Nguyễn Hùng
BBC Việt ngữ, Geneva, Thụy Sỹ
Tuần này là tuần của nhân quyền Việt Nam và những nghịch lý.
Vào chiều thứ Tư ngày 5/2 giờ Geneva, Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc sẽ có phiên Kiểm định Định kỳ Phổ quát – UPR – để nhìn lại tình hình nhân quyền Việt Nam kể từ lần kiểm điểm trước và cũng là lần đầu tiên vào năm 2009.
Trước phiên UPR, Việt Nam đã công bố báo cáo 20 trang về chuyện tình hình nhân quyền ở Việt Nam được cải thiện với số lượng cơ quan báo chí tăng so với hồi năm 2009, các quyền con người được đảm bảo về luật pháp và trong thực tiễn.Điểm đặc biệt của lần kiểm điểm này là Việt Nam vừa mới trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền hôm 1/1/2014.
Một trong những bằng chứng về chuyện người dân được tham gia đóng góp ý kiến đối với mọi vấn đề hệ trọng của đất nước là chuyện có tới 26 triệu lượt đóng góp ý kiến cho quá trình sửa đổi Hiến Pháp.
Việt Nam nói họ luôn coi trọng quyền con người của người dân nhưng luôn bị những người “có dụng ý xấu” tuyên truyền không đúng về Việt Nam.
Hội thảo vận động
Một ngày trước phiên UPR của Việt Nam, một số tổ chức, như PEN International, UN Watch và Đảng chính trị Việt Tân, mà Việt Nam liệt vào dạng “có dụng ý xấu” sẽ mở hội thảo “Trách nhiệm của Việt Nam trong vai trò thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc”.
Hội thảo này nói về trách nhiệm của chiếc thẻ thành viên Hội đồng Nhân quyền và làm sao để nhân quyền được tôn trọng ở Việt Nam.
Một trong những diễn giả của hội thảo ngày 4/2, Tiến sỹ Phạm Chí Dũng, đã bị cấm xuất cảnh sau khi có yêu cầu của Công an thành phố Hồ Chí Minh.
Nguồn tin từ ban tổ chức sự kiện nói Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã làm việc “rất chặt chẽ” với ông Dũng và can thiệp để ông được xuất cảnh nhưng bất thành.
Cũng nguồn tin này nói người duy nhất từ Việt Nam xuất cảnh trót lọt hôm 2/2 và sẽ tới Geneva chiều 3/2 là luật sư Hà Huy Sơn từ Hà Nội.
Ngoài ông Hà Huy Sơn, nhà báo Trần Quang Thành, người từng làm báo trong nước và hiện là nhà báo tự do sống tại Slovakia, cũng sẽ có mặt bên cạnh các đại diện của Việt Tân và Ủy ban Vận động Nhân quyền cho Việt Nam từ Hoa Kỳ.
Các diễn giả quốc tế dự kiến có giám đốc của PEN International Writers in Prison Committee, trưởng vùng châu Á của Reporters Without Borders, Giám đốc Chương trình Việt Nam của Trung tâm Nhân quyền Na Uy, Tổng giám đốc Đài Á châu Tự do và một số người khác.
Trước sự kiện ngày 4/2, hôm 30/1 và cũng là ngày 30 Tết, đại diện của sáu tổ chức và nhóm xã hội dân sự không được thừa nhận ở Việt Nam cũng đã tổ chức Ngày Việt Nam ở Geneva và mời đại diện của các nước tới để báo cáo về tình hình nhân quyền Việt Nam.
Trong đó có tổ chức thiện nguyện VOICE trụ sở chính ở Philippines, Phật giáo Hòa hảo Truyền thống, nhóm Dân làm báo, Mạng lưới Bloggers Việt Nam, Con đường Việt Nam và No-U Việt Nam.
Anh Bùi Tuấn Lâm, đại diện cho No-U Việt Nam từ thành phố Hồ Chí Minh, nói các nhóm đã trình bày về “những vi phạm về nhân quyền” của chính quyền Hà Nội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét