Matthew Lee
Phóng viên hãng AP đi cùng ông Kerry
Dọc trên các con kênh rạch chằng chịt đục phù sa ở Đồng bằng sông Cửu Long, nơi John Kerry từng đi tuần tra tìm quân Việt Cộng, giờ đây với tư cách là Ngoại trưởng Mỹ, ông chuyển hướng sang một kẻ thù mới: biến đổi khí hậu.
Ở miệt này của Nam phần Việt Nam, nước biển dâng, tình trạng xói mòn và tác động của việc xây đập ở thượng nguồn sông Mekong đang trở thành mối đe dọa nghiêm trọng hơn những người lính Việt Cộng mà Kerry từng chiến đấu vào những năm 1968 và 1969.
Chỉ trích Trung Quốc?
Trong một phát ngôn được cho là nhắm vào Trung Quốc, nước định xây một số đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong vốn sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho người dân ở hạ nguồn, Kerry nói: “Không một nước nào có quyền tước bỏ nguồn sống, hệ sinh thái của nước khác. Sông Mekong là tài sản toàn cầu, là báu vật của cả khu vực.”Phát biểu bên bờ sông ở ấp Kiến Vàng, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, Ngoại trưởng Kerry nói tài nguyên của sông Mekong phải ‘làm lợi cho người dân không chỉ ở một nước, không chỉ ở quốc gia nơi dòng sông đó xuất phát mà còn phải ở tất cả các nước mà dòng sông đó chảy qua’.
"Sông Mekong phải làm lợi cho người dân không chỉ ở một nước, không chỉ ở quốc gia nơi dòng sông đó xuất phát mà còn phải ở tất cả các nước mà dòng sông đó chảy qua."
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry
Kerry cũng nói rằng một ưu tiên cá nhân của ông là đảm bảo rằng trong số sáu nước cùng nằm trong lưu vực sông Mekong với 60 triệu người sống dựa vào dòng sông này không có nước nào khai thác nó mà gây hại cho những người dân còn lại.
“Mấy chục năm trước đây cũng ở vùng sông nước này, tôi là một trong những người đã chứng kiến thời khắc khó khăn trong lịch sử chung của hai nước chúng ta,” Kerry phát biểu trước một số thanh niên địa phương gần một cầu tàu ở ấp Kiến Vàng, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.
“Hôm nay cũng trên vùng sông nước này tôi đang chứng kiến hai nước chúng ta đã cùng nhau đi xa như thế nào và chúng ta đang nói về tương lai. Mọi thứ phải nên như thế,” ông nói.
Tương lai đó, nhất là đối với nguồn sống dựa vào sông nước của hàng triệu người sống ở Đồng bằng sông Cửu Long, đang bị đe dọa, ông nói và cam kết khoản viện trợ trị giá 17 triệu đô la cho chương trình thích nghi với biến đổi khí hậu.
Số tiền này sẽ giúp cho người nông dân trồng lúa, người nuôi tôm, nuôi cua và người chài lưới thích nghi với những biến đổi do mực nước biển dâng cao gây nên khiến cho hệ sinh thái bị nhiễm mặn.
'Chẳng thay đổi nhiều'
Trước đó, trên đường đến ấp Kiến Vàng, khi ca nô chở Kerry đang đi trên sông Cái Nước, Kerry nhớ lại mùi củi cháy khi ca nô của ông chạy ngang qua một xóm nhỏ ven sông. Mùi củi này, theo Kerry, vẫn như xưa dù đã gần 50 năm trôi qua.
Có lúc, có một gia đình đang đi trên ghe ngược chiều vẫy tay chào và cười với ông Kerry.
Ông vẫy tay chào lại và khi thấy gia đình có nuôi một con chó trên ghe, ông nói: “Tôi cũng có nuôi một con chó. Tên nó là VC.”
Khi đến ấp Kiến Vàng, Ngoại trưởng Kerry đã đi vào xóm của người dân. Ông ghé một tiệm tạp hóa mua kẹo cho các em nhỏ. Ông còn nói vài câu Tiếng Việt để làm cho các em cười.
Nhìn về phía tán cây bên bờ sông, Kerry nói: “Mọi thứ chẳng thay đổi bao nhiêu. Phần lớn vẫn như hồi nào.”
“Đây là vùng mà chúng tôi gọi là vùng ‘hỏa lực tự do’,” ông nói, “Việt Cộng hầu như có mặt khắp nơi.”
Vào tối Chủ nhật ngày 15/12, ông Kerry đã có mặt ở Hà Nội, nơi ông có các cuộc tiếp xúc với giới lãnh đạo Việt Nam vào sáng thứ Hai ngày 16/12.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét