Pages

Thứ Năm, 9 tháng 1, 2014

Nói thật dân nghe, làm thật dân tin

Suốt một tuần qua dư luận xôn xao bàn tán, bình phẩm về bài viết đầu năm 2014 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Dù một số chê hay bày tỏ thái độ dè dặt, hoài nghi, xem ra có khá nhiều người khen và đón nhận thông điệp đầu năm của ông với không ít hy vọng.
Khen vì thấy rằng khác hẳn với những phát biểu cũ mèm, khô khan, nhàm chán, giáo điều hay thậm chí hơi ngô nghê thường thấy nơi một số lãnh đạo Việt Nam hoặc các văn kiện của đảng Cộng sản, bài viết đầu năm của ông Dũng chứa một số điểm mới lạ, thiết thực, lý thú, đáng đọc, đáng chờ.
Vui và hy vọng vì thấy rằng, trong thông điệp đầu năm này Thủ tướng Việt Nam không còn né tránh những khó khăn, trì trệ hiện tại của đất nước và dám đưa ra những thay đổi mà Việt Nam cần tiến hành để có thể vượt qua những thách đố, yếu kém ấy.
Nói cách khác, thông điệp của ông được đón nhận vì ông dám nói thật – nói những điều mà người dân thao thức, băn khoăn và đề cập đến những thay đổi mà người dân muốn có, đất nước đang cần.
Thử điểm lại và kiểm chứng, minh họa một vài điều được coi là thật, đáng hy vọng trong thông điệp này.
‘Động lực không còn mạnh’
Từ khi có Đổi mới vào năm 1986, kinh tế của Việt Nam đã tăng trưởng mạnh và phát triển kinh tế đã làm thay đổi hình ảnh Việt Nam, đưa đất nước thoát khỏi tình trạng nghèo đói, lạc hậu và cũng giúp đảng Cộng sản duy trì, củng cố tính chính danh.
Nhưng – như ông Thủ tướng thừa nhận – “trong những năm gần đây, năng lực cạnh tranh của nước ta chậm được cải thiện. Tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế cũng đã chậm lại. Xã hội có không ít vấn đề bức xúc. Một trong những nguyên nhân là động lực mà những cải cách trước đây tạo ra đã không còn đủ mạnh để thúc đẩy phát triển”.
Chỉ trong một đoạn rất ngắn ông đã mô tả khá đây đủ và tương đối chính xác tình hình kinh tế, chính trị, xã hội hiện tại của Việt Nam.
Đúng vậy, về kinh tế, mức tăng trưởng và sức cạnh tranh của Việt Nam quả thực đã chậm lại và thua các nước trong khu vực. Chẳng hạn, theo Ngân hàng thế giới, trong năm 2012, với tỷ lệ tăng trưởng kinh tế là 5.2%, mức tăng trưởng của Việt Nam thấp hơn mức tăng trưởng ở một số nước ASEAN, như Philippines (6.8%), Thái Lan (6.5%), Indonesia (6.2%) hay Malaysia 5.6%.
Hơn nữa, với mức tăng trưởng như vậy, so với cách đây khoảng 10 hay 20 năm, khi tăng trưởng của Việt Nam ở mức 7% hay 8% và thậm chí có lúc hơn 9% – chẳng hạn 9.5% năm 1995 và 9.3% năm 1996, theo Ngân hàng thế giới – tăng trưởng kinh tế của Việt Nam hiện tại giảm rất nhiều.
Về năng lực cạnh tranh, Việt Nam cũng thua xa mấy nước ASEAN trên. Theo chỉ số cạnh tranh toàn cầu – được tính dựa trên 12 tiêu chí, trong đó có thể chế, cơ sở hạ tầng và môi trường kinh doanh vĩ mô – của Diễn đàn kinh tế thế giới trong hai năm 2012/2013, với chỉ 4.18 trên 7 điểm, Việt Nam được xếp thứ 75 (trên 148 quốc gia, lãnh thổ) và sau xa Singapore (thứ 2), Malaysia (thứ 24), Thái Lan (thứ 37), Indonesia (thứ 38) và Philippines (thứ 59).
Cùng với – hay một phần vì – kinh tế trì trệ, Việt Nam phải đối diện với không ít bất bình, bức xúc xã hội. Dù không nêu cụ thể, nhưng khi thừa nhận “xã hội có không ít vấn đề bức xúc”, hơn ai hết chắc ông Thủ tướng biết rõ những bức xúc ấy là gì, tại sao lại có những bức xúc ấy và những hậu quả mà chúng có thể gây nên cho đảng Cộng sản và xã hội Việt Nam.
Việc ông Lê Hiếu Đằng, một cựu quan chức Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, công khai bỏ đảng Cộng sản, hay vụ ông Đặng Ngọc Viết tới Trung tâm Phát triển Quỹ đất Thành phố Thái Bình bắn chết Phó giám đốc và bắn bị thương bốn cán bộ khác của Quỹ này và sau đó dùng súng tự tử – hai trong nhiều sự kiện đáng chú ý của Việt Nam năm 2013 – là hai ví dụ điển hình cho những bất bình, bức xúc đó.
Ngoài ra, trong thời gian qua nhiều người dân – và đặc biệt giới nhân sỹ, trí thức, trong đó có những người là (cựu) đảng viên hay quan chức – công khai lên tiếng chỉ trích chủ trương, đường lối của đảng. Và một trong những lý do chính yếu dẫn đến những bức xúc, bất bình, chỉ trích đó là dù có mở cửa kinh tế, đảng Cộng sản vẫn không muốn đổi mới chính trị, mở rộng dân chủ, tự do.
Vì không có đổi mới và cởi mở chính trị, Việt Nam tiếp tục bị xếp sau các nước ASEAN khác như Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan hay Singapore về dân chủ, tự do. Chẳng hạn, chỉ số dân chủ của The Economist Intelligence Unit 2013 xếp Việt Nam thứ 144 (trên số 167 quốc gia) trong khi đó Indonesia được xếp thứ 53, Thái Lan 58, Malaysia 64, Philippines 69 và Singapore 81.
Năm 2013, tổ chức Phóng viên không biên giới xếp Việt Nam vào gần cuối bảng (172 trên 179) – và sau tất cả chín nước ASEAN khác, trong đó có cả Lào, Campuchia và Miến Điện – về tự do báo chí, ngôn luận.
Và có thể vì không có đổi mới chính trị, cải cách kinh tế của Việt Nam cũng không đạt được những kết quả cao.
Chủ trương Đổi mới của Đảng Cộng sản – như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và giới lãnh đạo Việt Nam thường nhấn mạnh, ca ngợi – được coi là đã giúp Việt Nam có “những bước phát triển vượt bậc”.
Nhưng nếu so sánh mức thu nhập của người dân Việt Nam với mức thu nhập của người dân tại một số nước khu vực sẽ thấy rằng mức cải thiện về kinh tế mà Đổi mới mang lại cho người dân Việt Nam trong gần 30 năm không đáng kể lắm hay không “vượt bậc” như quan chức Việt Nam thường nghĩ.
Theo Ngân hàng thế giới vào năm 1986 – lúc Việt Nam bắt đầu cải cách kinh tế – thu nhập bình quân đầu người (GDP per capita) của Việt Nam là 437 (đô la Mỹ), Thái Lan 813, Singapore 6,783, Philipines 535, Malaysia 1,741 và Indonesia 483.
Năm 2012, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam là 1,755, Thái Lan 5,580, Singapore 51,709, Philippines 2,587, Malaysia 10,432 và Indonesia 3,557.
Nếu tính theo tỷ lệ, sau 26 năm tiến hành Đổi mới, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam tăng 402%. Nhưng cũng trong thời gian đó, thu nhập bình quân đầu người ở Thái Lan tăng đến 686%, Singapore 762%, Philippines 484%, Malaysia 599% và Indonesia 736%.
Như vậy, dựa trên những số liệu này, thu nhập Bình quân đầu người của Việt Nam không tăng bằng thu nhập đầu người của sáu nước ASEAN này kể từ khi Việt Nam có đổi mới năm 1986.
‘Cần thêm động lực’
Đưa ra những chỉ số, số liệu trên để cho thấy rằng – như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh – đã đến lúc Việt Nam “cần có thêm động lực để lấy lại đà tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững”.
Vì nếu không có thêm động lực, Việt Nam không thể tiếp tục tăng trưởng và phát triển – và điều đó cũng đồng nghĩa với việc quốc gia này tiếp tục tụt hậu và thua xa các nước trong khu vực.
Và như chính ông Dũng nêu rõ, nguồn động lực ấy không phải đến từ một cái gì khác mà “phải đến từ Đổi mới thể chế và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân dân”.
Ngoài ra, cũng cần “xây dựng một Nhà nước pháp quyền”. Trong một Nhà nước “thượng tôn pháp luật” như vậy, “người dân có quyền làm tất cả những gì pháp luật không cấm và sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình” và “pháp luật phải bảo đảm được công lý và lẽ phải” cũng như “mọi quyết định quản lý của Nhà nước đều phải minh bạch”.
Hơn nữa, một Nhà nước dân chủ, pháp quyền cũng “phải tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng theo cơ chế thị trường” và biết “xóa bỏ độc quyền doanh nghiệp cũng như những cơ chế chính sách dẫn đến bất bình đẳng trong cạnh tranh”.
Có thể nói ông Dũng đã đưa ra một số giải pháp khá thiết thực, căn bản, tiến bộ, cấp bách có thể giúp Việt Nam phát triển, tiến tới dân chủ, giàu mạnh – hay ít ra không tụt hậu.
Những cải cách ông nêu cũng nằm trong những điểm chính mà nhiều người đã kiến nghị, đề xuất trong đợt góp ý sửa đổi Hiến pháp 1992 – như cần thay đổi thể chế, tạo cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh trong kinh tế cũng như chính trị hay xây dựng một Nhà nước pháp quyền. Đây cũng là lý do tại sao có khá nhiều người – trong đó có nhiều nhân sỹ, trí thức – cảm thấy phấn khích, kỳ vọng về thông điệp đầu năm của ông.
Đã nói, sẽ làm?
Việc dư luận nói chung và các nhân sỹ, trí thức nói riêng khen ngợi, ủng hộ thông điệp đầu năm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho thấy người dân không ghét, chống đối hay “thù địch” với đảng Cộng sản và chính quyền Việt Nam như một số lãnh đạo, quan chức Việt Nam thường suy diễn, quy chụp.
Nếu ai đó có chỉ trích, chống đối hay có thái độ “thù địch” chỉ vì họ thấy đường lối, chính sách của đảng hay phát ngôn, thái độ của lãnh đạo Việt Nam không thật, không coi trọng dân, không hợp ý dân, hay không biết đề ra những hướng đi thích hợp, tốt đẹp có thể giúp dân giàu, nước mạnh hoặc có những phát ngôn, hành động vừa thiếu tâm, vừa không có tầm.
Ngoài những người ủng hộ, khen ngợi, đâu đó có một số người tỏ thái độ dè dặt, hoài nghi đối với thông điệp đầu năm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng một phần vì không ít lần họ thấy lãnh đạo Việt Nam nói mà không làm hay nói một đàng, làm một nẻo.
Chưa rõ động cơ nào khiến ông Dũng đưa ra một thông điệp như vậy đầu năm và thực sự ông có muốn tiến hành những thay đổi khá căn bản, triệt để và toàn diện như ông đề cập trong thông điệp của mình. Cũng không rõ đó là thông điệp của cá nhân ông hay của lãnh đạo đảng và chính quyền Việt Nam.
Nhưng dù sao đi nữa trong năm 2014 này, người dân chắc chắn sẽ chờ và xem ông Thủ tướng và đảng Cộng sản nói chung có cho tiến hành những cải cách, đổi mới được ông Dũng đưa ra trong thông điệp đầu năm hay không.
Một trong những việc mà dư luận chờ đợi trong những ngày tháng tới đó là xem Chính phủ và đảng Cộng sản Việt Nam giải quyết như thế nào, đến mức độ nào tình trạng tham nhũng, tham ô – chẳng hạn các vụ án lớn như Vinalines, với nhiều tình tiết mới, quan trọng đang được dư luận quan tâm trong những ngày này.
Và nếu chúng được thực hiện, được tiến hành thì chắc chắn người dân Việt Nam sẽ dành cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói riêng và giới lãnh đạo Việt Nam nói chung sự ủng hộ, tin tưởng.
Trái lại, nếu ông Dũng và giới lãnh đạo Việt Nam chỉ nói mà không làm hay nói một đàng, làm một nẻo thì chắc chắn người dân sẽ mất niềm tin, không còn coi trọng lời nói của họ hay đặt hy vọng gì vào họ.
Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả. Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.   

Ðoàn Xuân Lộc

Tiến sĩ về quan hệ quốc tế, hiện là chuyên viên nghiên cứu tại Global Policy Institute, London, Anh quốc.

Không có nhận xét nào: