Pages

Thứ Tư, 28 tháng 5, 2014

Ân xá Quốc tế tố cáo Chủ tịch Trung Quốc "thích đàn áp hơn cải cách"

Tổng thư ký Amnesty International Salil Shetty tặng bức ảnh "Tank Man"
 cho ông Lee Cheuk-yan, chủ tịch Liên minh ủng hộ phong trào
dân chủ tại Hồng Kông - REUTERS /Bobby Yip
Trọng Thành
Trước dịp kỷ niệm 25 năm biến cố quân đội Trung Quốc thảm sát phong trào sinh viên đòi dân chủ tại quảng trường Thiên An Môn, liên lục xảy ra các vụ bắt bớ những người hoạt động nhân quyền. Hôm nay, 28/05/2014, Tổ chức bảo vệ nhân quyền Amnesty International lên tiếng tố cáo Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình « thích đàn áp hơn cải cách ».

Trả lời phỏng vấn AFP, Tổng thư ký Amnesty International (Ân xá Quốc tế) Salil Shetty nhận định : « Khi Chủ tịch Tập Cận Bình mới lên nắm quyền, người ta hứa hẹn với chúng tôi sẽ có một sự cởi mở lớn (…) và chúng tôi cho rằng thời điểm tưởng niệm 25 năm biến cố Thiên An Môn sẽ là một dịp để cụ thể hóa lời hứa này ». Tuy nhiên, thực tế các vụ bắt bớ dồn dập trong thời gian vừa qua cho thấy « bất hạnh thay… đàn áp đã được ưa thích hơn là cải cách ».
Lên nắm quyền kể từ tháng 3/2013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp tục chủ trương cấm hoàn toàn việc nhắc đến biến cố 03 và 04/06/1989, giống như đường lối của lãnh đạo tiền nhiệm.
Luật sư người Quảng Đông Đường Kinh Lăng (Tang Jingling), nổi tiếng về các hoạt động bảo vệ nhân quyền, là người bị bắt mới đây nhất. Trong vòng một tháng, khoảng 20 giảng viên đại học, luật gia và các nhà tranh đấu khác đã bị bắt giam với các tội danh hình sự, theo tổ chức Human Rights ở Trung Quốc, có cơ sở tại Hoa Kỳ. Trong số các nhà ly khai, nạn nhân của làn sóng đàn áp mới, có luật sư Phố Chí Cường (Pu Zhiqiang) và bốn nhà đối lập khác, bị bắt vì tham dự một cuộc hội thảo tư nhân về chủ đề biến cố Thiên An Môn 1989.
Lãnh đạo tổ chức Amnesty International, hiện đang có mặt ở Hồng Kông để tham dự các cuộc tưởng niệm Thiên An Môn, nhận định với việc không cho người dân được nhớ hay biết đến Thiên An Môn, chính quyền Trung Quốc muốn khẳng định đâu là « những điều cấm kỵ không thể vượt qua » và « biết rằng không bị trừng phạt, nên chính quyền không bỏ lỡ cơ hội để duy trì tình trạng này ».

Không có nhận xét nào: