Pages

Thứ Tư, 14 tháng 1, 2015

Hành vi Xã hội


images
Minh Văn – Xã hội dân chủ thì cuộc sống con người cũng ấm no, hạnh phúc. Chế độ độc tài lại gây cho người dân muôn vàn khổ sở, bất công. Tại sao lại có sự khác biệt như thế? Đó là bởi môi trường xã hội tạo nên vậy. Vì rằng môi trường khiến cho cuộc sống thăng hoa hạnh phúc, ngược lại nó cũng có thể kìm hãm mọi thứ trong lạc hậu khổ đau. Môi trường tốt thì cái tốt đẹp phát triển, môi trường xấu thì cái ác và giả dối ngự trị.

Mới thấy tầm quan trọng của môi trường xã hội đối với cuộc sống như thế nào. Vì chính nó tạo nên những cơ chế và tác động đến hành vi con người. Văn minh hay lạc hậu, hạnh phúc hay khổ đau, tốt hay xấu đều bởi từ đó mà ra cả.
Khi Tào Tháo còn trẻ, có người gặp ông ta và nhận xét rằng: “Người này sẽ là gian hùng thời loạn, nhưng là một vị quan tốt thời bình”. Tại sao trong cùng một con người mà lại có sự mâu thuẫn như vậy? Đó chẳng phải là do môi trường quyết định hành vi con người sao.
Ngày nay, chúng ta đều thấy rõ là môi trường dân chủ và độc tài tạo nên những trạng thái đối lập. Trong chế độ độc tài, nhân dân bị tước đi phần lớn các quyền con người, họ không có cơ chế để kiểm soát quyền lực nhà nước. Thay vào đó, quyền lực nằm hết trong tay đảng cầm quyền. Vì thế mà những kẻ cai trị mặc sức tung hoành, đem tài lực của đất nước và nhân dân vào cuộc chơi tranh giành ảnh hưởng, mưu đồ cho ý riêng. Lẽ ra phải trở thành công bộc của dân, thì những kẻ quan chức lại trở thành đối tượng nhũng nhiễu nhân dân. Cho nên, chế độ độc tài là điều kiện lý tưởng để cho nghịch lý và bất công phát triển. Chính là môi trường ẩm thấp tối tăm thì vi khuẩn có hại và bệnh dịch sinh sôi vậy. Chế độ độc tài ở đây được hiểu là cá nhân hoặc một đảng độc quyền quản lý đất nước.
Thời đại văn minh, quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, nhưng tại một số quốc gia độc tài sót lại, những kẻ cai trị đã cướp đi các quyền đó của họ. Những đảng độc tài này nắm giữ quyền lực cướp được trong tay, tạo nên một xã hội đầy rẫy tội ác và bất công. Mục đích là duy trì môi trường có lợi cho việc thống trị. Bộ máy công quyền trở thành công cụ để bóc lột và đàn áp nhân dân. Vì thế mà nó làm ra những luật và cơ chế kìm hãm sự tiến bộ, vi phạm nhân quyền. Người dân vì vô tình (và cũng không thể khác) làm theo những luật và cơ chế đó, để rồi tự gây ra sự bất lợi cho bản thân. Như vậy là hành vi của người dân bị chế độ độc tài chi phối và điều chỉnh.
Dĩ nhiên, để cải tạo môi trường theo chiều hướng tiến bộ, trách nhiệm thuộc về nhân dân và mọi thành phần bị áp bức. Mục tiêu là tạo nên một xã hội tự do, nơi mà người dân hoàn toàn làm chủ đất nước của mình.
Bản chất của xã hội dân chủ là bộ máy công quyền luôn phục vụ nhân dân hết mực, vì nó sinh ra vốn để thực hiện chức năng đó. Trên nền tảng của những giá trị tự do, con người đối xử với nhau trong tinh thần bình đẳng và bác ái.
Lại nói về nhân vật Tào Tháo, ông ta muốn làm một vị quan tốt, nhưng bối cảnh xã hội rối ren đương thời không cho phép như vậy. Bọn quan lại kéo bè kết cánh để vơ vét và nhũng nhiễu nhân dân, những người có liêm sĩ bị bách hại, thêm vào đó là chiến tranh liên miên. Trong bối cảnh đó, ông ta phải làm một “gian hùng thời loạn”. Ước mơ của ông là san bằng bốn biển, mang lại thái bình cho thiên hạ, để người dân được sống trong hạnh phúc ấm no. “Thời loạn” ở đây không chỉ là chiến tranh, mà còn để nói cái triều đình thối nát lúc bấy giờ. Chữ “Thái bình” là ước mong về một nền chính trị tốt đẹp, có nghĩa là một triều đại tốt. Vì rằng, thiên hạ có thái bình thì mới có thể làm một vị quan tốt và ích nước lợi dân được. Muốn làm một con người tốt, thì phải có môi trường xã hội tốt. Chúng ta cùng xem bài thơ “Đối ẩm ca” của ông:
“Nâng chén ca,
Buổi thái hoà,
Quan không thúc thuế.
Vua chúa sáng hiền,
Trung lương tướng tá tài ba.
Cùng nhau nhường kính,
Tranh chấp không xảy ra.
Ba năm cày cấy, chín năm vẫn ấm no,
Lúa gạo đầy kho,
Việc nặng không đến người già.
Mưa thuận gió hoà,
Ngũ cốc được mùa.
Bắt ngựa hoang,
Giúp canh tác mùa màng.
Các vị công, hầu, bá, tử, nam,
Đều yêu thương dân chúng,
Thưởng phạt phân minh.
Coi dân như con em mình.
Kẻ phạm lễ pháp,
Tuỳ nặng nhẹ xử hình.
Ngoài đường của rơi không ai nhặt.
Trong lao tù vắng tanh,
Mùa đông không có án.
Người già cả,
Sống trọn tuổi trời.
Cả thảo mộc côn trùng, ân đức đều đến nơi”.
Cái chí của Tào Tháo chính là như vậy.
Môi trường xã hội chi phối và quyết định hành vi con người. Nhưng con người luôn có xu hướng cải tạo xã hội ngày một tiến bộ hơn, bởi đó cũng chính là nhu cầu của sự tồn tại và phát triển.
13/01/2015
Theo Dân Luận

Không có nhận xét nào: