Chính phủ Việt Nam vừa ban hành nghị định cho phép nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài tại một tổ chức tín dụng trong nước.
Đây là mức cao hơn so với tỷ lệ 15% hiện đang áp dụng.BấmNghị định 01/2014/NĐ-CP, có hiệu lực vào ngày 8/2 năm nay, quy định một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài được phép sở hữu cổ phần tối đa ngang với 20% vốn điều lệ của một ngân hàng Việt Nam.
Trong khi đó, tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại một ngân hàng trong nước vẫn được giữ nguyên ở mức 30% và tỷ lệ sở hữu cổ phần của một cá nhân nước ngoài không được vượt quá 5%.
Nghị định cũng quy định trong những "trường hợp đặc biệt", chính phủ có thể cho phép nâng tổng mức sở hữu cổ phần của khối ngoại tại ngân hàng trong nước lên vượt quá giới hạn quy định để "thưc hiện cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém, gặp khó khăn, bảo đảm an toàn hệ thống tổ chức tín dụng".
Bước đi hợp lý
"Tôi cho rằng bất kỳ hình thức huy động vốn nào vào lúc này, trong đó có việc nới lỏng giới hạn tổng sở hữu cổ phần tại ngân hàng trong nước cho nhà đầu tư nước ngoài, đều là bước đi tích cực"
Ông Stephen Long, Giám đốc định chế tài chính tại khu vực châu Á của hãng xếp hạng tín dụng Moody's
Trả lời BBC ngày 7/1, ông Stephen Long, Giám đốc định chế tài chính tại khu vực châu Á của hãng xếp hạng tín dụng Moody's, cho rằng đây là một quyết định "hợp lý".
"Rõ ràng là khu vực ngân hàng của Việt Nam đang rất cần vốn mới vào lúc này," ông nói.
"Vì vậy, tôi cho rằng bất kỳ hình thức huy động vốn nào vào lúc này, trong đó có việc nới lỏng giới hạn tổng sở hữu cổ phần tại ngân hàng trong nước cho nhà đầu tư nước ngoài, đều là bước đi tích cực".
Trước đó, trong một cuộc phỏng vấn với BBC gần đây, ông Alfred Chan, Giám đốc tài chính của hãng xếp hạng tín dụng Fitch Ratings, cũng cho rằng việc các ngân hàng được tiếp cận nguồn vốn mới là một "yếu tố quan trọng nhằm kích thích tăng trưởng cho nền kinh tế".
Cũng theo ông Chan, nếu những nhà đầu tư nước ngoài được tham gia vào hội đồng quản trị, "họ có thể chuyển tải những kinh nghiệm có được từ thị trường quốc tế vào Việt Nam."
"Chất lượng điều hành cũng sẽ được cải thiện, vì giờ đây một ngân hàng phải chịu sự quản lý từ nhiều phía, từ đó sẽ giúp củng cố chất lượng của công tác quản lý rủi ro, hoạch định chiến lược cũng như bảng cân đối tài sản," ông nói.
Chứng khoán tăng mạnh
Trong tin ngày 7/1, hãng tin tài chính Bloomberg cho biết chứng khoán ngân hàng của Việt nam đã có phản ứng tích cực sau khi quyết định của chính phủ được ban hành.
Cụ thể, tính đến 12 giờ trưa ngày 7/1, VN Index tăng 0,6%, hướng đến mức chốt phiên cao nhất kể từ tháng Sáu năm ngoái.
Chứng khoán của Vietinbank tăng 2,5%, mức tăng mạnh nhất kể từ 16/10, trong khi của Vietcombank tăng 2,6%.
Việt Nam hiện đang phải đối mặt với tỷ lệ nợ xấu cao nhất tại khu vực Đông Nam Á.
Tính đến cuối năm 2013, tổng nợ xấu trong toàn hệ thống là hơn 140 nghìn tỷ đồng, theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước.
Tuy nhiên, nhiều tổ chức đánh giá tín dụng cho rằng con số thực tế có thể cao hơn rất nhiều lần.
Tỷ lệ nợ xấu cao hiện đang là nguyên nhân chính hạn chế khả năng cho vay của các ngân hàng trong nước.
Trong cả năm 2013, tăng trưởng tín dụng trong nước chỉ đạt 8,83% so với năm 2012, cách khá xa so với chỉ tiêu 12%.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét