Các hoạt động cổ súy cho nhân quyền ở Việt Nam hôm Chủ nhật 8/12 nhân Ngày Quốc tế Nhân quyền đã bị chính quyền tìm mọi cách quấy phá, một nhà hoạt động nhân quyền nói với BBC.
Hành động này xảy ra trong lúc Việt Nam vừa trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc với nhiệm kỳ ba năm. Chính quyền Việt Nam xem đây là bằng chứng cho thấy cộng đồng quốc tế nhìn nhận thành tích nhân quyền của họ.
‘An ninh rất đông’
Blogger Hoàng Dũng, một trong những người tham gia buổi sinh hoạt về nhân quyền ở Công viên 23/9 ngay tại trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh đã xác nhận điều này với BBC.Tuy nhiên, theo những hình ảnh được đăng tải trên các diễn đàn trên mạng mà BBC chưa có điều kiện kiểm chứng thì có vẻ như chính quyền trong nước không ủng hộ hành động cổ súy quyền con người mà các nhóm vận động trong nước thực hiện.
Ngoài thành phố này, các nhà hoạt động nhân quyền mà chủ yếu là các blogger cũng tập hợp ở các địa điểm công cộng ở thủ đô Hà Nội và thành phố biển Nha Trang để tuyên truyền cho công chúng về giá trị của nhân quyền.
Những người này được cho là đã phân phát bóng bay có dòng chữ ‘Quyền con người của chúng ta phải được tôn trọng’ và các bản ‘Tuyên ngôn Quốc tế về nhân quyền’ và ‘Công ước quốc tế chống tra tấn’ cho người dân.
Anh Dũng cho biết ‘những người có mục đích ngăn chặn rất đông’ đến ‘gấp hai gấp ba lần’ những người tham dự buổi kỷ niệm.
Anh nói những người này bao gồm ‘an ninh chìm, hội phụ nữ và những thanh niên không xác định rõ nguồn gốc’.
Blogger này mô tả những hành động phá rối như sau:
“Họ quây những người tham dự lại để ngăn chặn những người mới đến gia nhập.
Họ giả vờ là người mới đến để xin những tài liệu về nhân quyền và xin bóng bay nhưng lại chọc bóng cho thủng và giấu tài liệu đi còn an ninh ra mặt thì sẵn sàng giật tài liệu bỏ chạy chưa nói đến việc ném mắm tôm.”
Tự bôi xấu?
Anh cũng cho biết là bạo lực đã xảy ra khi một blogger có tên Châu Văn Thi bị đánh.
“Khi đó tôi có ra nói với người đánh anh Thi rằng không nên sử dụng bạo lực như vậy,” anh kể, “Chính ngay lúc ấy anh ta quay lại tấn công tôi.”
Tuy nhiên, anh Dũng cho biết những người hoạt động nhân quyền ‘không có hành động chống cự hay phản kháng’ vì ‘chúng tôi đã bảo nhau đây là đấu tranh bất bạo động’.
Còn về những người nhận được những tài liệu phân phát, anh Dũng cho biết là họ ‘tò mò cầm đọc và bỏ đi ngay vì sợ sự dính líu’.
“Có nhiều người thấy người lạ tiếp cận thì tìm cách đi theo,” anh nói thêm.
“Cơ quan công quyền có pháp luật trong tay họ hoàn toàn có rất nhiều cách khác để làm,” anh chỉ trích hành động của cơ quan an ninh, “Thế mà họ không nghĩ ra. Không hiểu có phải có sự tư vấn nào đấy từ người trên chỉ đạo mà họ có hành động như vậy.”
“Có nhiều cách chứ không phải dùng những cách tự làm xấu chính họ như dùng côn đồ đánh đấm hay ném mắm tôm.”
Blogger này cho rằng những việc mà anh cùng những đồng sự làm là ‘tốt cho người dân’ và đặt vấn đề ‘tại sao chính quyền lại sợ bản Tuyên ngôn nhân quyền đến thế’.
Anh Hoàng Dũng nói rằng mặc dù lực lượng an ninh ‘đã làm rất nhiều hành động’ ngăn cản nhưng nhờ đó những người tham dự buổi tập hợp cũng ‘đo đếm được phản ứng của nhà cầm quyền đối với những người hoạt động cho một xã hội tốt đẹp hơn’.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét