BienDong.Net: Từ cuối năm 2013, đầu năm 2014, Trung Quốc ráo riết đẩy mạnh các hoạt động lấp biển, mở rộng quy mô lớn các cấu trúc (Gaven, Gạc Ma, Ken Nan, Xu Bi, Châu Viên, Chữ Thập) mà Trung Quốc đang chiếm đóng ở quần đảo Trường Sa. Ngoài mục tiêu biến các cấu trúc này thành các căn cứ quân sự để khống chế Biển Đông, Trung Quốc còn nhằm mục tiêu biến các cấu trúc này thành các “đảo” bảo vệ cho quan điểm sai trái của họ là đòi hỏi các cấu trúc này có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng như họ đã nêu trong Công hàm gửi Liên hợp quốc tháng 5/2011. Từ góc độ luật pháp quốc tế để đánh giá về hành vi này của Trung Quốc, có thể thấy ý đồ của Trung Quốc là không thể thực hiện được.
Gaven là một bãi cát, theo đệ trình của Philippines trong vụ kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài thì Gaven là một bãi chìm; Gạc Ma là bãi lúc nổi lúc chìm, Gạc Ma chỉ nổi trên mặt nước khi thủy triều xuống thấp; Tương tự như Gạc Ma, Ken Nan cũng là bãi lúc nổi lúc chìm, chỉ nổi trên mặt nước lúc thủy triều xuống thấp; Châu Viên là một bãi san hô không có vành đai bao quanh; Chữ Thập là một bãi san hô dài khoảng 3km, phần lớn diện tích chìm dưới nước khi thủy triều lên, trừ một số đá ở phía Tây Nam.
Với mô tả trên thì Gaven, Gạc Ma, Ken Nan, Xu Bi, Châu Viên, Chữ Thập được coi là đá hoặc các bãi lúc nổi, lúc chìm. Quy chế pháp lý của các cấu trúc này được tính theo tính chất nguyên thủy của nó (tức là chưa có sự tác động của con người). Như vậy, không cấu trúc nào trong số 6 cấu trúc trên có khả năng tạo ra các vùng biển đầy đủ theo quy định của Điều 121 Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, hay nói cách khác các cấu trúc này không thể có vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa riêng như quan điểm của Trung Quốc.
Là các bãi lúc nổi, lúc chìm thì dù Trung Quốc có ra sức lấp biển với quy mô lớn để mở rộng các cấu trúc này thì cũng không thể biến nó thành đảo để đòi hỏi vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa cho các cấu trúc này. Các cấu trúc này chỉ có vùng biển tối đa là 12 hải lý theo quy định của Điều 121 Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.
Trái lại, hành vi đơn phương của Trung Quốc lấp biển mở rộng quy mô lớn trên các cấu trúc này ở Trường Sa có thể cấu thành hành động vi phạm luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, nhất là các quy định về bảo vệ môi trường biển. Hành động này không chỉ làm biến dạng tính chất của các cấu trúc mà còn hủy hoại nghiêm trọng môi trường biển. Chúng ta cùng phân tích điều này theo quy định của luật pháp quốc tế.
Việc đơn phương lấp biển mở rộng với quy mô lớn các cấu trúc nói trên ở Trường Sa là trái với nghĩa vụ kiềm chế mà các bên tranh chấp phải thực hiện khi đang có tranh chấp về lãnh thổ và vùng biển. Đây là một quy định chung của luật pháp quốc tế đã được đúc kết thành một quy định mang tính tập quán. Các cấu trúc Ga Ven, Gạc Ma, Ken Nan, Xu Bi, Châu Viên, Chữ Thập hiện là đối tượng tranh chấp giữa nhiều bên (Trung Quốc, Việt Nam, Philippines và Đài Loan). Việc sử dụng máy móc, kỹ thuật nạo vét để cải tạo đất trên các cấu trúc này là hành động dẫn tới việc làm thay đổi đặc điểm, tính chất địa lý của các cấu trúc này cũng như đối với môi trường biển xung quanh. Luật pháp quốc tế cấm thực hiện các loại hành động này.
Các cấu trúc Ga Ven, Ken Nan, Gạc Ma là các bãi lúc nổi lúc chìm và nằm trong phạm vi lãnh hải 12 hải lý của các đảo trong cụm đảo Sinh Tồn và Nam Yết. Trên thực tế, các cụm đảo này đang do Việt Nam đóng giữ và các bên Trung Quốc, Philippines và Đài Loan cùng yêu sách chủ quyền nên Ga Ven, Ken Nan, Gạc Ma đều nằm trong lãnh hải có tranh chấp được tạo ra từ hai cụm đảo Sinh Tồn và Nam Yết. Việc xây dựng trên các đảo này cần phải kiềm chế theo quy định chung của luật pháp quốc tế.
Theo hình ảnh mà các phương tiện thông tin của cả Trung Quốc và quốc tế đưa tin về việc Trung Quốc đã và đang triển khai trên các cấu trúc này cho thấy Trung Quốc đang sử dụng kỹ thuật nạo vét để hút hàng triệu tấn cát, đá từ đáy đại dương để bơm lên các cấu trúc này tạo thành những đảo nhân tạo lớn hàng mấy chục héc ta. Hành động này của Trung Quốc phá hủy nghiêm trọng môi trường biển ở Biển Đông và vi phạm nghĩa vụ bảo vệ, bảo tồn biển theo quy định tại Phần XII và nghĩa vụ hợp tác trong vùng biển nửa kín theo quy định trong Điều 123 Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.
Hành vi lấp biển, mở rộng các cấu trúc với quy mô lớn ở Biển Đông của Trung Quốc vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc đã ký với các nước ASEAN năm 2002. Điều 5 của DOC quy định rằng “các bên có trách nhiệm kiềm chế trong việc thực hiện các hoạt động có thể gây phức tạp hoặc leo thang tranh chấp, ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định, bao gồm việc kiềm chế không tiến hành đưa người đến sinh sống trên các hòn đảo hiện không có người sinh sống, trên các rặng đá, bãi cát ngầm, đảo nhỏ và những thực thể khác; giải quyết các bất đồng thông qua các biện pháp mang tính xây dựng”. Sau khi ký kết DOC, các bên có nghĩa vụ thực hiện Điều 5 của DOC, chấm dứt việc đưa người đến sinh sống tại các cấu trúc chưa có người sinh sống. Hành vi mới này của Trung Quốc được triển khai từ cuối năm 2013, đầu năm 2014, sau thời điểm Trung Quốc đã cam kết trong DOC 12 năm.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn ngạo mạn nói rằng Trung Quốc cải tạo các cấu trúc này để đưa người đến ở; một số tướng lĩnh quân đội Trung Quốc còn trắng trợn nói rằng việc lấp biển mở rộng các cấu trúc của Trung Quốc ở Trường Sa là nhằm xây dựng các căn cứ hải quân, không quân của Trung Quốc với hệ thống liên lạc, lô cốt, cầu cảng, sân bay… Đây là những hoạt động trái với tinh thần nội dung mà Trung Quốc đã cam kết trong Điều 5 DOC, làm thay đổi nguyên trạng và cán cân lực lượng ở khu vực, gây leo thang căng thẳng ở Biển Đông.
Khi bị các nước lên tiếng phê phán thì Trung Quốc biện hộ rằng Trung Quốc không phải bên duy nhất tiến hành xây dựng ở Biển Đông; các bên khác như Việt Nam, Philippines, Malaysia cũng tiến hành xây dựng trên các cấu trúc ở Trường Sa. Tuy nhiên, cần có sự phân biệt rõ về mục tiêu, quy mô và thời điểm tiến hành các hoạt động xây dựng đó. Nếu các hoạt động xây dựng vì mục tiêu duy trì sự chiếm đóng hiện có tại các đảo mà không dẫn đến sự thay đổi tính chất, đặc điểm địa lý của các cấu trúc đó thì hoạt động đó có thể được cho phép. Nếu các hoạt động xây dựng được tiến hành trước năm 2002 (năm ký kết DOC) hoặc không làm thay đổi căn bản chức năng, tính chất của các cấu trúc đó thì hoạt động xây dựng không trái với tinh thần DOC.
Ngược lại, những hoạt động lấp biển mở rộng quy mô lớn của Trung Quốc nhằm mục đích thay đổi quy chế pháp lý của các cấu trúc để sử dụng vào mục tiêu quân sự và được thực hiện sau năm 2002 là trái với các quy định cũng như tinh thần của DOC, do vậy phải bị cấm thực hiện. Chính việc thiếu các quy định chi tiết và giá trị pháp lý ràng buộc của DOC là nguyên nhân dẫn đến hành động vi phạm DOC của Trung Quốc hiện nay. Đây là thời điểm các nước ASEAN và Trung Quốc cần thảo luận thực chất để đưa ra các quy định chi tiết yêu cầu các bên tuân thủ Điều 5 DOC và hơn thế nữa sớm thống nhất về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) với tính pháp lý ràng buộc để ngăn chặn hành động đơn phương đe dọa hòa bình ổn định khu vực của Trung Quốc.
Đặc biệt là việc Trung Quốc triển khai các hoạt động xây dựng quy mô lớn trên các cấu trúc này sau khi Philippines khởi kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài và đưa các cấu trúc này vào trong Tuyên bố khởi kiện là một hành động coi thường luật pháp quốc tế, coi thường vai trò của các cơ quan tài phán quốc tế. Mặc dù Trung Quốc phản đối và không tham gia vào vụ kiện nhưng tiến trình vụ kiện vẫn diễn ra theo đúng quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Hành vi lấn biển, mở rộng quy mô lớn của Trung Quốc ở các bãi họ chiếm đóng bằng vũ lực năm 1988 có thể tạo cơ sở để Philippines yêu cầu Tòa Trọng tài áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nhằm ngăn chặn các hậu quả không thể khắc phục được do các hoạt động xây dựng bất hợp pháp trên biển của Trung Quốc gây ra.
Hành động lấn biển mở rộng quy mô lớn các cấu trúc ở Trường Sa của Trung Quốc để tạo ra các căn cứ quân sự khống chế và kiềm soát vùng biển phía Nam Biển Đông còn vi phạm các quy định của luật pháp quốc tế về tự do, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không.
Xây dựng trên biển không phải là điều gì mới. Từ lâu trong lịch sử, các nước ven biển đã tiến hành các hoạt động xây dựng trên biển vì mục tiêu kinh tế và nghiên cứu khoa học. Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 đã quy định đầy đủ khuôn khổ pháp lý quốc tế để điều chỉnh các hoạt động này. Theo đó, quyền tiến hành hoạt động xây dựng trên biển thường được trao cho các quốc gia ven biển như là một đặc quyền trên cơ sở chủ quyền của các quốc gia ven biển trong vùng nội thủy, lãnh hải và quyền chủ quyền, quyền tài phán trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa. Tuy nhiên, việc xây dựng trên biển cần được tiến hành trên cơ sở tôn trọng quyền tự do hàng hải của các quốc gia khác và đặc biệt là tôn trọng việc bảo vệ và bảo tồn môi trường biển.
Theo quy định của luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982, đối với các công trình nhân tạo trên biển chỉ có thể tạo ra vành đai an toàn tối đa 500m và như vậy hành vi lấp biển xây dựng các đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Trường Sa không thể tạo ra danh nghĩa chủ quyền cho Trung Quốc và càng không thể tạo ra cơ sở để Trung Quốc yêu sách các vùng biển rộng lớn cho họ ở Biển Đông.
Xét từ góc độ luật pháp quốc tế, hành vi lấn biển mở rộng quy mô lớn các cấu trúc ở Biển Đông của Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng các quy định của luật pháp quốc tế, cần bị lên án mạnh mẽ. Đặc biệt trong bối cảnh tranh chấp về lãnh thổ và các vùng biển chưa được giải quyết thì hành vi này của Trung Quốc không phải là việc làm mang tính xây dựng mà chỉ làm phức tạp và leo thang tranh chấp.
Với tư cách là một Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và thành viên Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, Trung Quốc cần chấm dứt ngay các hành động làm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông để cùng các nước ASEAN đàm phán xây dựng COC, góp phần duy trì hòa bình ổn định, đảm bảo tự do, an ninh an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông./.
BDN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét