Mí Rưỡi (Danlambao) - Một năm cũ lại trôi qua. Đất trời, vạn vật đang chuyển mình để bước vào mùa Xuân mới. Dẹp bỏ những bộn bề, lo toan của công việc thường nhật, tôi tham gia cùng với Câu lạc bộ từ thiện tổ chức chương trình định kỳ Mùa Xuân Yêu Thương. Chương trình lần này hướng về các em nhỏ và những gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở Bạc Liêu.
Chào đón đoàn chúng tôi cũng là những gương mặt khắc khổ của các cụ già, những ánh mắt lạ lẫm, hiếu kỳ của các em nhỏ. Đa phần họ là người dân tộc Khơ Me, quanh năm sống bằng nghề làm muối và nuôi tôm, nên cuộc sống lam lũ và phụ thuộc nhiều vào thời tiết.
Trong chuyến đi tiền trạm, chúng tôi đã nắm được danh sách những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn và phát phiếu nhận quà, nên đợt này xuống chỉ tiến hành công việc phân chia quà, trao cho những người có tên trong danh sách. Khi tập trung tại địa điểm nhận quà, đa phần là những cụ già đến nhận quà vì con cháu đã đi làm hoặc đi học xa. Sống trong tình thân gia đình, tôi không khỏi chạnh lòng khi nhìn thấy những cụ già neo đơn, suốt cuộc đời không có đủ may mắn tìm được cho mình một nửa yêu thương, không tạo lập được hạnh phúc gia đình và xây dựng được cơ ngơi riêng để an hưởng tuổi già bên con cháu. Những bàn tay gầy trơ xương, mái đầu bạc trắng với cái lưng oằn xuống bởi gánh nặng cuộc đời, các cụ vẫn vui vẻ và cúi đầu cảm ơn khi chúng tôi trao tận tay cụ những thùng mì, những bao gạo, chai dầu ăn... Vật chất tuy ít ỏi nhưng đó là tấm lòng nhân ái của những học sinh, sinh viên đã hưởng ứng lời kêu gọi quyên góp của câu lạc bộ.
Tôi có tiếp xúc, trao đổi với một cụ già, hàng ngày cụ phải đi bán vé số từ sáng sớm đến 4h chiều, hôm nay tranh thủ đến nhận quà sớm để mang gạo về nhà nấu cơm cho đứa cháu nhỏ ăn rồi đi học. Cụ đi bán cho hết số vé mới vừa nhận được sáng nay. Cuộc đời cơ cực của cụ hằn sâu trên gương mặt khắc khổ đầy vết nhăn, trên tấm lưng còm theo năm tháng vất vả làm việc trên cánh đồng. Mắt cụ mờ, tay cụ yếu, chân run khổ hạnh lê tấm thân tàn để mời thiên hạ mua từng tấm vé số.
Cách đây không lâu, tôi cũng đến bệnh viện Nhi Đồng thăm hỏi và lấy thông tin để làm truyền thông kêu gọi quyên góp giúp bé Huỳnh Thị Diễm My, mới 6 tuổi nhưng đã mang trong mình căn bênh ung thư máu. Em là chị đầu trong gia đình có 3 người con với em gái 4 tuổi và em trai 2 tháng tuổi. Mẹ mới sinh em bé nên kinh tế gia đình phụ thuộc hết vào việc bốc vác của Ba. Giờ phát hiện bệnh nên Ba mẹ phải gửi hai em cho bà Nội, đưa em lên Sài Gòn chữa bệnh. Nhưng khi khám và nhận kết quả thì gia đình đưa em về nhà vì không có tiền cho em nằm viện chữa trị. Nhìn thấy cảnh em nằm co ro trên chiếc chiếu mỏng trải ngoài cửa phòng bệnh, thủ thỉ trong tiếng nấc “Mẹ có thương con không? Sao mẹ cứ để người ta thích kim vô người con hoài vậy? con đau lắm” mà tôi nghẹn đắng lòng. Tuổi thơ hồn nhiên đã phải sớm mang bạo bệnh mà em chưa hề ý thức được nó. Gia đình thì không có điều kiện để chạy chữa cho em. Rồi bệnh tình em sẽ thế nào? Ba mẹ em sẽ ra sao khi hàng ngày phải chứng kiến cảnh con gái nhỏ của mình quằn quại đau đớn?
Đâu đó trong cuộc sống này vẫn còn rất nhiều trường hợp khó khăn như thế, nhưng sự vô tâm hay cái tôi của mỗi con người làm che lấp đi nỗi đau chung của xã hội. Hình ảnh cụ già lủi thủi với xấp vé số, những đứa trẻ lui cui đi đánh giày, bán báo ở các con hẻm nhỏ Sài Gòn đã không còn xa lạ nữa. Trường hợp anh tài xế lâm nạn cũng đã gióng một hồi chuông báo động cho toàn xã hội khi mà nhân cách con người đã xuống cấp trầm trọng.
Trên xe trở về lại thành phố, lòng tôi không khỏi ray rức và luyến tiếc. Những thùng mì, bao gạo chúng tôi mang đến hôm nay sẽ đủ dùng trong bao lâu, giúp họ qua cơn đói được mấy ngày? Cái chúng tôi giúp được họ hôm nay chỉ là giải quyết tạm thời cho cái nghèo đeo bám. Và tôi cũng biết rất rõ nghèo đói không phải là vấn nạn duy nhất. Cùng lúc, tôi và bạn bè cũng hiểu rõ đâu là nguyên nhân, nguồn gốc của những vấn nạn này. Cá nhân tôi không dám hứa hẹn điều gì lớn lao hay chê bai những điều nhỏ nhặt, nhưng tôi luôn ao ước và cố gắng hết mình để góp bàn tay cá nhân đóng góp cho khát vọng chung mà trong đó có việc giúp đỡ những cụ già neo đơn, những em nhỏ bất hạnh. Mong rằng thế hệ trẻ ngày nay sẽ cùng chung tay để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, kém may mắn hơn mình, cùng nhau kiến tạo một xã hội đầy tình thương và lòng bác ái.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét