Pages

Thứ Ba, 5 tháng 11, 2013

Bê bối Vinalines 'sắp tới hồi kết'


Ông Dương Chí Dũng đã bỏ trốn trước khi bị công an bắt
Cựu lãnh đạo Vinalines Dương Chí Dũng và chín người khác bị truy tố và Bộ Giao Thông bị đề nghị kiểm điểm vì trách nhiệm quản lý.
Truyền thông Việt Nam mô tả điều họ gọi là “cơ quan tố tụng đã xác định hành vi cụ thể của từng bị can”.

‘Thổi giá ụ nổi’
Cựu lãnh đạo Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) bị truy tố hai tội danh Tham ô tài sản và Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Một trong những điểm chính của cáo trạng từ Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao là thương vụ nhập khẩu thiết bị để sửa chữa tàu thủy được biết đến với tên gọi ụ nổi 83M trong đó các bị can bị cáo buộc đã tham ô hơn 28 tỉ đồng và làm thiệt hại cho Nhà nước hơn 366 tỉ đồng.

Lãnh đạo Vinalines bị cáo buộc đội giá ụ nổi để tham ô.
Cơ quan tố tụng đã xác định hành vi cụ thể của từng bị can. Theo đó, Dương Chí Dũng giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu ký duyệt chủ trương đầu tư dự án nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam, phê duyệt mua ụ nổi 83M… các hành vi này được xác định là cố ý làm trái quy định gây thiệt hại hơn 366 tỉ đồng, theo báo BấmCông an Nhân dân.
Được biết ụ nổi của Nhật Bản có tuổi là 43 năm, bị hư hỏng nhiều và không còn hoạt động, có chủ sở hữu là Nakhodka, một công ty của Nga nhưng “Vinalines không mua chiếc ụ nổi này qua Công ty Nakhodka mà lòng vòng qua công ty môi giới có tên là AP (Singapore) với giá 9 triệu USD".
Tổng mức đầu tư chiếc ụ nổi này do Dương Chí Dũng ký quyết định phê duyệt là gần 20 triệu USD, theo báo BấmThanh Niên.
Cáo trạng xác định Dương Chí Dũng đã tham ô 10 tỉ đồng và các bị can phải liên đới bồi thường khoản tiền thiệt hại gần 339 tỉ đồng.
'Kiểm điểm Bộ Giao thông'

Danh sách 10 người bị truy tố

Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines, nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải, Bộ GTVT;
Mai Văn Phúc, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải, nguyên Tổng Giám đốc Vinalines;
Trần Hữu Chiều, nguyên Phó TGĐ Vinalines;
Bùi Thị Bích Loan, nguyên Kế toán trưởng Vinalines;
Trần Hải Sơn, nguyên TGĐ Công ty TNHH Sửa chữa tàu biển Vinalines;
Mai Văn Khang, nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Vận tải Viễn Dương Vinashin;
Lê Văn Dương, đăng kiểm viên thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam;
Huỳnh Hữu Đức, Lê Văn Lừng, Lê Ngọc Triện - nguyên Phó Chi cục trưởng và cán bộ Chi cục Hải quan Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa.
“Bộ Giao thông Vận tải đã không cập nhật, kiểm tra, giám sát để Vinalines xảy ra nhiều sai phạm, gây hậu quả thiệt hại rất lớn nên phải kiểm điểm, có biện pháp xử lý nghiêm đối với những cán bộ có liên quan,” cáo trạng cho hay.
Tin 10 người bị truy tố được đưa ra sau khi giữa tháng Mười truyền thông trong nước nói Bộ Công an Việt Nam đã hoàn tất kết luận điều tra vụ tiêu cực tại Vinalines.
Kết luận điều tra của công an Việt Nam nói ông Dương Chí Dũng đã dùng tiền tham ô để mua cho tình nhân, người có con riêng với ông, hai căn hộ chung cư đều tại Hà Nội.
Ông Dương Chí Dũng bỏ trốn khỏi Việt Nam và bị bắt ngày 4/9/2012, sau khi công an Việt Nam phát lệnh truy nã đặc biệt trong toàn quốc, và thông báo cho tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế (Interpol).
Em trai của ông Dũng là Dương Tự Trọng, vốn từng là phó giám đốc và thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Hải Phòng, bị cáo buộc giúp cho anh trai bỏ trốn ra nước ngoài.
Hồi tháng Chín Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang yêu cầu sớm kết thúc điều tra vụ tham ô tại Vinalines và sớm đưa ra xét xử trong năm nay.
Viện kiểm sát tối cao khi đó đã đề xuất 10 "đại án" tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp trong đó có vụ tham ô tài sản ở Vinashin, Tập đoàn nay đã được “khai tử" và chuyển sang tên mới SBIC nhưng chưa rõ các hệ lụy pháp l‎ý và tài chính.

Không có nhận xét nào: