Pages

Thứ Tư, 14 tháng 1, 2015

Nhà báo Việt Nam và khủng bố Tự do báo chí

Tự do báo chí, tự do ngôn luận
Tự do báo chí, tự do ngôn luận
Câu chuyện của tờ báo Charlie Hebdo cùng hàng triệu người Pháp xuống đường biểu tình chống lại hành động dã man của bọn khủng bố đã làm những người quan tâm tới tự do báo chí một lần nữa đặt ra nhiều dấu hỏi cho cái quyền được xem là sức mạnh thứ tư này. Mặc Lâm tìm hiếu thêm về cái chết của những nhà báo Việt Nam điển hình là Từ Chung của tờ Chính Luận và Tú Rua của tờ Văn Nghệ Tiền Phong.

Tự do báo chí căn bản của thể chế dân chủ

Khi nhắc đến Charlie Hebdo là nhắc tới những bức tranh biếm họa trên tờ tạp chí của họ. Những biếm họa ấy làm khó chịu hàng triệu người mặc dù nó chỉ có chức năng giải tỏa phiền muộn của vài chục ngàn người đọc trong một khoảnh khắc nào đó. Tại sao Charlie Hebdo theo đuổi cái ít ỏi ấy mà bất cần sự tức giận, chống đối của hàng triệu người khác? Câu hỏi này vẫn là đề tài từ cả trăm năm qua khi báo chí thế giới xuất hiện những bức tranh biếm họa đầu tiên để từ đó tới nay những tác giả phiếm ấy vẫn được sự bảo vệ của những nước dân chủ trong cái quyền được hiến pháp quy định: Tự do báo chí.

Nhà báo khắp thế giới luôn là nạn nhân của các chế độ độc tài, quân phiệt, cộng sản ngay cả các tồ chức khủng bố. Trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam cũng từng có nhiều nhà báo nạn nhân bởi các thế lực, cá nhân tấn công, ám sát nhằm bịt tiếng nói của họ. Người bị giết đầu tiên trong lịch sử báo chí Việt Nam là nhà báo Từ Chung, Tổng thư ký nhật báo Chính Luận, tờ báo chống cộng nổi tiếng thời bấy giờ. Trưa ngày 30 tháng 12 năm 1965 hai đặc công cộng sản đã ám sát Từ Chung và hành động này đã được công khai tuyên dương trên mặt báo sau năm 1975.
Nhà báo khắp thế giới luôn là nạn nhân của các chế độ độc tài, quân phiệt, cộng sản ngay cả các tồ chức khủng bố
Nói về việc này nhà báo, nhà văn Uyên Thao, người thành lập tờ báo Sóng Thần rất nổi tiếng của Sài Gòn cho biết:

-Lúc đó tôi nghĩ tờ Chính Luận nó đề cập nhiều vấn đế liên hệ đến những đường lối chính trị phía cộng sản ở miền Bắc vì vậy nó mới xảy ra chuyện liệng lựu đạn nó tấn công tòa soạn Chính Luận rối sau đó là vụ ám sát anh Từ Chung. Đây là vụ coi như xảy ra với báo chí Việt Nam lần đầu tiên lúc đó.

Phản ứng của những người cầm bút chắc chắn không ai chấp nhận được chuyện đó hết còn mình bày tỏ ra sao thì phải nói không khí lúc đó nó không có điều kiện cho mình bày tỏ. Đất nước đang có những biến cố lớn, dồn dập thành ra chuyện một người bị khủng bố sát hại thì cũng giống như chuyện bom đạn giết bao nhiêu người khắp nơi cho nên ít có sự lưu tâm tới ,nói chung là của dư luận chứ còn đối với anh em cầm bút tất nhiên họ đều bất bình đối với chuyện đó.

Khủng bố giết hại nhà báo là tiêu diệt nền tự do ngôn luận

Mục tiêu ám sát nhà báo Từ Chung là mục tiêu chính trị và hành động khủng bố này trong một thời gian dài được xem là yêu nước, anh hùng. Tuy nhiên đối với nhà báo, họ là người mang tin tức đến cho người đọc do đó ám sát nhà báo đồng nghĩa với với bịt nguồn thông tin và tiêu diệt tự do báo chí.

Khủng bố đối với tin tức bất lợi cho cuộc chiến không loại trừ cả những cây bút viết phiếm luận mà mục tiêu của đa số người giữ mục này không giới hạn đối với cá nhân hay tổ chức nào. Trong hoàn cảnh nền chính trị xô bồ gần như mất kiểm soát của Sài Gòn lúc ấy xuất hiện một mục phiếm nổi tiếng của nhà văn Chu Tử trên báo Sống với cái tên Ao thả vịt. Trong cái ao đặc biệt ấy, những con vịt mà Chu Tử nhắm tới không thiếu một ai, kể cả người cộng sản. Giống như Từ Chung trước đó, 5 tháng sau Chu Tử cũng bị ám sát nhưng may mắn là ông thoát chết. Nhà báo Uyên Thao nhớ lại:

-Toàn bộ hoàn cảnh miến Nam lúc đó mình có thể hình dung ra. Xã hội của mình là xã hội đang bị chiến tranh tàn phá. Coi như là nó không bình thường trong khi đó những người có trách nhiệm lo cho đất nước cũng có người lợi dụng tình thế hỗn loạn lo cho chuyện riêng của mình.

Chính vì vậy giới cầm bút chứ chẳng riêng gì ông Chu Tử khó chịu đối với việc người trách nhiệm lơ là đối với việc nước mà chỉ lo chuyện cá nhân, thành ra người ta cần phải bày tỏ thái độ đối với một số những cơ cấu, những viên chức của chính quyền miền Nam. Còn đối với cộng sản thì đương nhiên đối với những người có ý thức thì làm sao mà chấp nhận được cộng sản cho nên chuyện chống cộng sản là chuyện đương nhiên phải chống. Trường hợp anh Chu Tử lúc đó sau này chính người cộng sản họ nói rõ chính họ đã làm việc ấy.

Sau năm 1975, báo chí miền nam Việt Nam di tản sang Mỹ cùng hàng chục nước Tây phương khác. Trong thời gian đầu sự xuất hiện trở lại của các tờ báo trong cộng đồng người Việt là một món ăn tinh thần không thể thiếu. Vậy mà hàng loạt cuộc tàn sát nhà báo đã diễn ra do nhiều thế lực, cá nhân thực hiện khiến báo chí trở thành nạn nhân ngay trên mảnh đất được xem là tự do báo chí nhất hành tinh.

Mở đầu là nhà báo Đạm Phong, chủ nhiệm tuần báo Tự do tại Houston Texas. Ông bị bắn chết tại nhà riêng vào ngày 24 tháng 8 năm 1982. Nhà báo Hoài Điệp Tử, một cây viết nổi tiếng trước năm 1975 cũng bị hỏa thiêu đến chết tại nơi làm việc là tuần báo Mai tại Wesminster, California.

Nhưng vụ ám sát hai vợ chồng nhà báo Tú Rua của tờ Văn Nghệ Tiền Phong đã làm người Việt sững sờ. Văn Nghệ Tiền Phong là tờ báo có rất nhiều độc giả và mục được thường xuyên chú ý một cách thích thú là “Ngày lại ngày” của ký giả Lê Triết tức Tú Rua, ngòi bút trào phúng có giọng văn châm biếm khó kiếm.

Tối 22 tháng 9 năm 1990 Tú Rua cùng với vợ là bà Đặng Thị Trần Tuyết bị bắn chết tại bãi đậu xe trước nhà tại tiểu bang Virginia, nơi có tờ Văn Nghệ Tiền Phong mà ông cộng tác.

Nhà văn Sơn Tùng, người cùng làm việc với Tú Rua lúc ấy kể lại:

-Thời gian tôi cộng tác với Văn Nghệ Tiền Phong thì tôi thấy ngòi bút ông Triết viết trong mục “Ngày lại ngày” rất là sắc bén nhưng có thể nói đôi khi nó cay độc nữa thành ra bị va chạm khá nhiều. Lúc đó độc giả rất thích cái mục của ổng vì ổng chỉ trích rất thẳng thắn. Đôi khi tôi cũng có nói với ổng nhưng mà văn phong của ông Tú Rua như vậy mà nói ổng sửa lại thì nó cũng rất khó. Ông ấy viết thì đúng chứ không phải là không nhưng có cái là quá nặng.

Tôi có thể nói ngay là hoàn toàn không có một thế lực nào mua chuộc ngòi bút của ông ấy được đâu. Có thể nói là ổng rất say mê, say mê cái mục của ổng vì được viết như vậy, vì cái đam mê của ông ấy thì đúng hơn. Cứ mỗi hai tuần một lần ổng đem bài tới lúc tôi làm việc ở tòa soạn. Ông đem bài tới đưa bài cho tôi thì ông ấy ngồi đọc cho tôi nghe rồi ổng bình luận này kia có vẻ thích thú lắm. Ông ấy đam mê cái công việc của ông ấy thì đúng hơn, ổng viết coi như rất nguy hiểm chứ không phải là không.

Lúc trước khi ông ấy chết ông viết một loạt bài đụng chạm rất nhiều và ông biết là nguy hiểm nhưng mà ổng không bỏ được.Ổng viết như quá đam mê thành ra đi đến hậu quả như vậy.

Nhà báo kỳ cựu Uyên Thao của tờ Sóng Thần chia sẻ về vấn đề tự do báo chí của Việt Nam trong thời gian chiến tranh, ông nói:

-Nếu mà nói vấn đề tự do báo chí thì có lẽ lúc nào cũng cần thiết cho đời sống bởi vì nó là điều kiện để bảo đảm cho tất cả mọi công việc tiến hành được tốt. Riêng vào lúc đó mình bị hạn chế do điều kiện của cuộc chiến nên có thể giới hạn trong một mức độ nào. Lúc đó mình vừa có tự do báo chí nhưng cũng có những giới hạn trật chìa. Giới hạn đó không nhằm cản trở những liên hệ đến yêu cầu của cuộc chiến mà nó chỉ là yêu cầu của một số cá nhân.

Nhìn lại hai biến cố đối với nhà báo Việt Nam lúc trước và các nhà báo Charlie Hebdo hiện nay, nhà văn Sơn Tùng cho biết:

-Cái giống nhau là sự bạo động chống lại người cầm bút. Vụ bên Pháp thì chức năng của họ là người cầm bút thì họ viết gì họ muốn. Tự do của người cầm bút bị giết vì bạo lực. Bên này cũng vậy ông Tú Rua ổng chỉ viết những gì ông ấy nghĩ là đúng. Ông ấy bênh vực những gì mà ông cho là đúng nên gây ra sự thù oán với những người bị ổng chỉ trích mặc dù ổng chỉ dùng ngòi bút thôi. Những người đó thay vì lên tiếng lại đi giết ổng, cái đó là cái tuyệt đối tôi thấy phải chống lại.

Tự do báo chí là căn bản của thể chế dân chủ do đó nhà báo khắp nơi trên thế giới vẫn đang nổ lực xây dựng và gìn giữ nó. Khủng bố giết hại nhà báo là trực tiếp giết hại nền tự do không thể thiếu ấy của loài người.

Mặc Lâm

(RFA)

Không có nhận xét nào: