Tin cho hay Trung Quốc bắt buộc các ngư dân nước ngoài hoạt động trong phần lớn Biển Đông phải xin phép chính quyền Hải Nam, bắt đầu từ 1/1.
Cuối tháng 11, Trung Quốc đã loan báo thiết lập khu vực nhận dạng phòng không mới bao trùm phần lớn Biển Hoa Đông, nơi nước này tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản.Hãng tin AP và một số cơ quan truyền thông quốc tế khác nói đây là một phần trong chiến dịch ngày càng mở rộng nhằm khẳng định chủ quyền của nước này tại khu vực rộng lớn đang có nhiều tranh chấp.
Động thái mới của Bắc Kinh được trông đợi sẽ làm nảy sinh xung đột mới với các nước láng giềng. Việt Nam chưa có tuyên bố chính thức gì về việc này.
Hãng AP dẫn lời chuyên gia về chính trị Trung Quốc tại trường City University of Hong Kong, Joseph Cheng, nói: "Các động tác khẳng định chủ quyền như thế này sẽ còn tiếp tục. Tập Cận Bình cho rằng không thể để bị xem là quá hiền".
Khu vực mà Trung Quốc đòi tàu cá nước ngoài phải xin phép mới được hoạt động rộng tới 2 triệu km vuông, tức hơn 2/3 diện tích Biển Đông, bao gồm không chỉ các đảo mà còn nhiều tuyến hàng hải cùng các khu vực được cho là có trữ lượng dầu khí lớn.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez hôm 8/1 nói Manila đang tìm kiếm thêm thông tin về quyết định này.
Trước đó, Hoa Kỳ nhiều lần tuyên bố sẽ không đứng về phía nào nhưng ủng hộ tự do hàng hải trong khu vực.
Xin phép Trung Quốc
Theo quy định mà Trung Quốc đơn phương đưa ra, tàu cá và tàu khảo sát nước ngoài khi đi vào vùng biển do tỉnh Hải Nam quản lý sẽ phải xin phép.
Quy định này được tỉnh Hải Nam thông qua cuối tháng 11 năm ngoái.
Giới chức Trung Quốc dọa tàu cá nước ngoài hoạt động không phép sẽ bị tịch thu ngư cụ, tài sản và phạt tới 500.000 Nhân dân tệ (83.000 đôla Mỹ).
Một số chuyên gia nhận định siết chặt lệnh này là công việc khó khăn bởi vậy nhiều khi các quy định như vậy mang ý nghĩa biểu tượng là chính.
Giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia về Biển Đông, nhận định nó cho thấy "một sự leo thang lớn trong nỗ lực khằng định chủ quyền của Trung Quốc".
"Hành động này có khả năng sẽ tăng căng thẳng và gây khó khăn cho đàm phán Trung Quốc-Asean về bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông," theo ông Thayer.
Theo ông Cheng từ Hong Kong, có lẽ quyết định này được đưa ra dưới áp lực dân tộc chủ nghĩa ở trong nước.
Tuy nhiên ông cũng cảnh báo hệ lụy có thể nghiêm trọng của nó.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét