Pages

Thứ Tư, 14 tháng 1, 2015

Lệnh dỡ nhà thờ giáo xứ Dak Jak

Gia Minh, biên tập viên RFA

dak-jak-1-622

Nhà thờ tạm của giáo dân Công giáo thuộc giáo xứ Dak Jak tại huyện Dak Glei của tỉnh Kon Tum.
 Courtesy thanhnienconggiao


Gần 6000 giáo dân Công giáo thuộc giáo xứ Dak Jak tại huyện Dak Glei của tỉnh Kon Tum trong những ngày này đang tập trung cầu nguyện để giữ lại ngôi nhà thờ tạm mà họ dựng lên để thờ phụng trong mấy năm qua, nhưng bị chính quyền địa phương buộc phải tháo dỡ mà hạn chót được nói là ngày 17 tháng giêng này.


Giám mục Micae Hoàng Đức Oanh trình bày.
Đức giám mục Micae Hoàng Đức Oanh: Vấn đề có hai phía: phía chúng tôi gặp những khó khăn như vậy, phía Nhà nước thì anh em tôi xác định đã hơn một lần nói với chính quyền địa phương là tôi xác tín cán bộ địa phương rất thương chúng tôi, rất hiểu nhu cầu của chúng tôi; nhưng ở trong một chế độ như thế này, với thể chế như thế này thì họ không làm khác được bởi vì đụng đến nồi cơm, địa vị, quyền lợi của họ. Họ không làm khác được vì nó cứ chằng chéo như vậy. Chính những vị cao cấp cũng nói rằng với hệ thống như hiện nay những cá nhân nói chuyện với chúng tôi đều nói họ hiểu, thông cảm với chúng tôi nhưng không thể giải quyết được vì có luật như vậy, chằng chéo như vậy thì chịu thôi. Bây giờ chỉ có đổi thôi, thay đổi luật như thế nào. Chỉ có chừng đó thôi.
Chính những vị cao cấp cũng nói rằng với hệ thống như hiện nay những cá nhân nói chuyện với chúng tôi đều nói họ hiểu, thông cảm với chúng tôi nhưng không thể giải quyết được vì có luật như vậy, chằng chéo như vậy thì chịu thôi
GM. Micae Hoàng Đức Oanh
Gia Minh: Chính những người trong cuộc nói với Đức Giám mục cần phải thay đổi những luật như thế và hệ thống như thế?
Đức giám mục Micae Hoàng Đức Oanh: Họ không nói ra nhưng họ nói như thế này ‘xin quí vị thông cảm với chúng tôi, rất hiểu nhu cầu của quí vị, nhưng ở trên chỉ đạo xuống nên phải làm thôi’. Họ rất thông cảm với chúng tôi, tôi xác định lại như vậy.
Thế nhưng điều quan trọng đối với tôi trong tư cách giám mục: tôi vẫn tự nói với mình và nói với anh em tôi là chúng tôi phải điều chỉnh lại cuộc sống của chúng tôi làm sao để người ta thương mình. Tôi vẫn tự hỏi tại sao chúng tôi có niềm tin tôn giáo tuyệt vời ‘mến Chúa, yêu người’; chúng tôi vẫn thường tự hào là người có đạo, người công dân tốt nhất, là người hiếu thảo nhất nếu như chúng tôi sống đúng Lời Chúa dạy. Mà như vậy nay vẫn có người anh em chưa hiểu chúng tôi, chúng tôi tự trách chúng tôi, điều chỉnh lại cuộc sống chúng tôi bằng cách chúng tôi sẽ xử sự với những chuyện như thế này rất hài hòa bằng cách rất bình thản và chúng tôi phải nói thật điều chúng tôi suy nghĩ, chúng tôi không giả dối, không tự lừa dối nhau hay lừa dối ai cả.
Tôi nghĩ qua những chuyện như thế này, với niềm tin của tôi, là Chúa đang thanh luyện chúng tôi. Tôi cũng nói với cán bộ rằng chính chúng tôi được sai đi loan báo Tin Mừng, Sự Thật và Yêu Thương cho tất cả mọi người mà anh em chúng tôi không làm được, thì chính Chúa có cách là dùng chính cán bộ làm cho chúng tôi. Đó là quan niện của tôi.
Gia Minh: Người giáo dân vẫn theo đúng lời dạy của các vị chủ chăn nhưng rồi họ bị chèn ép không có nơi thờ tự đáp ứng nhu cầu tâm linh của họ?
Họ nói như thế này ‘xin quí vị thông cảm với chúng tôi, rất hiểu nhu cầu của quí vị, nhưng ở trên chỉ đạo xuống nên phải làm thôi’. Họ rất thông cảm với chúng tôi
GM. Micae Hoàng Đức Oanh
Đức giám mục Micae Hoàng Đức Oanh: Điều này kéo dài lâu rồi, ba- bốn chục năm rồi. Lâu như vậy, tôi vẫn thường nói với cán bộ rằng quí vị thông cảm cho chúng tôi, về luật pháp chúng tôi nghiêm túc tôn trọng mặc dù những luật đó có những bất công, bất cập. Chúng tôi đã thi hành luật, chúng tôi nói lên nhu cầu của chúng tôi, chúng tôi làm đơn xin nhưng quí vị cứ ở vòng lẩn quẩn như thế này: ‘chưa có Nhà thờ thì chưa có linh mục, mà chưa có linh mục thì chưa có giáo xứ, mà chưa có giáo xứ chì chưa được cử linh mục làm việc’. Cái vòng lẩn quẩn như vậy thì cuối cùng không bao giờ giải quyết được.
Chúng tôi đã làm hết mức, chúng tôi đã trình bày, chúng tôi đã làm đơn xin nhiều lần mà không cho thì nhu cầu của người có đạo đến lúc họ không chịu đựng được nữa thì họ tự giải quyết cho họ thôi. Tôi lấy ví dụ giống như người phụ nữ: chưa đến ngày sinh thì họ trình bày từ từ, họ yêu cầu, đề nghị…; nhưng đến giờ sinh rồi thì không còn giờ mà xin phép nữa, phải sinh thôi!
Với niềm tin tôn giáo như vậy mà xin miết rồi không được thì phải dựng lên ‘một túp lều’ để ổn định cho anh em chứ không thể kéo dài tình trạng cả 6 ngàn người mà suốt 30 năm phải ngồi ngoài mưa, ngoài nắng mà cuối cùng không ai thấy được động lòng thương thì chúng tôi phải tự giải quyết lấy thôi.
Chúng tôi đã làm hết mức, chúng tôi đã trình bày, chúng tôi đã làm đơn xin nhiều lần mà không cho thì nhu cầu của người có đạo đến lúc họ không chịu đựng được nữa thì họ tự giải quyết cho họ thôi
GM. Micae Hoàng Đức Oanh
Tôi nghe giáo dân nói bây giờ chúng tôi giữ luật đàng hoàng, thành ra quí vị không giữ luật thì chính quí vị đã vi phạm. Giống như đứa con trong gia đình, trước khi đi học ‘thưa ba mẹ con đi học’, đi học về ‘thưa ba mẹ con đi học về’; tức nó có xin phép vào buổi sáng mà bữa nào cha mẹ cũng bảo để coi đã, không cho thì như thế là bất công và nó phải phản ứng. Trường hợp của chúng tôi là như vậy đó; nhưng chúng tôi rất tôn trọng anh em.
Gia Minh: Là một địa phân xa xôi có biết bao khó khăn trong cuộc sống, nay lại gặp khó khăn với chính quyền như thế, so với những địa phận ở các tỉnh, thành; nhưng qua lời Đức Giám mục hẳn đó là một thách thức, rèn luyện để người giáo dân ở Kon Tum vững vàng, thưa Đức Giám mục?
Đức giám mục Micae Hoàng Đức Oanh: Có lẽ tôi cũng phải tự trách tôi là một giám mục không có ‘khéo’; các cán bộ có thể thấy tôi không ‘có khéo’ đủ thành ra cuối cùng… Tôi nghĩ vậy, nhưng tôi tự xét đoán mình đã làm hết mức của mình, Chúa không đòi hỏi tôi làm hơn được.
Gia Minh: Cám ơn Đức Giám mục
.

Không có nhận xét nào: