Tàu phá băng Tuyết Long (Xue Long) tại cảng Thiên Tân (đông bắc Trung Quốc), tháng 11/2011. Reuters |
Sau khi hai chiếc tàu Pháp và Úc giải cứu bất thành, đến lượt chiếc tàu phá băng mang tên Tuyết Long của Trung Quốc nhập cuộc, tiến gần con tàu Nga gặp nạn. Chiếc trực thăng từ tàu Tuyết Long vào tuần trước đã di tản hết 52 người gồm du khách và các nhà khoa học sang con tàu Aurora của Úc, nhưng đến lượt con tàu Trung Quốc bị mắc kẹt trong “địa ngục trắng”.
Hôm qua, Bắc Kinh loan báo là tàu Tuyết Long cuối cùng đã có thể vượt qua vùng băng dày đặc để ra đến khu vực có thể di chuyển dễ dàng. Hôm nay, đến lượt tàu MV Akademik Cholkaksii của Nga cũng đã tự giải thoát khỏi vòng vây của băng giá. Rốt cuộc Trung Quốc và Nga đã không cần đến sự trợ giúp của chiếc tàu phá băng khổng lồ của Mỹ, Polar Star, đã rời cảng ở Sydney để mở đường giải thoát hai chiếc tàu kẹt trong băng.
Tất cả những tình tiết như trong một bộ phim gay cấn nói trên trên đều mang tính biểu tượng rất cao, phản ánh cuộc tranh đua ngày càng gay gắt giữa các cường quốc ở Nam cũng như Bắc Cực. Đặc biệt, việc chiếc tàu Tuyết Long tham gia giải cứu tàu Nga thể hiện tham vọng của Bắc Kinh ở cả hai vùng cực của địa cầu.
Khi tham gia giải cứu tàu Nga, tàu Tuyết Long đang ở Nam Cực trong một chuyến đi khảo sát kéo dài 155 ngày để chuẩn bị xây dựng căn cứ nghiên cứu thứ tư của Trung Quốc ở vùng này. Đối với ông Donald Rothwell, giáo sư về công pháp quốc tế tại Đại học Quốc gia Úc, sự tham gia giải cứu của Tuyết Long cho thấy Trung Quốc “đang củng cố sự hiện diện và đang nâng cao uy tín ở Nam Cực”.
Nhưng cũng giống như trong việc chinh phục không gian, Bắc Kinh thừa biết rằng phải hàng mấy thập kỷ hoặc cả nửa thế kỷ mới có thể khai thác được những tài nguyên thiên nhiên ở Nam và Bắc Cực.
Hiệp ước về Nam Cực, ký kết năm 1959 và Trung Quốc tham gia từ năm 1983, cấm việc khai thác mọi khoáng sản ở vùng này cho đến năm 2048. Từ đây đến đó, Nam Cực chỉ dành cho những hoạt động nghiên cứu khoa học và hoạt động mang tính hòa bình.
Tuy nhảy vào vùng này trễ hơn nhiều so với các cường quốc khác, nhưng trong vòng ba thập niên qua, Trung Quốc, mà nay đã là cường quốc kinh tế thứ hai thế giới, đã nhanh chóng tăng cường sự hiện diện ở Nam Cực. Cho đến nay, Bắc Kinh đã tiến hành 30 chuyến đi khảo sát và đã thiết lập 3 căn cứ nghiên cứu tại vùng này. Ngoài căn cứ thứ tư sẽ được xây dựng trong năm nay, Trung Quốc còn dự trù thiết lập thêm căn cứ thứ năm.
Ấy là chưa kể, theo Tân Hoa Xã, một chiếc tàu phá băng mới và mạnh hơn của Trung Quốc, có thể đập tan những tảng băng dày 1,5 mét, theo dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ đây đến năm 2015.
Theo bà Anne-Marie Brady, giáo sư đại học Canterburry của New Zealand, hiện nay mỗi năm Bắc Kinh chi ra 55 triệu đôla cho các chương trình khảo sát Nam Cực, so với mức 20 triệu đôla cách đây một thập niên.
Mặc dù Hiệp ước Nam Cực tạm thời không cho phép bất cứ quốc gia nào đòi thêm lãnh thổ ở vùng này, nhưng theo AFP, tham vọng của Trung Quốc đang gây lo ngại cho nước Úc. Nước Úc hiện giành chủ quyền 42% lãnh thổ Nam Cực, nơi mà họ đã thiết lập căn cứ thường trực ngay từ năm 1954. Trong một báo cáo đưa ra vào tháng 10 năm ngoái, Viện chính sách ngoại giao của Úc đã báo động về nguy cơ Trung Quốc qua mặt Úc ở Nam Cực.
Ở cực Bắc của địa cầu, vào tháng 5/2013, Trung Quốc cũng đã được quy chế quan sát viên trong Hội đồng Bắc Cực, quy tụ các quốc gia có quyền lợi tại vùng này. Bắc Kinh hy vọng rằng, do tác động của biến đổi khí hậu khiến băng tan tại Bắc Cực, một con đường hàng hải chiến lược sẽ hình thành, sẽ rút ngắn đáng kể tuyến đường xuất cảng hàng hóa Trung Quốc sang châu Âu.
Nhưng cũng giống như ở Nam Cực, đây là chiến lược dài hạn đối với Trung Quốc vì phải chờ nhiều thập kỷ nữa mới có thể khai thác con đường giao thương mới đó./Thanh Phương (RFI)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét