Pages

Thứ Sáu, 14 tháng 2, 2014

TQ sang 'giải cứu Chủ tịch Hồ Chí Minh'

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ năm 1959
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ năm 1959 ở Bắc Kinh
Cựu binh Ngô Nhật Đăng của Cuộc chiến Biên giới 1979, đang sống ở Hà Nội, vẫn còn nhớ ngày vào quân ngũ và sau đó lăn lộn bốn năm ở vùng biên giới. 
Đó là ngày 25/8/1978 trong một đợt "tổng động viên" học sinh và sinh viên, ông nói với BBC hôm 13/2/2014, không lâu trước ngày kỷ niệm 35 năm Chiến tranh Biên giới Việt - Trung.


"Lúc đó tình hình [giữa Việt Nam và Trung Quốc] cũng đã căng thẳng từ một vài năm trước, chuyện người Hoa về nước và không khí mà mọi người nghĩ tới chiến tranh là điều chắc chắn có thể xảy ra chứ không phải mọi thứ đều bất ngờ.
Ông Đăng, khi đó 20 tuổi, và nhiều bạn bè rời trường đại học và được cử đi đào tạo hạ sỹ quan nhằm tạo ra lớp "cán bộ khung" để huấn luyện tân binh.
"Chúng tôi lúc đấy xác định là có thể xảy ra chiến tranh với Trung Quốc."
Ông Đăng nói hai ngày sau khi Trung Quốc đưa quân qua biên giới hôm 17/2, ông và đồng đội được lệnh lên đường và tới mặt trận Cao Bằng vào đêm 20/2.
Ông ở lại đó trong bốn năm tiếp theo cho tới khi giải ngũ. Nhiệm vụ của ông Đăng và tiểu đoàn trong những ngày tháng Hai năm 1979 là "đánh đằng sau lưng, gọi là luồn sâu phá hoại" quân Trung Quốc.
"Những ấn tượng đầu tiên [đối với] những thằng sinh viên là khi ban đêm về bom đạn ầm ĩ... thần chết đứng sát ngay bên cạnh.
"Anh nên nhớ là lúc ấy Hồ Chí Minh đã mất được 10 năm rồi mà họ không biết và nói nguyên văn là "Tập đoàn phản động Lê Duẩn bắt giam Hồ Chủ Tịch, gây sự chia rẽ giữa hai bên và chúng ta sang đây để đánh tập đoàn phản động bành trướng tiểu Á Lê Duẩn để giải cứu cho Chủ tịch Hồ Chí Minh."
Ngô Nhật Đăng
"Cái ấn tượng nhất là cảnh nhân dân Cao Bằng tan hoang. Nhân dân Cao Bằng đêm ngày chạy trên đường [trong] không khí chiến tranh."
Người cựu binh năm nay 55 tuổi nói quân Trung Quốc tới Cao Bằng muộn hơn so với một số mặt trận khác.
"Các tuyến khác thì tôi không biết nhưng Cao Bằng hầu như toàn là quân chính quy của Trung Quốc và khi bọn tôi bắt một số tù binh thì họ khai đều là Quân khu Thành Đô và có lực lượng rất lớn bao gồm cả xe tăng, thiết giáp, pháo binh.
"Vấn đề hậu cần của họ cũng được chuẩn bị rất chu đáo."
Ông Đăng nói ông có tham gia khai thác thông tin ban đầu từ một số tù binh Trung Quốc trước khi gửi họ về 'quân khu' và kể lại:
Trung Quốc rà mìn ở vùng biên sau cuộc chiến với Việt Nam
"Họ cũng bị bưng bít thông tin. Có những thông tin cũng buồn cười
"Thí dụ họ nói rằng 'bên kia chúng tôi học tập [rằng] tình hữu nghị Việt Nam -Trung Quốc được Mao Chủ tịch và Hồ Chủ tịch vun đắp, bây giờ tập đoàn phản động Lê Duẩn bắt giam Hồ Chủ tịch.
"Anh nên nhớ là lúc ấy Hồ Chí Minh đã mất được 10 năm rồi mà họ không biết và nói nguyên văn là "Tập đoàn phản động Lê Duẩn bắt giam Hồ Chủ Tịch, gây sự chia rẽ giữa hai bên và chúng ta sang đây để đánh tập đoàn phản động bành trướng tiểu bá Lê Duẩn để giải cứu cho Chủ tịch Hồ Chí Minh."
Ông Đăng nói cũng có những nơi ở Cao Bằng lính Trung Quốc chỉ niêm phong các cơ sở mà không cướp phá.

Trung Quốc 'bắn nhau'

Mặc dù ông Đăng nói phía Trung Quốc đưa sang Cao Bằng cả 'quân đoàn', ông cho biết lực lượng quân đội của Việt Nam ở Cao Bằng "rất ít".
Nhưng ông Đăng cũng nói: "Trong Cao Bằng có điều rất đặc biệt là lính Trung Quốc chết rất nhiều.
"Lúc đó lực lượng địa phương ở Việt Nam có rất ít và có [thêm] một số dân quân."
Ông Ngô Nhật Đăng
Ông Ngô Nhật Đăng nói ông sẽ phải suy nghĩ lại nếu lại phải cầm súng
"Ở Cao Bằng tuyến phía đông họ [Trung Quốc] tràn sang không sang được và mặt trận cuối cùng ở Cao Bằng là huyện Thông Nông và huyện Bảo Lạc.
"Phía đó bên phía Việt Nam không có lực lượng. Họ đưa cả một quân đoàn vào phía đó.
"Từ cánh quân phía tây của Trung Quốc kéo về và phía bên này của Trung Quốc kéo sang đến đèo Mã Quỳnh thì bộ đội Việt Nam có bắn hai bên.
"Bên Trung Quốc họ tưởng lầm và họ bắn lại, cả một trận giao chiến kéo dài gần cả một đêm, Trung Quốc bắn nhầm vào nhau và phía đấy họ thiệt hại rất nhiều."
Cụ thể hơn về phía lực lượng Việt Nam, ông Đăng nói:
"Lúc đó về phía lực lượng vũ trang có duy nhất một tiểu đoàn của tôi thôi.
"Có một trung đoàn chủ lực của Việt Nam, trung đoàn 246, thì họ giữ lại ở khu vực Hà Quảng."
""Chúng tôi gặp nhân dân trong rừng thì họ rất mừng. Họ có nói từ năm 1948 chưa có bộ đôi lên đây, bộ đội lên rất là mừng... Lúc đấy giữa sống, chết và bảo vệ tổ quốc thì mọi người không nghĩ gì nhiều."
Ngô Nhật Đăng
Ông Đăng cũng nói tiểu đoàn của ông gần 300 người đã mất liên lạc và bộ đàm chỉ bắt được sóng của phía Trung Quốc khi đến huyện Nguyên Bình, vốn đã bị quân Trung Quốc chiếm từ vài ngày trước mà tiểu đoàn không biết.
Tình hình càng nguy hiểm hơn khi tiểu đoàn ông đã để lại nhiều vũ khí cho quân địa phương với mục tiêu sẽ được trang bị thêm khi tới Nguyên Bình.
"Khi ấy biên chế của trung đội 30 người mà chỉ có ba khẩu súng. Hồi ấy là anh em mang theo đạn," ông nói.
"Bọn tôi phải tập trung vũ khí cho một số cơ số trong tiểu đoàn và vừa bám theo Tàu vừa kêu gọi vũ khí chuyển tiếp lên.
"May mà lúc đấy tiểu đoàn trưởng chỉ huy là người rất dày dạn chiến trận, tính toán được.
"Khi chúng tôi được tiểu đoàn của công nhân mỏ Tĩnh Túc tiếp tế đạn, đánh một hai trận thì quân Trung Quốc đã bắt đầu rút về rồi."
Trả lời câu hỏi về tâm trạng của những người lính trẻ khi đó, ông Đăng nói:
"Lúc đó có rất nhiều tâm trạng, sợ hãi có, buồn bã có.
"Chúng tôi nhìn thấy những cảnh tan hoang, rồi phía Trung Quốc, có những người dân khi họ đi vòng qua đèo Mã Phục ở khu vực Hà Quảng, có những vụ thảm sát, thậm chí có cả dân binh sang dỡ nhà cửa, chợ bên kia, nhân dân chạy vào trong rừng.
"Chúng tôi gặp nhân dân trong rừng thì họ rất mừng. Họ có nói từ năm 1948 chưa có bộ đội lên đây, bộ đội lên rất là mừng."

'Hai thái cực'

Ông Đăng nói ông đã chứng kiến cả sự tàn bạo cũng như hành động chừng mực của binh lính Trung Quốc hồi đầu năm 1979.
"Cũng rất khó hiểu. Nó có hai thái cực.
"Ở phía Hà Quảng có những điều xảy ra trong chiến tranh cực kỳ dã man mà chúng tôi chứng kiến.
"Người dân bị chém giết, nhà cửa bị đốt phá.
"Hoặc là bản thân họ [binh lính Trung Quốc] ví dụ như là tôi chính mắt chứng kiến lúc họ rút về có một xe bị sa lầy.
"Tôi trên đồi nhìn xuống ven đường thấy người chỉ huy mở cửa kính xe, lôi người tài xế và dùng búa đập chết ngay tại trận.
Ông Đăng nói không phải tới đâu lính Trung Quốc cũng cướp phá
"...Thế nhưng lại cũng có những vùng, như vùng Thông Nông ấy, thì họ lại không động chạm, không phá phách.
"Những kho lương thực, những cửa hàng bách hóa vẫn còn nguyên, không bị cướp phá và [họ] dán trên cửa những băng bằng hai thứ tiếng là 'Niêm phong của Bộ đội Biên phòng Trung Quốc'."
Ông Đăng nói sau những ngày chiến trận, ông được giao nhiệm vụ đi xác định tọa độ các đường mòn dọc theo biên giới và có tiếp xúc với người Trung Quốc.
"Có những lúc tôi cũng lạc sang đất Trung Quốc. Vì cải trang [nên] cũng gặp những người lính Trung Quốc rồi [biết] thái độ của họ.
"[Nói về] chốt của hai bên [thì] trời không có sương mù có thể nhìn rõ [nhau], thậm chí hét to có thể nghe thấy nhau.
"Nhưng có những hành động trong chiến tranh họ như người khác hẳn, như là say máu họ trở thành con người khác."
Cựu binh nói tình hình sau chiến trận cũng vẫn căng thẳng với các tổ trinh sát của Việt Nam được cử sang Trung Quốc trong khi thám báo Trung Quốc lại sang Việt Nam.
Hai bên cũng "bắt cóc" người của nhau để lấy thông tin.
Ông Đăng nói một người bạn của ông đã bị bắt cóc ngay trước khi chuẩn bị về phép vì được tin người em trai đã hy sinh ở mặt trận Lạng Sơn.
Nhưng tình hình tại Cao Bằng được ông Đăng đánh giá là không căng thẳng bằng ở một số nơi khác.
"Ngay trong phố nhà tôi cũng có hai người đi bộ đội và hy sinh vào năm 82, 83 ở mặt trận Thanh Thủy, Hà Giang."

'Bài học lịch sử'

Ông Đăng nói cả Việt Nam và Trung Quốc đã né tránh nói về cuộc chiến với những lý do "không thể chấp nhận được".
"Đã đến lúc [công khai bàn luận về cuộc chiến] rồi. Nó như một bài học lịch sử để rút lại kinh nghiệm.
"Chuyện đó theo tôi nghĩ là phải công khai sự ghi nhận đối với những người hy sinh. Đồng đội tôi cũng nằm xuống và những cảm xúc thông thường về mặt gia đình thôi, những tình cảm của con người mà bị lãng quên một cách rất là khó hiểu như thế trong khi các sự kiện khác lại tổ chức tưởng niệm."
Ông Đăng cũng không đồng ý rằng chính quyền tránh kỷ niệm để giữ quan hệ tốt với Trung Quốc và bình luận:
"Có những dân tộc rất nhỏ bé như Philippines, Israel hay là Thụy Sỹ, một đất nước rất nhỏ bé bên cạnh những người khổng lồ, nhưng họ có tư thế rất đàng hoàng."
"Cách hành xử như nhà nước Việt Nam [làm] với những người lính đã từng tham gia vào cuộc chiến tranh vệ quốc, đã từng đổ máu chúng tôi cảm thấy như một sự xúc phạm."
Ngô Nhật Đăng
"Cách hành xử như nhà nước Việt Nam [làm] với những người lính đã từng tham gia vào cuộc chiến tranh vệ quốc, đã từng đổ máu chúng tôi cảm thấy như một sự xúc phạm."
Ông Đăng nói nhiều đồng đội ông cảm thấy "phẫn nộ và chán ngán" và nó sẽ ảnh hưởng tới tâm lý của họ nếu lại phải cầm súng.
"Với cách hành xử như thế này [của chính quyền], chắc chắn phải suy nghĩ lại [chuyện lại cầm súng].
"Nói chỉ trở thành [hiện thực] khi mà bắt buộc, bất khả từ chối.
"Chứ còn nếu để sẵn sàng với nhiệt huyết như năm 79, sẵn sàng lên đường, sẵn sàng hy sinh ... thì tôi nghĩ là không có.
"Không phải riêng tôi mà rất nhiều người. Không phải những người là cựu binh 79 mà ngay cả lớp trẻ bây giờ."
Người cựu binh cũng nói ông đã có nhiều lần thăm Trung Quốc và biết rằng những người từng ở phía bên kia chiến tuyến cũng bị "lãng quên".
"Bản thân tôi rất mong muốn, mơ ước là làm sao chúng ta có những cuộc [gặp mặt giữa] những người có thể gọi là nạn nhân cũng được của cả hai phía," ông Đăng nói với BBC.
"Điều đó thật là tuyệt vời, có thể bày tỏ [cách nhìn và tình cảm] của phía bên này, phía bên kia.
"Nó như bài học để gửi gắm tới thế hệ sau."
Ông Đăng nói ông có tham vọng làm một phim tài liệu về Cuộc chiến Biên giới nhưng không tin chính quyền sẽ ủng hộ để làm phim một cách đúng đắn.

Không có nhận xét nào: