Phi cơ Hoa Kỳ tại căn cứ Atsugi, Nhật Bản (ngày 19/11/2014).REUTERS/Mass Communication Specialist 2nd Class Douglas G. Wojci |
Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Việt Nam tuyên bố như trên khi được hỏi về phiên điều trần của Uỷ ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ về Biển Đông tại Washington ngày 13/05.
Khi được hỏi về việc Mỹ dự trù phương án đưa chiến hạm và chiến đấu cơ đến gần các đảo nhân tạo của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa trên Biển Đông, ông Lê Hải Bình không trả lời trực tiếp mà chỉ nói chung chung : "Chúng tôi mong muốn các bên liên quan, các quốc gia trong và ngoài khu vực có những nỗ lực tích cực đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, và an toàn hàng hải ở khu vực và không có những hành động làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông”.
Theo hãng tin Reuters, một quan chức Mỹ, xin được miễn nêu tên, ngày 12/05/2015 cho biết là bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter đã đề nghị nghiên cứu nhiều phương án khác nhau, trong đó có phương án gởi các chiến hạm và chiến đấu cơ đến khu vực cách những đảo nhân tạo của Trung Quốc chưa tới 12 hải lý ( 22 km ).
Việc triển khai chiến hạm và chiến đấu cơ đến Biển Đông là nằm trong khuôn khổ các chiến dịch thường xuyên của quân đội Mỹ nhằm bảo đảm quyền tự do lưu thông hàng hải trên thế giới.
Trong cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm qua, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố Trung Quốc “vô cùng lo ngại” về việc Mỹ lên kế hoạch triển khai chiến hạm và chiến đấu cơ đến gần các đảo nhân tạo của Trung Quốc.
Cũng trong cuộc họp báo hôm nay, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết là Việt Nam đang theo dõi sát giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc đang hoạt động ở khu vực giếng Lăng Thủy trên Biển Đông, "để sẵn sàng ứng phó khi có sự việc xảy ra trên biển".
Cục Hải sự Trung Quốc ngày 06/05 vừa qua đã thông báo giàn khoan HD 981 sẽ hoạt động từ ngày 6 đến 16/05 tại địa điểm nói trên, cách thành phố Tam Á, tỉnh Hải Nam 75 hải lý về phía Đông Nam./Thanh Phương (RFI)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét