Một trại tỵ nạn người Syria ở biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ.REUTERS/Khalil Ashawi
Hôm qua, 03/05/2015, người phát ngôn của Bộ chỉ huy trung tâm quân đội Mỹ (CENTOM) khẳng định 52 người thiệt mạng trong vụ không tập của liên quân tại miền bắc Syria ngày 30/04 là các chiến binh thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo. Lời bác bỏ này được đưa ra sau khi Đài quan sát nhân quyền Syria (OSDH) cáo buộc không quân liên quân bắn chết ít nhất 52 thường dân.
Trong một thông cáo của Bộ chỉ huy trung tâm quân đội Mỹ, người phát ngôn thiếu tá Curt Kellog tuyên bố các cuộc không tập tại vùng Birmahle, tại Syria, đã phá hủy nhiều vị trí của lực lượng Nhà nước Hồi giáo, và không có bất cứ thường dân nào bị giết hại. Vào thời điểm không kích, các nhóm dân quân người Kurdistan đang đụng độ với tổ chức thánh chiến Hồi giáo, cách Birmahle khoảng 2 km. Theo thiếu tá Curt Kellog, trước trận này, lực lượng Kurdistan - kiểm soát thành phố này trước khi rời bỏ vì bị tổ chức thánh chiến Hồi giáo tấn công – « đã xác nhận không còn dân thường nào kể từ hai tuần nay ».
Theo đài OSDH, trong số 52 người dân bị chết hôm 30/04/2015, vì bom, có có bảy em nhỏ, bên cạnh đó còn 13 người bị kẹt trong các đống đổ nát, và số lượng người thiệt mạng có thể tăng lên. Kể từ tháng 9/2014, liên quân quốc tế do Hoa Kỳ đứng đầu đã không kích nhiều vị trí của tổ chức Nhà nước Hồi giáo ở miền bắc Syria, để hỗ trợ cho các lực lượng nổi dậy tại chỗ.
Mỹ xác nhận cấp bom chùm cho Ả Rập Xê Út
Cũng hôm qua, Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định Washington cung cấp bom chùm hay bom bi – với « các tiêu chuẩn kỹ thuật bảo đảm » - cho liên quân các nước vùng Vịnh, do Ả Rập Xê Út đứng đầu, sau khi tổ chức bảo vệ nhân quyền HRW lên án việc sử dụng bom chùm tại Yemen để chống lại lực lượng Houthi, theo hệ phái Shia.
Trả lời AFP qua thư điện tử, một đại diện của quân đội Mỹ cho biết các bom bi mà Hoa Kỳ cung cấp « bảo đảm tiêu chuẩn để có thể nổ gần như hoàn toàn ». Cũng người này cho biết, có khoảng dưới 1% số bom này không nổ. Theo cáo buộc của các tổ chức nhân quyền, những bom bi không nổ vô hình chung trở thành những trái mìn, có thể nổ bất cứ lúc nào, giết hại hoặc làm bị thương dân thường. Theo Human Right Watch, các phân tích hình ảnh vệ tinh cho thấy loại bom này đã được sử dụng tại một vùng đồi núi, cách khu dân cư khoảng 600 mét.
Bom chùm là loại vũ khí bị cấm theo một hiệp ước quốc tế năm 2008, với 116 nước tham gia, nhưng không có Hoa Kỳ, Ả Rập Xê Út và Yemen. Giới chức quân đội Mỹ khẳng định Hoa Kỳ « hết sức quan tâm đến các thống kê về số lượng người dân thiệt mạng trong các xung đột tại Yemen » và kêu gọi « các bên tuân thủ luật nhân đạo quốc tế, và thực hiện mọi biện pháp để tránh tối đa làm hại thường dân ».
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét