Cầu Nhật Tân - Chỉ đến Hội nghị Trung ương 7 thì mọi người mới rõ, tuy nhiên trước đó, bao nhiêu vốn liếng chính trị đã được Tổng Bí thư xỉa hết vào cửa đồng chí Phạm Quang Nghị, quyết kiếm món hời theo kênh đầu tư lâu dài tại Đại hội 12. Nhìn vào chính trường mấy năm rồi, nhà phân tích đầu tư ít năng lực nhất cũng phải nói rằng đây là kênh đầu tư an toàn và hiệu quả nhất. Xét riêng việc này, so với các đời Tổng bí thư tiền nhiệm, tầm nhìn của nhà đầu tư Nguyễn Phú Trọng không phải là ngắn hạn.
Có điều, kênh đầu tư này cứ càng ngày càng tối. Chỉ xem riêng cái vụ chặt cây thì rõ.
Quản lý nhà nước ở Thủ đô bộ mặt của cả nước mà làm ăn thì văng mạng, mang nặng dấu ấn của mấy ông cai thầu xây dựng. Đáng tiếc, đây đã và đang là cách làm của ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch phụ trách xây dựng cơ bản của Thủ đô, nơi ngốn một phần rất lớn ngân sách xây dựng cơ bản của cả nước hàng năm. Giới quan sát chính trị Thủ đô cho hay, cách làm xưa nay của ông Hùng vẫn vậy. Hồi ông giành được ghế Giám đốc Sở GTVT từ ông Trần Danh Lợi một cách ngoạn mục (đưa ông Lợi xuống làm Phó dù ông Hùng không phải Thành ủy viên, không có chuyên môn Giao thông còn ông Lợi đang là Thành ủy viên, là Tiến sĩ giao thông - ai cũng biết phải Bí thư Phạm Quang Nghị quyết mới được thế), ông đã nhanh nhảu nhân rộng lối làm ăn cai thầu ra toàn bộ Thủ đô. Còn nhớ, trước đó, ông Hùng vẫn là cai thầu xây dựng (Giám đốc Ban Quản lý dự án xây dựng Tả ngạn) với dấu ấn lớn nhất về năng lực của ông là xây cây cầu cỏn con bắc qua sông Đuống về làng đồng chí Trọng mà mất gần chục năm, qua vài lần điều chỉnh khiến vốn tăng nhiều lần so với dự toán ban đầu.
Ngồi ghế Giám đốc sở GTVT mấy bữa, được Bí thư hậu thuẫn, đánh rụp một cái ông bỏ toàn bộ đèn tín hiệu ở các nút giao thông, ngăn và bịt hết các ngã ba ngã tư rồi bắt hàng triệu người dân Thủ đô cùng hàng triệu người khác qua Thủ đô hàng ngày phải đi kiểu rồng rắn ro ông tự vẽ ra (cần nhắc lại là ông Hùng không có chuyên môn giao thông). Mới trước đó, thành phố còn phải đi vay hàng trăm triệu đô la của Pháp và Ngân hàng Thế giới để nâng cấp hệ thống đèn tín hiệu và chỉnh trang các nút giao. Chính chương trình Táo giao thông cũng phải thốt lên “… loay hoay quanh năm hết gỡ lại ngăn, có anh giao thông tăng cường kiếm ăn …”. Báo chí chất vấn thì ông tỉnh bơ bảo đây là chủ trương của Thành ủy, ý là các anh có dám thách thức cái ông chóp bu kia không. Quanh quẩn hết xây lại đập, đập lại xây, ngốn bao tiền, được vài năm, vừa qua ông chán, ông từ bỏ lối dị thường và cho dân đi lại theo lối thông thường, bỏ ngăn nút giao, phục dựng lại đèn giao thông, sau khi đã làm lãng phí không biết bao tiền của nhân dân. Có điều, ông mượn cái mồm Ban Tuyên giáo rêu rao rằng hiệu quả lắm, dân Hà Nội nhờ có ông mà nâng cao được ý thức, biết đi lại theo làn đường. Còn Bí thư thì kịp lăng-xê luôn: lãnh đạo Hà nội phải kén đồng chí nào dám nghĩ, dám làm. Kết quả là ông Hùng nhảy tót lên Phó Chủ tịch Hà Nội. Vừa qua, ông này lại còn được cơ cấu vào Trung ương khóa tới với tham vọng sẽ làm Chủ tịch Hà Nội hoặc Bộ trưởng Xây dựng, Giao thông.
Từ sau khi có Luật Thủ đô ra đời, ông Hùng càng mạnh tay tợn vì có thêm quyền và tiền. Cách làm ăn cai thầu bây giờ được che đậy tinh vi hơn dưới mác “chủ trương”. Qua mấy năm làm ăn ở đất Hà Nội, ông có sự trưởng thành và cao thủ hơn tay cai đầu dài ở chỗ biết đưa thêm cái anh Tuyên giáo vào trong tốp thợ cùng làm ăn. Thế nên báo chí đã quá quen với cảnh, phàm việc gì liên quan đến giao thông đô thị là thế nào Ban Tuyên giáo cũng nhảy vào “định hướng dư luận” theo một mô típ nhàm chán: chủ trương lúc nào cũng đúng, việc này được nhân dân đồng thuận, đánh giá cao … Bí quá thì: chúng tôi luôn lắng nghe ý kiến trái chiều (dù đóng góp đúng đến mấy vẫn bị các đồng chí xếp vào loại trái chiều). Tuyên giáo mà tịt thì đã có Bí thư tiếp sức (tuyên bố chủ trương luôn đúng nhưng cách làm còn nóng vội), hoặc dí anh sở chuyên ngành vào nói bậy bạ (đường Trường Chinh cong một cách “mềm mại”). Bí nữa thì chơi kiểu chày cối như anh cựu công an Phan Đăng Long: không cần phải hỏi dân. Đường cùng thì đưa công an ra dọa. Ngay trong lúc ông Hùng bị báo chí quây tại chính trụ sở UBND Thành phố và phải cuống cuồng tháo chạy thì Bí thư Nghị khôn ngoan ém mình tại quận Nam Từ Liêm chỉ đạo một cuộc họp nhưng vẫn gân cổ ca điệp khúc cũ: đây là chủ trương đúng và thành phố luôn lắng nghe ý kiến trái chiều. Có điều lần này khúc ca của đồng chí không được báo nào đăng tải.
Chặt phá hàng nghìn cây vừa rồi tại thủ đô chỉ là việc làm nhỏ của những ông quan quản lý nhà nước làm ăn theo kiểu cai đầu dài. Nếu công luận không lên tiếng, nay mai tiếp theo sẽ là uốn lại sông Hồng chảy thẳng hướng cho nghiêm túc, thay nước Hồ Tây cho sạch sẽ thơm tho, biến các công viên thành cao ốc cho hiện đại, lấy đất của dân giao cho các tư bản đỏ làm kinh tế cho đỡ lãng phí, đường nào cong thì nắn cho thẳng, đường nào thẳng thì phải biến thành cong cho “mềm mại” kiểu đường Trường Chinh như chính lãnh đạo thành phố từng tuyên bố, vài triệu dân Thủ đô phải ăn mặc nói năng đi lại theo đúng Bộ Quy tắc ứng xử người Hà Nội do Tuyên giáo và Sở Văn hóa ban hành …. "Chủ trương" nào theo các quan lý giải đều đúng hết. Xem ra, nếu trúng Tổng Bí thư, chắc đồng chí Nghị sẽ kiện toàn và nhân rộng mô hình quản lý quốc gia dựa trên thế chân vạc: Cai đầu dài, Tuyên giáo và Công an; thay thế hệ thống pháp luật bằng "Chủ trương" và Nghị quyết.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung - Giám đốc CA Hà Nội - đang trồng cây mà chính quyền gọi là vàng tâm nhưng các nhà chuyên môn gọi là gỗ mỡ (một loại cây rẻ tiền), một phần trong chiến dịch tàn sát và thay thế 6700 cây xanh tại Hà Nội. Cũng trong chiến dịch, nhiều cây gỗ sưa đắt tiền đã bị đốn lấy gỗ bán cho Trung Quốc.
Chỉ riêng vụ chặt hàng nghìn cây rất có thể dẫn tới việc Phó chủ tịch Nguyễn Quốc Hùng bị khởi tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng hoặc ít nhất thì cánh cửa vào Trung ương của ông coi như đã đóng sập. Kết hợp với công luận ngày càng bức xúc trước nhiều sai phạm trong ê kíp dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nghị, người ta thấy gói đầu tư của đồng chí Nguyễn Phú Trọng đang mất giá. Vẫn biết đồng chí đang gắng gượng tìm kiếm kênh đầu tư thay thế, đi Tàu, đi Mỹ v.v., nhưng những việc xảy ra vừa qua chắc chắn sẽ đẩy các chiến lược đầu tư của đồng chí lâm vào khủng hoảng khó dự đoán hậu quả, đặc biệt trong bối cảnh thị trường đầu tư tới đây sẽ phát sinh nhiều diễn biến không thể lường trước.
@ Blog Cầu Nhật Tân - Ngày 21 tháng 03 năm 2015
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét