Pages

Chủ Nhật, 13 tháng 10, 2013

Vụ nổ lớn, cực kỳ nghiêm trọng trong Quốc tang Hồ Chủ tịch năm 1969

http://dantri4.vcmedia.vn/yT0YJzvK8t63z214dHr/Image/2013/05/mexico-explosion-ee3d5.JPG
Hình minh họa
Đầu tháng 9/1969, một vụ nổ lớn, cực kỳ nghiêm trọng xảy ra ngay ở bến cảng dã chiến tại Hà Nội. Đã 43 năm trôi qua, vụ nổ cực kỳ nghiêm trọng này vẫn là một bí ẩn. Nghiêm trọng bởi thời điểm xảy ra vụ nổ rất nhạy cảm ngay trong tuần lễ quốc tang Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhiều đoàn khách quốc tế sang dự tang lễ vẫn đang lưu lại Hà Nội. Nghiêm trọng bởi vụ nổ xảy ra giữa lúc an ninh tại Hà Nội được thắt chặt tới mức tuyệt đối. Nhiều sư đoàn bộ đội chủ lực, công an tinh nhuệ và trung thành nhất cùng nhiều vũ khí tối tân được rút khẩn cấp từ chiến trường và từ các địa phương về tăng cường an ninh cho Thủ đô. Bí ẩn bởi đã 43 năm trôi qua, mọi người (ngoại trừ dân địa phương) hoàn toàn chưa nghe nói đã có một vụ nổ như vậy. Vụ nổ làm chết tại chỗ hơn 40 bộ đội cùng sỹ quan, phá hỏng 3 sà lan cùng tàu quân sự, phá hủy hàng nghìn tấn vũ khí hiện đại của Liên Xô viện trợ. Bí ẩn bởi từ 1969 đến 1989, Bộ Quốc phòng cùng Bộ Công an đã có nhiều cuộc điều tra, theo dõi, đưa ra nhiều giả thiết, song tất cả vẫn nằm sau bức màn mù mịt mà chưa có lời giải.

Bến cảng dã chiến bên di tích an toàn khu

Địa điểm ở làng cổ nằm phía bờ Bắc Hồ Tây có tên là làng Phú Xá (làng Sù). Bến đò Sù bên bờ sông Hồng với gốc cây gạo vốn là nơi qua lại của những người hoạt động cộng sản tiền Khởi nghĩa. Ngày 23/8/1945, Hồ Chí Minh được đưa theo đường dây an toàn từ chiến khu về Hà Nội đọc bản tuyên ngôn độc lập. Trưa ngày 23/8/1945, Hồ Chí Minh có dùng cơm trưa tại đây. Bến đò của làng có vị trí giáp đường giao thông nên thời chiến tranh, bộ đội sử dụng nơi đây làm nơi bốc dỡ cho các tàu quân sự, đồng thời trên bờ là bến xe khách trung gian Bến Nứa (Yên Phụ) – Chèm.

An ninh, chính trị Hà Nội khi Chủ tịch nước qua đời

Suốt nửa cuối tháng 8 năm 1969, trời mưa liên miên, nước lũ sông Hồng lên rất to đe dọa vỡ đê trên toàn tuyến. Tin Hồ Chí Minh mệt nặng được truyền miệng khắp Hà Nội. Khắp các cửa ô đều có công an canh gác. Một dải từ ô Yên Phụ ra đến Chèm xuất hiện nhiều công an, bộ đội. Quan hệ Trung Quốc với Liên Xô hết sức căng thẳng. Chuyên gia cùng công nhân Trung Quốc ở Hà Nội (và xung quanh Hà Nội) nhiều lần dọa tấn công sứ quán Liên Xô, đã có lần họ suýt tràn qua được cầu Long Biên để vào nội thành. Được tin Hồ Chí Minh mệt nặng, Liên Xô cử ngay chuyên cơ, tức tốc đưa Đoàn chuyên gia Liên Xô cùng thiết bị sang Hà Nội. Trước đó ông Vương Quốc Mỹ (thứ trưởng) được cử sang Mạc Tư Khoa cầu cứu Liên Xô giúp bảo quản thi hài Hồ Chí Minh. Trung Quốc cũng không kém cạnh. Tổ y tế Trung Quốc được đưa thành nhiều toán, lần lượt sang trú tại khách sạn La Thành để “chăm sóc sức khỏe” Hồ Chí Minh. Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai từ Trung Nam Hải trực tiếp điều hành tổ này. Đại sứ Vương Ấu Bình ngày đêm chạy như cờ lông công săn tin và báo cáo Mao cùng họ Chu ở Trung Nam Hải. Lý Gia Trung, Trương Đức Duy (lúc đó là phiên dịch ở sứ quán TQ, sau là đại sứ TQ tại VN có công dắt mối vụ hội nghị Thành Đô bán nước) bám riết các đầu mối tin tức như Hoàng Văn Hoan, Văn Tiến Dũng, Nguyễn Duy Trinh, Phạm Văn Đồng.


.
Sáng mồng 2/9/1969, Hồ Chí Minh trút hơi thở cuối cùng. Sáng 4/9, đài Tiếng nói Việt Nam đọc Thông cáo đặc biệt loan tin vị lãnh tụ từ trần vào sáng mồng 3. Việt Nam DCCH để quốc tang đến hết 10/9. An ninh toàn Hà Nội được thắt chặt. Ngay từ ngày mồng 2, tư lệnh các chiến trường, tướng lĩnh, cán bộ cao cấp được báo trước đã đổ về về Hà Nội chịu tang. Các ngày sau, hàng trăm đoàn quốc tế, trong nước đổ về Hà Nội. Ngày 6/9, Hà Nội phải thông báo khẩn cho sứ quán, đầu mối ngoại giao ở nước ngoài hạn chế đoàn vào vì quá tải. Ở trong nước, nhiều đoàn đang hỏa tốc từ chiến trường ra được lệnh dừng ngay tại các binh trạm, không về Hà Nội. Hai đầu cầu Long Biên được các đơn vị bộ đội, công an ngày đêm canh phòng cẩn mật. Cây cầu này là vị trí nối Hà Nội với sân bay Gia Lâm (sân bay quốc tế duy nhất của Việt Nam DCCH lúc đó). Công an Hà Nội được lệnh khẩn cấp tập trung các đối tượng có nguy cơ đe dọa trật tự trị an. Chỉ trong một ngày và một đêm, công an các khu, các huyện đã lên hồ sơ và gom hàng nghìn “đối tượng” nhập các trại giam quanh Hà Nội. Công an mật có mặt khắp nơi. Anh dân nào lỡ mồm ăn nói sơ hở là bị đón đi ngay. Anh nào có biểu hiện bất minh cũng bị mời lên xe xít-đờ-ca cho đi tuốt. Tàu điện, xe khách, bến đò thường xuyên bị soát xét. Đồn công an các cửa ô được tăng cường lực lượng kiểm soát quân sự kiểm tra toàn bộ các phương tiện ra vào Hà Nội, kể cả các xe quân sự. Không có lệnh giới nghiêm nào được ban ra nhưng buổi tối gần như không có ai ra đường ngoại trừ người dân có việc khẩn cấp hoặc người nhà nước đang thi hành nhiệm vụ.

Trần Quốc Hoàn, Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, trực tiếp báo cáo đồng thời nhận chỉ đạo từ Bộ Chính trị về tình hình trật tự trị an chung tại Hà Nội.

Sáng 4/9/1969, Chu Ân Lai sang viếng Hồ Chí Minh, buổi tối cùng ngày bay ngay về Bắc Kinh không muốn đụng mặt Kosygin (Chủ tịch HĐBT Liên Xô) trong lễ truy điệu trọng thể. Họ Chu yêu cầu vào thăm thi hài Hồ Chí Minh trước khi về nước. Việc này khiến các lãnh đạo Hà Nội cực kỳ khó xử vì lúc đó chuyên gia Liên Xô đang xử lý xác và bởi lễ viếng tang chỉ bắt đầu vào ngày 6/9. Việc cho họ Chu được đặc cách vào trước sẽ khiến Việt Nam DCCH khó ăn nói với Liên Xô và các đoàn khách quốc tế khác vốn đang phải chờ đợi.  Nếu Liên Xô phật ý mà rút chuyên gia xử lý thi hài về nước thì sẽ là thảm họa cho Việt Nam DCCH. Không khí ở Ba Đình rất căng thẳng.

Ngày 6/9 Kosygin Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Liên Xô đến Hà Nội, có cử phái viên đến gặp Lý Tiên Niệm (đang ở HN) tỏ ý muốn tiếp xúc lãnh đạo Trung Quốc giải quyết xung đột biên giới. Họ Lý không tiếp mà chỉ cho đại sứ Vương Ấu Bình nhận tin. Các đoàn đến Hà Nội đều tổ chức gặp gỡ nhau. Riêng hai ông anh cả Cộng sản thì không thèm nói chuyện, thậm chí còn hầm hè trực đánh nhau ngay tại Hà Nội.

Ngày 6/9, lễ viếng chính thức được tổ chức tại Hà Nội. Ngày 9/9/1969 lễ truy điệu trọng thể tổ chức tại Quảng trường Ba Đình.

Vụ nổ

Cảng Phà Đen của Hà Nội trước đó đã được lệnh không tiếp nhận tàu chở vũ khí, đạn dược, xăng dầu trong những ngày quốc tang (hết 10/9). Tàu bè chở vũ khí phải chuyển dịch ra các bến dã chiến để bốc dỡ hoặc neo đậu cách xa trung tâm Hà Nội.

Từ ngày 7/9, trời bắt đầu tạnh mưa và chuyển sang nắng gay gắt.

Chiều tối ngày 10/9, đoàn sà lan 3 chiếc chở hơn 1000 tấn vũ khí do 3 ca nô lai dắt không được cập cảng Phà Đen, phải chuyển lên bến đò Phú Xá neo đậu. Tại đây có một đơn vị bộ đội canh giữ. Cùng đêm, có thêm 2 tàu chở xăng cũng cập bến này. Việc neo đậu như vậy rất nguy hiểm trong điều kiện mặt nước hẹp, dòng xoáy lớn. Đoàn tàu chở xăng đến sau nên neo bên ngoài, khóa đường ra của đoàn chở vũ khí. Đã có cãi vã giữa hai đoàn sà lan và tàu của quân đội nhưng cuối cùng chỉ huy đơn vị bộ đội canh giữ bến Phú Xá vẫn cho cả hai neo đậu.

Sang ngày 11/9, trời nắng gay gắt. Ngay từ sáng sớm, đoàn tàu chở xăng đã bơm xăng lên các xe ô-tô téc đậu trên đê. Đoàn sà lan chở vũ khí không ra được. Trời nắng nóng, nhiều thủy thủ, bộ đội tạm xuống hầm ca nô ngủ trưa cho mát để chờ xuất bến.

Đầu giờ chiều, bỗng có tiếng nổ long trời phát ra. Cột khói đen bốc lên ngút trời. Hai ống bơm xăng lên bờ đã bắt lửa và cháy ngùn ngụt. Xăng theo vòi bơm chảy loang rộng ra mặt nước nên lửa cứ lan theo mặt sông bắt rất nhanh sang các sà lan chở vũ khí (xăng nhẹ hơn nước nên nổi trên mặt nước). Chẳng mấy chốc, toàn bộ các ca nô và sà lan chở vũ khí chìm trong biển lửa. Một số bộ đội nhảy xuống nước tháo thân thì bị biển lửa hung ác thiêu cháy tại chỗ. Gần 40 bộ đội và sỹ quan chỉ huy đang ngủ trưa dưới hầm các ca nô bị biển lửa bủa vây. Họ nhảy nhôi vì hoảng loạn, họ hò hét kêu cứu trong sự tuyệt vọng. Họ không thể thoát ra ngoài bởi (đến nay vẫn không ai lý giải được) các cửa vào khoang hầm ca nô đã bị ai đó khóa trái toàn bộ từ bên ngoài. Đã có ý kiến xin chỉ huy trên bờ bắn súng vào cửa để mở đường thoát cho họ nhưng người sỹ quan chỉ huy cao nhất lúc đó đã không dám ra lệnh dùng súng bắn vào đoàn sà lan đầy ắp vũ khí như vậy. Chỉ ít phút sau, tiếng kêu và các ca nô đó đã chìm dần vào biển lửa. Đạn trên các sà lan bắt đầu phát nổ. Đạn cối, đạn B40, đạn pháo cao xạ các loại nổ liên hồi nhấn chìm toàn bộ 3 sà lan chở vũ khí, 3 ca nô lai dắt, 1 tàu chở xăng cùng vài chục xác bộ đội … Một tàu chở xăng khác đã được lai kéo sang bờ Bắc.

Dân quân và bộ đội nhanh chóng phong tỏa hiện trường. Đến tận tối khuya mà người dân gần đó vẫn chưa được về nhà. Người ta kịp lượm được hơn 10 xác bộ đội đặt trên mặt đê. Tất cả đều trong tình trạng không nguyên vẹn và không thể nhận dạng được. Số còn lại đều chìm nghỉm dưới lòng sông hoặc đã bị tan xác. Người sỹ quan chỉ huy canh gác bến ngay xẩm tối hôm đó đã tự vẫn bằng 1 phát súng. Cái chết này đã đem theo hầu hết bí mật về vụ nổ nhưng lại dẫn đến một bí ẩn mới. Người này tự vẫn bằng một phát đạn K54, khẩu K54 rơi cạnh xác. Tuy nhiên cả đơn vị đều cho biết đơn vị chưa từng được phát và chưa từng thấy khẩu K54 này ở đơn vị. Các sà lan được trục vớt lên sau đó cho thấy sức công phá kinh hoàng của vụ nổ. Toàn bộ đáy và sườn các sà lan, ca nô lai dắt bằng lớp thép dày đều bị thủng, xé toang bởi đạn cối, pháo, B40.

Những chiếc ca nô lai dắt được chuyển đi ngay sau đó. Xác ba chiếc sà lan nằm trên vệ đê sông Hồng mãi đến năm 1989.

Vị trí vụ nổ ngay sát nền nhà hàng Tre Place 142 đường An Dương Vương ngày nay



.

Điều tra sau vụ nổ

Công an, quân đội đã phong tỏa, khám nghiệm và thu dọn hiện trường.

Công an cùng bộ đội ngay lập tức gọi hỏi toàn bộ những người dân có mặt quanh khu vực. Các bác lái đò trong Hợp tác xã chở đò cũng bị triệu tập.

Nhiều ngày sau, người ta vẫn thấy đại tá Cáp Xuân Diệm (phó Giám đốc Công an Hà Nội phụ trách trị an dân cảnh) cùng nhiều cán bộ phòng chống phản động ngồi xe xít-đờ-ca quanh quẩn khu vực này. Trước đó, Đại tá đã trực tiếp tham gia thẩm vấn nhiều người khu vực trên.

Ngay cả những năm sau đó, các làng xóm, đặc biệt là khu công giáo quanh vùng chịu sự giám sát đặc biệt của các lực lượng an ninh. Nhiều công an mật được tung ra dưới vỏ bọc thợ hàn nồi, bác thiến lợn, bán kem dạo, đổi lông gà lông vịt nhằm tìm manh mối. Thậm chí, một số thanh niên địa phương còn được trưng dụng tạo vụ đánh nhau giả với bộ đội để may ra tìm kiếm được manh nha của kẻ phản động trà trộn trong những người dân kia. Kết quả vẫn chỉ là con số không. Sang năm 1972, có bố con bác xe bò kéo người làng Xuân Đỉnh còn bị bắt và thẩm vấn một thời gian vì khi kéo xe qua đồng, có báo động máy bay, họ chỉ dắt bò chạy còn bỏ chiếc xe lại giữa đồng với hai càng xe chổng ngược lên trời. Họ bị bắt vì tình nghi dùng xe bò kéo mô phỏng pháo cao xạ nhằm chỉ điểm cho máy bay địch ??!!. Việc này lập tức bị công an liên hệ với vụ nổ kia.
Sau 1975, lại đến 1978 đánh nhau Pol Pot, năm 1979 đánh nhau Trung Quốc … Mãi đến năm 1989, sợ những người buôn bán sắt vụn tẩu tán đi mất, quân đội đã đưa xe về cẩu toàn bộ các xác sà lan chở đi. Họ cho biết việc điều tra vẫn tiếp diễn. 

Đoạn kết và những câu hỏi chưa có lời giải đáp


Xác những bộ đội xấu số được an táng tại nghĩa trang Trại Lợn, năm 1972 thì cải táng chuyển vào nghĩa trang thôn Phú Xá, trên mộ đều ghi liệt sỹ vô danh và kể từ đó mộ phần bỏ hoang không ai chăm nom. Năm 1998, một phần nghĩa trang được quận Tây Hồ lấy giao cho Điện lực Tây Hồ làm văn phòng. Khi san lấp mặt bằng, nhà thầu thi công đã lấp toàn bộ các ngôi mộ liệt sỹ vô danh này (họ không muốn bỏ kinh phí chạy mộ vì hợp đồng san lấp là trọn gói). Dấu tích cuối cùng của vụ nổ đã biến mất như vậy.

Những câu hỏi của một vụ nổ lớn đúng tuần lễ quốc tang Hồ Chí Minh thì vẫn còn đó. Vụ nổ là tai nạn đơn thuần? Một vụ phá hoại do biệt kích phía bên kia của Bắc Việt thực hiện? Có hay không một âm mưu nào đó trong nội bộ lúc ấy? Một vụ phá hoại có bàn tay Trung Quốc nhằm phục vụ một âm mưu mờ ám nào đó của họ trong lúc nhạy cảm? vân vân và vân vân và tại sao chính quyền lại giấu nhẹm một vụ lớn như vậy? Tất cả đến nay đều chưa có câu trả lời xác đáng.
Cầu Nhật Tân

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

thằng tàu nó làm đó dáng kiếp thằng vc