Pages

Thứ Ba, 27 tháng 5, 2014

Thủ tướng: Phải làm Luật biểu tình

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Đảng và Chính phủ luôn
 trân trọng biểu dương, khen thưởng xứng đáng với tất
 cả hoạt động, việc làm của người dân vì mục tiêu yêu
 nước, bảo vệ chủ quyền quốc gia
Ảnh: Minh Thăng
 


Thủ tướng khẳng định trước QH: Làm Luật biểu tình là phù hợp Hiến pháp, phù hợp đặc điểm văn hóa, điều kiện cụ thể của VN cũng như thông lệ quốc tế và đảm bảo quyền tự do, dân chủ của người dân..

 10h sáng nay, sau phần trả lời của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đăng đàn trình bày báo cáo kinh tế - xã hội.

Thủ tướng cho hay, đến nay, có 77 đại biểu với 237 câu hỏi gửi tới các thành viên Chính phủ. Trong đó có 11 câu gửi Thủ tướng. Phần trả lời của 5 bộ trưởng hai ngày qua được đánh giá là trách nhiệm và cầu thị.
 Sau báo cáo dài 30 phút, Thủ tướng bắt đầu trả lời trực tiếp các câu hỏi chất vấn. 22 đại biểu lần lượt nêu câu hỏi:

Xin hỏi Thủ tướng việc dân biểu thị lòng yêu nước
 
ĐB Lê Bộ Lĩnh (An Giang)
Tôi xin một phút để hỏi Thủ tướng về một vấn đề chưa được đề cập đến trong Báo cáo của Thủ tướng Chính phủ, đó là liên quan đến vấn đề đối ngoại và đảm bảo chủ quyền, an ninh quốc gia. 
Trong thời gian vừa qua, cử tri và nhân dân cả nước đặc biệt quan tâm theo dõi những hoạt động đối ngoại sôi động của Đảng, Nhà nước và các kết quả quan trọng của chúng ta đã đạt được cả trên diễn đàn quốc tế, khu vực và quan hệ song phương, đã tạo điều kiện quốc tế hết sức thuận lợi cho công cuộc bảo vệ và phát triển đất nước. Xin Thủ tướng cho biết thêm hai vấn đề trong bối cảnh khu vực Biển Đông hiện nay đang diễn biến phức tạp và chắc là kéo dài. 
Một, những giải pháp cụ thể mà Chính phủ sẽ thực hiện trong thời gian tới để bảo vệ chủ quyền biển đảo của chúng ta. 
Hai, quan điểm và chủ trương của Chính phủ đối với việc người dân biểu thị lòng yêu nước của mình trước những hành động của các thế lực bên ngoài vi phạm chủ quyền biển đảo của chúng ta. Xin cảm ơn Thủ tướng.
ĐB Lê Bộ Lĩnh: Quan điểm, chủ trương của Chính phủ với việc dân biểu thị lòng yêu nước trước việc xâm phạm chủ quyền biển đảo? Ảnh: Ngọc Thắng
ĐB Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình):
Trước hết tôi xin được kính chúc sức khỏe Thủ tướng Chính phủ. Sau đây tôi xin được đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ một số nội dung sau đây. 
Xin đồng chí Thủ tướng Chính phủ cho cử tri biết chủ trương chính thức của Chính phủ về quản lý kinh doanh vàng và quyền sở hữu của người dân. 
Thứ hai, xin đồng chí Thủ tướng Chính phủ cho cử tri biết rõ thêm về những căn cứ mà Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét đưa vào chương trình xây dựng pháp luật có Luật biểu tình.
Thứ ba, tình hình lạm phát đã giảm, đây là tín hiệu vui, xin Thủ tướng cho cử tri biết thêm về chủ trương của Chính phủ có sớm nới lỏng tín dụng, hạ lãi suất ngân hàng, miễn giảm thuế cho nông dân làm ra nông sản, thực phẩm và các doanh nghiệp. Xin cảm ơn Thủ tướng.
 
ĐB Đỗ Văn Vẻ: Xin Thủ tướng cho biết những căn cứ mà Chính phủ xác định khi xây dựng Luật Biểu tình? Ảnh: Minh Thăng
 
ĐB Lê Hồng Tịnh (Hậu Giang): Xin Thủ tướng cho biết chủ trương và giải pháp ngăn chặn tình trạng khai thác quặng trái phép, gây ô nhiễm môi trường, để không xuất khẩu thô, tiết kiệm tài nguyên bằng cách nào? 
ĐB Trần Văn Minh (Quảng Ninh): Cử tri cả nước quan tâm đến Vinashin. Chính phủ quan tâm, có nhiều biện pháp giải quyết vấn đề. Xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan. Việc tái cơ cấu tập đoàn này như thế nào?
ĐB Trần Văn Minh: Cử tri cả nước quan tâm đến Vinashin... Ảnh: Minh Thăng

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng: Chính phủ đã có báo cáo trực tiếp gửi đến ĐBQH, nếu Thủ tướng thấy có vấn đề gì cần nói thêm thì nói thêm.
ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị): Báo cáo về xây dựng nhà Quốc hội, kịp phục vụ 1000 năm Thăng Long. Qua lễ kỷ niệm hơn 1 năm mà ngôi nhà này mới đang nhô lên khỏi mặt đất. Chính phủ là chủ đầu tư, chịu trách nhiệm trước QH, nguyên nhân và giải pháp để khắc phục chậm tiến độ công trình này? Bao giờ thì hết cảnh lạ đời, Quốc hội họp nhờ một bộ và đại biểu Quốc hội làm việc nhờ ở nhà khách Chính phủ?
ĐB Cù Thị Hậu: Vừa qua, Chính phủ đã gửi báo cáo về Vinashin. Qua báo cáo tôi thấy những sai phạm của tập thể và cá nhân ở tập đoàn lớn, ảnh hưởng đến hướng phát triển của ngành đóng tàu VN. Xin Thủ tướng cho hỏi về giải pháp lộ trình tái cơ cấu tập đoàn này?
ĐB Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận): Để điều hành năm 2012 và tiếp theo, Chính phủ đã dành một ngày để bàn đó là tình hình đạo đức xuống cấp, cán bộ công chức thì giảm ý thức trách nhiệm với dân với nước. Không để tình hình thêm trầm trọng hơn, với Chính phủ, trong chỉ đạo có xác định đây là quyết tâm chính trị không?
ĐB Đặng Thị Hoàng Yến (Long An): Gần đây lũ lụt sóng thần xảy ra thường xuyên. Lũ vừa qua ở ĐBSCL nhưng nhờ sự quan tâm của Thủ tướng khi lũ lụt xảy ra cao trào, nhờ vậy mà thiệt hại được hạn chế thấp. Tại sao trước tình hình biến đổi khí  hậu mà Chính phủ lại ngừng đầu tư cho lũ lụt?
ĐB Đặng Ngọc Quỳnh (Hưng Yên): Vừa qua có giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát có hiệu quả thiết thực. Chính phủ có chủ trương, giải pháp thế nào để điều hành khai khoáng, xuất nhập khẩu khoáng sản có hiệu quả
.
ĐB Đặng Thành Tâm (TP.HCM): Chính phủ năm 2011 đã thực hiện kiềm chế lạm phát tốt, cuối năm thì lạm phát giảm. Xin lắng nghe, Thủ tướng có thông điệp gì với cử tri cả nước, và có thông điệp lời khuyên gì cho DN chúng tôi. Chúng tôi nên đầu tư vào lĩnh vực gì?
ĐB Nguyễn Minh Kha (Cần Thơ): Nhiều năm qua, các công trình ngăn lũ của Chính phủ đã phát huy hiệu quả, giảm tổn thất người và của, nhất là đợt vừa qua. Xin Thủ tướng cho cử tri đồng bằng sông Cửu Long biết chủ trương của Chính phủ trong thời gian tới xây dựng công trình chống lũ giai đoạn hai thế nào?
ĐB Đặng Ngọc Tùng: Giải pháp gì để ngư dân yên tâm bám biển, đẩy mạnh đánh bắt cá ở Biển Đông, nhất ở 2 ngư trường truyền thống Trường Sa, Hoàng Sa, đẩy lùi nước dùng sức mạnh giữ lưới, thuyền, đẩy lùi ngư dân của VN?

ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai:) Tôi xin nêu hai câu chuyện nhỏ, để đặt câu hỏi cho một vấn đề nhỏ.

Đọc báo cáo về tình hình các khu công nghiệp trong quy hoạch do Thủ tướng kí thành lập năm 2006, trong tình hình đất đai, hầu hết có dòng không có báo cáo từ địa phương.

Mới đây, liên quan đến khu đô thị Nam An Khánh, bỏ qua mâu thuẫn nội bộ của cơ quan liên quan, rõ ràng có 2 luồng quan điểm khác nhau về hướng xử lí dự án này.

Thủ tướng muốn điều hành, cần có đồng bộ từ trung ương đến tỉnh, cơ quan tham mưu thống nhất. Thực tế hai câu chuyện trên cho thấy địa phương không báo cáo Chính phủ, cơ quan tham mưu mâu thuẫn quan điểm trong cùng một vấn đề, Thủ tướng điều hành thế nào?

ĐB Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh): Đề nghị cho biết ý kiến của Thủ tướng trước đề xuất để hạn chế nhóm lợi ích, lợi ích ngành: UB Tái cơ cấu nền kinh tế do Thủ tướng hoặc Phó Thủ tướng chịu trách nhiệm, có sự tham gia của chuyên gia kinh tế độc lập.

ĐB Châu Thị Thu Nga (Hà Nội): Loại hình chuyển đổi đầu tư BOT, BT. Thủ tướng cho biết rõ thêm? Biện pháp để giúp đỡ DN tránh cảnh phá sản?

ĐB Lê Nam (Thanh Hóa): Cơ sở hạ tầng là quan trọng. Vốn hạn chế. Đề xuất của Bộ trưởng Thăng. Vừa thực hiện nghị quyết 11, vừa đầu tư cho cơ sở hạ tầng.


ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh): Xin hỏi về vấn đề đồng bằng sông Cửu Long đang bị bồi lắng. Xin hỏi có giải pháp gì không?
ĐB Võ Thị Dung (TP.HCM): Cử tri băn khoăn thiếu trường học bệnh viện, thừa sân golf và khu công nghiệp. Xin hỏi có giải pháp gì?
ĐB Bùi Trí Dũng (An Giang): Ở đồng bằng sông Cửu Long, úng ngập và thiệt hại nhiều. Vậy có nên mở rộng diện tích hay giữ nguyên diện tích hiện có, mong Thủ tướng cho ý kiến
ĐB Nguyễn Thị Hải (Nghệ An): Nhân lực thừa thầy thiếu thợ và mất cân đối, không xin được việc nên gây bức xúc. Vậy trách nhiệm và chính sách của Chính phủ trong hiện tại và tương lai.
ĐB Ngô Thị Minh (Quảng Ninh): Sắp tới, chỉ đạo của Thủ tướng về quy hoạch thế nào và có thấy bất cập trong quy hoạch ở nước ta. Quy trình quy hoạch chúng tôi đặt ra nhiều lần là bất cập, Thủ tướng có thấy?
ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận):  Kính thưa Thủ tướng, ta nhắc nhiều đến tái cơ cấu, thì phải có nhân lực và con người. Xin hỏi Thủ tướng chỉ đạo thế nào để có đủ nhân lực phục vụ cho việc tái cơ cấu?
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng: Như vậy chúng ta có 22 câu hỏi. Xin mời Thủ tướng trả lời và xin phép QH kéo dài thêm phiên chất vấn buổi sáng.
Thủ tướng trả lời:

Về chủ trương của Chính phủ bảo đảm chủ quyền ở Biển Đông, bảo đảm ngư dân đánh bắt cá:
Quán triệt đường lối đối ngoại hòa bình, hữu nghị, độc lập, tự chủ, chủ quyền quốc gia của Đảng và Nhà nước ta và trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật Biển 1982 LHQ, Tuyên bố ứng xử của các bên liên quan ở Biển Đông - DOC đã ký giữa ASEAN và Trung Quốc, căn cứ vào thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên mà ta và Trung Quốc ký mới đây trong chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Trung Quốc
Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam
Căn cứ chủ trương, đường lối nguyên tắc nêu trên, chúng ta phải giải quyết và khẳng định chủ quyền đối với 4 loại vấn đề trên Biển Đông như sau:
Thứ nhất, đàm phán với Trung Quốc để phân định ranh giới vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ. Trong Vịnh Bắc Bộ, sau nhiều năm đàm phán, ta và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận, phân định ranh giới năm 2000. Còn vùng biển ngoài cửa vịnh Bắc Bộ, nếu theo Công ước Luật biển 1982, thềm lục địa của chúng ta chồng lấn với  đảo Hải Nam của Trung Quốc. Từ năm 2006, hai bên đã tiến hành đàm phán. Mãi đến 2009, hai bên quyết định tạm dừng vì lập trường của hai bên rất khác xa nhau. Đến đầu 2010, hai bên thỏa thuận nên tiến hành đàm phán những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển. Sau nhiều vòng đàm phán, như tôi trình bày, nguyên tắc đó đã được hai bên ký kết trong dịp Tổng bí thư thămTrung Quốc.
Ảnh: Minh Thăng
Trên nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển này, thì vùng biển ngoài cửa vịnh Bắc Bộ là quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Vì vậy, hai nước cùng nhau đàm phán để phấn định ranh giới vùng biển này trên cơ sở Công ước Luật Biển, trên cơ sở DOC, trên cơ sở các nguyên tắc đã thỏa thuận để có một giải pháp hợp lý mà hai bên có thể chấp nhận được. Chúng ta đang thúc đẩy cùng Trung Quốc xúc tiến đàm phán giải quyết phân định này. Cũng xin nói thêm, trong khi chưa phân định, trên thực tế, với chừng mực khác nhau, hai bên cũng đã tự hình thành vùng quản lý của mình trên cơ sở đường trung tuyến. Cũng trên cơ sở này, chúng ta có đối thoại với Trung Quốc đảm bảo an ninh an toàn cho khai thác nghề cá của đồng bào chúng ta.
Thứ hai, chúng ta phải giải quyết khẳng định chủ quyền, đó là vấn đề quần đảo Hoàng Sa. Thưa các vị đại biểu, Việt Nam khẳng định có đủ căn cứ về pháp lý và lịch sử khẳng định rằng quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là thuộc chủ quyền của Việt Nam. Chúng ta đã làm chủ thực sự, ít nhất là từ thế kỷ 17, chúng ta làm chủ khi hai quần đảo này chưa có bất kỳ một quốc gia nào. Và chúng ta đã làm chủ trên thực tế và liên tục, hòa bình, nhưng đối với Hoàng Sa, năm 1956, Trung Quốc đã đưa quân chiếm đóng các đảo phía Đông của quần đảo. Năm 1974,Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa trong sự quản lý hiện tại của chính quyền Sài gòn, tức chính quyền VN cộng hòa, chính quyền đã lên án việc làm này và đề nghị LHQ can thiệp. Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam lúc đó cũng đã ra tuyên bố khẳng định hành vi chiếm đóng này. Lập trường nhất quán của chúng ta là quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Chúng ta có đủ căn cứ pháp lý và lịch sử để khẳng định điều này. Nhưng chúng ta chủ trương đàm phán, giải quyết, đòi hỏi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa bằng biện pháp hòa bình. Chủ trương này của chúng ta phù hợp Hiến chương LHQ, Công ước luật biển, Tuyên bố DOC.
Thứ ba, quần đảo Trường Sa, năm 1975, giải phóng, thống nhất tổ quốc, hải quân chúng ta đã tiếp quản 5 hòn đảo tại quần đảo Trường Sa đó là đảo Trường Sa, đảo Song Tử Tây, đảo Sinh Tồn, đảo Nam Yết, đảo Sơn Ca. 5 đảo này do quân đội của chính quyền Sài gòn, chính quyền miền Nam cộng hòa quản lý, chúng ta tiếp quản. Sau đó với chủ quyền của chúng ta, chúng ta tiếp tục mở rộng thêm lên 21 đảo....Ngoài ra chúng ta còn xây dựng thêm 15 nhà giàn ở khu vực bãi Tư Chính để khẳng định chủ quyền của VN ở vùng biển này, thuộc 200 hải lí vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của VN. Trong khi đó, ở quần đảo Trường Sa này, Trung Quốc đã chiếm 7 đảo đá ngầm, Đài Loan chiếm 1 đảo nổi, Philippines chiếm 5 đảo, Malaisia, Brunei đòi chủ quyền trên vùng biển nhưng không giữ đảo nào.

Như vậy, trên quần đảo Trường Sa, Việt Nam là quốc gia có số đảo đang đóng giữ nhiều nhất so với các quốc gia, các bên có đòi hỏi chủ quyền, cũng là quốc gia duy nhất có cư dân đang làm ăn sinh sống trên một số đảo mà ta đang nắm giữ với 21 hộ, 80 khẩu, với 6 khẩu sinh ra và lớn lên ở các đảo này.

Chủ trương của chúng ta đối với thực hiện chủ quyền ở quần đảo Trường Sa như thế nào? Tôi muốn nói rõ chủ trương nghiêm túc thực hiện Công ước Luật Biển, Tuyên bố DOC và các nguyên tắc thỏa thuận mới đây đã ký kết giữa VN và TQ.

Cụ thể, thứ nhất, trước hết ta yêu cầu các bên giữ nguyên trạng, không làm phức tạp thêm, ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định ở khu vực.
Nâng cấp hạ tầng biển đảo, hỗ trợ ngư dân
Thứ hai, chúng ta tiếp tục đầu tư nâng cấp hạ tầng kinh tế - xã hội - kĩ thuật, cơ sở vật chất ở các nơi ta đang nắm giữ: đường sá, điện nước, trạm xá, trường học, nước để cải thiện đời sống, tăng cường khả năng tự vệ của quân dân ở quần đảo này.

Thứ ba, chúng ta có cơ chế chính sách, hiện đã có, Chính phủ đang yêu cầu sơ kết, đánh giá lại cơ chế chính sách hỗ trợ đồng bào ta khai thác thủy hải sản, vận tải biển trong khu vực này, khuyến khích hỗ trợ bà con ta làm ăn sinh sống và thực hiện chủ quyền trên vùng biển Trường Sa này.

Thứ 4, liên quan cam kết quốc tế, chúng ta nghiêm túc thực hiện và yêu cầu các bên liên quan nghiêm túc thực hiện theo đúng Công ước Luật biển 1982 và Tuyên bố DOC, đảm bảo tự do, hàng hải ở Biển Đông, hòa bình và an ninh trật tự, tự do ở Biển Đông. Đây là mong muốn và lợi ích của các bên liên quan, không chỉ của Việt Nam. Biển Đông là tuyến đường vận tải hàng hóa từ Đông sang Tây, chiếm từ 50-60% tổng lượng hàng hóa  vận tải từ Đông sang Tây.

Lập trường của chúng ta, báo cáo các vị đại biểu, được ủng hộ của quốc tế, gần đây nhất tại Hội nghị cấp cap ở ASEAN và ASEAN với các đối tác.

4. Chúng ta phải giải quyết và khẳng định chủ quyền của chúng ta trong phạm vi 200 hải lý thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam theo Công ước Luật Biển 1982. Chúng ta đã và sẽ tiếp tục khẳng định chủ quyền, quản lý, thực hiện chủ quyền ngày càng đầy đủ và và hiệu quả hơn.
Phải làm Luật biểu tình

Ý kiến thứ ba về căn cứ đề nghị xây dựng Luật Biểu tình, thái độ, chủ trương của Chính phủ khi dân bày tỏ lòng yêu nước.

Căn cứ mà Chính phủ đề nghị QH đưa vào chương trình xây dựng Luật biểu tình, có mấy căn cứ Chính phủ thảo luận, đề nghị:

Thứ nhất, thực hiện Hiến pháp. Hiến pháp điều 69 quy định công dân được quyền biểu tình theo pháp luật. Nhưng chúng ta chưa có luật biểu tình. Như vậy chúng ta nên bắt tay nghiên cứu xây dựng luật biểu tình. Tôi muốn nói ngắn gọn là căn cứ thực hiện Hiến pháp.

Thứ hai, trên thực tế, các vị đại biểu Quốc hội ngồi đây đều chắc thấy rõ một thực tế trong cuộc sống của chúng ta đã có nhiều cuộc đồng bào ta tụ tập đông người, biểu tình, bày tỏ ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị với chính quyền. Có thực tế như thế. Nhưng chúng ta chưa có luật để quản lý, điều chỉnh vấn đề này. Do đó, cũng khó cho người dân khi thực hiện quyền mà được Hiến pháp quy định và cũng khó cho quản lý của chính quyền. Đã khó như vậy sẽ nảy sinh những lúng túng trong quản lý, từ đó xuất hiện những biểu hiện mất an ninh trật tự, đã xuất hiện những việc lợi dụng để kích động xuyên tạc gây phương hại xã hội.

Thứ ba, trước thực trạng như thế, Chính phủ đã có báo cáo kiến nghị với Quốc hội khóa trước, Quốc hội khóa trước đã ban hành nghị định để quản lý, điều chỉnh hiện tượng này. Chính phủ đã ban hành nghị định số 38 để quản lý, điều chỉnh hiện tượng này nhưng Nghị định của chính phủ hiệu lực thấp chưa đáp ứng yêu cầu, tầm vóc như hiến pháp quy định và cũng chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tế cuộc sống đang đặt ra.

Chính phủ mới thấy phải kiến nghị đưa vào chương trình xây dựng luật để chúng ta có bộ luật, một luật biểu tình. Luật đó phù hợp Hiến pháp, phù hợp đặc điểm lịch sử, văn hóa, điều kiện cụ thể của Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế và đảm bảo quyền tự do dân chủ của người dân theo đúng quy định của hiến pháp và pháp luật, đồng thời luật đó có yêu cầu ngăn chặn những việc làm, hành vi gây xâm hại an ninh trật tự, lợi ích của xã hội, nhân dân.

Với tinh thần đó, chúng tôi đề nghị Quốc hội xem xét ý kiến của Chính phủ.

Đại biểu muốn hỏi về thái độ và chủ trương của Chính phủ về việc người dân biểu thị lòng yêu nước, chủ quyền. Chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước và chính phủ là luôn trân trọng, biểu dương, khen thưởng xứng đáng đối với tất cả hoạt động, việc làm của mọi người dân thực sự vì mục tiêu yêu nước, thực sự vì mục tiêu bảo vệ chủ quyền quốc gia. Những hoạt động vì mục tiêu, mục đích đó đều được hoan nghênh và khen thưởng thích đáng. Nhưng đồng thời cũng không hoan nghênh và buộc phải xử nghiêm theo pháp luật với những hoạt động, hành vi với động cơ lợi dụng danh nghĩa lòng yêu nước, lợi dụng danh nghĩa bảo vệ chủ quyền để thực hiện mục tiêu, mục đích gây phương hại cho đất nước và xã hội. Tôi nghĩ với chủ trương nhất quán như vậy, đồng bào cử tri cả nước sẽ ủng hộ.
Kiểm soát xuất khẩu khoáng sản ngay từ dự án

Về quản lý khai thác khoáng sản trái phép, làm ô nhiễm môi trường, gây mất trật tự an toàn xã hội, xuất khẩu khoáng sản thô, tôi xin báo cáo mấy vấn đề sau đây:

Khoáng sản là tài nguyên quý hiếm, không tái tạo, phải có trách nhiệm giữ gìn, khai thác, sử dụng hiệu quả cao nhất. Vừa qua, ta điều tra, thăm dò khoáng sản của đất nước, xây dựng nhiều quy hoạch để khai thác, sử dụng khoáng sản cho phát triển kinh tế - xã hội. Việc khai thác khoáng sản cũng đạt nhiều kết quả. Chúng tôi nghiêm túc nhìn nhận, từ quy hoạch đến khai thác, chế biến khoáng sản có nhiều bất cập, hạn chế yếu kém như đại biểu quốc hội, dư luận, đồng bào đã nêu. Chính phủ vừa qua có thảo luận riêng về vấn đề này, từ đó chỉ đạo mấy giải pháp lớn:

1.   Yêu cầu chính quyền các địa phương, cơ quan chức năng tập trung chỉ đạo, ngăn chặn bằng được việc khai thác khoáng sản tự do, không phép, trái phép làm ô nhiễm môi trường, mất an ninh trật tự, gây bức xúc hiện nay. Không thể nói việc khai thác khoáng sản đó trên địa bàn đó mà chính quyền không biết.

2.   Chủ trương tạm dừng cấp phép khai thác khoáng sản mới. Rà soát ngay các dự án đang khai thác, dự án đang khai thác nào gây ô nhiễm môi trường, dự án nào đang khai thác gây hư hỏng đường sá, mất an ninh trật tự, phải dừng ngay. Rà soát đi liền với rà soát, bổ sung quy hoạch, để quy hoạch theo hướng khai thác sâu, chế biến sâu, có hiệu quả cao nhất.

3.   Kiểm soát việc xuất khẩu khoáng sản, quặng ngay từ các dự án, chứ không phải kiểm soát ở cửa khẩu mới chặn. Trái phép phải đình hoãn, làm đúng giấy phép nhưng thấy xuất khẩu không có lợi, để dành cho chế biến sâu hơn thì cũng có giải pháp thích hợp để dừng lại. Hoan nghênh Bộ Công thương đã có quyết định dừng xuất khẩu ở mỏ Quý Sa, Lào Cai.

4.   Việc cấp phép mới phải đi kèm dự án khả thi đã được cấp có thẩm quyền thẩm định: về hiệu quả kinh tế theo hướng chế biến sâu, thẩm định về môi trường, công nghệ, thực sự đảm bảo hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường, an ninh trật tự.

Ngoài ra Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính tăng ngân sách để khảo sát, điều tra, nghiên cứu về khoáng sản của nước ta. Theo đồng chí Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải báo cáo ta mới thăm dò 50% đất liền của ta về khoáng sản. Phải thêm kinh phí thăm dò để biết ta có gì, bao nhiêu, chất lượng, trữ lượng để có chiến lược phù hợp.

Ngoài ra chúng tôi yêu cầu và tập trung xây dựng chiến lược khoáng sản theo kết luận của Bộ Chính trị, ban hành sớm nghị định để thực hiện Luật Khoáng sản mà Quốc hội vừa thông qua.
 Nhóm phóng viên thời sự VietNamNet

Không có nhận xét nào: