Pages

Thứ Hai, 11 tháng 5, 2015

SAO NHÀ VĂN LẠI GẠCH TÊN NHAU ?

Lê Minh Quốc 

Có một điều dễ nhận ra nhất là thái độ của nhà văn khi không đồng tình một vấn đề gì thì họ lại dành cho đối tưọng nhiều... tràng vỗ tay. Nhà thơ Phan Vũ bức xúc: “Tôi đã từng dự ĐH nhà văn từ khoá I đến nay, nhưng chưa bao giờ tôi lại thấy các nhà văn ta có một biểu hiện kỳ cục như vậy. Bất kỳ ý kiến nào, dù hay hoặc dỡ, dù đồng tình hay không thì họ cũng cứ vỗ tay kéo dài một cách quá nồng nhiệt!”.

 
Trước đó, tôi nhận thông tin trên trang NVTPHCM: “Vào lúc 8g sáng ngày 5.5.2015, tại trụ sở Liên hiệp các Hội VHNT TP.HCM (81 Trần Quốc Thảo, Q.3, TP.HCM) chính thức khai mạc Đại hội Khu vực TP.HCM nhằm chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà văn Việt Nam khoá IX nhiệm kỳ 2015-2020 diễn ra vào tháng 7.2015. Đại hội Khu vực TP.HCM nghe tổng kết và góp ý về hoạt động của Hội và Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam nhiệm kỳ VIII, Điều lệ Hội sửa đổi, phương hướng nhiệm kỳ IX, bỏ phiếu đề cử 15 thành viên dự kiến Ban Chấp hành Hội khoá mới… Do Đại hội toàn quốc Hội Nhà văn Việt Nam khoá IX sắp tới chỉ có 50% đại biểu hội viên tham dự, nên Đại hội Khu vực TP.HCM cũng như các khu vực khác sẽ tiến hành bầu chọn đại biểu cho mình”.


Sau đây là vài con số cần ghi nhận: Có cả thảy 154 nhà văn đang sinh hoạt tại chi hội TP.HCM, (chưa kể các nhà văn thuộc chi hội lực lượng vũ trang); cao niên nhất là nhà văn Xuân Thu, sinh năm 1921 tại Hải Phòng. Ông nổi tiếng với tập truyện ngắn Ông lão chăn bò trên núi Thắm, in năm 1957, dịch sang tiếng Pháp năm 1978. Sáng qua, chỉ có chừng 90 người tham dự, bầu lấy 76 người.

Sao lại bầu chọn bằng cách gạch tên nhau? Đồng nghiệp vốn tôn trọng chữ nghĩa lại hành xử tàn nhẫn đến thế ư? Nghĩ cho cùng chẳng ai có quyền gạch tên ai, dựa vào tiêu chí nào hay chỉ hoàn toàn cảm tính vu vơ? Không có sự giải thích nào nghe "lọt tai". Lúc gạch tên có ai nghĩ về cái tình của thân phận "con tằm nhả tơ" bọt bèo ngày ngày cắm mặt xuống từng trang viết đã chung nỗi niềm "đã mang lấy nghiệp vào thân" nhọc nhằn lắm, đơn độc lắm?

Chào cờ khai mạc Đại hội Khu vực TPHCM của Hội Nhà văn VN tổ chức ngày 5.5.15

Nhà văn Trần Đức Tiến - Ủy viên Ban Chấp hành Hội trình bày dự thảo

Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà văn VN khóa IX 2015-2020

"Phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị góp phần

xây dựng con người và văn hóa Việt Nam".

Cứ theo văn bản đã công bố, hiện nay, Hội Nhà văn Việt Nam có 1.016 hội viên, với cách chọn 50% thì sẽ có 504 nhà văn dự Đại hội lần thứ IX. Lần đầu tiên nghe công bố tên của 26 nhà văn thuộc hội viên Hội Nhà văn Việt Nam tham gia Văn đoàn Độc lập. Những người này thuộc diện bị gạch tên đầu tiên trong danh sách bầu chọn đại biểu hội viên tham dự Đại hội, chứ không phải bị khai trừ ra khỏi Hội như ai đó cố tình hiểu nhầm. Mà có khai trừ cũng không được, vì căn cứ vào Điều lệ Hội Nhà văn Việt Nam, chương III, phần Hội viên, Điều 12 quy định nhiệm vụ:

“a) Tích cực xây dựng và phát triển văn học Việt Nam thông qua các hoạt động sáng tác, lý luận, phê bình và dịch thuật văn học.

b) Thi hành điều lệ và các nghị quyết của Hội, tham gia các hoạt động của Hội;

c) Phát triển, bồi dưỡng lực lượng sáng tác trẻ và giới thiệu hội viên mới”.

Do đó, trong dự thảo Báo cáo sửa đổi Điều lệ Hội Việt Nam, nay mới có câu thêm: “d) Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam không được tham gia các tổ chức bất hợp pháp”. Mà nghĩ cho cùng tư cách cần có ở đời, đã A thì không B. Và ngược lại. Vừa A lẫn vừa B, chẳng ai biết đâu mà lường. A hay B là quyền lựa chọn của mỗi người. Chẳng ai có thể khuyên nên A hay nên B. Nghĩ rằng, A ra A, B ra B cũng đáng ghi nhận như nhau - bởi đó là sự lựa chọn của mỗi người. Nếu sự lựa chọn ấy thật tâm, thật lòng tùy vào nhận thức, tùy góc nhìn của mỗi cá nhân. Mọi việc phải rạch ròi. Chứ đã A lại B, đã B lại A thì rách việc quá. Hai chọn một thôi, chứ mâm nào cũng xỏ đũa vào là sao? Mà A hoặc B cũng chẳng ý nghĩa gì cả, nếu cuối cùng có hoặc không những gì đã viết đặng phụng sự bạn đọc? 

Còn nhớ trước đây, khi chuẩn bị ra Hà Nội dự Đại hội Nhà văn khóa XIII, Thành ủy TP.HCM, đại diện là ông Ba Đua có buổi gặp gỡ các nhà văn tại hồ Kỳ Hòa và sau đó, tài trợ kinh phí chuyến đi cho những ai đi dự Đại hội. Tất nhiên, vì nhiều lý do cũng có người không đi. Lúc ấy, đại hội toàn thể, ai là hội viên cũng đều có quyền tham dự, chẳng có bầu chọn gì cả. Nay có chuyện đưa ra danh sách và hội viên tự gạch tên nhau.

Vấn đề Đại hội nhà văn, với nhà văn thật ra chỉ là cái cớ thăm thú nhau, có một chuyến du hí, gặp gỡ đồng nghiệp hơn là bàn chuyện nghề nghiệp, quan niệm sáng tác, bởi đơn giản, viết là câu chuyện muôn thuở của một người. Một người lữ hành băng qua sa mạc, những tiếng vỗ tay, hò reo cổ vũ, nếu có càng hay, bằng không họ vẫn nhẫn nại một mình trên con đường đã chọn. Một mình, một bàn. Đèn khuya, một bóng. Chẳng ai có thể truyền lại kinh nghiệm viết cho ai. Cuộc gặp gỡ là hàn huyên, bia bọt, hỏi han nhau, chỉ thế thôi. Chẳng rõ đến lúc nào, chính những người trong cuộc mới đặt câu hỏi nghiêm túc: “Hội Nhà văn đã đứng ở đâu trong nhận thức của nhà văn?”. Đành rằng, đây là một tổ chức chính trị và nghề nghiệp nhưng hiện nay, yếu tố nào nổi trội hơn?
Từ trái sang, các nhà văn:
Trần Văn Khang, Lê Minh Quốc, Trương Nam Hương,
Dương Trọng Dật, Phan Hoàng, Trần Hữu Tá, Quang Chuyền. Hai nhà văn chi hội công an là khách mời Đại hội: Trần Thanh Hà và Phùng Thiên Tân
Nhân đây, chép lại bài báo Các nhà văn thích... đùa (!?) tường thuật lại Đại hội Nhà văn VN lần thứ VIII. Xem như tư liệu của một thời. Chẳng rõ, những vấn đề đặt ra trong bài viết này, sắp đến, Đại hội lần IX có thay đổi gì không? Tôi viết nguyên văn như sau:

"Đến cuối ngày 5.8.2010, ĐH Nhà văn lần thứ VIII đã chọn được 18 nhà văn để đưa ra ứng cử vào BCH nhiệm kỳ mới: Trung Trung Đỉnh, Võ Thị Xuân Hà, Nguyễn Hoa, Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Thị Thu Huệ, Văn Công Hùng, Đình Kính, Linh Nga Niết Đam, Đào Thắng, Lê Quang TrangĐinh Quang Tốn, Nguyễn Quang Thiều, Hữu Thỉnh, Dưong Thuấn, Trần Đức Tiến, Vũ Hồng, Phan Trọng Thưởng, Khuất Quang Thụy. Sáng nay 6.8, các đại biểu sẽ bầu ra 15 ngưòi vào Ban chấp hành mới.

Có thể nói, Đại hội (ĐH) Hội Nhà văn VN là một trong những hội chuyên ngành được công chúng quan tâm nhất. Để có thể diễn ra từ ngày 4 đến 6.8.2010 tại Hà Nội, trước đó, Hội đã tiến hành 10/10 đại hội cấp cơ sở trong cả nước nhằm quán triệt các văn bản, Chỉ thị của Ban Bí thư, Ban chỉ đạo ĐH các hội văn học nghệ thuật Trung ương. Và ngay cả trước lúc tiến hành ĐH thì hầu hết Thảnh ủy các địa phương cũng đã tổ chức những cuộc gặp gỡ thân mật với nhà văn - như một sự chia sẻ, chúc mừng và gửi gắm ở các nhà văn khi tham dự ĐH của nhiệm kỳ 2010 - 2015.

Ở ĐH lần này, có 776/ 923 đại biểu trong cả nước tham dự, như thế có đến 187 nhà văn đã vắng mặt. Sáng ngày 5.6.2010, Ban chấp hành khoá VII đã thông qua các Quy chế ĐH toàn quốc, Quy chế bầu cử, Quy chế điều hành của chủ tịch đoàn... Qua các báo cáo này ta được biết, trong nhiệm kỳ vừa qua (2005 - 2010), Hội Nhà văn VN đã được Nhà nước cấp 86 tỷ 625 triệu. Hội đã sử dụng chi cho nhiều hoạt động hữu ích, trong đó Hội đã chi “kinh phí tài trợ sáng tác”: 14 tỷ 712 triệu! Đáng lưu ý Hội đã “tài trợ thường xuyên để công bố tác phẩm cho 802 lược nhà văn với số tiền 4 tỷ 281 triệu”, nhưng đến nay còn có đến 40 nhà văn chưa thanh lý hợp đồng!

Với sự đầu tư ưu ái như thế, nhưng nhìn chung trong nhiệm kỳ 5 năm vừa qua các nhà văn VN chúng ta vẫn chưa có được những tác phẩm thật sự lay động tâm hồn của hàng triệu triệu độc giả. Ngoài ra, trong bản kiểm của BCH Hội Nhà văn khóa trước cũng thừa nhận: “Việc theo dõi sáng tác của hội viên trong từng địa phưong còn chưa thật sát sao, chặt chẽ, dẫn đến việc Hội đồng tuyển chọn còn để sót nhiều tác phẩm trong việc xét duyệt chấm giải cũng như việc kết nạp hội viên... Công tác chấm giải văn học hàng năm của Hội nhìn thực hiện đúng quy chế, chọn đựơc nhiều tác phẩm hay, nhưng phần nào cũng chưa phản ánh đứng hình hình phát triển văn học...”.

Sau khi nhà thơ Hữu Thỉnh đưa ra danh sách đề cử vào đoàn chủ tịch: 19 nhà văn, đoàn thư ký: 6 nhà văn để tiến hành ĐH, ngay lập tức nhà thơ Bùi Minh Quốc đã “xin có ý kiến”. Không đợi micro chuyển đến, ông đã nhanh chân lên diễn đàn phát biểu với yêu cầu phải có thông tin về những người được đề cử để ĐH xem xét họ có xứng đáng hay không? Ý kiến này các đại biểu đã “bỏ qua” bằng cách biểu quyết đồng ý với danh sách vừa được đề cử.

Kế đến là phần phổ biến các thông tin về thể lệ bầu cử, đã có nhiều ý kiến khác nhau khá sôi nổi, hào hứng. Nhưng đã có một tình huống xẩy ra ngoài dự kiến, gây bất ngờ của nhiều người. Có lẽ do thiếu kiềm chế, hoặc vì một lý do nào đó, nhà thơ Trần Mạnh Hảo đã đi lại trong hội trưòng “xin phát biểu” ý kiến. Trong lúc ngưòi đang điều khiển chưong trình là nhà văn Hữu Ước chưa kịp mời, bỗng nhà thơ Trần Mạnh Hảo đã nhanh chóng giành được micro! Ông phát biểu gì thì không ai được rõ, vì... micro không có âm thanh. Quyết không cuộc, ông Hảo tiếp tục lao lên diễn đàn, nhưng lần này âm thanh cũng “tắt ngúm”!

Có một điều cũng khá bất ngờ nữa, là giữa lúc cần thảo luận, trao đổi về các vấn đề thuộc về quy chế, không ít nhà văn đã bàn về chuyện... sáng tác! Chẳng hạn, nhà thơ Dư Thị Hoàn đặt câu hỏi: “Vì sao báo Văn Nghệ - cơ quan ngôn luận của Hội ngày càng “xuống cấp và nghiệp dư hoá”! Nhà thơ Vy Thùy Linh lại đề nghị về chuyện phải kết nạp Hội cho các nhà văn trẻ! Có một điều dễ nhận ra nhất là thái độ của nhà văn khi không đồng tình một vấn đề gì thì họ lại dành cho đối tưọng nhiều... tràng vỗ tay. Nhà thơ Phan Vũ bức xúc: “Tôi đã từng dự ĐH nhà văn từ khoá I đến nay, nhưng chưa bao giờ tôi lại thấy các nhà văn ta có một biểu hiện kỳ cục như vậy. Bất kỳ ý kiến nào, dù hay hoặc dỡ, dù đồng tình hay không thì họ cũng cứ vỗ tay kéo dài một cách quá nồng nhiệt!”.

Thật vậy, trong phần đọc tham luận của các nhà văn thì “hiện tưọng” này đã lập đi lập lại nhiều lần. Điều này đã khiến không ít nhà văn cảm thấy nản hoặc “yếu bóng vía” đã xin rút lui, không đọc tham luận với lý do rất giống nhau là “đau cổ họng”! Mà điều đáng suy nghĩ là những vấn đề được đăt ra trong tham luận ít được các đại biểu quan tâm. Có lẽ do tham luận đề cập đến những vấn đề quá cũ, chẳng hạn thế nào là một tác phẩm hay? hoặc lại đề cập đến những vấn đề mà nhà văn ít rành rẽ như chuyện về nhân sự, bầu cử v.v....?

Nhà văn Trần Thanh Giao đọc tham luận “Để có một tác phẩm”, theo ông phải là tác phẩm đạt được Chân, Thiện, Mỹ; nhà văn Võ Khắc Nghiêm cảnh báo một số nhà văn thuờng biếm nhẽ Hội, nhưng lại... không xin ra khỏi hội; nhà văn Lê Bá Thự cũng nêu các vấn đề kết nạp hội viên mới và các giải thưởng văn học của hội vẫn chưa được sự đồng tình cao trong dư luận; nhà thơ Nguyễn Việt Chiến đặt câu hỏi “Vì sao thơ ngày càng ít người đọc?”, bên cạnh đó các nhà văn Bích Ngân, Trần Hũu Lục, Phan Trọng Thưỏng, Nguyễn Gia Nùng, Phạm Đình Trọng,Lê Phương Liên, Thùy Dưong cũng đọc tham luận v.v... Không ít người trong số này đã được nhận khá nhiều... tràng pháo tay kéo dài! Vì lý do đó, vừa bước lên diễn đàn nhà văn Phong Lê đã “rào trước đón sau” rằng, nếu ai vỗ tay thì sẽ xuống ngay. Rồi cuối cùng cũng những tràng pháo tay vang lên! Thật khó lý giải điều này, các nhà văn không tôn trọng đồng nghiệp? hay đồng nghiệp đã nói những điều mà theo họ “biết rồi khổ lắm, nói mãi” chăng?" (Nguồn: báoPhụ Nữ TP.HCM số ra ngày 6.8.2010)

Chiều nay, bỗng dưng trời đổ một mưa lớn.

Sực nhớ lại câu nói trứ danh của Kim Thánh Thán qua bản dịch Nhượng Tống: “Mùa hè qua tháng Bảy. Mặt trời đỏ ngang trời. Gió cũng không! Mây cũng không! Sân trước, sân sau, nắng chói như lò lửa. Không một con chim nào dám bay. Bồ hôi ra khắp mình, ngang dọc thành rãnh nước. Cơm để trước mặt không sao nuốt được. Trải chiếu muốn nằm dưới đất thì đất ướt như mỡ. Ruồi xanh lại xúm đến, leo lên cổ, đậu lên mũi, đuổi chẳng buồn đi. Đương lúc không biết làm thế nào được, bỗng dưng mây đen kéo đến kín, tiếng rầm rầm rộ rộ nghe như có trăm vạn, chiêng, trống… Mái tranh chảy như thác. Bồ hôi trên mình biến mất. Đất ráo như lau. Ruồi bay hết. Ăn cơm thấy ngon miệng. Há chẳng sướng sao?”

Không có nhận xét nào: