Gia đình nạn nhân Ngô Thanh Kiều nói có nhiều uẩn khúc chưa được phiên sơ thẩm làm rõ
Vợ nạn nhân trong vụ công an đánh chết người tại trụ sở công an Tuy Hòa chiều hôm thứ Năm 10/4 đã nộp đơn kháng cáo lên tòa án cấp tỉnh.
Ông Ngô Thanh Kiều bị công an tới nhà bắt đi vào ban đêm hôm 13/5/2012 vì nghi là có liên quan tới một vụ trộm cắp.
Trách nhiệm bồi thườngChỉ trong vòng chưa tới 24 giờ ở đồn công an, ông đã bị nhiều người, mà theo phiên xử sơ thẩm xác định là gồm năm sỹ quan công an, đánh đập dẫn tới tử vong.
Trong đơn kháng cáo, bà Trần Thị Tâm kháng cáo toàn bộ nội dung bản án sơ thẩm theo đó ra mức án cho các bị cáo nặng nhất là năm năm tù giam, và ít nhất là một năm tù treo với tội danh phạm tội dùng nhục hình.
Đơn gồm cả phần kháng cáo về trách nhiệm dân sự, mà theo án sơ thẩm là các bị cáo phải bồi thường thiệt hại còn công an Tuy Hòa chịu trách nhiệm cấp dưỡng nuôi hai con của người thiệt mạng.
Gia đình nạn nhân nói việc ông Kiều chết là một trường hợp oan sai trong hoạt động điều tra, do đó nhà nước phải là đối tượng chịu trách nhiệm bồi thường, thay vì là cá nhân các bị cáo.
'Chưa đúng người, đúng tội'
"Chúng tôi muốn luật pháp xử nghiêm minh vụ án này để sau này công an không còn đánh đập người dân, không còn ai phải chết oan nữa."
Bà Ngô Thị Tuyết, chị gái nạn nhân Ngô Thanh Kiều
Đơn kháng cáo cho rằng vụ xử sơ thẩm đã chưa làm rõ vai trò của từng bị cáo đối với các vết thương tích ở vùng bụng, vùng ngực của ông Kiều.
Đơn cũng yêu cầu phải khởi tố ông Lê Đức Hoàn, Phó công an Thành phố Tuy Hòa, với ba tội danh bắt người trái pháp luật, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, và tội dùng nhục hình.
Ông Hoàn là người ra lệnh bắt, trực tiếp phân công người lấy lời khai từ ông Kiều và 'thấy các bị cáo đánh chồng tôi nhưng không ngăn cản', đơn của bà Tâm viết, "như vậy ông Lê Đức Hoàn cũng là đồng phạm về tội 'Dùng nhục hình'."
Tại phiên sơ thẩm, tòa cũng xác định ông Hoàn có các hành vi phạm tội phù hợp với hai tội danh mà đại diện bên bị hại nêu ra.
Tuy nhiên, tòa cho rằng các hành vi đó "chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự" và cũng bởi "Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Tuy Hòa không đề nghị xử lý", cho nên tòa không xem xét.
Bản án sơ thẩm không đề cập tới tội 'dùng nhục hình' mà gia đình nạn nhân cáo buộc ông Hoàn.
Chị gái nạn nhân là bà Ngô Thị Tuyết cho biết gia đình các bị cáo đã mang tiền đến xin khắc phục hậu quả thêm và xin thân nhân ông Kiều viết giấy bãi nại, nhưng gia đình bà không đồng ý.
"Chúng tôi muốn luật pháp xử nghiêm minh vụ án này để sau này công an không còn đánh đập người dân, không còn ai phải chết oan nữa," bà Tuyết được báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh dẫn lời.
Bị cáo cũng kêu oan
Bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành bị án cao nhất trong số năm bị cáo
Các bị cáo tại thời điểm xảy ra vụ đánh chết người có cấp bậc thấp nhất là Nguyễn Thân Thảo Thành, thiếu úy, cao nhất là hai thiếu tá, bị cáo Nguyễn Minh Quyền và bị cáo Nguyễn Tấn Quang. Hai người còn lại gồm thượng úy Phạm Ngọc Mẫn và trung úy Đỗ Như Huy.
Nguyễn Thân Thảo Thành là người bị mức án cao nhất, năm năm tù, do bị xác định là đã dùng dùi cui đánh vào đầu nạn nhân gây chấn thương sọ não, nguyên nhân chính dẫn đến tử vong.
Bị cáo Thành cũng là người duy nhất bị tạm giam, trong lúc những bị cáo còn lại được cho tại ngoại hầu tra.
Trong phiên xử kéo dài bảy ngày, bị cáo Thành luôn phủ nhận cáo buộc trên với lý do mình không có nhiệm vụ xét hỏi nạn nhân, cũng không biết người đó là ai, phạm tội gì, cho nên "sao biết mà đánh người này được".
Tại phiên tòa sơ thẩm, ông Lê Đức Hoàn, người được xác định là đã trực tiếp chỉ đạo, phân công người tiến hành điều tra ông Kiều, đã không có mặt. Do đó, lời khai trên của bị cáo Thành đã không thể được đối chất, làm rõ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét