"...Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh được mời đến nói chuyện về các vấn đề kinh tế ở Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cuối năm 2013, nhiều người đã hỏi bộ trưởng, thế nào là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ông đã trả lời: “Chúng ta cứ nghiên cứu mô hình đó, mà mãi có tìm ra đâu. Làm gì có cái thứ đó mà đi tìm"..."
Đọc bài viết “Cải cách thể chế từ câu hỏi chưa có lời giải” của tác giả Tư Giang đăng trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online ngày 3/5/2014, nhân hôm nay là ngày sinh của Karl Marx (5/5/1818, vừa tròn 196 năm), tôi muốn trò chuyện dông dài về đề tài lý thú này.
Bài viết ấy có đoạn nhắc chuyện Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh được mời đến nói chuyện về các vấn đề kinh tế ở Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cuối năm 2013, nhiều người đã hỏi bộ trưởng, thế nào là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ông đã trả lời: “Chúng ta cứ nghiên cứu mô hình đó, mà mãi có tìm ra đâu. Làm gì có cái thứ đó mà đi tìm.”
Tôi đánh giá cao câu trả lời thật lòng đó của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh và xin chia sẻ vài nhận định của tôi về chủ nghĩa Marx thông qua nghiên cứu cá nhân, bắt đầu từ gần 30 năm trước. Năm 15 tuổi tôi bị cuốn hút bởi Marx từ những mẩu chuyện về cuộc đời ông, đặc biệt là mối tình tuyệt đẹp với nàng Jenny von Westphalen và tình bạn cao cả với Friedrich Engels. Tuy nhiên, hai năm sau đó tôi mới bắt đầu nghiên cứu Marx một cách nghiêm túc vì đó là phần bắt buộc trong chương trình học tại trường luật ở Việt Nam thời ấy.
Tuy thoạt đầu Marx tập trung nghiên cứu triết học, nhưng tư tưởng triết học của Marx không được thế giới phương Tây đánh giá cao, không phải vì họ hiềm khích hay bài bác thể chế chính trị theo chủ nghĩa cộng sản về sau, mà bởi vì cách ông biến đổi học thuyết của Georg Wilhelm Friedrich Hegel (triết gia Đức, 1770-1831) không được xem là sự sáng tạo đáng kể về phương diện lập thuyết.
Marx đồng ý cách hiểu của Hegel về sự phát triển của lịch sử nhân loại là đúng, nhưng trong khi Hegel nhìn thế giới như “tinh thần” đang tự vận động theo một tiến trình biện chứng, thì Marx cho rằng “vật chất” mới đóng vai trò chính yếu trong sự vận động này. Một cách nôm na, Hegel trình bày học thuyết biện chứng của mình bằng những khái niệm liên quan đến tinh thần, thì Marx tìm cách viết lại như vậy theo các khái niệm liên quan đến vật chất. Lý do là vì Marx chịu ảnh hưởng lớn từ quan niệm duy vật chất của một triết gia Đức khác là Ludwig Andreas Feuerbach (1804-1872).
Dựa trên học thuyết biện chứng của Hegel được biến đổi, Marx khẳng định lịch sử và xã hội phát triển theo những quy luật của xung đột
Marx khẳng định rằng cách duy nhất để giải quyết các khuyết tật của chủ nghĩa tư bản là giai cấp vô sản, những người mà theo Marx là lực lượng chính tạo ra của cải vật chất trong xã hội và là những người bị giai cấp tư sản bóc lột, đứng lên cầm quyền thay cho giới tư bản để thiết lập một xã hội tự do, không phân biệt giai cấp.
Cần lưu ý, trong các công trình về kinh tế-chính trị của mình, Marx chưa bao giờ đề xuất lý thuyết về chủ nghĩa xã hội, mà thay vào đó ông chỉ phác thảo một viễn cảnh về nó mà thôi. Vì vậy, những người chỉ trích Marx ở các nước cộng sản “đã sụp đổ” và “sắp sụp đổ” đã nhầm khi đồng hóa chủ nghĩa Marx với một mô hình chủ nghĩa xã hội gắn liền hệ thống kinh tế kế hoạch hóa.
Vladimir Ilyich Lenin mới là người nói nhiều về chủ nghĩa xã hội, nhưng ông cũng giới hạn trong vấn đề quá độ từ chủ nghĩa tư bản sang chủ nghĩa xã hội. Các tài liệu mà Lenin viết không thể gọi là lý thuyết về nền kinh tế xã hội chủ nghĩa như chúng ta hiểu ngày nay. Như tôi đã nói, Lenin chú trọng vào chủ trương và phương pháp tổ chức lực lượng đấu tranh giành và giữ chính quyền bằng bạo lực nhân danh “cách mạng”. Cái đã hiện hữu như một mô hình “kinh tế xã hội chủ nghĩa” trên thế giới và đã sụp đổ ở Liên Sô và Đông Âu lại là sản phẩm của Joseph Stalin.
“Chủ nghĩa Marx-Lenin” thật ra là cụm từ do Stalin đặt ra để lồng ghép quan điểm của cá nhân ông trên cơ sở kết hợp có chọn lọc một phần lý thuyết của Marx và phần lớn luận điểm của Lenin, chứ không phải là sự tổng hợp tương thích tư tưởng của hai ông. Trước và sau khi Lenin qua đời vào năm 1924, nội bộ Đảng Cộng Sản Liên Sô xảy ra một sự phân hóa tư tưởng trầm trọng dẫn đến cuộc thanh trừng tàn khốc của Stalin. Đến năm 1930, khi các đối thủ chính trị trong đảng hầu hết bị triệt hạ, cũng là lúc Stalin chính thức áp đặt bằng khủng bố các chính sách ưu tiên phát triển công nghiệp nặng, tập thể hoá nông thôn và kế hoạch hoá toàn bộ hoạt động sản xuất và phân phối trong nền kinh tế.
Từ đó cho đến nay, tinh thần và phương pháp của chủ nghĩa Stalin vẫn làm nền tảng cho mọi sách giáo khoa về “chủ nghĩa Marx-Lenin” sử dụng ở Liên Sô và Đông Âu trước đây và ở Trung Quốc và Việt Nam cho đến nay. Một điểm cần lưu ý, tuy Marx vạch ra quy luật vận hành của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa là “bóc lột giá trị thặng dư”, nhưng ông chưa bao giờ đề cập đến quy luật phát triển của phương thức sản xuất xã hội chủ nghĩa.
Hồi học môn kinh tế-chính trị học ở trường luật, tôi cứ ngạc nhiên và buồn cười hoài về cái gọi là quy luật phát triển của phương thức sản xuất xã hội chủ nghĩa, như sau: “Thỏa mãn ngày càng nhiều nhu cầu vật chất ngày càng tăng của toàn xã hội.” Thú thật, nghe rất gượng ép, bởi nền kinh tế nào chẳng muốn đáp ứng nhiều hơn nhu cầu luôn gia tăng của con người trong đời sống riêng và xã hội, không cứ phải là nền kinh tế xã hội chủ nghĩa.
Sở dĩ Marx chưa bao giờ muốn xây dựng lý thuyết về chủ nghĩa xã hội vì một lẽ đơn giản là ông không thể lý thuyết hoá một cái gì chưa tồn tại. Với phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa thì khác, lúc ông bắt đầu những phân tích của mình, nó đã hiện hữu. Tôi kính trọng Marx ở thái độ này vì dẫu sao ông vẫn là nhà khoa học nghiêm túc. Đó cũng là lý do vì sao giới học thuật phương Tây chỉ nhắc đến Marx như nhà tư tưởng, mà không bao giờ dành sự tôn trọng tối thiểu cho Lenin và Stalin với tư cách nhà khoa học, chứ chưa nói đến nhà tư tưởng.
Sau khi các thể chế cộng sản ở Liên Sô và Đông Âu sụp đổ, giáo trình kinh tế-chính trị học ở Việt Nam cũng được cải biên để du nhập thêm các khái niệm mới của môn kinh tế vĩ mô và vi mô trong kinh tế học hiện đại để từ bỏ dần các giáo điều ấu trĩ của chủ nghĩa Marx-Lenin. Tuy nhiên, chính sự cải biên càng chứng minh rằng kinh tế-chính trị học Marx-Lenin, chứ không phải học thuyết của Marx, hầu như thiếu vắng cơ sở khoa học, do nó được tạo dựng để thiết định một mô hình tương lai và cưỡng bức thực tế hiện tại tuân theo mô hình đó bằng sự áp đặt chính trị cực đoan. Vì chưa bao giờ có nguyên gốc, nên khi thời cuộc thay đổi, nó cũng đổi thay theo thời thế để tiếp tục rao giảng về cơ sở “khoa học” cho những đảng cộng sản chưa từ bỏ quyền lực.
Ở đây cần nói rõ, dựa vào chính tư tưởng của Marx hay luận điểm của Lenin để phơi bày sự viển vông và phi lý của chủ nghĩa Marx-Lenin nói chung và môn kinh tế-chính trị học Marx-Lenin nói riêng, không có nghĩa là chủ nghĩa Marx hay chủ nghĩa Lenin là chính xác và khoa học, đến nỗi không thể bị chỉ trích, thậm chí bác bỏ. Thực tiễn lịch sử trên toàn thế giới hơn một thế kỷ qua đã chứng minh rằng học thuyết của Marx cũng đầy khuyết tật hơn cả chủ nghĩa tư bản mà ông phân tích, nhưng trong khi chủ nghĩa tư bản luôn tự thay đổi để thổi sinh khí mới vào cơ thể mình, thì những hậu nhân của Marx như Lenin, Stalin và Mao Trạch Đông lại sửa đổi học thuyết của ông theo hướng đóng thêm đinh vào chiếc quan tài đưa tất cả họ vào thế giới của sự hận thù và quên lãng.
Nếu từ lúc khởi đầu học thuyết của Marx lẫn lúc sản sinh ra cái quái thai chủ nghĩa Marx-Lenin, mô hình chủ nghĩa xã hội và phương thức sản xuất của nó đã mang màu sắc ảo tưởng, phi hiện thực, thì liệu cái gọi là “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” có thể tìm kiếm trên thực tế được hay không? Tôi nghĩ, không riêng Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, mà tất cả ai lành mạnh về đầu óc cũng không muốn hoài công tìm và xây dựng nó. Cho nên mới có sự thừa nhận vô tình rằng cả trăm năm nữa chưa chắc đã có chủ nghĩa xã hội!
Một vấn đề quan trọng khác, trong các trước tác của mình, Marx đã kêu gọi những người vô sản, với tư cách là một giai cấp xã hội, cần phải tập họp trong một chính đảng theo tư tưởng cộng sản, đóng vai trò là “đội quân tiên phong của giai cấp công nhân”. Điều này có nghĩa rằng đó chỉ là một trong những chính đảng của giai cấp công nhân, chứ không phải chính đảng duy nhất, chưa kể việc các giai cấp xã hội khác cũng có chính đảng riêng của mình.
Marx không sử dụng khái niệm “chuyên chính vô sản” để bao hàm ý nghĩa về một chính thể độc đảng và toàn trị. Việc thủ tiêu dân chủ trong đời sống chính trị bắt đầu từ việc cấm các đảng và báo chí đối lập chỉ bắt đầu từ thời Lenin và nghiêm trọng hơn từ thời Stalin. Tại Âu châu do sự biến thái của chủ nghĩa Lenin và chủ nghĩa Stalin theo hướng độc đoán như vậy, nên đã xuất hiện chủ nghĩa cộng sản theo mô hình Âu châu (Eurocommunism).
Chủ nghĩa cộng sản Âu châu kêu gọi từ bỏ biện pháp đấu tranh bạo lực và không giải quyết bằng bạo lực các mâu thuẫn chính trị-xã hội, nói cách khác phủ nhận sự biến đổi xã hội bằng “đột biến” cách mạng (revolution), mà thay vào đó bằng “tiến hoá” (evolution). Các đảng cộng sản và xã hội chủ nghĩa ở Âu châu chú trọng đấu tranh chính trị bằng biện pháp hòa bình để đem lại công bằng xã hội và quyền tham chính của giai cấp công nhân, tức công nhận rằng xã hội cộng sản sẽ đạt đến bằng con đường hòa bình và tự do trong dân chủ và đa nguyên, theo lý tưởng cộng sản mà Marx đã miêu tả.
Luật sư Lê Công Định
Theo FB Lê Công Định
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét