Pages

Thứ Hai, 16 tháng 12, 2013

Nữ Thủ tướng Thái khuất phục quân đội?

(VnMedia) - Giới tướng lĩnh hàng đầu trong quân đội đầy quyền lực của Thái Lan hôm qua (14/12) đã thẳng thừng bác bỏ lời kêu gọi đứng về phe đối lập, can thiệp vào chính trường để lật đổ chính quyền của nữ Thủ tướng xinh đẹp Yingluck Shinawatra. Với diễn biến này, phải chăng, “nữ tướng” Yingluck đã khuất phục được quân đội Thái Lan vốn được cho là thường đứng về phe đối lập và nổi tiếng vì hay can dự vào chính trị.

Nữ Thủ tướng Yingluck

Thủ lĩnh phong trào biểu tình chống chính phủ Thái Lan – ông Suthep Thaugsuban ngày hôm qua đã có cuộc gặp với những quan chức quân sự cấp cao nhất của quân đội nhằm tìm hướng giải quyết cho cuộc khủng hoảng chính trị đang ngày một nghiêm trọng ở đất nước này. Trước cuộc họp, bà Yingluck chắc hẳn không khỏi hồi hộp và lo ngại bởi vai trò của quân đội được xem là có tính quyết định trên chính trường hiện nay. Nếu quân đội lựa chọn đứng về bên nào thì bên đó được cho là nắm phần chắc thắng trong tay.


Tuy nhiên, sau cuộc họp ngày hôm qua, nữ Thủ tướng Thái Lan đã có thể thở phào nhẹ nhõm bởi đến thời điểm này, quân đội vẫn giữ lập trường trung lập, không đứng về phe đối lập như họ vẫn thường từng làm trong quá khứ.

Sau nhiều tuần diễn ra những cuộc biểu tình rầm rộ có lúc có tới 160.000 người tràn ra đường, Thủ tướng Yingluck đã buộc phải giải tán Quốc hội, thông báo tổ chức một cuộc bầu cử sớm vào ngày 2/2 tới để làm dịu tình hình. Tuy nhiên, những người biểu tình kiên quyết phản đối kế hoạch trên, thề tiếp tục cuộc đấu tranh để loại bỏ hoàn toàn ảnh hưởng của cựu Thủ tướng Thaksin cũng như gia đình Shinawatra khỏi đời sống chính trị ở đất nước Thái Lan. Bà Yingluck sẽ tiếp tục giữ chức Thủ tướng lâm thời cho đến khi cuộc bầu cử diễn ra. Tuy nhiên, phe đối lập không chấp nhận, muốn bà này phải từ chức ngay và thực hiện cuộc cải cách chính trị trước khi diễn ra bất kỳ cuộc bầu cử nào.

Quân đội Thái Lan đã từng thực hiện 18 cuộc đảo chính thành công và cả thất bại trong lịch sử 80 năm qua ở nước này. Trong cuộc đảo chính mới nhất năm 2006, quân đội Thái Lan đã lật đổ anh trai bà Yingluck – cựu Thủ tướng Thaksin. Và lực lượng quyền lực này có thể thực hiện hay phá vỡ bất kỳ nỗ lực nào nhằm lật đổ nữ Thủ tướng Yingluck.

Nếu như trong những cuộc khủng hoảng chính trị trước đây, quân đội thường nghiêng về phe chống Thaksin nhưng lần này, mọi việc có vẻ khác. Từ khi cuộc khủng hoảng ở Thái Lan bắt đầu bùng lên cách đây hơn một tháng, quân đội liên tục từ chối can dự vào chính trường. Ngày hôm qua, một lần nữa, Chỉ huy Tối cao của Lực lượng Vũ trang Thái Lan – ông Thanasak Patimaprakorn lại khẳng định lại lập trường trung lập, bác bỏ lời kêu gọi đứng về phía phe đối lập của thủ lĩnh phong trào biểu tình Suthep.

"Chúng ta sống trong một xã hội dựa trên luật pháp và lẽ phải. Chúng tôi chắc chắn sẽ bảo vệ người dân và tài sản của họ. Để có được hòa bình và sự thịnh vượng, chúng ta phải giải quyết các vấn đề một cách đúng đắn, chắc chắn và không để những vòng xoáy cũ quay trở lại", ông Thanasak phát biểu.

Thủ lĩnh Suthep đáp lại rằng, quân đội đã từng can thiệp vào những tình hình tương tự trong quá khứ. "Nếu các bạn ra một quyết định và chọn đứng hẳn về một bên, chuyện này sẽ qua nhanh. Nếu các bạn quyết định nhanh, người dân sẽ ca ngợi các bạn và các bạn sẽ là những người anh hùng”, ông Suthep nói.

Tuy vậy, ông Thanasak đã tránh né vấn đề đứng về bên nào, tiếp tục khẳng định, nhiệm vụ của Lực lượng Vũ trang Thái Lan là giúp tất cả người dân.

Trước lời kêu gọi của thủ lĩnh phong trào biểu tình Suthep về việc “đoàn kết với người dân”, ông Thanasak Patimaprakorn cho rằng, “cách tốt nhất để giải quyết vấn đề là thông qua đối thoại”.

Trung lập có nghĩa là ủng hộ “nữ tướng” Yingluck
Không chỉ thể hiện lập trường trung lập, không đứng về bên nào trong cuộc khủng hoảng hiện nay, giới tướng lĩnh hàng đầu của quân đội Thái Lan còn thể hiện sự ủng hộ vững chắc và mạnh mẽ cho kế hoạch tổ chức bầu cử sớm của Thủ tướng Yingluck.

Sau cuộc họp với thủ lĩnh phe biểu tình Suthep, Tư lệnh Lục quân – Tướng Prayuth Chan-ocha; Tư lệnh Hải quân – Đô đốc Narong Pipatanasai; Tư lệnh Không quân – Tướng Prajin Juntong và Tư lệnh Tối cao – Tướng Thanasak Patimapakorn đã quyết tâm thông qua kế hoạch bầu cử dự kiến diễn ra vào ngày 2/2 tới.

"Cuộc bầu cử chắc chắn sẽ được tổ chức theo chế độ dân chủ vào ngày 2/2, sau khi Quốc hội bị giải tán”, Tướng Thanasak kết luận.

Ông Thanasak gợi ý thành lập một “ủy ban trung ương” để giúp Ủy ban Bầu cử nhằm đảm bảo cuộc tổng tuyển cử sắp tới diễn ra một cách công bằng, sạch sẽ, không có bất kỳ scandal mua phiếu nào.

Vị tướng hàng đầu Thái Lan cũng kêu gọi tất cả người dân trong nước đi bỏ phiếu đồng thời cho biết, quân đội có thể tham gia vào chiến dịch trên khắp toàn quốc để đảm bảo số người đi bầu cử đạt mức tối đa.

Những phát biểu trên của giới tướng lĩnh Thái Lan cho thấy, lần này họ không hề muốn can thiệp trực tiếp vào cuộc khủng hoảng chính trị đang diễn ra mà chỉ muốn đứng ra làm trung gian hòa giải.

Các nhà phân tích nhận định, các tướng lĩnh Thái Lan có thể lo ngại rằng, nếu họ hành động, đất nước lại tiếp tục chìm trong bạo loạn, đổ máu, khiến cái vòng luẩn quẩn kéo dài từ năm 2006 không thể kết thúc.

Việc quân đội quyết tâm đứng trung lập, không can dự vào chính trường sẽ là một lợi thế cực lớn cho bà Yingluck và đảng Pheu Thai của bà. Trong tất cả các cuộc bầu cử từ năm 2001 đến giờ ở Thái Lan, Đảng Dân chủ đối lập chưa bao giờ có cơ hội giành chiến thắng. Chiến thắng luôn dành cho những đảng thân Thaksin bởi vị cựu Thủ tướng này nắm trong tay một thành trì ủng hộ vững chắc từ lực lượng dân nghèo, dân nông thôn chiếm đa số ở Thái Lan. Như vậy, người ta hiểu rằng, quân đội đứng trung lập có nghĩa là đang nghiêng về phía của nữ Thủ tướng Yingluck. Có vẻ như “nữ tướng” Yingluck đã chính phục được quân đội quyền lực bằng sự mềm mỏng, khéo léo nhưng không kém phần kiên quyết./Kiệt Linh - (tổng hợp)

Không có nhận xét nào: