Pages

Thứ Ba, 12 tháng 5, 2015

Richard Trumka - Liệu Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thực sự bảo vệ được các công nhân?

Richard Trumka
Nguyễn Công Huân chuyển ngữ
Cộng đồng thành phố Los Angeles xuống đường phản đối TPP và cơ quan xúc tiến thương mại (TPA) được biết tới với quyền “đàm phán nhanh”. Ảnh: Domian Dovarganes/AP.
Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang được mang ra thương thảo giữa Mỹ và 11 quốc gia trên vòng cung Thái Bình Dương được coi là thỏa thuận thương mại tiến bộ nhất trong lịch sử nước Mỹ, với các điều khoản bảo vệ người lao động và môi trường tốt nhất từ trước đến nay.

Nhưng nó được so sánh với cái gì? Cho tới hôm nay, Hoa Kỳ chưa từng có một thỏa thuận thương mại trong đó có bảo vệ các quyền cơ bản và tăng mức lương và chất lượng cuộc sống cho người công nhân. Các thỏa thuận trước đó đã thất bại trong việc đảm bảo các giá trị tốt đẹp của tiến trình dân chủ, bảo vệ quyền của người tiêu dùng cũng như bảo vệ môi trường. So sánh hiệp định TPP với các thỏa thuận trước đó là sử dụng một tiêu chuẩn quá thấp.
Trong khi đã có những cải thiện nhỏ về điều khoản lao động trong các hiệp ước thương mại trong thời gian gần đây, việc thực hiện các điều khoản này vẫn rất tồi tệ.
Vào tháng 4 năm 2008, Liên Đoàn Lao Động Mỹ (AFL-CIO), cùng với một vài liên đoàn lao động của Guatemala, đã nộp một đơn khởi kiện theo quy định trong Thỏa Thuận Thương Mại Tự Do khu vực Trung Mỹ. Đây là bước đầu tiên để bắt đầu quá trình khiếu nại rằng đã có sự vi phạm các cam kết bảo vệ người lao động được đặt ra trong hiệp định. Đơn khởi kiện cáo buộc chính phủ Guatemala đã thất bại trong việc thực thi chính luật lao động của mình – cấm đoán và hạn chế các hoạt động công đoàn, cũng như sử dụng bạo lực và đe dọa, bao gồm ám sát hai nhà hoạt động công đoàn.
Bẩy năm sau, vụ việc vẫn chưa được một ban hội thẩm giải quyết tranh chấp lắng nghe và công nhân vẫn tiếp tục chờ đợi công lý.
Vào tháng 3 năm 2012, AFL-CIO và hơn 20 tổ chức lao động ở Honduras cáo buộc chính quyền Honduras cũng không thực thi luật lao động của mình. Đơn khởi kiện nêu chi tiết những vi phạm nghiêm trọng ảnh hưởng tới hàng trăm công nhân. Chính quyền Honduras không chỉ thất bại trong việc bảo vệ người công nhân khỏi bị đánh đập và ám sát, mà chính cảnh sát và quân đội đã có liên quan đến một số các trường hợp đàn áp này. Bất chấp những vi phạm nghiêm trọng và diễn ra liên tục, chính quyền Obama đã phải mất gần 3 năm để đưa ra một báo cáo. Các công nhân vẫn chờ đợi công lý.
Vào tháng 4 năm 2010, chính quyền Hoa Kỳ và Colombia với mục tiêu đẩy nhanh việc phê chuẩn một hiệp ước thương mại đã bị trì hoãn lâu nay giữa hai nước, đã tuyên bố một “kế hoạch hành động lao động”, trong đó dự định làm cho Colombia tuân thủ các quyền người lao động được thế giới công nhận. Kể từ khi kế hoạch này được tuyên bố, 105 nhà hoạt động công đoàn ở Colombia đã bị sát hại. Rõ rang, một tiêu chuẩn mới – được cho là rất gần với những gì đang được thỏa thuận trong TPP – là không đủ cho một nhiệm vụ to lớn là tạo một sân chơi bình đẳng giữa người lao động Hoa Kỳ và Colombia. Các công nhân vẫn chờ đợi công lý.
Phong trào lao động đã phải đấu tranh hơn 20 năm để đưa được các điều khoản lao động có thể thi hành vào các hiệp ước thương mại. Người lao động ở Hoa Kỳ - và ở các quốc gia mà chúng ta buôn bán với – có lợi ích kinh tế trong việc đảm bảo các quyền cơ bản được tôn trọng. Nếu người chủ có thể vi phạm quyền được có công đoàn bảo vệ mà không bị trừng phạt, họ sẽ dễ dàng hạ lương của người lao động trên toàn thế giới.
Đó là lý do tại sao AFL-CIO, làm việc cùng với các liên đoàn lao động từ các quốc gia TPP khác, đã đệ trình lên chính phủ Hoa Kỳ những gợi ý trong vòng 5 năm qua để cải thiện chương về người lao động, và giải quyết những thất bại trong các thỏa thuận thương mại trước đó.
Các khuyến nghị của chúng tôi bao gồm, ngoài một số điều khoản khác, quyền được yêu cầu bồi thường dựa trên một vi phạm nghiêm trọng (ví dụ như đuổi việc hàng loạt hay tấn công bạo lực), các quy tắc và thời hạn rõ ràng để xử lý nhanh chóng các trường hợp vi phạm, bảo vệ công nhân định cư, cấm các mặt hàng được sản xuất bởi lao động cưỡng bức hoạt lao động trẻ em, một ủy ban độc lập để nghiên cứu và xem xét việc thực thi quyền lao động và các tiêu chuẩn mới liên quan đến kiểm tra điều kiện lao động và mức sống của người lao động.
Chúng tôi không biết rằng liệu những khuyến nghị của chúng tôi có được đưa vào TPP, bởi vì hiệp định này vẫn chưa được công bố ra công chúng. Nhưng chính quyền đã không đưa ra một chỉ dấu công khai nào rằng các gợi ý của chúng tôi đã được đưa vào các văn bản đàm phán – chưa nói tới đến bản thảo hiệp định. Cho tới khi chúng tôi nghe thấy điều gì khác, chúng tôi tiếp tục không ấn tượng về những lời lẽ bay bổng của chính quyền về các điều khoản lao động sẽ tiến bộ và mạnh mẽ ra làm sao. Chúng tôi đã nghe thấy những lời hứa hẹn tương tự trong quá khứ.
Việt Nam, Mexico, Brunei và Malaysia – tất cả các nước thành viên TPP – đang là những người vi phạm quyền con người và quyền lao động khủng khiếp, và đang không tương thích với những tiêu chuẩn được cho là sẽ đặt ra trong TPP. Không có một kế hoạch cụ thể nào ngăn cản các quốc gia này hưởng lợi từ TPP cho tới khi họ tuân thủ theo tiêu chuẩn.
Điều này khiến người ta nghi ngờ rằng liệu TPP sẽ tạo ra một sân chơi bình đẳng cho công nhân? Lịch sử cho thấy rằng chúng ta có một cơ hội để làm cho đúng. Đó là lý do tại sao chúng tôi phản đối việc giao cho nội các Obama quyền “đàm phán nhanh”, trong đó sẽ hạn chế quyền của Quốc Hội trong việc đặt dấu ấn lên bản Hiệp định. Chính quyền cần phải công bố văn bản hiệp định và cho công chúng tự mình đánh giá liệu hiệp định này có thực sự nâng cao tiêu chuẩn về người lao động cũng như điều kiện lao động không, khi mà những điều khoản tương tự được đặt trong các thỏa thuận trước đây tỏ ra không hiệu quả. Nếu không làm được thế là vô trách nhiệm.
Richard Trumka là chủ tịch Liên đoàn Lao Động Mỹ (AFL-CIO).

Không có nhận xét nào: