Pages

Thứ Năm, 23 tháng 1, 2014

Khủng hoảng Ukraina : Chính quyền trấn áp báo chí

Kéo dài cả tháng qua, cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraina đang trở nên trầm trọng thêm trong những ngày qua, nhất là từ khi chính quyền cho thông qua bộ luật bóp nghẹt các quyền tự do, khoanh vùng giám sát báo chí thông tin. Truyền thông đang ngày càng trở thành mục tiêu tấn công của chính quyền Ukraina.Những chiếc xe bus bị đốt, chiến lũy dựng lên trước các trụ sở công quyền, lựu đạn cay và đạn cao su được cảnh sát bắn ra liên hồi, người biểu tình trang bị gậy gộc, gạch đá sẵn sàng tấn công lực lượng giữ gìn trật tự.
Cảnh tượng bạo lực đó đã được các báo mô tả tại thủ đô Kiev trong vòng 3 ngày qua.


Nhật báo Công giáo La Croix quan tâm đến những phóng viên nhà báo đang tác nghiệp tại Kiev qua bài : « Tại Ukraina, giới truyền thông bị lấy làm mục tiêu » trấn áp.

Phóng viên của La Croix có mặt tại hiện trường cuộc biểu tình đang làm rung chuyển Kiev cho biết : Phóng viên ảnh, các biên tập viên báo, quay phim, phóng viên điều tra.... nói chung là tất cả các nhà báo có mặt trong đoàn biểu tình đều có thể là mục tiêu tấn công.
Tổ chức Phóng viên không biên giới hôm qua ghi nhận có 36 nhà báo bị thương trong cuộc biểu tình tại Kiev từ hai ngày qua.


Theo ông Johann Bihr, chuyên gia về Ukraina của tổ chức này thì trong số đó có những người bị tấn công vô tình, nhưng đa số là mục tiêu có chủ đích của lực lượng giữ gìn trật tự.
Nhiều cơ quan báo chí thâm chí còn khuyến cáo các nhà báo không nên đeo biển hiệu khi tác nghiệp ở khung vực xô xát.

Theo tác giả bài báo, tại Ukraina làm báo là một nghề nguy hiểm, nhất là khi muốn thực hiện các bài điều tra về hệ thống tài phiệt hay những người có chức có quyền giàu có.
Họ luôn phải đối mặt với các đe dọa bị ngồi tù, đánh đập. Các vụ tấn công nhà báo đã tăng mạnh từ khi bùng phát phong trào phản kháng chính phủ tại quảng trưởng Maidan hôm 21/11/2013 vừa qua.

Trong khoảng thời gian từ 29/11 đến 01/12 năm ngoái đã có 40 nhà báo bị thương vì cảnh sát.


Điển hình nhất là vụ Tetiana Tchornovel, nữ phóng viên nổi tiếng với loạt bài tố cáo quan chức tham nhũng, bị những kẻ lạ mặt đánh đập tàn bạo hôm 24/12 ở ngoại ô Kiev.
Tiếp sức thêm cho việc trấn áp nhà báo, chính quyền Kiev đưa vào áp dụng từ ngày hôm nay hàng loạt các biện pháp nhằm răn đe, thu hẹp các hoạt động báo chí và thông tin muốn đánh động dư luân về những tiêu cực trong xã hội và trong chính quyền.
Hy vọng đối thoại xa dần 
Về cuộc đọ sức giữa chính quyền Ukraina và đối lập, nhật báo L’Humanité đặt vấn đề :
Liệu có thể đối thoại giữa chính quyền và đối lập tại Kiev ?
Theo nhận định của tờ báo thì hai tháng sau khi bùng lên cuộc phản kháng chính quyền tại Ukraina, phong trào này đang trở nên cực đoan.

Hy vọng đối thoại giữa chính quyền và đối lập nhằm tìm ra một lối thoát chính trị cho cuộc khủng hoảng đang ngày càng trở nên xa vời.

Tờ báo trích lời một phụ nữ về hưu tại Kiev, tên là Olga nhận định « Tổng thống Voktor Ianoukovitch không lắng nghe phong trào phản kháng và từ chối mọi cuộc thảo luận thực sự với đối lập và hơn nữa ông có cho thông qua luật hạn chế các quyền tự do ». Theo tờ báo nếu không có đối thoại thì phong trào đấu tranh sẽ biến thái thành các cuộc bạo động mà ngay cả đối lập cũng không kiểm soát được.

Anh Vũ ,RFI news

Không có nhận xét nào: