đã hứa với tiền nhiệm”.
Bình luận về việc Trung Quốc liên tục đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông bao gồm cả một số vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, đưa các đội tàu cá đánh bắt bất hợp pháp trên vùng biển của Việt Nam, ông Chu Hồi cho biết: Sau khi Trung Quốc công bố pháp lý yêu sách phi lý về cái gọi là “đường lưỡi bò đứt khúc 9 đoạn” chiếm khoảng 80% diện tích Biển Đông vào năm 2009, cùng với việc đẩy mạnh vận động quốc tế dưới nhiều hình thức, họ đang chuyển sang giai đoạn chứng minh năng lực kiểm soát thực tế vùng biển chủ quyền phi lý mà họ tuyên bố.
Ông nói thêm rằng “từ xâm lấn vùng biển của các nước quanh khu vực Biển Đông ‘trên giấy’ đến xâm chiếm theo kiểu “gặm nhấm” kết hợp với đe dọa sử dụng vũ lực trên biển, Trung Quốc đã không thể biện minh cho những hành động sai trái của mình, dù có đưa ra những lời lẽ bóng bẩy ngụy biện.
BDN (tổng hợp theo NYT, VOA và Thanh Niên)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét