Pages

Thứ Năm, 21 tháng 11, 2013

Cực điểm của bất công

Mặc Lâm, biên tập viên RFA

hai-yen-hai-phong-2-305.jpg
Công trình xây dựng khách sạn Hải Yến ở Hải Phòng, ảnh chụp năm 2009.
File photo
Bà Bùi Thị Đóa, 76 tuổi có căn nhà tại số 550 đường Tôn Đức Thắng, Hải Phòng bị khách sạn Hải Yến xây lên trái phép và chèn lấn căn nhà của bà đến nỗi bị sụp đổ hoàn toàn. Thế nhưng sau tám năm lặn lội thưa kiện khắp nơi với 1606 đơn thư gia đình bà vẫn không được chính quyền địa phương giải quyết.

Chèn ép dân

Chồng bà Bùi Thị Đóa, là ông Phạm Văn Trung cho Mặc Lâm biết thêm chi tiết về câu chuyện hy hữu này, trước tiên ông Trung nói:

Phạm Văn Trung: Tôi là Phạm Văn Trung, chồng của bà Bùi Thị Đóa. Hiện nay nhà chúng tôi đổ nên phải đi ở nhờ nhà cháu ở trong Sài Gòn. Cả cuộc đời vợ chồng chúng tôi xây được cái nhà. Từ năm 2006 ông Giám đốc sở Xây dựng thành phố Hải Phòng ký phép khi khách sạn Hải Yến đã xây đến tầng thứ 8. Theo pháp luật thì phải ký phép từ lúc chưa khởi công. Tôi lên gặp trực tiếp giám đốc sở kêu khóc xin giám đốc đừng ký nữa nhưng khi nhà đã xây 8 tầng rồi giám đốc vẫn ký.
Rất may cho tôi, tôi lên kêu khóc với chánh thanh tra Đoàn Văn Dân của thành phố. Tình cờ tôi với ông chánh thanh tra gặp nhau và hỏi thăm quê hương thì đúng là  ngày xưa tôi ở hầm bí mật ở thôn ông Dân để đi đánh giặc thực dân Pháp. Ông trực tiếp xuống tận nơi, ông xác định điều tôi nói là đúng nhưng chuyện thì dài lắm. Nhân vấn đề này ông giám đốc sở Xây dựng lại cho cán bộ thanh tra của sở Xây dựng xuống canh gác cho khách sạn Hải Yến xây tiếp một cái nhà bên cạnh mà không có phép.
Mặc Lâm: Thưa ông có đưa vụ này cho báo chí tìm hiểu cũng như viết bài về sự ông bị chèn ép hay không?
hai-yen-hai-phong-250B.jpg
Công trình xây dựng khách sạn Hải Yến ở Hải Phòng, ảnh chụp năm 2009. File photo.
Phạm Văn Trung: Vợ chồng tôi rất đau khổ, kêu khóc khắp tất cả mọi nơi: báo Công an, báo Người cao tuổi, báo Tuổi trẻ thủ đô và đài phát thanh, truyền hình từ địa phương đến trung ương. Báo Công an là tiếng nói của nhà nước; Báo Người cao tuổi, báo Tuổi trẻ thủ đô đăng không dưới 3 lần.
Tuy nhiên tôi không hiểu vì sao nỗi đau khổ này lại đổ lên vợ chồng già tôi như vậy. Vừa qua, sau 8 năm kêu cứu , chúng tôi định liên hệ kêu cứu đưa lên Liên Hiệp Quốc để xem việc thực hiện pháp luật của Việt Nam ra sao. Hai vợ chồng chúng tôi đều là những người tham gia Cách mạng. Tôi đi từ lúc 13 tuổi, năm nay đã 80 tuổi. Vợ tôi đi từ lúc 17 tuổi, nam nay vợ tôi 76 tuổi. Không hiểu vì sao lại hằn thù với vợ chồng tôi như vậy.
Hôm nay có biên bản của  Chủ tịch thành phố, ông Trương Anh Điền. Ông chánh thanh tra dẫn một đoàn 4 người của Bộ xuống cam kết giúp đỡ gia đình nhà tôi đến hết quí 2013. Đến ngày 5 tháng 4 thì phải báo cáo với Thủ tướng. Nay đã gần hết 2013 thì tại sao vẫn không giúp đỡ vợ chồng tôi. Vậy thì pháp luật này đúng hay sai? Đây không phải là dân oan mà đây là làm sai đổ lên đầu người dân. Tôi có gì tranh chấp với ai đâu mà làm hại tôi thế này.

Xây dựng không phép

Mặc Lâm: Ông xác định là khách sạn Hải Yến đã vi phạm pháp luật khi xây nhà mà không có giấy phép cho tới khi ông kêu cứu thì nhà nước mới xuống hiện trường nhưng lại công bố là hợp pháp phải không ạ?
Phạm Văn Trung: Đúng như vậy. Nhà này xây hoàn toàn trái với pháp luật nhưng thành phố vẫn nói là đúng pháp luật. Tôi xin hỏi ông ký giấy phép khi đã xây xong 8 tầng nhưng tại sao khi tôi kêu cứu quá thì 3 ngày sau ông giám đốc Sở ký thông báo đình chỉ thi công. Chỉ có 3 ngày thì làm sao xây được 2 vạn mét vuông nhà. Đây có phải là thành phố bênh vực ông giám đốc Sở hay không. Ngược lại ông giám đốc Sở lại được đề bạt về trung ương làm lãnh đạo của Bộ Xây dựng.
Ký giấy phép khi đã xây xong 8 tầng nhưng tại sao khi tôi kêu cứu quá thì 3 ngày sau ông giám đốc Sở ký thông báo đình chỉ thi công. Chỉ có 3 ngày thì làm sao xây được 2 vạn mét vuông nhà.
-Phạm Văn Trung
Mặc Lâm: Sau khi bị chèn ép thì ông gửi thư kêu cứu cho cơ quan nào và ai là người cao nhất mà ông đã gửi đơn tới?
Phạm Văn Trung: Đúng như vậy. Tôi đã gởi thư cho Tổng Bí thư đảng Cộng sản Việt Nam 19 lần, không dưới con số đó.
Khi tôi lên gặp Tổng thanh tra chính phủ thì lại có một văn bản bảo là thành phố ngừng cái việc trắc trở này vì hai bên đã thỏa thuận bồi thường nhau. Tôi hỏi một ông ở Vụ 6, tổng thanh tra chính phủ là bao nhiêu tiền thì ông bảo là ông chỉ thấy báo cáo là bồi thường. Tôi bảo ông cho tôi xem giấy tôi đã ký nhận tiền; Cuối cùng ông đuối lý và bảo tôi ngồi đợi ông làm văn bản tiếp tục cứu xét. Đấy là một trả lời của thanh tra chính phủ.
Cái trả lời thứ hai là một vị to, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của quốc hội viết yêu cầu chủ tịch thành phố trả lời cho bà Đóa và yêu cầu giải quyết việc này. Lại có một ông sau bà này, chỉ là Vụ phó trong cái Ủy ban đấy thôi ký giấy ngưng giải quyết các cái nhà này. Tôi không hiểu lý do sao, có cái gì trong hai ngôi nhà này đây hay là nơi rửa tiền của các xếp.
Mặc Lâm: Cho tới bây giờ sau tám năm theo đuổi vụ khiếu kiện và đã gửi đi 1606 đơn thư có ai đã tới hỏi han hay gợi ý ông phải làm gì hay không?
Phạm Văn Trung: Thưa ông, không có ai đến hỏi. Nghe nói có ông chủ tịch xã đến nhưng nhà đổ rồi vợ chồng tôi có ở đấy đâu mà biết có đến hay không.
Mặc Lâm: Xin cám ơn ông
.

Không có nhận xét nào: