HÀ NỘI (NV) - Trong khi Quốc Hội Việt Nam phàn nàn vì hệ thống công quyền tuyển dụng quá nhiều công chức, đa số chỉ ngồi chơi thì đại diện chính phủ khẳng định, có đến 99.54% công chức “hoàn thành nhiệm vụ.”
Sau khi ông Nguyễn Bá Thuyền, một đại biểu Quốc Hội Việt Nam đòi phải kiểm tra xem mỗi cơ quan công quyền thật sự cần bao nhiêu công chức và phải thực hiện việc sa thải mạnh mẽ hơn vì bộ máy công quyền càng ngày càng phình to, không ít nơi “lãnh đạo nhiều hơn nhân viên,” tuyển dụng công chức chỉ để ngồi ì một chỗ để chơi, không cách nào đuổi được, ông Nguyễn Thái Bình, bộ trưởng Nội Vụ đáp lại, báo cáo của 23 bộ, ngành và các địa phương hồi năm ngoái cho thấy, không có công chức nào không hoàn thành nhiệm vụ.
Mỗi năm, bộ máy công quyền ở Việt Nam ngốn hết 9.5% GDP, vượt xa mức chi tiêu cho bộ máy công quyền ở các quốc gia đang phát triển. (Hình: Tiền Phong) |
Viên bộ trưởng vừa kể bảo rằng, số công chức không hoàn thành nhiệm vụ chỉ chiếm 0.46%. Tuy nhiên viên bộ trưởng Nội Vụ Việt Nam xác nhận, “do sử dụng cán bộ, công chức, viên chức chưa đúng với trình độ năng lực của từng người, cơ chế thưởng phạt cũng chưa nghiêm nên chưa tuyển được người có năng lực, tâm huyết.”
Công chức vốn là một vấn nạn của Việt Nam. Nhiều chuyên gia từng nhận định, Việt Nam “mạt” vì công chức. Công chức đông, chi phí cao nhưng hiệu quả kém vốn là một vấn nạn đã xuất hiện cách nay vài thập niên nhưng chính quyền Việt Nam hoàn toàn bất lực, không thể giải quyết. Sau các kế hoạch “tinh giản biên chế,” đội ngũ công chức không những không giảm mà càng ngày càng đông.
Gần đây, do ngân sách thất thu nghiêm trọng, số lượng-chất lượng của công chức lại được xới lên như một chuyện cần giải quyết ngay để giảm bội chi.
Hồi cuối tháng 1 năm ngoái, khi thảo luận về việc “cải cách chế độ công vụ, công chức,” một viên phó thủ tướng tên là Nguyễn Xuân Phúc, cho biết, Việt Nam có tới 2.8 triệu công chức nhưng 30% không làm gì cả và không có cũng chẳng sao. Viên phó thủ tướng này khẳng định phải cải tổ hệ thống công quyền, giảm bớt công chức để nâng cao hiệu quả hoạt động và tiết giảm chi phí.
Tuy nhiên tới tháng 9 năm 2013, tại diễn đàn Quốc Hội Việt Nam, viên bộ trưởng Nội Vụ bảo rằng, chuyện 30% công chức Việt Nam chỉ chơi chứ không làm gì chỉ là... tin đồn. Viên bộ trưởng này bảo rằng, số
công chức chỉ ngồi chơi, nếu có cũng chỉ khoảng 1%.
Ðến kỳ họp Quốc Hội hồi tháng 11 năm ngoái, tiếp xúc với cử tri, viên chủ tịch nhà nước, tuyên bố, ông ta không tin báo cáo của viên bộ trưởng Nội Vụ.
Những cuộc tranh luận qua lại về công chức, cắt giảm nhân sự chưa rõ sẽ tới đâu. Chỉ có một yếu tố rất rõ là đội ngũ công chức Việt Nam vẫn rất đông, chi tiêu để nuôi đội ngũ này rất tốn kém và khả năng chính quyền Việt Nam sẽ sắp xếp lại đội ngũ công chức theo hướng nâng cao hiệu quả, tiết giảm chi phí là điều khó có thể xảy ra.
Trả lời thắc mắc về chuyện tại sao “cải cách chế độ công vụ, công chức” chậm chạp, viên vụ phó Vụ Công Chức-Viên Chức của Bộ Nội Vụ, từng phân bua: “Bàn suông thì dễ nhưng đi vào cụ thể thì rất nhạy cảm.” Dù nhân vật này không giải thích thế nào là “nhạy cảm” và vì sao lại “nhạy cảm” nhưng theo báo chí Việt Nam, “cải cách chế độ công vụ, công chức” khó thực hiện bởi hệ thống công quyền là chỗ chứa con, cháu, thân nhân của các công chức cao cấp, trung cấp, đồng thời tuyển dụng công chức là cơ hội để các công chức cao cấp, trung cấp kiếm tiền.
Trong khi chờ đợi chính quyền Việt Nam “thực hiện thành công kế hoạch cải cách chế độ công vụ, công chức,” dân chúng Việt Nam vẫn phải còng lưng nuôi công chức. Người ta xác định, trong giai đoạn từ 2001-2012, chi tiêu cho hệ thống công quyền - nuôi công chức Việt Nam ngốn 55.37% tổng chi tiêu của cả quốc gia. (G.Ð)
(Người Việt)
1 nhận xét:
Tuyển một người vào cơ quan công quyền là tăng được 1 người không dám chống lại sự hư đốn của đảng và hệ thống .Ngu gì mà không tuyển .Nợ công có tăng cao đến năm 2020 thì có đàn anh Tàu cộng lo giùm vì là tỉnh tự trị của thằng ấy rồi .Lợi quá chừng chừng nên không phình ra ,phành ra sao sướng đôi đường đây ?
Đăng nhận xét