Pages

Thứ Hai, 11 tháng 8, 2014

Sứ quán Úc phản hồi vụ tiền polymer

Đại sứ quán Úc nói lệnh kiểm duyệt là để bảo vệ quan chức cao cấp nước ngoài
Ngay sau khi Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng phản đối Lệnh kiểm duyệt của Tòa Tối cao bang Victoria, Australia, liên quan bê bối in tiền polymer cho Việt Nam, trong có nhắc tên một số lãnh đạo Việt Nam cao cấp, phía Australia đã có phản hồi.
Ngày 7/8 Bộ Ngoại giao Việt Nam đã mời Đại sứ Australia Hugh Borrowman lên để trao công hàm phản đối về lệnh kiểm duyệt này với lý do nó "xúc phạm danh dự cá nhân lãnh đạo Việt Nam cũng như hình ảnh đất nước Việt Nam".


Thông cáo giải thích Lệnh kiểm duyệt, hay chính xác hơn là lệnh hạn chế công bố thông tin, được tòa án đưa ra nhằm không cho một số thông tin nào đó được công khai trước tòa.
Trong thông cáo ra một ngày sau đó, Sứ quán Úc nói đã ghi nhận thông tin về cuộc gặp giữa ông Borrowman và Bộ Ngoại giao Việt Nam.
Tòa đại sứ nói Tòa án Tối cao bang Victoria không đưa lệnh này ra công khai đồng thời Úc coi việc vi phạm lệnh này là nghiêm trọng và đã chuyển cho cảnh sát điều tra.
Thông cáo viết: "Chính phủ Australia đạt được lệnh kiểm duyệt [từ Tòa án] để ngăn ngừa việc công khai thông tin mà có thể dẫn đến việc hiểu rằng có sự liên quan đến tham nhũng của một số quan chức chính trị cấp cao cụ thể trong khu vực".
"Chính phủ Australia cho rằng lệnh này là phương cách tốt nhất để bảo vệ các nhân vật chính trị cao cấp khỏi các sự ám chỉ không có cơ sở."
Thông cáo cũng khẳng định việc nêu danh các nhân vật này trong lệnh kiểm duyệt không có nghĩa họ làm điều gì sai hay họ là đối tượng điều tra trong vụ Securency.
Chưa thấy phía Việt Nam tuyên bố ghi nhận giải thích nói trên.

Lệnh kiểm duyệt

Hôm 19/6, Tòa án Tối cao bang Victoria, đã ban hành Lệnh kiểm duyệt liên quan tới vụ án in tiền polymer cho các nước như Việt Nam, Indonesia và Malaysia.
Lệnh kiểm duyệt này đã bị website BấmWikileaks rò rỉ hôm 29/7.
"Chính phủ Australia cho rằng lệnh này là phương cách tốt nhất để bảo vệ các nhân vật chính trị cao cấp khỏi các sự ám chỉ không có cơ sở."
Thông cáo của Đại sứ quán Australia tại Hà Nội
Trong đó, tòa án cấm báo chi Úc đưa tin diễn tiến vụ án mà "hé lộ, ám chỉ, làm người đọc hiểu hoặc cáo buộc các cá nhân" trong danh sách đi kèm đã "nhận hối lộ hoặc có ý định nhận hối lộ hoặc các khoản tiền không đàng hoàng..."
Lệnh này nhằm bảo vệ tên tuổi của nhiều lãnh đạo cao nhất ở các nước Đông Nam Á, gồm cả những vị đương kim và đã về hưu.
Lệnh kiểm duyệt có hiệu lực 5 năm kể từ ngày ban hành, được nói là có mục đích "hạn chế ảnh hưởng tới quan hệ đối ngoại của Australia" và "cần thiết để bảo vệ quyền lợi của Khối thịnh vượng chung trong lĩnh vực an ninh quốc gia".
Trong bê bối in tiền polymer, quan chức cấp cao của một số quốc gia bị tố cáo là đã nhận hối lộ của nhà thầu Australia để cho các công ty đó thắng thầu. Một loạt quan chức các công ty con của Ngân hàng Trung ương Australia đã phải ra hầu tòa.
Trong công hàm phản đối của mình chuyển cho Đại sứ Úc, Bộ Ngoại giao Việt Nam tuyên bố "cực lực phản đối việc Tòa án tối cao bang Victoria của Úc ban hành Lệnh kiểm duyệt liên quan đến vụ in tiền polymer có nêu tên một số quan chức cấp cao nước ngoài trong đó có Việt Nam".
"Việc làm này xúc phạm danh dự cá nhân lãnh đạo Việt Nam cũng như hình ảnh đất nước Việt Nam."
"VN yêu cầu Úc giải thích nghiêm chỉnh lệnh kiểm duyệt này và công khai khách quan về vụ án để mọi người hiểu đúng sự thật."
Việc lệnh kiểm duyệt nêu danh một số nhân vật cấp cao bị cho là có thể gây hiểu lầm về một sự liên quan nào đó của họ, cho dù chính lệnh này cấm báo chí đưa tin.

Tiền polymer

Ngân hàng Trung ương Úc (RBA) và công ty Anh sáng chế ra công nghệ in tiền polymer từ những năm 1980. Úc bắt đầu in loại tiền này năm 1988 và lên kế hoạch thầu in loại tiền này cho các nước.
Công ty Securency được lập ra năm 1996 với RBA là đồng chủ sở hữu. Tuy nhiên RBA nay đã bán hết cổ phiếu của Securency.
Khoảng 30 quốc gia trên thế giới nay dùng tiền polymer, nhưng để đạt được hợp đồng, quan chức Securency bị cáo buộc đã dùng tiền hối lộ và các phương thức không hợp pháp khác.
Cảnh sát Australia vào cuộc điều tra vụ này từ năm 2007. Cho tới nay một loạt quan chức Securency đã phải ra tòa và cáo buộc cũng nhắm vào một số quan chức nước ngoài.
Đại tá an ninh Lương Ngọc Anh của Việt Nam cũng bị cáo buộc dàn xếp hợp đồng nhưng vụ của ông bị tòa bác do thiếu chứng cứ.
Quá trình điều tra được nói còn đang tiếp tục.

Không có nhận xét nào: