Việt Nam đã ‘hoàn toàn đủ điều kiện’ để có thể chủ động tham gia ‘định hình luật chơi chung’ ở các tổ chức, diễn đàn quốc tế mà nước này tham gia, người đứng đầu chính phủ Việt Nam vừa nhận định.
Nhận định này được đưa ra trong bài phát biểu khai mạc của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại hội nghị toàn quốc về ngoại giao đa phương của Việt Nam diễn ra tại Hà Nội vào sáng thứ Ba ngày 12/8.
‘Chuyển mạnh tư duy’Mục đích của hội nghị này là để các học giả, các nhà ngoại giao đưa ra các kiến nghị về các biện pháp nâng tầm ngoại giao đa phương của Việt Nam để chuẩn bị trong khoảng thời gian 5-10 năm tới khi Việt Nam đảm nhiệm nhiều trọng trách quốc tế, theo báo chí trong nước.
Trong bài phát biểu tại hội nghị, ông Dũng yêu cầu ngành ngoại giao Việt Nam ‘đổi mới tư duy... trong hoạt động đối ngoại nói chung và trong triển khai đối ngoại đa phương’.
“Nay là thời điểm chúng ta cần và hoàn toàn có đủ điều kiện để chuyển mạnh từ tư duy tham gia tích cực sang chủ động đóng góp xây dựng, định hình luật chơi chung,” Thủ tướng Dũng phát biểu.
Sau gần 30 năm kể từ khi tiến hành công cuộc ‘đổi mới’ về kinh tế và triển khai đường lối đối ngoại ‘đa dạng hóa’, ‘đa phương hóa’, giờ đây Việt Nam đã là thành viên của những tổ chức lớn trong khu vực và trên thế giới như Asean, Apec, Asem, WTO...
Việt Nam cũng lần đầu tiên được bầu vào Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc với tư cách là ủy viên không thường trực đại diện cho khu vực châu Á hồi năm 2008.
Thủ tướng Dũng cho rằng các tổ chức, các diễn đàn quốc tế là nơi để Việt Nam ‘bảo vệ và thúc đẩy các lợi ích an ninh và phát triển’ của mình, nhất là khi trong tình hình căng thẳng dâng cao trên Biển Đông hiện nay.
“Trong công cuộc bảo vệ chủ quyền của đất nước, đặc biệt trong tình hình Biển Đông hiện nay, chúng ta cần coi trọng vai trò, tiếng nói của các thể chế, các diễn đàn đa phương, đặc biệt là Liên Hiệp Quốc, Asean, Phong trào Không liên kết,” ông Dũng nói.
Mặc dù khối Asean trong hội nghị bộ trưởng ngoại giao mới nhất ở Miến Điện đã ra tuyên bố kêu gọi các bên kiềm chế Biển Đông, tổ chức này cũng từng bất đồng đến mức không ra được tuyên bố chung.
Các nhà ngoại giao Việt Nam tham dự hội nghị cũng sẽ nghe trình bày của nhà ngoại giao có tên tuổi trên thế giới về ngoại giao đa phương nhưng ông Pascal Lamy, cựu tổng giám đốc WTO, cựu phó Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Jayantha Dhanapala và cựu Ngoại trưởng Singapore George Yeo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét