Được một người bạn tặng cho cuốn Đèn Cù, tôi đã ngấu nghiến nó trong 3 ngày dù cuốn sách đến 599 trang. Trước đó, tôi đã đọc nhiều cuốn hồi ký thuộc giai đoạn này như: đêm giữa ban ngày, một cơn gió bụi, trong gọng kềm lịch sử, từ thực dân đến phong kiến,…phần nào hiểu về sự thật của một giai đoạn lịch sử nhưng tôi thật sự cuốn hút khi bắt đầu với Đèn Cù. Đèn Cù cuốn hút không chỉ lối trình bày của một cây bút lão luyện mà còn cuốn hút vì nhiều thông tin mới mẻ.
Khác với các tác giả khác, ông Trần Đĩnh có vị trí đặc biệt để cung cấp cho những người hậu sinh như tôi có góc nhìn toàn cảnh, chân thực hơn giai đoạn lịch sử 1946-1975; giai đoạn lịch sử được phủ lớp sơn bóng bẩy có chủ ý của nhà cầm quyền.
Đèn Cù cho ta thấy: như hình ảnh voi giấy, ngựa giấy chạy vòng quanh tít mù trong đèn cù (đèn kéo quân), Đảng cộng sản VN cũng chạy quanh thế nào dưới sức ép của hai nước lớn trong phe XHCN-Liên Xô và Trung Quốc. Thú vị hơn nữa, ta thấy các giáo chủ của một chủ nghĩa thần bí-hứa hẹn đưa con người đến thiên đường trên mặt đất-chủ nghĩa Mac-Lenin đã độc quyền trong việc giải thích chủ nghĩa này như thế nào là trong sáng: để bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác Lenin thì phải không sợ Mỹ, phải đánh Mỹ.
Qua Đèn cù, ta thấy câu nói của tổng bí thư Lê Duẩn “ta đánh mỹ là đánh cả cho liên xô đánh cho trung quốc” rõ nghĩa hơn, sinh động hơn. Cuộc chiến mà mà sách giáo khoa hay nói là chiến tranh thần thánh chống Mỹ cứu nước chẳng qua là một cuộc chiến được thúc đẩy bỡi Mao Trạch Đông để phục vụ ý đồ của ông ta “Thiên hạ đại loạn, Trung Quốc được nhờ”. Ông ta muốn đánh Mỹ đến người Việt Nam cuối cùng. Tôi thật sự giật mình khi biết rằng Mao đã xui VN đánh Mỹ để giải phóng miền Nam mà Trung Quốc thì không đánh nhau để giải phóng Đài Loan hay họ kiên nhẫn để thống nhất Hồng Kông, Macao trong hòa bình. Ít nhất điều này đã thể hiện tâm và tầm lãnh đạo.
Thật là đau xót khi đọc câu nhận định của tác giả (Trần Đĩnh) “Máu Việt Nam mới có sức dịch chuyển địa chính trị mạnh mẽ và quý giá làm sao”. Mao muốn biến Việt Nam thành bãi chọi trâu để phục vụ mưu đồ tranh quyền đoạt bá với Liên Xô cũng như mưu đồ kéo Trung Quốc đến gần Mỹ hơn.
Đọc Đèn Cù tôi thấy phần nào ấm lòng vì số người biết xót xa cho phận người dân khốn khổ, hẩm hiu như tác giả còn rất nhiều. Chỉ có điều, những người tốt thường không quyết liệt, mạnh mẽ như những người hiếu chiến. Có lẽ do đặc tính này mà loài người còn nhiều đau khổ chăng?
Với lượng thông tin phong phú chứa đựng trong 599 trang sách hẳn sẽ thỏa mãn nhiều mối quan tâm khác nhau của độc giả. Là một người tham gia tranh đấu cho quyền con người, đọc Đèn Cù tôi thấy quyền tự do ngôn luận quí đến dường nào. Nếu ngày đó có tự do ngôn luận, hay có internet chắc chắn người dân miền Bắc sẽ không yêu nước đến cuồng nhiệt: lớp sống đói khổ, lớp chịu bom đạn, lớp đưa hàng triệu con em mình vào Nam chịu cảnh bi thảm: sinh bắc tử nam.
Tôi cũng thật bất ngờ khi biết rằng ở miền Bắc cũng có phe phản chiến như ở Mỹ, chỉ có điều họ bị bịt miệng quá nhanh chứ không được tự do nói như bên Mỹ.
Qua đây chúng ta cũng sẽ học được bài học vô cùng quí giá là: muốn có một xã hội tốt đẹp thì trước tiên và kiên quyết tranh đấu cho quyền tự do ngôn luận. Tuyệt đối, không cho nhà cầm quyền lũng đoạn tất cả các kênh thông tin. Vì như cha lập quốc nước Mỹ George Washington đã nói “một khi bị cướp đi quyền tự do ngôn luận, chúng ta trở nên câm lặng và ngu xuẩn, như những con cừu bị dẫn đến lò sát sinh”. Nhắc lại điều này, tôi nghĩ không mới nhưng thấy buồn là hiện còn nhiều người Việt Nam chưa ý thức được vấn đề này để góp một tay tranh đấu cho quyền thiêng liêng-TỰ DO NGÔN LUẬN.
Suy rộng ra, một xã hội mà quyền con người được bảo đảm là một xã hội tránh được nhiều nguy cơ, trong đó có nguy cơ chiến tranh, đổ máu. Một giá trị rất đáng để tranh đấu.
Đèn Cù là một cuốn sách tuyệt vời, chỉ có điều vì là một cuốn sách có bản quyền nên sẽ ít người được đọc nó. Hy vọng rằng có ai làm mạnh thường quân, mua tác quyền để có thể phổ biến rộng rãi hơn. Tôi nghĩ mạnh thường quân cho việc này là một người yêu nước vì cuốn sách giúp công chúng hiểu biết chân thực hơn một giai đoạn lịch sử. Như ai đó đã nói “Đèn Cù đã giải thiêng cho cuộc cách mạng Việt Nam”, sự giải thiêng này sẽ giảm đi tính thần thánh, đỉnh cao trí tuệ nhân loại mà ĐCS VN thường tự nhận về mình và nó góp phần thúc đẩy nền dân chủ cho Việt Nam.
Thế hệ trẻ như chúng tôi cần nhiều Đèn Cù hơn nữa để có hành trang chân thực góp sức mở ra một trang sử mới cho dân tộc.
Một lần nữa, xin cảm ơn tác giả Đèn Cù.
Xin cầu chúc tác giả nhiều sức khỏe để thấy một Việt Nam tươi đẹp như lý tưởng mà tác giả hy sinh cuộc đời mình để theo đuổi, bảo vệ.
Nguyễn Văn Thạnh
Để rõ hơn tác phẩm, xin giới thiệu một bài review trên báo RFA.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét