Pages

Thứ Hai, 23 tháng 6, 2014

Vì sao Nga không hỗ trợ Trung Quốc trong các vụ tranh chấp ở Biển Đông?

Các yếu tố chiến lược và chính trị đã buộc Moscow từ chối ủng hộ Bắc Kinh trong các vụ tranh chấp Biển Đông.
china_russia

Gần đây, căng thẳng liên quan đến tranh chấp hàng hải trong vùng Biển Đông dường như đã vượt qua cả những căng thẳng ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Trung Quốc và Việt Nam hiện đang bị lôi kéo vào cuộc xung đột chính trị tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua sua khi Bắc Kinh hạ đặt một giàn khoan dầu gần quần đảo Hoàng Sa nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Các cuộc biểu tình chống Trung Quốc tại Việt Nam đã tạm thời làm trì trệ mối quan hệ Việt–Trung. Ngoài ra, việc Philippines giam giữ ngư dân Trung Quốc đã gia tăng thêm sự bất hòa giữa Trung Quốc và Philippines. Với tất cả những xích mích xảy ra cùng một lúc, tình hình ở Biển Đông đã bất ngờ trở nên rất nghiêm trọng so với thời gian trước đây.

Trong bối cảnh này, chúng ta đã thấy Hoa Kỳ lên tiếng chỉ trích Trung Quốc, thể hiện sự ủng hộ đối với Việt Nam cũng như lên tiếng bảo vệ quân đội Philippines. Nhưng cho đến nay thì Nga, nước vốn có quan hệ “đối tác chiến lược” với Trung Quốc, vẫn chưa lên tiếng cũng như chưa đưa ra lập trường rõ ràng về tranh chấp ở Biển Đông, và cũng ít công khai ủng hộ lập trường của Trung Quốc. Điều này đã làm một số người ở Trung Quốc tức giận và nghĩ rằng mối quan hệ Nga – Trung không tốt như họ từng tưởng tượng. Thậm chí về vụ tranh chấp ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư giữa Trung Quốc và Nhật Bản, Nga cũng đã giữ im lặng và quan điểm của Kremlin cũng rất mơ hồ. Tuy nhiên, dưới mắt tôi thì điều này không có nghĩa là Nga có hai quan điểm khác nhau trong mối quan hệ với Trung Quốc. Thay vào đó, có những yếu tố chính trị và chiến lược phức tạp trong đó có bốn lý do chính mà tôi nêu ra dưới đây.

Đầu tiên, mối quan hệ Trung – Nga khác với quan hệ Hoa Kỳ – Philippines. Trung Quốc và Nga không phải là hai nước đồng minh. Giữa hai nước hiện không có hiệp ước liên minh, trong khi đó Hoa Kỳ và Philippines cũng như Hoa Kỳ và Nhật Bản đều có các điều ước an ninh với nhau. Trong mối quan hệ liên minh, mỗi bên có nghĩa vụ buộc phải hỗ trợ chính trị và thậm chí cả quân sự để giúp đối tác của mình. Trong quan hệ quốc tế thì đây là mối quan hệ song phương cao cấp nhất. Trong khi mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nga có một số đặc điểm tương tự như quan hệ đối tác chiến lược toàn diện nhưng hai bên không bị ràng buộc bởi các nghĩa vụ hiệp ước trong việc bảo vệ không gian quốc tế và lợi ích quốc gia của nhau.

Trong một thời gian dài, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã liên tục nhấn mạnh và phát huy các nhân tố tích cực trong mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nga, trong khi truyền thông ở nước ngoài thì lại khen ngợi quá mức mối quan hệ này. Đôi khi truyền thông thậm chí còn thừa nhận rằng Trung Quốc và Nga là hai nước “đồng minh” mà không cần hiệp ước liên minh. Điều này đã khiến nhiều người tin rằng sự hợp tác chính trị giữa Trung Quốc và Nga là vô biên, có thể giúp cải tiến tình hình an ninh của Trung Quốc. Nhưng nếu nhìn vào sự thật trong quan hệ quốc tế thì chúng ta thấy rằng bất kể mối Trung – Nga có tốt đến đâu thì việc này cũng không ảnh hưởng nhiều đến các chính sách cơ bản của Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Thực tế là mối quan hệ Trung – Nga chỉ dựa trên những lợi ích chung. Biển Đông không phải là nơi mà Nga có thể mở rộng lợi ích của mình và cũng không cần thiết để Nga can thiệp vào khu vực này nếu thiếu vắng mối liên minh chính trị với Trung Quốc. Người Trung Quốc không thể hiểu sai tính chất của mối quan hệ Trung – Nga và mong đợi quá nhiều từ nước Nga.

Thứ hai, Nga thích có các mối quan hệ tốt với những nước xung quanh khu vực Biển Đông và không cần phải xúc phạm các nước ở Đông Nam Á vì lợi ích của Trung Quốc. Như đã nói ở trên, Nga lâu nay không nhiệt tình công khai ủng hộ Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Một trong những lý do quan trọng nhất là Nga thích có mối quan hệ tốt với nhiều nước torng khu vực Đông Nam Á.

Ví dụ, nước tiền nhiệm của Nga – tức Liên Xô – từng có quá trình lịch sử gần gũi với phía Việt Nam hơn là Trung Quốc. Vì có được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Liên Xô nên Việt Nam đã thắng Hoa Kỳ trong thập niên 1970. Sau đó, Việt Nam bắt đầu thực hiện các hoạt động chống Trung Quốc với sự hậu thuẫn của Liên Xô. Sau khi Liên Xô sụp đổ, Nga đã tiếp tục thừa hưởng tình hữu nghị đặc biệt này với phía Việt Nam. Vì vậy, hiện không có trở ngại lớn nào trong mối quan hệ Việt – Nga, và hai nước này không có tranh chấp nghiêm trọng hoặc các cuộc xung đột nào đáng ngại. Và Việt – Nga cũng đã từng có mối quan hệ hợp tác truyền thống trong lĩnh vực quốc phòng, trong đó sự hợp tác đã kéo dài từ thời Thế chiến II cho đến nay. Nhiều vũ khí của Việt Nam cũng đến từ Nga, như tàu ngầm diesel lớp Kilo của lực lượng hải quân Việt Nam. Ngoài ra, trong nửa cuối năm 2014, Nga sẽ cung cấp bốn máy bay chiến đấu loại Su-30MK2 cho phía Việt Nam và những loại máy bay này có khả năng trở thành vũ khí trong cuộc đối đầu với Trung Quốc trong tương lai.

Nga cũng có mối quan hệ tốt với Philippines. Ví dụ, cách đây hai năm, ba tàu hải quân Nga (bao gồm cả tàu khu trục chống tàu ngầm Đô đốc Panteleyev) đã đến Manila trong chuyến thăm kéo dài ba ngày. Theo phía Nga thì chuyến thăm này đã giúp cải thiện quan hệ giữa Nga và Philippine.

Thứ ba, Nga không cần thiết tìm kiếm một cuộc đối đầu trực tiếp với Hoa Kỳ trong vấn đề Biển Đông. Hiện nay, Nga tập trung toàn sức lực ở châu Âu, đặc biệt là cuộc khủng hoảng ở Ukraina vốn đã làm gia tăng thêm cuộc đối đầu giữa Nga và phương Tây. Những vấn đề như vậy sẽ rất khó giải quyết trong thời gian ngắn hạn. Vì vậy, Nga không muốn cũng như không có khả năng đối đầu với Hoa Kỳ ở khu vực Biển Đông.

Bên cạnh đó, cuộc tranh chấp ở Biển Đông không thực sự chỉ là cuộc xung đột giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Các vụ tranh chấp xuất phát từ những bất đồng giữa các nước trong khu vực về lịch sử cũng như hiện trạng liên quan đến chủ quyền hàng hải. Hoa Kỳ chỉ là một yếu tố ảnh hưởng chứ không phải là yếu tố quyết định tương lai của khu vực này. Trong bối cảnh này, Nga được xem như một nước ngoài cuộc và thậm chí không có động cơ để hỗ trợ Trung Quốc và lên tiếng chỉ trích Hoa Kỳ.

Thứ tư, sự bùng phát của Trung Quốc đã thực sự gây ra một số lo gại đối với người Nga. Đối với một số người ở phương Tây, sự bất hòa giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á có thể giúp hạn chế sự “bành trướng” của Trung Quốc vào các khu vực khác. Về phía Nga, họ luôn luôn lo ngại rằng nếu Trung Quốc phát triển quá mạnh sẽ dẫn đến việc nước này chiếm đống khu vực rộng lớn và nhiều tài nguyên ở vùng viễn đông của Nga. Mặc dù các quan chức Nga rất lạc quan về tiềm năng hợp tác ở khu vức viễn đông giữa hai nước nhưng họ chưa bao giờ nới lỏng sự cảnh giác chống lại cái gọi là “bành trướng lãnh thổ” của Trung Quốc.

Hiện nay Trung Quốc không cần phải cảm thấy nghi ngờ và thất vọng về lập trường của Nga trong vấn đề tranh chấp ở khu vực Biển Đông. Hai nước đã có quá trình quan hệ hàng chục năm và điều này đã hình thành nên nền tảng cho các thoả thuận ngầm bên trong và hiểu biết lẫn nhau. Ví dụ, về vấn đề hiện Nga xem trọng nhất liên quan đến bán đảo Crimea, Trung Quốc đã không công khai ủng hộ Nga mà thay vào đó lựa chọn cách phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa rằng Trung Quốc phản đối lập trường của Nga. Cùng một logic, lập trường trung lập của Nga trong các vụ tranh chấp ở Biển Đông không có nghĩa là Nga không hỗ trợ Trung Quốc. Nga có cách riêng của họ trong việc hỗ trợ Trung Quốc, chẳng hạn như các cuộc tập trận chung giữa hai nước Nga và Trung Quốc gần đây ở khu vực Biển Đông. Điều này đã làm cho phương Tây ghanh tị và cũng tỏ ra không ít nghi ngờ. Trung Quốc và Nga lâu nay thường để thừa chỗ cho các chính sách không rõ ràng và điều này chứng minh rằng mối quan hệ đối tác giữa hai nước đang ngày càng trở nên sâu đậm hơn. Sự sắp xếp này cho phép cả Trung Quốc lẫn phía Nga không gian để vận động và tối đa hóa các lợi ích quốc gia của họ.

Đỗ Đăng Khoa chuyển ngữ, CTV Phía Trước
Mu ChunshanTạp chí Diplomat

© 2014 Bản tiếng Việt TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC

Không có nhận xét nào: