Từ nay, nhớ lại một vài chuyện bi hài trong thời gian làm luật sư trước đây của mình, tôi sẽ kể lại để quý bạn biết thêm về hệ thống tư pháp và cảnh trần ai của nghề luật sư tại Việt Nam.
Hồi mới hành nghề, còn trong giai đoạn tập sự, có lần tôi được tòa án chỉ định làm luật sư biện hộ trong một vụ án trộm tài sản do Tòa tối cao thụ lý và xét xử theo trình tự phúc thẩm vì bị cáo kháng án. Thông thường, đối với bị cáo không thuê luật sư riêng, mà theo luật cần phải có sự hiện diện của luật sư trong một số trường hợp cụ thể, tòa sẽ yêu cầu Đoàn luật sư phân công một luật sư tham gia biện hộ.
Ngày xử luôn được lên lịch từ trước, nhưng phần vì biếng nhác, phần vì thói quen xem thường quyền được biện hộ của bị cáo xuất phát từ quan niệm “án tại hồ sơ”, nên thư ký tòa luôn để cận thời gian xét xử độ hai hoặc ba ngày mới gửi thông báo đến Đòan luật sư. Đó là vào khoảng giữa thập niên 90.
Dù thời gian gấp, tôi vẫn đọc hồ sơ và chuẩn bị luận cứ biện hộ cẩn trọng, do thói quen nghề nghiệp, kể cả khi làm luật sư chỉ định không nhận tiền thù lao. Để hiểu rõ các tình tiết vụ án, tôi xin gặp bị cáo, nhưng lần đó bị từ chối khéo bởi lý do buồn cười, rằng bào chữa chỉ định thì gặp bị cáo làm gì, mất công tòa và trại giam làm thủ tục giấy tờ, vả lại thời gian không còn đủ. Tôi đành chờ đến ngày xét xử, định vào sớm hơn giờ dự tính khai mạc phiên tòa để gặp bị cáo trao đổi trước.
Giờ khai mạc vụ án dự định là 8 giờ sáng. Tôi đã có mặt từ lúc 7 giờ tại phòng xử của Tòa tối cao, nhưng ngồi chờ hoài vẫn không thấy bên công an dẫn giải bị cáo đến, mà cũng chẳng thấy tòa thông báo khai mạc phiên xử. Mãi đến gần 10 giờ sáng, viên thư ký tòa mới bước vào, yêu cầu mọi người đứng dậy chào hội đồng xét xử. Sau tiếng chuông vang lên, các vị thẩm phán và hội thẩm trịnh trọng đi vào phòng xử từ cánh cửa phía sau.
Tôi thở phào, vì nghĩ dù sao tòa cũng đã bắt đầu sau nhiều giờ chờ đợi kéo dài. Tôi nhìn ra cửa với hy vọng trông thấy bị cáo, nhưng không thấy ai. Chưa kịp định thần, bà thẩm phán chủ tọa mỉm nụ cười tươi như hoa, phân trần với tôi: “Tòa xin lỗi luật sư, hôm nay không xét xử được, vì bên trại giam thông báo không thể trích xuất bị cáo do tìm không thấy bị cáo từ sáng sớm!” Tôi ngỡ ngàng, không tin vào tai mình, hỏi lại: “Bị cáo còn trong giai đoạn chờ xét xử thì phải ở trại giam chứ ở đâu khác ạ?” Bà thẩm phán cười ngượng, “điều này chúng tôi không rõ, nhưng phía trại giam vừa cho biết như vậy. Mong luật sư thông cảm!”
Miễn cưỡng bước ra khỏi phòng xử, tôi mang theo nỗi bâng khuâng và câu hỏi tận đến hôm nay, rằng người đang bị giam mà không ở trại giam thì ở đâu hả trời (?). Phải chi sự vắng mặt là vì một lý do nào khác, như bị cáo bệnh tật nên được chuyển sang khu bệnh xá hay đã trốn trại chẳng hạn, đằng này chính bà thẩm phán đã nói rất rõ “tìm không thấy bị cáo” (!).
Sau này, có dịp gặp bà thẩm phán ấy bên ngoài tòa, tôi nhắc lại chuyện này và hỏi phải chăng bị cáo đã trốn trại vào sáng hôm đó. Bà mỉm cười ý nhị, lắc đầu, trả lời ngắn: “Tại anh chưa biết thôi, không phải lúc nào tìm người không ra là do trốn trại cả.” Tôi vẫn chưa hiểu nổi và mong đây chỉ là trường hợp hy hữu. Chán mớ đời!
Lê Công Định
(FB Lê Công Định)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét