Pages

Thứ Bảy, 8 tháng 6, 2013

Trung Quốc ‘phải theo luật quốc tế’

Icon_Biển Đông_Đường Lưỡi Bò1
Thiện Giao/Người Việt (tường trình từ Washington, DC)

Hội thảo ‘Kềm Chế Căng Thẳng Biển Ðông’
WASHINGTON, DC – Ngày thứ nhì của hội thảo “Kềm Chế Căng Thẳng Tại Biển Ðông” diễn ra với tranh luận liên quan đến vấn đề pháp lý và luật quốc tế.

Cuộc tranh luận diễn ra gay gắt, và một lần nữa, quan điểm của Trung Quốc bị cô lập hoàn toàn, từ phía cử tọa cũng như các chuyên viên từ các quốc gia khác.
Buổi hội thảo về khía cạnh pháp lý của tranh chấp Biển Ðông, được CSIS tổ chức tại Washington, DC, ngày 6 Tháng Sáu. Từ trái, ông Ernest Bower, Tiến Sĩ Xinjun Zhang, ông Henry Bensurto, ông Peter Dutton, Tiến Sĩ Nguyễn Ðăng Thắng. (Hình: Thiện Giao/Người Việt)
Diễn giả tham gia buổi hội thảo này gồm Tiến Sĩ Xinjun Zhang (Khoa Luật, Ðại Học Thanh Hoa, Trung Quốc), ông Henry Bensurto (Bộ Ngoại Giao Philippines), ông Peter Dutton (Giáo Sư Học Viện Hải Chiến Hoa Kỳ) và Tiến Sĩ Nguyễn Ðăng Thắng (đại diện Việt Nam).Mở đầu bài nói chuyện của mình, Tiến Sĩ Zhang đi thẳng vào vấn đề Philippines mang tranh chấp biển với Trung Quốc ra tòa án quốc tế.
Ông Zhang giải thích, Trung Quốc không tham gia vụ kiện của Philippines vì Bắc Kinh “không tranh luận về chủ quyền tại Biển Ðông,” và cũng vì công ước biển UNCLOS không có thẩm quyền phân xử về chủ quyền trên biển.
Ðại diện Philippines đáp lời, phía của họ không đặt vấn đề chủ quyền trong vụ kiện này, mà đặt vấn đề “quyền lợi hàng hải.”
Ðiều đáng để ý là tất cả các diễn giả tham gia hội thảo, ngoại trừ Trung Quốc, đều mở đầu bài nói chuyện của mình bằng đề tài “Nguyên Tắc Của Luật Pháp.”
Ông Bensurto nêu “nguyên tắc luật pháp,” trong một sự ám chỉ Trung Quốc: “Luật pháp là nền tảng giải quyết mọi mâu thuẫn,” “không có một xã hội nào lại không có luật pháp,” và “luật pháp quốc tế là ngôn ngữ chung của mọi phía tranh chấp.”
Trong phần trình bày của mình, Tiến Sĩ Nguyễn Ðăng Thắng nhắc đến “lợi ích dài hạn của việc tuân thủ luật pháp,” đồng thời khẳng định, cũng là một thông điệp cho việc Trung Quốc né tránh vụ kiện của Philippines: “Luật quốc tế không phải là cái ‘thực đơn’ để các phía chọn món ăn phù hợp cho mình.”
Trong tất cả các phần tham luận, ngoại trừ đại diện Philippines đi thẳng vào các yếu tố kỹ thuật của vụ kiện Trung Quốc, phần phát biểu của Giáo Sư Dutton được xem là thẳng thắn nhất, trực diện với Trung Quốc.
“Ðiều khó khăn là thiết lập tiêu chuẩn hành xử,” Giáo Sư Dutton phát biểu.
Ông nói, cách hành xử của nhiều quốc gia trong vùng, theo công ước UNCLOS, đã và đang tạo nên tiêu chuẩn hành xử tại khu vực tranh chấp trên Biển Ðông. Tuy nhiên, Trung Quốc là một trong các quốc gia không tuân theo tiêu chuẩn này. “Một trong các quan ngại là Trung Quốc dựa trên đường lưỡi bò chứ không theo tiêu chuẩn của UNCLOS.”
Ông Dutton cho rằng, Philippines là ví dụ rõ ràng của việc dựa trên tiêu chuẩn UNCLOS nhằm nâng cao lợi thế khi đòi hỏi giải quyết các tranh chấp về biển.
“Kể từ mùa Xuân 2009, chính phủ Philippines dồn mọi nỗ lực trong việc ban hành luật quốc gia phù hợp với tiêu chuẩn UNCLOS. Bằng cách này, Philippines đi trước các láng giềng vốn mạnh hơn mình,” theo Giáo Sư Dutton.
Trong xu hướng này, luật quốc tế đang dần có khả năng định hướng thái độ ứng xử của các quốc gia tranh chấp tại Biển Ðông. “Và điều này ảnh hưởng tích cực lên sự ổn định toàn cầu,” Giáo Sư Dutton phân tích.
Tuy nhiên, vẫn còn những quốc gia chọn hành xử “không theo tiêu chuẩn UNCLOS.” Và quyết định không theo tiêu chuẩn luật quốc tế xuất hiện khi các tiêu chuẩn này không thuận lợi cho quyền lợi của họ, hoặc họ có sức mạnh hơn các quốc gia khác.
“Nói cách khác, có một sự liên hệ giữa sức mạnh và luật.” Lời kết luận ám chỉ rõ ràng thái độ của Bắc Kinh.
Các đàm phán tại khu vực tranh chấp ở Biển Ðông từ hai thập niên qua không đưa đến kết quả nào. Giới quan sát cho rằng, lý do là vì “Trung Quốc luôn đòi hỏi nhiều hơn những gì các quốc gia khác sẵn sàng thỏa thuận.”
Theo ông Dutton, các đồng nghiệp Việt Nam và Philippines cho ông biết, Trung Quốc thậm chí đòi hai quốc gia này “thừa nhận chủ quyền của Bắc Kinh trước, rồi mới chịu nói chuyện.”
Theo chiến thuật ấy, Trung Quốc ngày càng nỗ lực chia rẽ khối ASEAN để tránh phải thương thảo đa phương.
Vẫn theo Giáo Sư Dutton, “cho đến thời điểm này, Trung Quốc luôn từ chối đưa các tranh tụng ra tòa án quốc tế. Có thể, họ biết luật quốc tế bất lợi cho các đòi hỏi của họ, nhất là đòi hỏi về chủ quyền tại vùng biển nằm bên trong đường lưỡi bò.”
Cho đến nay, Trung Quốc chọn chiến thuật tránh né đưa các vấn đề tranh chấp biển theo hướng luật quốc tế hoặc dùng các cơ chế của luật quốc tế để giúp giải quyết tranh chấp với các quốc gia láng giềng. Theo ông Dutton, “chiến thuật của Bắc Kinh là dùng sức mạnh, thậm chí vũ lực, chứ không dùng luật.”
Chọn phương cách tránh né tòa án, theo Giáo Sư Dutton, Trung Quốc “gặp rủi ro, là có thể bị mất mặt khi cộng đồng quốc tế phán quyết bất lợi trong các tranh chấp về biển.”
Hầu như mọi tranh luận về các tranh chấp tại Biển Ðông đều dẫn đến câu hỏi: Vai trò của nước Mỹ.
Giáo Sư Dutton cho rằng, để đạt được mục đích kềm chế căng thẳng tại khu vực Biển Ðông, Washington cần theo đuổi một số chiến lược.
Trước hết, Mỹ phải hiện diện mạnh mẽ tại Ðông Nam Á. Tiếp theo, Mỹ cần bỏ các mâu thuẫn sang một bên khi giải quyết tranh chấp, đồng thời cần để cho các quốc gia trong khu vực xây dựng lực lượng tuần duyên cần thiết để đối mặt với các áp lực của Trung Quốc trên biển.
Ngoài ra, Hoa Kỳ cũng cần đẩy mạnh sự áp dụng các tiêu chuẩn của luật quốc tế; khuyến khích các quốc gia tranh chấp dùng giải pháp ngoại giao để đi đến đồng thuận.
“Nếu nói về khía cạnh chủ quyền,” theo Giáo Sư Dutton, “Hoa Kỳ cần phải đứng ở vị trí trung lập.”
Nhưng đối với “đường lưỡi bò,” Hoa Kỳ cần có thái độ dứt khoát: “Thẳng thắn đối mặt với Trung Quốc nếu nước này dùng đường lưỡi bò làm biên giới biển chính thức.”
“Không phải lịch sử, không phải quyền lực, mà phải là luật quốc tế!” Ông Dutton khẳng định.

Không có nhận xét nào: